Con người thuộc tầng lớp thượng lưu là con người trí tuệ, con người sống, học tập, hành động với hệ giá trị gốc.
Đấu tranh giai cấp đã từng là vấn đề căn bản trong một thời kỳ lịch sử dài của đất nước. Xóa bỏ giai cấp từng là mục tiêu tối quan trọng nhất. Thế nhưng, thời gian qua đi, thực tế đã chứng minh rằng, dù muốn hay không, sự tái phân chia tự nhiên các tầng lớp xã hội vẫn cứ hình thành.
Điều gì tạo ra sự khác biệt giữa các tầng lớp xã hội?
Đó chính là hệ giá trị mà họ theo đuổi.
Nhìn lại những thập kỷ qua, sự biến mất khoảng cách, hay đúng hơn là “cào bằng” đẳng cấp của các tầng lớp xã hội đã tạo ra một sự xáo trộn giá trị khủng khiếp. Ta hãy nhớ lại câu chuyện về Xuân “tóc đỏ”, từ một kẻ du thủ du thực, trở thành “thần tượng”. Đó là câu chuyện bi hài về một đám trọc phú xúm vào tôn vinh tầng lớp “bình dân”, đã gây ra một cuộc đảo lộn giá trị. Tất nhiên, điều chính yếu ở đây là lưu manh gặp trọc phú, sự kết hợp “đôi lứa xứng đôi” đó đã tạo nên một tấn kịch lố lăng thảm hại.
Nhưng nhìn vào xã hội hiện nay, ta có thấy lại hình ảnh của tấn kịch thời Số đỏ?. Đọc báo, thấy cụm từ “tha hóa”, “xuống cấp đạo đức” nhan nhản. Tha hóa, xuống cấp – cùng nghĩa với mất gốc. Vậy gốc của đạo đức là gì? Tại sao nó mất? Cái gì đã và đang thay thế nó?
Một thời gian dài sau khi san bằng các tầng lớp xã hội, chúng ta đã sống trong nghèo đói, kiệt quệ về cơ sở vật chất. Sau đó, chính sách mở cửa đã làm bùng lên giai đoạn giàu xổi nhanh chóng. Rất đông “nhà giàu mới” đã kiếm lợi từ những khoản tiền bất chính và tạo ra một tầng lớp trọc phú. Không ít người trong số này xuất phát từ một tầng lớp thấp hơn (được đo đếm bằng một hệ giá trị thấp hơn, đó là miếng ăn). Nhưng khi trở nên giàu có, họ đột nhiên “có uy”. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền” – họ tìm cách áp đặt hệ giá trị của tầng lớp mình cho xã hội và tạo ra một cuộc “cách mạng tầng lớp”.
Hệ giá trị thấp kém của tầng lớp “nhà giàu mới” này dần trở thành “chuẩn mực mới” của xã hội. Chuẩn mực thấp kém ấy khiến cho đạo đức suy đồi, trắng đen lẫn lộn, văn hóa thì ở trong tình trạng “hoa sen xuống dưới, bèo treo lên trên”. Cảnh tượng này nhan nhản từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ những khu ổ chuột cho đến những tòa nhà hạng sang.
Bạn cần một ví dụ ư?
Hãy nhớ tới những cuộc chè chén nhậu nhẹt đã trở thành chuẩn mực của các cuộc giao đãi. Những cuộc chè chén ăn nhậu, ban đầu chỉ là phục vụ làm ăn cho giới nhà giàu mới, vốn là cách họ xây dựng quan hệ, kiếm chác, đi đêm với nhau. Người ta nhìn vào, liền nghĩ “đi ăn nhậu là việc của người đẳng cấp, là công to việc lớn”, thế là Ăn nhậu đã lan nhanh như dịch bệnh và trở thành một hoạt động “mặc định”: không nhậu không phải dân chơi.
Hãy nhớ tới mốt “chạy trường chạy điểm”. “Chạy trường chạy điểm” ban đầu là giải pháp cho những đứa trẻ “con ông cháu cha”, nhà có của, nhưng học dốt, bố mẹ không muốn xấu mặt, mới bỏ tiền ra chạy chọt cho con. Ấy vậy mà giờ đây nó đã trở thành trào lưu cuốn cả xã hội vào với niềm tin phải có tiền mới có giáo dục tốt.
Hãy nhớ tới những cuộc chạy đua theo hàng hiệu để chứng minh ta đây là người sành điệu. Bao nhiêu tiền bạc đã tiêu tốn một cách lãng phí để tạo ra vỏ bọc hào nhoáng vô ý nghĩa.
***********
Vậy, tầng lớp thượng lưu thực sự trong xã hội là ai? Thang giá trị gốc của họ là gì? Tại sao hàng ngàn năm trôi qua, vô vàn những ông vua, những ông chủ giàu có … đều đã bị quên lãng, nhưng những tên tuổi trí thức thượng tầng thì vẫn sống mãi và vẫn được học hỏi lại mỗi ngày?
Thượng lưu, nghĩa gốc là đầu nguồn. Đầu nguồn là tư tưởng gốc, giá trị gốc, cốt lõi. Đó là những giá trị bất biến theo thời gian, đi qua bão tố thời cuộc, đi qua mọi thử thách. Bất kỳ xã hội nào ta cũng thấy có một tầng lớp nắm giữ tinh thần cốt lõi của nó. Trong Star Wars, khi hành tinh Vulcan với gần 6 tỉ dân bị hủy diệt, thuyền trưởng tàu American Capital đã cố hết sức cứu nhóm trưởng lão, những người lưu giữ gốc văn hóa của hành tinh. Ông nói: họ còn, hành tinh sẽ còn.
Hàng ngàn năm lịch sử Việt Nam đã trôi qua. Hàng ngàn năm lịch sử thế giới đã trôi qua. Giá trị gốc của con người, dù ở đất nước nào vẫn không thay đổi. Nhân nghĩa lễ trí tín, văn hóa, trí tuệ, tinh thần tự do, ý chí sáng tạo … vẫn là gốc. Trí tuệ, sự hiểu biết, học hỏi, sự kiên định bảo vệ những giá trị gốc – chính là điều tạo nên tầng lớp trí thức tinh hoa.
Con người thuộc tầng lớp thượng lưu là con người trí tuệ, con người sống, học tập, hành động với hệ giá trị gốc. Ở họ, những buồn vui, mong ước, yêu thương, chiến đấu, sáng tạo, mất mát … đều mang một ý nghĩa sâu sắc và vì người khác. Họ là người nâng đỡ tinh thần của những người xung quanh, như một tấm gương khi soi vào người khác thấy mình còn cần nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện mình.
Họ tỏa ra ánh sáng trí tuệ, độc lập, không hòa lẫn vào đám đông, không bị tạp nhiễm dễ dàng bởi những hệ tiêu chuẩn thấp kém. Họ dù giàu hay nghèo, làm việc hay sống ở đâu, cũng thể hiện cốt cách của mình. Những người trí thức tinh hoa có sức ảnh hưởng tốt đẹp, tạo sự thay đổi cho xã hội thông qua lối sống/ tư tưởng/ công việc … của mình. Họ là những người bảo vệ sự trong sạch của dòng chảy từ thượng nguồn, họ là những cánh chim đại bàng luôn trải rộng, không bao giờ chùn bước, và hướng tới những hệ giá trị cao hơn, cao mãi.
Đó là điều tâm niệm với chúng tôi, những người chủ trương trang “Phụ nữ thượng lưu”. Chính trí tuệ là điều kiện tiên quyết làm nên tính thượng lưu trong con người.
Đó sự hiểu biết, kiến thức. Hiểu biết những giá trị gốc, cốt lõi, những giá trị cao quý mang lại sự tự do cho tư tưởng, cho con người. Là sự thực hành không ngừng nghỉ những giá trị đó trong đời sống thực và giúp đời sống của những người quanh mình trở nên tốt đẹp hơn.
Với Phụ nữ thượng lưu, chúng tôi mong muốn tạo không gian kết nối với những người bạn muốn cùng nhau tái xây dựng một xã hội mà trong đó những con chim đại bàng được tung cánh và dòng nước thượng nguồn giữ được sự trong sạch, ngọt lành để nuôi dưỡng vạn vật, cũng như con người. Nói một cách khác, chúng tôi mong muốn xây dựng tầng lớp tinh hoa và khuếch trương các giá trị tinh hoa, tái định hình một lối sống cao đẹp mà chúng ta đã lãng quên để chạy theo đủ điều vô nghĩa.
Phụ nữ thượng lưu