Bài giảng dành cho sinh viên nghệ thuật của Oscar Wilde (1)

  • Truyền cảm hứng, Văn hóa viết
  • No responses

Trong bài thuyết trình mà tôi hân hạnh được trình bày tối nay, tôi không kỳ vọng đưa ra cho các bạn bất cứ định nghĩa trừu tượng nào về cái đẹp. Bởi vì chúng ta, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, không thể chấp nhận bất cứ học thuyết về cái đẹp nào thay thế cho cái đẹp tự thân, và rất xa vời khỏi mong muốn chưng cất nó thành một dạng công thức có vẻ học thuật, trái ngược lại, chúng ta cố gắng thực thể hóa nó thành một dạng thức mang lại niềm vui cho tâm hồn thông qua các giác quan. Chúng ta muốn tạo tác ra cái đẹp, không phải định nghĩa nó. Định nghĩa phải phỏng theo tác phẩm: tác phẩm không được mô phỏng bản thân nó theo định nghĩa.

 

Và thật vậy, đối với một nghệ sĩ trẻ, không có điều gì nguy hiểm bằng bất kể một khái niệm về cái đẹp lý tưởng nào đó: anh ta sẽ nhanh chóng bị dẫn hướng bởi người khác thành thứ xinh xắn yếu đuối hay sự trừu tượng thiếu sức sống: trong khi đó, để chạm tới lý tưởng tuyệt đối bạn không được tách hoàn toàn sự sống khỏi nó. Bạn phải tìm thấy nó trong cuộc sống và tái tạo nó trong nghệ thuật.

 

Do đó, một mặt tôi không muốn mang tới cho bạn triết học về cái đẹp – bởi vì điều tôi muốn trong tối nay là truy tìm cách chúng ta sáng tác nghệ thuật, chứ không phải là cách chúng ta nói về chúng như thế nào- mặt khác, tôi không muốn màng tới bất cứ cái gì liên quan tới lịch sử của nghệ thuật Anh.

 

Để bắt đầu, tôi xin khẳng định nghệ thuật Anh là một cách nói vô nghĩa. Điều này chẳng khác gì nói về toán học Anh. Nghệ thuật là khoa học của cái đẹp, và Toán học là khoa học của sự thật: không có ngôi trường nào trong nước cho cả hai khái niệm này. Thực tế là trường học tầm cỡ quốc gia hay địa phương thì cũng thế cả thôi. Thậm chí, chẳng có cái thứ gọi là trường dạy nghệ thuật. Chỉ có nghệ sĩ, thế thôi.

 

Bàn về lịch sử nghệ thuật, chúng chẳng có chút giá trị nào với các bạn trừ phi bạn đang tìm kiếm một chức vị giáo sư nghệ thuật nhạt nhẽo để khoe khoang. “Bạn chả cần phải biết thời đại của Perugino hay nơi sinh của Salvator Rosa: tất cả những điều bạn nên học về nghệ thuật là nhận biết một bức tranh đẹp và một bức tranh dở tệ khi xem chúng. Khi nói về thời đại của nghệ sĩ, tất cả tác phẩm hay trông đều hiện đại một cách hoàn hảo: một mẩu điêu khắc Hy Lạp, bức chân dung của Velasquez – chúng luôn hiện đại, luôn thuộc về thời của chúng ta. Khi nói về quốc tịch của nghệ sĩ, nghệ thuật không mang tính quốc gia mà mang tính vũ trụ. Bàn về khảo cổ học, nói thật cho nó nhanh: khảo cổ học chỉ là loại khoa học bào chữa cho thứ nghệ thuật xấu xí; đó là bãi đá mà các nghệ sĩ trẻ va vào và sa lầy rồi chìm đắm; đó là địa ngục, là vực sâu mà không nghệ sĩ nào dù già hay trẻ đã rơi vào có thể quay về. Hoặc, nếu anh ta có quay lại được, anh ta cũng bị bao phủ bởi tro bụi của thời đại và nấm mốc của thời gian, đến mức anh ta không còn tí chất nghệ sĩ nào, và phải lẩn trốn cả cuộc đời còn lại dưới cái mũ giáo sư, hay chỉ như một kẻ mô tả lịch sử cổ xưa mà thôi. Bạn có thể ước đoán được sự vô giá trị của khảo cổ trong nghệ thuật bởi tính phổ biến của nó. Tính đại chúng là chiếc vòng nguyệt quế mà thế giới ban cho thứ nghệ thuật xấu xí. Dù sao đi nữa đại chúng luôn sai.

 

Bởi vì tôi sẽ không nói với các bạn về triết học của cái đẹp, hay lịch sử nghệ thuật, các bạn sẽ hỏi tôi rằng tôi định nói điều gì đây. Chủ đề trong bài thuyết trình của tôi tối nay là những gì làm nên một nghệ sĩ và những gì nghệ sĩ có thể làm; mối quan hệ giữa nghệ sĩ và môi trường của anh ta là gì, sự giáo dục mà nghệ sĩ nên có là gì, và chất lượng của một tác phẩm hay là gì.

 

Bây giờ, xét về mối quan hệ của nghệ sĩ và môi trường, ý tôi là cái thời đại và đất nước mà anh ta được sinh ra.

 

Tất cả những thứ nghệ thuật đẹp đẽ, như tôi nói trước đó, không lệ thuộc vào bất cứ một thời kỳ đặc thù nào; nhưng tính phổ quát này lại chính là chất lượng của tác phẩm nghệ thuât; những điều kiện tạo ra cái chất lượng ấy khác nhau. Và tôi nghĩ rằng, những gì các bạn nên làm là nhận thức hoàn toàn về thời đại của mình để có thể tách bạn ra khỏi đó hoàn toàn; nhớ rằng nếu bạn là một nghệ sĩ, bạn sẽ không làm cái loa phát ngôn cho cái thế kỷ ấy, mà là bậc thầy của sự bất diệt, rằng tất cả nghệ thuật đều dựa trên một nguyên tắc, và việc chỉ đặt mình vào mối quan tâm tạm thời thì chắc chắn không phải là nguyên tắc đó; và rằng những kẻ khuyên bạn sáng tạo ra thứ nghệ thuật đại diện thế kỷ 19, là đang khuyên bạn sản xuất ra một thứ nghệ thuật mà con cháu bạn sẽ thấy lỗi thời. Nhưng bạn sẽ lại nói với tôi rằng đây không phải thời đại của nghệ thuật, và chúng ta không phải nghệ sĩ, và giới nghệ sĩ đã phải chịu đựng đủ thứ trong thế kỷ 19 này của chúng ta rồi.

 

Đương nhiên là vậy. Tôi, cũng như mọi người không chối bỏ điều đó. Nhưng nhớ rằng từ khi thế giới khởi sinh vốn đã không có thời đại của nghệ thuật hay những người dân của nghệ thuật. Giới nghệ sĩ hiện đang và sẽ luôn là một sự ngoại lệ phi thường. Không có kỷ nguyên vàng của nghệ thuật, chỉ có những nghệ sĩ tạo ra các tác phẩm quý giá hơn vàng.

 

Sao nào, bạn sẽ nói với tôi về Hy Lạp đúng không? Họ không phải là những người có tính thẩm mỹ à?

 

Ồ, người Hy Lạp tất nhiên là không, nhưng có thể, bạn muốn nói tới người Athen, những công dân ngoại lệ so với hàng nghìn thành thị khác phải không?

 

Bạn có nghĩ rằng họ là những người có tính thẩm mỹ. Hãy quan sát họ vào lúc thẩm mỹ phát triển nhất, cuối thế kỷ thứ 5 TCN, khi họ có những nhà thơ vĩ đại nhất và những nghệ sĩ vĩ đại nhất của thế giới cổ xưa, khi đền Parthenon xuất hiện một cách đẹp đẽ dưới bàn tay của Phidias, và các triết gia nói ra những lời thông thái dưới bóng râm của mái đền được sơn màu đẹp đẽ, và những vở bi kịch nối tiếp nhau trong sự hoàn hảo của nhà hát lớn cùng với sự hưởng ứng của khán giả. Có phải vì thế mà họ là những người có thẩm mỹ? Chẳng một chút nào cả. Người có thẩm mỹ là gì nếu không phải một người yêu các nghệ sĩ và hiểu nghệ thuật của họ? Những người Athen chẳng hề như vậy.

 

Họ đã đối xử với Phidias như thế nào? Đối với Phidias chúng ta nợ anh ta một kỉ nguyên vĩ đại, không chỉ ở Hy Lạp, nhưng trong tất cả các loại nghệ thuật – tôi muốn nói tới việc đưa các người mẫu sống vào sử dụng.

 

Và bạn sẽ nói gì nếu các giám mục Anh, được hỗ trợ bởi người dân Anh, một hôm nào đó đi xuống từ Đại sảnh Exeter tới Viện hàn lâm Hoàng gia và lôi ông Frederick Leighton vào xe tù tới Newgate vì tội cho phép bạn sử dụng người mẫu sống trong thiết kế của bạn cho các bức tranh thần thánh?

 

Bạn có kêu gào chống lại sự dã man và Thanh giáo vì hành động đó của họ? Bạn có giải thích cho họ rằng cách tồi tệ nhất để tôn vinh Chúa là làm nhuc kẻ được tạo ra dưới hình dạng Người, và là tác phẩm của đôi tay Người; và, liệu một người muốn vẽ đấng Christ có phải tìm người giống Christ nhất mà họ có thể tìm, và liệu một người muốn vẽ đức mẹ đồng trinh thì phải tìm cô gái thuần khiết nhất họ biết ư?

 

Liệu bạn có vội vàng cứu Leighton, thiêu hủy Newgate nếu cần, và nói rằng điều này chưa hề xảy ra trong lịch sử?

 

Chưa hề xảy ra trong lịch sử ư? Rất tiếc, đó chính xác là những gì người Athen làm.

 

Trong khu vực dành cho đá cẩm thạch Parthenon, tại Viện bảo tàng Anh, bạn sẽ nhìn thấy một cái khiên đá cẩm thạch trên tường. Trên đó có hai hình người: một người có khuôn mặt bị che một nửa, phần còn lại là một người đàn ông có nét mặt thần thánh của Pericles.

 

Bởi vì việc này, bởi vì đã truyền tải vào bức tượng, được rút ra từ lịch sử huyền bí của Hy Lạp, hình ảnh của vị chính khách vĩ đại đã thống trị Athens lúc bấy giờ, Phidias đã bị ném vào tù và tại đó, trong ngục tù của Athens, ông đã chết, như người nghệ sĩ vĩ đại nhất của thế giới cổ đại.

 

Và bạn nghĩ rằng đó là một trường hợp ngoại lệ? Dấu hiệu của một thời đại Philistine là tiếng kêu la của sự bất tử chống lại nghệ thuật, và tiếng kêu la này đã được người Athen cổ súy để chống lại những nhà thơ, nhà triết học vĩ đại của chúng ta như Aeschylus, Euripides, Socrates. Việc này tương tự với Florence trong thế kỷ 13. Những tạo tác thủ công đẹp đẽ đều đến từ các nghiệp đoàn, không phải người dân. Khi các nghiệp đoàn mất đi quyền lực của mình và người dân tham gia, vẻ đẹp và tính chân thiện của tác phẩm nghệ thuật cũng chết.

 

Và do đó, đừng bao giờ nói rằng người dân có thẩm mỹ; chưa bao giờ có chuyện ấy.


Tagged: Phương pháp sáng tác văn chương


About hangcao


'Bài giảng dành cho sinh viên nghệ thuật của Oscar Wilde (1)' has no comments

Be the first to comment this post!

Would you like to share your thoughts?

Your email address will not be published.

Images are for demo purposes only and are properties of their respective owners.
Old Paper by ThunderThemes.net