Đoàn Thị Điểm và Truyền kỳ tân phả – Truyền kỳ về phụ nữ Việt Nam
1. Đoàn Thị Điểm
1. 1. Đoàn Thị Điểm (1705—1748) được giới nghiên cứu nhất trí đánh giá là “một thiếu phụ có danh nhất trong làng văn” Việt nam. Thế nhưng tài liệu về Đoàn Thị Điểm còn lại không nhiều. Trong kho thư tịch cổ Việt Nam cũng chỉ có đôi dòng về bà trong Lịch triều hiến chương loại chí, Tang thương ngẫu lục, Đại Nam hiển ứng truyện, Nam thiên trân dị tập, Sơn cư tạp thuật, Hát Đông thư dị…
Những ghi chép này được Phan Kế Bính góp nhặt lại đưa vào chương thứ VIII “Các người có danh tiếng” của Nam Hải dị nhân liệt truyện (lời Tựa viết năm Nhâm Tí, niên hiệu Duy Tân thứ Sáu – 1912)(1). Mãi đến những năm 50 – 60 của thế kỉ 20, các tác giả Trúc Khê Ngô Văn Triện(2), Thuần Phong Ngô Văn Phát(3), La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn(4)… trong khi tìm hiểu về vấn đề tác quyền của Chinh phụ ngâm khúc mới phát hiện được Đoàn thị thực lục – gia phả của dòng họ Đoàn, do cháu rể của Đoàn Thị Điểm soạn, gồm tiểu sử tổ tiên 9 đời và sự tích Đoàn Thị Điểm lúc sinh thời. Ngoài ra còn có bài văn tế Đoàn Thị Điểm của chồng bà là Nguyễn Kiều (Hai bản Đoàn thị thực lục mà Ngô Văn Triện và Hoàng Xuân Hãn sử dụng là hai bản hơi khác nhau, với hai bài văn tế khác nhau).
Nay hệ thống lại các tài liệu trên, chúng ta có thể thấy cuộc đời ngắn ngủi bốn mươi mấy năm của Đoàn Thị Điểm hiện lên không khác gì một thiên truyền kì với rất nhiều sóng gió. Đoàn Thị Điểm từ nhỏ đã có cơ hội gắn bó với Thăng Long. Mẹ đẻ bà là cô gái xinh đẹp con quan Thái lĩnh bá ở phường Hà Khẩu (khu vực Hàng Bạc, Hàng Buồm ngày nay) – vốn nổi tiếng là nơi buôn bán sầm uất nhất kinh đô. Mười sáu tuổi, Đoàn Thị Điểm được Thượng thư Lê Anh Tuấn nhận làm con nuôi, nhà của ông ở phường Bích Câu – sát kề Quốc tử giám, nơi được coi là trung tâm văn hóa đương thời với rất nhiều dinh thự lớn ngày đêm dập dìu văn nhân tài tử. Sau, Đoàn Thị Điểm còn nhận lời dạy học cho một cung nhân trong phủ chúa Trịnh. Chắc hẳn bà đã tận mắt thấy những cảnh phồn hoa, tai đã nghe những chuyện thâm cung bí sử cho đến cả những cuộc thanh trừng thảm khốc mà chính những người quen thân của bà là nạn nhân (Thượng thư Lê Anh Tuấn, Thượng thư Nguyễn Công Hãng đều vì bị nghi ngờ chống lại việc Trịnh Giang lên ngôi mà bị cách chức, sau bị bắt uống thuốc độc chết). Rời phủ chúa có lẽ vào những năm đầy biến động, quê nhà và các vùng lân cận đều đã bị tàn phá vì loạn lạc, Đoàn Thị Điểm khi ấy 35 tuổi đã đưa cả gia đình đến lánh nạn và mở trường dạy học ở Chương Dương (nay thuộc Thường Tín – Hà Nội). Sẽ còn đến một lần nữa mối duyên muộn với Thăng Long khi bà ưng thuận lời cầu hôn của ông Nguyễn Kiều người làng Phú Xá (Phú Thượng – Tây Hồ ngày nay) vào năm bà đã 37 tuổi. Hơn một tháng tân hôn, liền kề sau đó là ba năm chờ chồng đi sứ, tiếp nữa là ba năm hạnh phúc ngắn ngủi ở quê chồng. Có thể nói, Thăng Long chưa lúc nào tách khỏi cuộc đời Đoàn Thị Điểm, kể cả khi bà đã quyết rửa sạch lòng trần, yên phận với nghề dạy học và bốc thuốc ở Đường Hào thì tiếng tăm về tài sắc của bà đã khiến các danh sĩ Hà thành trong đó có Đặng Trần Côn, có “Trường An tứ hổ”… không để bà được yên. Song, nhìn chung lại, cả cuộc đời Đoàn Thị Điểm chủ yếu vẫn gần gũi hơn với nếp sống bình thường của một gia đình nhà nho nghèo đời đời làm nghề dạy học chốn thôn quê. Như gia phả đã ghi, gia đình bà đã nhiều lần phải di cư từ nơi này đến nơi khác. Loạn lạc, đói rét luôn luôn rình rập. Lại thêm gánh nặng gia đình sau khi cha và anh nối nhau qua đời, để lại cho bà mẹ già, chị dâu tàn tật, các cháu nhỏ mồ côi mà bà thì gần như suốt đời cô đơn chiếc bóng. Hai câu mở đầu của Chinh phụ ngâm khúc “Thiên địa phong trần, hồng nhan đa truân” như vận vào với cuộc đời bà. Thời đại đó, hoàn cảnh riêng đó đã kết hợp cùng với văn tài xuất sắc của bà để làm nên Chinh phụ ngâm khúc diễn âm và Truyền kỳ tân phả truyền tụng đến tận ngày nay.
1.2. Từ xưa đến nay, giới nghiên cứu chỉ biết đến một bà Điểm họ Đoàn trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỉ XVIII. Thế nhưng gần đây, ông Nguyễn Trác Cách sinh năm 1936, trưởng tộc dòng họ Nguyễn Trác ở thành phố Hải Dương có cung cấp thông tin nói rằng: từ lâu trong dòng họ ông vẫn lưu truyền qua nhiều thế hệ về những giai thoại văn chương giữa Nguyễn Trác Luân (sinh năm 1699) với người em là Nguyễn Thị Điểm, vốn ham học ngay từ khi còn nhỏ và thường cùng anh xướng họa thơ văn. Theo những người trong dòng họ này thì bà mới là tác giả của Tục truyền kỳ và bản dịch Chinh phụ ngâm nổi tiếng(5).
Vào đầu những năm 70 thế kỉ XX, nhân dịp GS Phan Huy Lê (nay là Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) và GS Bùi Văn Nguyên (Khoa Văn Đại học sư phạm Hà Nội) về thăm Hải Dương, bố và chú của ông Nguyễn Trác Cách là Nguyễn Trác Thức và Nguyễn Trác Ngữ (nay đã qua đời) đã trực tiếp gặp và trình bày vấn đề này.
Sau đó không lâu, trên Tạp chí Văn học, số 6 năm 1977, GS Bùi Văn Nguyên viết bài “Bà Điểm nào trong hai bà Điểm, tương truyền có tham gia dịch một bản Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn”. Bằng cách đặt lại vấn đề, tìm hiểu thêm các thư tịch và báo chí có liên quan, đồng thời đối chiếu với kết quả điều tra ở thực tế địa phương, GS Bùi Văn Nguyên đã đi đến kết luận: “Sự thật, có hai bà Điểm khác nhau, một bà họ Nguyễn, một bà họ Đoàn, hai bà sống có phần đồng thời, ở cùng một vùng, nay là tỉnh Hải Hưng, đều có người anh trùng tên là Luân và đều giỏi văn thơ, pha nghề dạy học”. Tuy nhiên về vấn đề dịch giả đích thực của Chinh phụ ngâm diễn ca cũng như tác quyền của Tục truyền kỳ thì GS Nguyên cũng phải công nhận “chưa có đủ dữ liệu để khẳng định”.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “có hai bà Điểm” là vì các thư tịch viết về bà Điểm không nhất quán, chỗ thì nói là Đoàn Thị Điểm em gái Đoàn Doãn Luân, chỗ lại nói Nguyễn Thị Điểm em Nguyễn Trác Luân trong khi nội dung các giai thoại lại trùng lặp, chồng chéo. Lâu nay, xu hướng chung của giới nghiên cứu là coi tất cả các giai thoại này đều là chuyện về Đoàn Thị Điểm và lí giải rằng: “Sở dĩ lầm họ như vậy, là vì người ta đã lầm tưởng rằng bà là em Nguyễn Trác Luân(6)”.
Căn cứ để GS Nguyên và dòng họ Nguyễn Trác nghi ngờ về tính chân thực của tiểu sử Đoàn Thị Điểm (trên thực tế là nghi ngờ các giai thoại có liên quan đến Đoàn Thị Điểm) là: Nguyễn Trác Luân 22 tuổi đã đỗ Tiến sĩ, làm đến Phó đô ngự sử, sau thăng Hữu thị lang bộ Công, lại thuộc thế hệ đàn anh của Đặng Trần Côn. Vì vậy, Nguyễn Thị Điểm mới có thể dựa thế ông anh mà chê Đặng Trần Côn là “Trẻ thơ mới học, thơ từ chẳng bõ ngứa tai” được. Mặt khác, ông Nguyễn Trác Luân còn có thời gian làm đốc trấn Nghệ An, khi mất được dân địa phương lập miếu thờ làm thành hoàng, vì vậy bà Nguyễn Thị Điểm mới có thể hiểu rõ về Nghệ An mà viết nên An ấp liệt nữ hay Vân Cát thần nữ. Trong khi đó bà Điểm họ Đoàn gia đình thanh bạch, sống chủ yếu dựa vào nghề dạy học, không hẳn có nhiều thời gian đặt chân đến kinh kỳ, nhất là càng không thể vào đến Nghệ An, trừ chuyến đi theo chồng trước lúc từ giã cõi đời…
Phải trả lời thế nào đối với câu hỏi mà GS Bùi Văn Nguyên đã đặt ra và cũng là băn khoăn của dòng họ Nguyễn Trác về “nghi án văn chương” này?
Theo chúng tôi, chỉ với Đoàn thị thực lục, với ngôi từ đường họ Đoàn còn đó(7) cùng ngôi mộ bà ở quê ông Nguyễn Kiều(8), với Tang thương ngẫu lục, đặc biệt là các bản Truyền kỳ tân phả hiện còn (các bản 1811 và 1864 đều ghi “Hồng hà Đoàn phu nhân trứ”)… , có thể khẳng định về sự tồn tại của một tác giả Đoàn Thị Điểm (chí ít cũng là tác giả của Truyền kỳ tân phả). Cũng có thể Đoàn Thị Điểm là nguyên mẫu của một số giai thoại, nhưng là những giai thoại cụ thể nào, thì chưa thể tìm được câu trả lời (kể cả giai thoại về câu đối ‘Điểm’ ‘Luân’(9)). Vì gắn với câu đối Điểm – Luân nổi tiếng trong khi ông Đoàn Doãn Luân chỉ đỗ đến hương nguyên rồi ở nhà bốc thuốc dạy học, chân không bước đến thị thành, lại mất sớm còn ông Nguyễn Trác Luân thì đỗ đại khoa, làm quan to mà nhân vật Thị Điểm lập tức bị nhầm tưởng là em ông này, bị đổi họ Nguyễn và bị đẩy quê quán sang Đường Hào. Trong môi trường đầy hạn chế về phương tiện truyền thông đương thời, các giai thoại một khi hình thành, tham gia vào đời sống truyền miệng cũng có nghĩa là nó đã bắt đầu một đời sống mới với những biến đổi không ngừng, có nhầm lẫn cũng là điều dễ hiểu. Tai hại hơn nữa là, đến một lúc nào đó, các dị bản truyền khẩu này lại được ghi chép vào giấy trắng mực đen, khiến con cháu đời sau “không biết đằng nào mà lần”.
Trở lại với cái tên Nguyễn Thị Điểm? Có một người thực như vậy trong dòng họ Nguyễn Trác là em ông Nguyễn Trác Luân hay không? Trả lời được câu hỏi này thì mới có thể đi đến giải quyết các vấn đề tiếp theo. Tiếc thay, dòng họ Nguyễn Trác không còn gì để có thể “nói có sách, mách có chứng”. Các câu đối, gia phả, sắc phong, thậm chí cả ngôi nhà thờ họ năm gian mang tên Duy Ái Từ đã bị đốt cháy trong cuộc kháng chiến chống Pháp (Nhân đây cũng xin nhắc một điều là: kháng chiến chống Pháp muộn hơn so với niên đại của các bản Truyền kỳ tân phả rất nhiều). Việc “lưu truyền qua nhiều thế hệ” trong dòng họ Nguyễn Trác chủ yếu chỉ là vin vào các giai thoại về “Nguyễn Thị Điểm”. Thế là những giai thoại vốn dĩ để làm đẹp cho bà Đoàn, đến lượt nó, lại trở thành khởi nguồn cho truyền thuyết về bà Nguyễn Thị Điểm của dòng họ Nguyễn Trác.
Có thể mượn lời của Phan Kế Bính trong lời Tựa Nam hải dị nhân để khép lại vấn đề này: “Nước Nam ta từ xưa đến nay, trải hơn 4000 năm, chẳng thiếu gì người tài đức, người danh tiếng, nhưng bởi vì sự tích xa xôi mà không rõ, hoặc vì sử sách biên sót mà không tường. Chỉ còn người nào ghi vào sử, hoặc chép vào kí tái của các tư gia, thì còn có thể lưu truyền lại được. Nhưng ngặt vì sách thì ít, cho nên lưu truyền ra không được rộng. Người ta nói truyện cổ tích chẳng qua chỉ một vài người được trông vào sách, rồi thì truyền khẩu cho nhau, lõm bõm người nhớ khúc này, kẻ nhớ khúc kia, mỗi người truyền đi lại sai một tí, té ra nhầm lẫn sai cả sự thực của người xưa”(10).
2. Truyền kỳ tân phả
2.1. Đánh giá về giá trị của Truyền kỳ tân phả, Phan Huy Chú cho rằng: “Văn từ đẹp đẽ nhưng khí cách hơi yếu, không được bằng sách trước [tức Truyền kỳ mạn lục]”. Các nhà nghiên cứu hiện đại cũng thường khe khắt khi đề cập đến những nhược điểm của Truyền kỳ tân phả như cho rằng các truyện trong tác phẩm nhìn chung nặng nề, nhẹ về kể chuyện, nặng về phô trương kiến thức(11); hay cho rằng việc hướng vào thực tại chính là đã vặt trụi đôi cánh truyền kỳ của tác phẩm(12). Tuy nhiên, nếu nhìn dưới góc độ văn học nữ quyền hay là giá trị nhân đạo của tác phẩm, đặc biệt là góc độ tương tác giữa văn học trung đại và văn hóa dân gian, Truyền kỳ tân phả lại cho ta thấy những nét đẹp và giá trị riêng.
Ra đời trong môi trường văn học đặc biệt của thế kỷ XVIII – thế kỷ vàng của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa với địa vị thống trị của hình tượng nữ, lại được viết bởi chính một tác giả nữ, Truyền kỳ tân phả do vậy đã trở thành thứ vật dẫn biểu hiện cho việc đề cao nữ quyền.
Trước hết, thế giới nhân vật của Truyền kỳ tân phả chủ yếu là một thế giới đàn bà, thuộc tầng lớp quí tộc trung lưu. Trừ Giáng Kiều từ cõi tiên bước thẳng xuống trần không qua một trung gian trần thế nào, Cung nữ Bích Châu là “con quan”, liệt nữ An Ấp là con quan, Giáng Tiên là con nhà thường dân nhưng rồi Đoàn Thị Điểm cũng phải nâng cấp lí lịch bằng cách cho nàng làm con nuôi của Trần công “dòng dõi nhà Trần”. Cũng vì thế, ngôn ngữ của cả tác phẩm là thứ ngôn ngữ bác học đầy sang trọng.
Thứ hai, Truyền kỳ tân phả hầu như vắng bóng mô hình gia đình Việt Nam truyền thống “phu xướng phụ tùy” trong đó người chồng có địa vị chi phối, người vợ phụ thuộc vào chồng. Cái mà tác phẩm này biểu hiện không phải là phụ nữ chịu sự chế ức của nam giới mà là nam giới dựa dẫm vào nữ giới, số phận của người chồng ở một mức độ rất lớn được quyết định bởi người vợ, đàn bà luôn luôn nắm vai trò chủ tể trong gia đình.
Hà Giáng Kiều trong Bích Câu kỳ ngộ vốn là một tiên nữ ở Nam Nhạc, Tú Uyên sau khi gặp nàng ở chùa Ngọc Hồ thì “luôn luôn tưởng nhớ, bỏ cả ngủ, bỏ cả ăn, tinh thần bải hoải, chân tay mệt mỏi nên cất nhắc khó khăn, hơn một tháng không đến nhà học”. Đến khi lấy được người trong tranh, cuộc đời Tú Uyên dường như được sang trang: “Nàng từ sau tiệc vui hoa đuốc, phụng thờ gia tiên rất có hiếu, trông nom việc nhà rất chăm chỉ, nâng niu khăn lược, cung phụng cấp dưỡng, không chỗ nào chàng không vừa ý. Cho nên khi tân bằng yến hội, không đợi cắt đặt, gọi đến là đưa ra, cỗ bàn tinh khiết, đều là những thứ trên đời không có. Nơi xa chốn gần, ai cũng đều mừng cho chàng”. Nhưng rồi Tú Uyên quen thói rượu chè, trong cơn say lỡ đuổi đánh Giáng Kiều khiến nàng bỏ đi, đến khi tỉnh ra thì hối hận cũng không kịp nữa. “Chàng lúc ấy như hồn lìa khỏi xác, rời rã chân tay”, “nước mắt như mưa, mấy lần chết đi sống lại, bỏ ăn bỏ ngủ đến một tháng”, cuối cùng thành bệnh, bèn quyết lòng “Ninh cam tử tương kiến, Bất nhẫn sinh biệt ly” (Thà rằng chết gặp mặt, Còn hơn sống biệt ly). Chính Giáng Kiều đã cứu Tú Uyên, sau đó sinh con đẻ cái cho chàng, lại “chỉ rõ nẻo mê, dẫn vào đường giác”, giúp chàng học đạo, cuối cùng cả nhà thành tiên, cưỡi hạc lên trời. Nếu không có Giáng Kiều, chắc hẳn Tú Uyên vẫn còn chìm đắm trong men rượu, mắc cạn trong tấm lưới trần gian. Có thể nói, vai trò của Giáng Kiều đối với Tú Uyên không khác gì một vị thần bảo hộ.
Không chỉ trong motif người đàn ông trần thế kết duyên với người đàn bà trên tiên giới như Bích Câu kỳ ngộ, Vân Cát thần nữ chúng ta mới thấy tính phụ thuộc của đàn ông vào đàn bà, ngay cả những người phụ nữ trần thế như cung nữ Bích Châu trong Hải khẩu linh từ, liệt phụ họ Nguyễn trong An Ấp liệt nữ cũng đều trở thành chỗ dựa cách này hay cách khác cho các đấng mày râu. Vua Trần Duệ Tông đem mấy chục vạn quân đi đánh Chiêm Thành mà phải để một cung phi yếu ớt hy sinh tính mạng cứu cả hải thuyền. Đến khi Lê Thánh Tông đi qua, chỉ cần một tờ hịch của thị thần Nguyễn Trọng Ý mà giao thần phải phục tội. Đó chính là lý do khiến Hoàng đế Lê Thánh Tông trong bài thơ đề tại miếu của Chế Thắng phu nhân lại có hai
câu mỉa mai không che đậy:
Hu ta bách vạn hùng bi lữ
Bất cập thư sinh nhất hịch văn
(Than ôi trăm vạn quân hùng mạnh
Lại kém thư sinh một hịch văn).
Và cũng không ngẫu nhiên chàng thư sinh họ Hà trong An Ấp liệt nữ lại có giọng khinh bạc dám hỗn xược với bậc tiền bối là sứ quân Đinh Nho Hoàn (cũng với hai câu cuối trong bài thơ đề đền liệt nữ) rằng:
Bình tích huân danh hà xứ kiến
Trung hồn lạc đắc phối giai nhân.
(Công danh của ông lúc sinh thời nay còn thấy ở đâu
[Chỉ thấy] hồn trung vì có giai nhân mà cùng được thờ cúng).
Ở đây, cái ý biếm nhã của kẻ hậu sinh đã rõ: Công danh như ông thiên hạ đâu thiếu người, nhưng sẽ chẳng ai nhớ đến, sẽ chẳng ai thờ cúng ông nếu như không có thiên truyền kỳ về người vợ tiết liệt kia.
Mối nhân duyên giữa đàn ông trần thế với thần nữ trong Vân Cát thần nữ lại cho thấy một khía cạnh khác của việc đề cao nữ quyền. Bài viết của Olga Dror “Vân Cát thần nữ truyện của Đoàn Thị Điểm: Truyện giải phóng phụ nữ”(13) đã có những phát hiện thú vị về vấn đề này. Chúng tôi xin dẫn lại một số điểm tiêu biểu.
Về lần giáng trần thứ hai của Liễu Hạnh vào đúng ngày giỗ của nàng, tác giả viết:
Nhận thấy các thân nhân buồn rầu về cái chết của mình, nàng an ủi họ với một sự tiên đoán rằng sau khi chết họ sẽ tái hợp vĩnh viễn. Tuy nhiên, ngay dù nguyên nhân chính khiến nàng rời bỏ cõi Trời lần thứ nhì và để trở lại Trần Gian để tụ hội cùng gia đình, nàng đã chỉ ở lại với các thân nhân của mình trong một thời gian rất ngắn trước khi tái hợp với chồng và các con của nàng tại kinh đô. Nàng đã đến vào lúc tối khuya và ra đi trước buổi bình minh. Tại sao cuộc thăm viếng lại ngắn ngủi đến thế!
Đó là Olga Dror còn chưa tính đếm đến sự bồi hồi mừng tủi và lòng tha thiết quyến luyến của người chồng khi tái ngộ cũng như cái lí do không mấy thuyết phục của Liễu Hạnh rằng: “Thiếp là tiên nữ trên thiên cung, chàng cũng là ngôi sao ở tòa thượng đế, duyên đôi lứa của chúng ta đều do tiền định, nhưng ân tình chưa trọn, ân ái chưa đầy, vài chục năm sau lại sẽ nối duyên cũ, chàng đừng nên quá thương tâm”. Ở đây rõ ràng có thể đặt ra câu hỏi: Tại sao lại phải chờ mấy chục năm sau để nối lại duyên cũ, trong khi ngay lúc đó Liễu Hạnh quyết lòng không lưu lại cho dù chỉ là vài ba năm để an ủi người chồng đã khô héo vì chờ đợi và chẳng bao lâu sau (Liễu Hạnh ắt hẳn biết rõ) cũng sẽ qua đời này? Thậm chí sau đó, đôi khi nàng vẫn còn quay lại gặp bố mẹ để mang biếu họ “tiền bạc và lụa là mà người ta cúng hiến nàng” nhưng tuyệt nhiên không hề ghé lại kinh đô để thăm chồng và các con một lần nào nữa.
Về mối duyên “tái sinh” với Đào Lang, Olga Dror viết:
“Liễu Hạnh xuất hiện như một người đàn bà hoàn toàn tự do – tự do trong mọi khía cạnh. Trong phần này, không có dấu vết nào của cha mẹ nàng hay chồng nàng – “Chúng ta không còn bố mẹ hay bất kỳ thân nhân nào,” nàng nói với chàng Sinh, và chính nàng, chứ không phải chàng, đã đề nghị cuộc hôn phối. Hơn thế nữa, nàng nhấn mạnh vào sự kết hôn không cần nghi thức chính thức, “không dựa trên các nghi lễ tầm thường.” … Nhưng ngay cả sự kết hợp như thế cũng không thể dập tắt được đòi hỏi tự do của Liễu Hạnh. Không phải là người chồng đáng yêu hay đứa con trai mới sinh lại có thể buộc chân nàng vào một nơi chốn cố định, vào một người đàn ông, vào một nếp sống gia đình thường lệ. Không thể viện dẫn một lý do khả tín để rời xa người chồng lần này, nàng đã đưa ra một sự lý giải thiếu thành thật, lặp lại câu chuyện trước đây của nàng về việc bị trừng phạt vì tội làm rơi chén ngọc, và sự cần thiết phải trở về Thiên Đình do hạn trừng phạt nàng đã mãn.
Ngoài ra còn có thể kể đến hai lần hạnh ngộ của Liễu Hạnh với Phùng Khắc Khoan tại Lạng Sơn và Thăng Long. Hai cuộc gặp gỡ này chiếm tới ngót nửa dung lượng của tác phẩm mà nội dung chủ yếu xoay quanh những xướng họa thù tạc giữa đôi bên. Phần chủ động hoàn toàn thuộc về Liễu Hạnh, cả trong việc dẫn dắt những cuộc xướng họa, việc ủy thác họ Phùng xây đền cũng như việc đến và đi bất chợt của nàng.
Chúng tôi chỉ muốn nói thêm rằng: sự đến đi tuỳ ý, hợp tan do kỉ của Liễu Hạnh rõ ràng cho thấy sự “vô câu vô thúc” của vị thần nữ này. Nàng không thể gò bó trong khuôn khổ gia đình, cho dù gia đình ấy xuất phát từ một tình yêu tự do đậm sắc màu tài tử giai nhân: “tri kỷ gặp nhau, một lời là lễ, chẳng cần gì mối lái”. Sự ra đi của nàng là không một ràng buộc nào có thể ngăn được. Nếu nói sự gắn kết hôn nhân giữa người và thần trong Truyền kỳ tân phả chủ yếu thể hiện sự phụ thuộc của nam giới vào nữ giới thì sự ra đi trong các lần kết duyên của Liễu Hạnh lại phản ánh sự độc lập của nữ giới đối với nam giới và vai trò hoàn toàn chủ động của nữ giới.
Truyền kỳ tân phả cũng khắc hoạ uy lực của nhân vật nữ thông qua những thắng lợi hết lần này đến lần khác của họ, phản ánh sự đề cao nữ quyền từ một phương diện khác của nó. Bích Châu trong Hải khẩu linh từ tuy “bị rơi vào tay yêu quái, ở lẫn với loài hôi tanh, xấu hổ làm vợ họ Trương, bị lụy làm tù nước Sở” nhưng đã nhờ tay Lê Thánh Tông trị tội hung thần Giao đô đốc, khiến hắn phải chịu nhục hình. Nữ thần Vân Cát thì ân oán phân minh, lần thứ hai xuống trần thì “có khi giả làm gái đẹp thổi ống tiêu ở dưới trăng, có khi hóa làm bà già tựa gậy trúc ở bên đường, người nào dùng lời bỡn cợt tất bị tai vạ, người nào mang lễ cầu đảo tất được phúc lành”; lần thứ ba xuống trần thì “thường hiển linh, người lành được phúc, kẻ ác bị tai vạ”. Đỉnh cao của tinh thần phản kháng này là cuộc chiến với quân Vũ lâm cùng thuật sĩ của triều đình:
Khoảng niên hiệu Cảnh Trị, triều đình nghe tin đồn, sai quân Vũ lâm cùng thuật sĩ đến nơi tiễu trừ. Bấy giờ voi gầm ngựa hí, trống đánh chuông rung, kẻ bắn cung, người bắn pháo, tiếng nổ rền vang như sấm sét; người vứt ấn, kẻ tung bùa, khí thế dồn dập như gió mưa. Chỉ trong chốc lát, núi sông biến sắc, chim muông kinh hoàng, cuối cùng một tòa đền thiêng đã biến thành tro bụi. Ai ngờ oai vua đã lớn, phép tiên càng thần, chỉ vài tháng sau, bệnh dịch hoành hành, người vật một phương đều chịu chung tai vạ, so với ngày trước tàn hại hơn nhiều. Dân chúng sợ hãi không cùng, lập đàn cầu đảo. Bỗng nhiên trong đám đông đang lễ bái một người chạy ra, nhảy vọt lên đàn cao ba tầng, lớn tiếng quát:
– Ta là tiên nữ trên trời, hiển thánh ở cõi trần. Các ngươi hãy xin mệnh triều đình, làm lại miếu mới, ta sẽ trừ tai giáng phúc, chuyển vạ làm lành. Nhược bằng không ta sẽ làm cho một vùng các ngươi không còn kẻ nào sống sót nữa.
Người làng theo lời thần phán bảo, kéo nhau đến cửa khuyết kêu xin. Triều đình thấy chuyện linh dị, tức khắc lệnh cho làm lại đền mới trong vùng núi Phố Cát, sắc phong là Mã hoàng công chúa. Nhân dân cả vùng cầu đảo điều gì liền linh ứng ngay. Sau quân nhà vua đi dẹp giặc, Tiên chúa ngầm phò giúp có công nên được gia tặng mỹ hiệu Chế thắng hòa diệu đại vương, được ghi vào tự điển. Đến nay mọi nhà đều vẽ tranh, mọi nơi đều lập đền thờ để cầu phúc lớn.
Sự thắng lợi của nhân vật nữ là một điều hiếm thấy trong văn học Việt Nam trước Đoàn Thị Điểm. Ngay cả trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ – người được coi là đã giành “60% sản phẩm tinh thần của cả một đời trước thư lập ngôn cho sự xuất hiện của nhân vật nữ”(14) thì số phận của tất cả các người đẹp đó đều là bi kịch. Nguyễn Dữ cũng có những người đẹp phản kháng, người đẹp nổi loạn như Nhị Khanh (Cây gạo), Đào Hàn Than (Nghiệp oan của Đào thị), nhưng sự thất bại của họ dường như tất yếu, Nguyễn Dữ dường như hoàn toàn bất lực trong việc tìm ra một lối thoát cho họ. Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm lại cho chúng ta thấy một bức tranh khác – sự phản kháng của nữ giới giành thắng lợi hết lần này đến lần khác. Thậm chí đối với trường hợp Liễu Hạnh trong hai lần bị trừng phạt (lần thứ nhất làm vỡ chén ngọc bị đày xuống trần gian; lần thứ hai bị quân triều đình đến phá đền) thì có thể nói như Olgar Dror: “các trừng phạt Liễu Hạnh đã biến hóa thành các phần thưởng và một sự chuyển dịch từ thụ động chấp nhận hình phạt sang thành tích cực đáp ứng với sự trừng phạt”.
So với Liễu Hạnh, Giáng Kiều và người liệt nữ ở An Ấp không thần thông quảng đại bằng, nhưng cuối cùng vẫn giành những thắng lợi tinh thần không kém phần vẻ vang trước các đấng mày râu. Giáng Kiều đã không cam chịu ràng buộc trong mối lương duyên tiền định mà đã quyết lòng gạt lệ, dứt áo ra đi khiến Tú Uyên cải tà quy chính. Tiếp đó, nàng lại giành thêm một thắng lợi tuyệt đối trong việc thuyết phục chàng học đạo cầu tiên dứt bỏ cõi trần (thắng lợi này càng đáng kể hơn khi ta biết rằng Tú Uyên vốn là một Nho sinh không tin vào đạo Tiên, đã từng làm bài thơ “Bất tín thần tiên” để tỏ chí:
Nước chảy lại mây đùn mờ mịt
Cảnh thần tiên ai biết nơi nào?
Non Bồng trời đất thế nào
Nguồn Đào ngày tháng cớ sao lại dài?
Chỗ quán Sở đền đài mơ mộng
Bến Thiên Thai chuyện cũng hoang đường
Hán Tần một kiếp tang thương
Mồ trơ gác bóng tịch dương trên cồn).
Ngoài ra cũng phải kể đến thắng lợi tinh thần của liệt nữ An ấp và cung nữ Bích Châu trong việc tranh biện với các đấng bậc sĩ nhân quân tử có thể coi là những nhân vật điển hình của thời đại. Cả Bích Câu kỳ ngộ, An ấp liệt nữ, Hải khẩu linh từ đều có chung một motif các nhân vật chính thác mộng cho một người trần nhằm tự minh oan. Cung nữ Bích Châu không thể nhắm mắt làm ngơ trước câu thơ mỉa mai của vua Lê Thánh Tông đối với vua Trần Duệ Tông nên đã hiện lên để thưa rằng: “Duy có một điều thắc mắc về câu kết bài thơ vàng ngọc ngự đề trên tường, thiếp không được yên lòng về chỗ vua tôi chồng vợ”. Vua Lê Thánh Tông trọng cái nghĩa vua tôi, tình chồng vợ của nàng nên đã hứa “sẽ vì phu nhân đổi lại câu ấy”. Thư sinh họ Hà trong An ấp liệt nữ cũng vì ngông cuồng mà mắc cái lỗi tương tự như vua Lê Thánh Tông, và lần này, vì thân phận thấp thỏi hơn, chàng ta sẽ được nghe bà liệt nữ dõng dạc thuyết giáo với đầy đủ Kinh Thi, Kinh Thư cùng cả kho điển cố về “đạo quân tử”, “việc trị nước”; rốt cuộc cũng phải sợ hãi mà “tình nguyện họa lại nguyên vần để chuộc lỗi nói càn”. Nếu như trong Bích Câu kỳ ngộ, việc tranh biện, minh oan đó được Tú Uyên đứng ra đảm trách thì đến An ấp liệt nữ, Hải khẩu linh từ, chính các bà trực tiếp cất lên tiếng nói hoặc dõng dạc uy nghiêm, hoặc dịu dàng thuyết phục, và dù bằng cách nào, tất cả họ cũng đều giành thắng lợi.
Đặt phụ nữ vào vai trò chi phối, vào vị trí thắng lợi – đó chính là nét mới trong Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm.
2.2. Sự khác biệt rõ nét của hình tượng nữ trong Truyền kỳ tân phả so với Truyền kỳ mạn lục trước đó ở một mức độ nhất định cũng quy định sự lựa chọn và vận dụng thủ pháp nghệ thuật của tác phẩm này. Thủ pháp khắc họa hình tượng nhân vật nữ của Đoàn Thị Điểm là kết hợp giữa miêu tả dung mạo với thể hiện tài trí, trong đó giành phần lớn bút mực cho tài trí. Tất cả những nhân vật nữ xuất hiện trong Truyền kỳ tân phả đều xinh đẹp, Vân Cát thần nữ và Giáng Kiều là tiên nữ thì đương nhiên phải càng diễm lệ. Song Truyền kỳ tân phả chỉ dành cho dung nhan của các nhân vật nữ này vài nét phác họa. Tả Bích Châu cũng chỉ dùng mấy lời thưa thớt: “tính đứng đắn”, “tư dung xinh đẹp”, tả liệt nữ An Ấp cũng chỉ là “dung nghi thanh nhã, cử chỉ đoan trang”, tiên nữ giáng trần như Giáng Kiều, Giáng Tiên thì cũng chỉ là: “trạc độ mười bảy, mười tám tuổi, mày lá liễu, má hoa đào, ăn mặc gọn gàng…cốt cách như ngọc, da dẻ trắng ngần, vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành” (Giáng Kiều). Hay: “Đến khi lớn, da trắng như sáp đọng, tóc sáng như gương soi, lông mày cong như mặt trăng mới mọc, mắt long lanh như sóng mùa thu. Cổ nhân có câu rằng ‘Ví với hoa là hoa biết nói, ví với ngọc là ngọc có hương’, câu ấy có thể hình dung sắc đẹp của Giáng Tiên vậy” (Giáng Tiên). Chỉ đến thế mà thôi, không miêu tả cụ thể gì thêm. Đối với dung mạo thì chỉ điểm bút qua vài nét như vậy, nhưng đối với tài trí thì lại “tường tả”, “thực tả”, đầy đủ không tiếc bút mực, tạo nên những tình tiết truyện phức tạp, ly kỳ. Hải khẩu linh từ thuật lại chi tiết hai lần dâng biểu khuyên can vua của Bích Châu, lại kể toàn bộ quá trình giao long đòi người đến khi nàng nhảy xuống biển cũng như việc hiện lên gặp vua Lê Thánh Tông sau này, còn như những đặc điểm ngoại hình của nàng thì lại không nhắc thêm một lần nào nữa (kể cả lần hiện lên gặp vua Lê Thánh Tông cũng chỉ được miêu tả là “một người đàn bà trẻ từ dưới nước hiện lên, lạy mà khóc”(15) chứ không phải “một người con gái nhan sắc rất đẹp từ dưới nước hiện lên” như trong bản dịch). Bích Châu được miêu tả là một cung nữ toàn tài: nàng nhờ tài ứng đối mà được Trần Duệ Tông đặt cho mỹ hiệu Phù Dung, tài văn chương hùng biện thì có “Kê minh thập sách” với một đường lối an dân trị quốc đầy thiết thực, nàng lại còn dâng biểu để can vua không nên thân chinh đi đánh Phù Nam, lời lẽ thông tuệ và sắc bén. Nhưng tất cả đều vô hiệu bởi Trần Duệ Tông “ương gàn cố chấp”, khăng khăng muốn dấy binh. Rốt cuộc, nàng không thể “dùng lời trung để giữ nền bình trị”, “lấy lẽ mềm mỏng để ngăn lòng hiếu chiến” song lòng ưu quân ái quốc cùng chính kiến rõ ràng ở con người này đã đủ khiến người ta khâm phục. Trên đường tiến đánh Phù Nam, Bích Châu còn xem thiên tượng mà lo sợ tai ương sẽ giáng xuống phi tần, bói Kinh Dịch mà biết trước hành quân đại bại. Trí tuệ quảng bác đến như Khổng Minh mà gặp phải bậc quân vương như Trần Duệ Tông có lẽ cũng chỉ làm được đến như Bích Châu mà thôi.Và Bích Châu sẽ còn đi đến tận cùng lòng trung quân ái quốc bằng cách tình nguyện nhảy xuống biển, hiến thân cho Đô đốc Nam Hải. Mượn câu thơ Đỗ Phủ vịnh Khổng Minh “Ra quân chưa thắng thân chết trước, Luống để anh hùng nước mắt tuôn” để gửi gắm niềm di hận của mình, Bích Châu có lẽ cũng đã ngầm nói lên cái chí muốn noi theo vị quân sư bất hủ này.
An Ấp liệt nữ, Bích Câu kỳ ngộ cũng được miêu tả theo cùng một khuynh hướng chú trọng tài trí hơn dung mạo như vậy. Vân Cát thần nữ lại càng đậm nét hơn, trong đó dung mạo của thần nữ chỉ được điểm qua vài nét nhưng các tình tiết cụ thể trong quá trình giáng trần, kết duyên, tái ngộ, xướng họa cũng như việc hiển linh báo ứng của nàng sau này thì lại thuật vô cùng tường tận. Tóm lại, các nhân vật nữ của Truyền kỳ tân phả không ai là không thể hiện một tài hoa và trí tuệ sánh ngang cùng các bậc nam nhi. Tất cả họ đều là “Dị An phục sinh, Thục Chân tái thế”, có thể cùng các đấng sĩ nhân “nhàn luận trung thần liệt nữ, liên ngâm bạch tuyết dương xuân”. Không chỉ dừng ở đó, tầm trí tuệ của họ luôn cao hơn nam giới, thậm chí trở thành người dắt dẫn cho nam giới.
Trong những tài năng của nhân vật nữ mà Truyền kỳ tân phả đề cập, tuy cũng có thoáng nói đến cái tài tri thiên mệnh và phần nào đó là tài quân sự của cung nữ Bích Châu, song xem ra thứ tài năng đầy nam tính này không đủ thuyết phục chính tác giả khó tính Đoàn Thị Điểm, bà đã chuyển hướng sang thứ tài năng vừa tầm hơn là tài văn chương thi phú. Ngay chính thứ tài năng mang tính tiêu khiển lúc ung dung vô sự này cũng cần phải biện luận cho sự tồn tại của nó ở các nhân vật nữ. Trong Bích Câu kỳ ngộ, khi Tú Uyên nài Giáng Kiều làm thơ, nàng đã từ chối với cớ rằng: “Việc giấy mực không phải phận đàn bà”. Tú Uyên nói: “Ban Cơ, Sái nữ xưa, chúng ta đã được nghe tiếng là người giỏi văn thơ, lại còn nàng Đạo Uẩn, Dị An ngày nay ta cũng còn ghi chép. Đó chẳng phải đàn bà là gì? ”. Rõ ràng Đoàn Thị Điểm đã mượn lời của Tú Uyên để khẳng định quan điểm của mình, quan điểm ấy cũng sẽ được bà thực hiện bằng cách lồng vào tác phẩm của mình một lượng thơ văn ngoài cốt truyện dồi dào đến mức thừa thãi. Trong Hải khẩu linh từ, ngoài cặp đối của Trần Duệ Tông và Bích Châu, bài minh và bài biểu của Bích Châu dâng vua ra còn có bài văn chiêu hồn của Trần Duệ Tông, mấy bài thơ của Lê Thánh Tông. Bích Câu kỳ ngộ thì lại chắp thêm cả truyện Lê Thánh Tông gặp tiên ở chùa Ngọc Hồ, hai bên làm thơ, mỹ nhân chữa thơ của vua, bình rằng: “Câu trên thiếu ý cảnh, đổi chữ chày kình mấy khắc làm gió xuân đưa kệ, đổi chữ ba canh làm chữ mơ tiên, chữ thảm làm chữ khổ, chữ sông làm chữ nguồn”. Đại loại thơ từ trong Truyền kỳ tân phả đều chọn câu lựa chữ cầu kỳ như thế. Thơ thù tạc xướng họa của Tú Uyên và Giáng Kiều thì nhiều không đếm hết. An ấp liệt nữ tuy nói rằng “Các bài xướng họa đã chép ở tập Quan thư hòa minh, nay không dẫn ra đây”, nhưng tính sơ cũng có đến 7 bài thơ, một bài ca, một bài hành và một bài văn tế. Đến Vân Cát thần nữ thì có thể nói Đoàn Thị Điểm đã mặc sức thể hiện khoái cảm nghệ thuật cá nhân trong trò ảo thuật với những ám hiệu văn tự, bộ phận thơ từ lồng ghép vào cốt truyện chiếm ngót nửa dung lượng tác phẩm.
Khuynh hướng coi trọng tài trí hơn dung mạo trong khi khắc hoạ các nhân vật nữ của Truyền kỳ tân phả cố nhiên có liên quan đến đặc trưng của thể loại truyền kỳ nhưng cũng phải thừa nhận rằng, sự đề cao nữ quyền một cách có ý thức đã khiến tác phẩm hướng đến việc giải thoát nhân vật nữ khỏi địa vị đáng thương “lấy sắc thờ người”, ý thức nhất quán trong toàn bộ tác phẩm này cũng đã khiến tác giả của nó trong khi xây dựng hình tượng phụ nữ đã chủ yếu tập trung vào những hành vi thực tế có khả năng thể hiện tài hoa, trí tuệ nhất, còn miêu tả dung mạo lại bị lùi về vị trí thứ yếu.
Bên cạnh việc đề cao tài năng của nhân vật nữ, ngược lại, nhân vật nam của Truyền kỳ tân phả không khỏi bị lép, mặc dù người chồng, người bạn văn chương lúc nào cũng có mặt bên cạnh họ. Phải nhớ rằng kiểu nhân vật nam như Phùng Khắc Khoan, Lê Thánh Tông mới là nhân vật chính của chế độ chuyên chế. Trước Đoàn Thị Điểm, cái mà Nguyễn Dữ và tất cả các tác giả cùng thời với ông hướng tới đồng thời gửi gắm lời nhắn nhủ cốt thiết của mình trên thực tế thuộc về loại hình nhân vật nam chứ không phải nhân vật nữ. Đó là những ẩn sĩ tiều phu núi Na, hay tú tài họ Viên, xử sĩ họ Hồ, hoặc Ngô Tử Văn, Hồ Tông Thốc… với bản chất ngay thẳng, trong sạch, khí tiết cứng cỏi, cương phương, quật cường, không chịu chùn nhụt, những nhân vật mà Nguyễn Dữ đã lồng vào những cốt truyện luận đề nhằm nói hộ cho sát đúng tấm lòng ông, cho lý tưởng mà ông đeo đuổi. Hình tượng nữ chỉ là một sự hấp dẫn tự phát đối với Nguyễn Dữ do chịu ảnh hưởng của mảng đề tài tình yêu khá đậm đặc ở Tiễn đăng tân thoại và thể loại truyền kỳ Trung Quốc nói chung. Đến Đoàn Thị Điểm, hình tượng nhân vật nữ đã là một nét nhấn đậm có chủ ý. Người chồng trong hai lần giáng trần, Phùng Khắc Khoan, cử nhân họ Ngô, tú tài họ Lý trong Vân Cát thần nữ; Tú Uyên, chàng nho sinh tài giỏi trong Bích Câu kỳ ngộ; Đinh Nho Hoàn, chàng thư sinh họ Hà trong An ấp liệt nữ, thậm chí vua Trần Duệ Tông, vua Lê Thánh Tông trong Hải khẩu linh từ – những bậc nam nhi này xét cho cùng đều chỉ là những nhân vật làm nền, khiến cho các hình tượng tài nữ của Đoàn Thị Điểm thêm nổi bật.
3. Thay lời kết
Trên đây, chúng tôi đã điểm qua vài nét về tiểu sử Đoàn Thị Điểm cũng như những giai thoại có liên quan nhằm mường tượng ra chân dung một tác giả. Chúng tôi cũng đã cố gắng làm nổi bật một giá trị độc đáo của Truyền kỳ tân phả – tác phẩm tiêu biểu cho việc đề cao nữ quyền. Tuy nhiên, cống hiến đặc biệt của Đoàn Thị Điểm theo chúng tôi chủ yếu là: bà đã đan dệt những truyền thuyết địa phương thành những áng truyền kỳ hấp dẫn, đưa truyền kỳ từ một thể loại bứng trồng bắt rễ vào cội nguồn bản địa. Cần chú ý rằng, trong khi chưa thể tự sáng tạo ra một thể loại thuần tuý dân tộc thì việc trở về với văn hoá dân gian bản địa đã là một cách tân của các nhà truyền kỳ Việt Nam trong tương quan với truyền kỳ Trung Quốc. Và như vậy thì Truyền kỳ tân phả với tỷ lệ đậm đặc những hiện tượng tương đồng một đối một giữa tác phẩm với truyền thuyết và lễ hội dân gian (Hải khẩu linh từ – Lễ hội Loan nương Thánh mẫu ở Kỳ Anh – Hà Tĩnh; An ấp liệt nữ – Lễ hội đền bà Tiết ở làng Gôi Mỹ nay là xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn – Hà Tĩnh; Bích Câu kỳ ngộ – Lễ hội Bích Câu đạo quán phường Quốc Tử Giám quận Đống Đa – Hà Nội; Vân Cát thần nữ – Lễ hội “giỗ Mẹ” ở Phủ Giày – Hà Nam; đền Sòng – Thanh Hóa; phủ Tây Hồ – Hà Nội và khắp các đền phủ thuộc đạo Mẫu thậm chí cả chùa chiền các nơi trong cả nước) cần phải được ghi công trong việc nối liền sự đứt gẫy giữa văn học, văn hoá dân gian và văn học, văn hoá bác học; sớm hơn khá nhiều so với trào lưu “thuần Việt hoá” của văn học Việt Nam thế kỷ XVIII- XIX. Có thể thấy rõ Đoàn Thị Điểm hoàn toàn có ý thức trong việc bảo lưu gần như nguyên vẹn cốt lõi dân gian trong tác phẩm, tạo ra một điểm Mới cho thể loại truyền kỳ để đến sau bà, với Vũ Trinh, Nguyễn Án, Phạm Đình Hổ, Cao Bá Quát…, truyền kỳ Việt Nam dần khước từ những tưởng tượng bay bổng, chủ trương ghi chép “kiến văn”, cô đặc nội dung chỉ trong một cốt truyện dân gian như một người sưu tầm trung thực. Xét trong tiến trình lịch sử của thể loại thì đây có thể là một bước lùi khiến cho truyền kỳ đánh mất đi sức hấp dẫn đáng kể của nó, nhưng xét trong mối quan hệ giữa văn học, văn hoá dân gian và văn học, văn hoá bác học thì việc kế thừa truyền thống dân gian bản địa có thể coi là một biện pháp khả thi trong việc tìm kiếm những giá trị mới trên con đường tiếp tục phát triển của văn học, văn hoá Việt Nam. Đây cũng là di sản Đoàn Thị Điểm để lại cho thể loại truyền kỳ mà chúng tôi dự định sẽ đi sâu phân tích trong các nghiên cứu tiếp theo.
(1)Nam hải dị nhân (Phan Kế Bính biên soạn), xuất bản lần đầu năm 1920. Nxb Trẻ tái bản, TP HCM, 2001, mục Nguyễn Thị Điểm, Tr.177. Tác giả Phan Kế Bính là người có công đầu trong việc sưu tầm thư tịch, chuyển dịch một cách thần tình sang quốc ngữ các giai thoại thú vị về Đoàn Thị Điểm. Tuy nhiên, cũng còn một số chi tiết hoặc đối liên mà Phan Kế Bính đã bỏ qua (vì khó, hoặc vì câu chữ “bất thông” do sao chép nhầm lẫn chăng?)
(2)Trúc Khê: “Những tài liệu mới về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm”, Tiểu thuyết thứ Bảy, số 4, tháng 7-1944
(3)Thuần Phong: Chinh phụ ngâm khúc giảng luận, bản kỳ nhì, Sài Gòn, Văn hóa xuất bản, 1952
(4) Hoàng Xuân Hãn: Chinh phụ ngâm bị khảo, Paris : Minh Tân, 1953
(5) Theo tài liệu ông Nguyễn Trác Cách gửi viện trưởng Viện Văn học ngày 10 tháng 3 năm 2009
(6) Hoàng Xuân Hãn, sđd, Tr.25.
(7) Chúng tôi đã có dịp đến Đoàn từ đường ở Giai Phạm, Yên Mỹ, Hưng Yên vào ngày 6/5/2010. Tuy không còn đôi câu đối ghi lại tông tích họ Đoàn: “Vũ liệt văn khôi quang thế phả, Lê tiền Đoàn hậu kí thần ngôn” (Võ giỏi văn tài, làm sáng ngời gia phả; Trước là họ Lê, sau đổi họ Đoàn, để ghi nhớ lời nói của thần), song ngôi nhà gạch ba gian cũ kỹ thì có lẽ không mấy đổi thay so với hồi năm 1940, khi Trúc Khê Ngô Văn Triện đến đây và lần đầu tiên phát hiện ra Đoàn thị thực lục.
(8) Ba ngôi mộ của ba bà vợ ông Nguyễn Kiều được táng song song ở làng quê ông (Phú Thượng – Tây Hồ – Hà Nội).
(9) Đoàn Thị Điểm sớm nổi danh về tài học từ khi mới 5 – 6 tuổi. Năm 15 tuổi, lúc bà đang soi gương, người anh trai tên Luân của bà ra vế đối: “Đối kính họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm” [Soi gương vẽ mày, một nét thành hai nét]; bà ứng khẩu đối rằng: “Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân” [Xuống sông ngắm trăng, một vầng thành hai vầng]. Vế đối chỉnh cả về nghĩa đen và nghĩa bóng [một cô Điểm hóa hai cô Điểm; một anh Luân thành hai anh Luân]. Đoàn thị thực lục cũng ghi lại giai thoại này.
(10) Phan Kế Bính: Nam hải dị nhân, Tựa, sđd.
(11) Hoàng Hữu Yên (hiệu đính và giới thiệu): Truyền kỳ tân phả (Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm), Tủ sách Trường Đại học Tổng hợp, Nxb Giáo dục, 1962. Tr.12
(12) Nguyễn Đăng Na: Văn xuôi tự sự Việt nam thời trung đại, tập I, Nxb Giáo dục, 1999. Tr.32
(13) Olga Dror: “Doan thi Diem’s ‘Story of the Van Cat Goddess’ as a story of emancipation”, Journal of Southesat Asian Studies, 33 (1), các trang 63-76, February 2002; Lê Thị Huệ dịch. Nguồn: http://www.gio-o.com/OlgaDrorDoanThiDiem.html
(14) Kim Seona: Nhân vật phụ nữ trong thể truyền kỳ qua các tác phẩm Truyền kỳ mạn lục và Truyền kỳ tân phả (Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn), ĐHKHXH&NV – ĐHQG, H.1995; Tr.17
(15) Nguyên văn: “见一少年女子,从水中出来,拜且泣曰”. Xem Truyền kỳ tân phả, bản A.48, Thư viện Hán Nôm.
……………………………………………………………..
BÙI THỊ THIÊN THAI
Nguồn: Hội thảo Khoa học “Một nghìn năm văn học Thăng Long-Hà Nội” do Viện Văn học tổ chức ngày 23 tháng 9 năm 2010