Phương pháp rèn trí tưởng tượng khi đọc văn chương

  • Chia sẻ kinh nghiệm
  • No responses

Văn chương giống như một miền đất hứa cho trí tưởng tượng sinh sôi, nảy nở. Luyện tập thói quen tưởng tượng khi đọc sách là cách giúp bạn tái hiện những mảnh ký ức mà bạn đã thu thập được trong cuộc đời, liên kết chúng lại với nhau. Việc này giúp khả năng tổng thể của bạn được trau rèn cùng với những kinh nghiệm xử lý cảm xúc.

 

Cuộc sống mưu sinh nhiều lo toan bận rộn làm chúng ta bị xoáy vào sự thực tế cùng các chuẩn mực khuôn thước. Trí tưởng tượng đôi khi bị đánh đồng với mơ mộng viển vông như một hiểu lầm đáng tiếc. Chúng tôi xin phép đưa lại định nghĩa về trí tưởng tượng và chia sẻ với bạn phương pháp giúp bạn linh hoạt hơn khi tưởng tượng. Biết vận dụng tốt trí tưởng tượng, bạn không còn bị rơi vào trạng thái bí ý tưởng trong công việc, linh hoạt các phương án với từng tình huống. Thêm vào đó, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng: tưởng tượng không chỉ là một hoạt động trí óc, nó còn mang tính giải trí rất thú vị.

 

Định nghĩa: “Tưởng tượng là khả năng hình thành các hình ảnh, cảm giác, khái niệm trong tâm trí khi không nhận thức đối tượng đó thông qua thị giác, thính giác hoặc các giác quan khác. Tưởng tượng là công việc của tâm trí, giúp cung cấp ý nghĩa cho kinh nghiệm và tri thức, là cơ sở cho việc nhận thức thế giới, nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình học tập.” – Theo Wikipedia

 

 

 

Đây là một phần của chương trình Cảm thụ văn chương mà Book Hunter muốn giới thiệu với các bạn.

 

 

 

3 BƯỚC CỦA BÀI TẬP TƯỞNG TƯỢNG

 

 

 

Bước 1: Đọc diễn cảm

 

Ở bước này, giọng đọc của bạn sẽ là sợi dây kết nối cảm xúc của bạn với nội dung cuốn sách. Tâm trạng của bạn nhập làm một với từng nhân vật trữ tình. Thường chúng ta chỉ có thói quen đọc thầm. Việc đọc thầm này sẽ khiến chúng ta dễ dàng bỏ qua những chi tiết mô tả kỹ lưỡng do bị phân tâm. Bởi thế, việc đọc diễn cảm một đoạn văn mà bạn thấy phức tạp hay một bài thơ, một truyện ngắn có thể khiến bạn phải tập trung chú ý. Phương pháp đọc diễn cảm cũng là bản lề mở ra cho bạn thấy giai điệu của tác phẩm; giai điệu này là tính nhạc ẩn chứa trong một đoạn văn hoặc đoạn thơ. Nhờ việc cảm nhận giai điệu này, ta dễ tách biệt khỏi sự tác động của môi trường bên ngoài cản trở việc tập trung vào cuốn sách.

 

 

 

Bước 2: Hiểu nghĩa của từ, xâu chuỗi nghĩa của từ và suy luận nghĩa tổng thể

 

Vì sao phải hiểu nghĩa của từ? Giả sử bạn đọc một bài thơ của Đinh Hùng, rất nhiều từ Hán – Việt bạn không rõ, khi đó bạn sẽ lúng túng. Không hiểu nghĩa của từ có thể dẫn tới trường hợp hiểu sai nghĩa của câu hoặc không nắm được điều tác giả muốn truyền tải, những tâm tư mà tác giả gửi gắm.

 

Khi đã hiểu nghĩa của từ, bạn hãy liên hệ chúng với những trải nghiệm đã biết của bạn. Với những miêu tả hình ảnh, bạn hãy nhớ lại hình ảnh tương ứng mà bạn đã được tiếp xúc (có thể ở thực tế hoặc qua tranh ảnh). Với những miêu tả cảm xúc, bạn có thể nhớ đến các trạng thái cảm xúc mà mình đã trải nghiệm hoặc cảm nhận được trong quá khứ. Nếu bạn chưa từng có các trải nghiệm ấy, có thể đánh dấu lại. Sau này, trên đường đời, bạn có thể gặp và lấy lại tác phẩm ra để đọc.

 

Mặc dù đòi hỏi ở bạn một sự kiên nhẫn, song việc hiểu nghĩa của từ thật tỉ mỉ sẽ khiến bạn mở rộng vốn từ, khả năng ghi nhớ cùng với vốn kiến thức. Bởi thế, lối đọc nhanh (tức là đọc theo từ khóa để nhặt thông tin) hoàn toàn không thích hợp với những ai muốn đọc văn chương.

 

 

 

Bước 3: Nhắm mắt lại và hồi tưởng tất cả những hình ảnh, cảm xúc mà cuốn sách gợi cho bạn

 

Sự hồi tưởng như một ngọn nến thắp sáng không gian nghệ thuật trong tâm hồn bạn. Bạn biết rằng khi bật một đĩa hát, giữa các bài hát thường có một khoảng lặng. Sau khi đọc xong một bài thơ/ bài văn/ cuốn sách, thời gian nhắm mắt của bạn cũng là một khoảng lặng cần thiết.

 

Trong khoảng lặng này, điều gì sẽ diễn ra? Bạn hãy hồi tưởng lại những ấn tượng sâu sắc nhất của bạn khi đọc tác phẩm, các chi tiết gây cảm xúc mạnh mẽ, nhưng câu từ thú vị, những chiêm nghiệm triết lý sâu sắc… Qúa trình hồi tưởng và chiêm nghiệm này sẽ đi kèm với những dòng suy nghĩ tự biện bên trong. Nhờ thế, tác phẩm bạn vừa đọc đã qua quá trình xử lý của bạn, những gì đúc rút từ tác phẩm có thể thẩm thấu vào tâm trí bạn.

 

 

 

Những người mới đọc văn chương, hoặc cảm thấy mình chưa thực sự cảm nhận được những tác phẩm đã đọc, có thể thử nghiệm cách tưởng tượng này. Nếu bạn đọc một tác phẩm văn chương mà chỉ tiếp thu chúng ở mặt câu chữ, không tái hiện chúng trong tâm trí ở dạng hình ảnh, âm thanh…v…v…, các bạn đã bỏ lỡ phần lớn những gì đặc biệt nhất của văn chương. Bằng việc sử dụng trí tưởng tượng của mình, bạn sẽ nhận ra rằng văn chương không phải chỉ là nghệ thuật ngôn từ, mà là nghệ thuật của kiến tạo thực tại.

 

 

 

Hà Thủy Nguyên giảng dạy

 

Nguyễn Ngọc Trâm Trâm ghi chép và tổng hợp


Tagged: Phương pháp sáng tác văn chương


About hangcao


'Phương pháp rèn trí tưởng tượng khi đọc văn chương' has no comments

Be the first to comment this post!

Would you like to share your thoughts?

Your email address will not be published.

Images are for demo purposes only and are properties of their respective owners.
Old Paper by ThunderThemes.net