GIỚI THIỆU SÁCHPhê bình

TỘI ÁC CỦA HUÂN TƯỚC ARTHUR – MỘT CÁI NHÌN VỀ BỔN PHẬN

Tội ác của Huân tước Arthur Savile và các truyện ngắn khác là tập hợp bốn truyện ngắn của Oscar Wilde, được công khai lần đầu tiên vào năm 1891. Đến năm 2015, tập truyện ngắn được Tao Đàn dịch và xuất bản tại Việt Nam.
Tôi đọc cuốn sách vào một tối tháng 10, ban đầu chỉ có mục đích đọc để giải trí, tìm lại niềm vui sau rất nhiều ngày xa rời sách vở. Thế nhưng, bằng một sức hấp dẫn khó cưỡng nào đó, Oscar Wilde và những truyện ngắn của ông đã thu hút tôi ngay đến trang sách cuối cùng và để lại dư âm dai dẳng trong những ngày kế tiếp.
Bốn truyện ngắn được đưa vào tập truyện gồm có: Tội ác của Huân tước Arthur Savile – Câu chuyện về bổn phận, Người mẫu triệu phú – Một ghi chép về sự ngưỡng mộ, Bí mật nhân sư và Con ma của dòng họ Canterville. Tuy nhiên, điều làm tôi băn khoăn là tại sao tác giả lại chỉ lấy tên truyện ngắn đầu tiên đưa vào làm nhan đề chính cho cuốn sách của mình? Tại sao “tội ác” lại song song cùng “bổn phận”? Và tại sao lại có sự tách biệt giữa Tội ác của Huân tước Arthur Savile và các truyện ngắn khác?… Hàng loạt câu hỏi được đặt ra trước cả khi tôi bắt đầu mở trang sách đầu tiên, rồi cứ thế, hàng loạt những câu hỏi khác xuất hiện cho đến khi tôi lật đến trang cuối cùng. Người ta nói tập truyện này của Oscar Wilde là một bộ sưu tập những câu chuyện bí ẩn, điều này có lẽ không sai. Sự bí ẩn không chỉ diễn ra trong nội dung từng truyện ngắn, mà nó còn xuyên suốt tập sách trong một chủ đề chung: Câu chuyện về bổn phận. Chủ đề ấy chỉ được thể hiện rõ nét nhất, trực tiếp nhất trong Tội ác của Huân tước Arthur Savile. Trong ba truyện ngắn còn lại, nó là thứ mạch ngầm chi phối đến toàn bộ diễn biến của câu chuyện.
Vì vậy, ta sẽ bắt đầu câu chuyện về bổn phận với Tội ác của Huân tước Arthur Savile. Câu chuyện được mở đầu trong một bữa tiệc của Phu nhân Windermere. Tại bữa tiệc này, chàng huân tước trẻ Arthur Savile đã được một gã đàn ông xem chỉ tay cho. Vì trước đó, có vẻ như gã đã đoán rất đúng số phận của người khác nên đến lượt mình, Arthur tin vô cùng vào những gì người đàn ông ấy nói. Chỉ khác là, gã xem chỉ tay đã “tiên đoán” về “một vụ ám sát” mà Arthur là kẻ tiến hành. Một vụ ám sát! Arthur kinh hồn. Chàng không thể tin được chàng sẽ làm một vụ ám sát. Thế nhưng số phận đã định trong đường chỉ tay của chàng cả rồi. Một vụ ám sát chắc chắn sẽ xảy ra. 
Tài hoa trong cách khắc họa tâm lí nhân vật của Oscar Wilde cũng đã được thể hiện vô cùng tinh tế trong tình huống này. Là một con người coi trọng bổn phận, sự kinh hoảng của Arthur dường như biến mất khá nhanh chóng. Thay vào đó, chàng coi vụ ám sát ấy trở thành một nhiệm vụ cần hoàn thành, và nên hoàn thành càng sớm càng tốt. Arthur nhanh chóng thích nghi với thứ bổn phận mới được phát hiện ra này của mình. Thay vì cố tránh việc giết người, chàng lên kế hoạch tìm ra kẻ nên chết và tiến hành các kế hoạch khác nhau để ám sát người đó. Trong trường hợp này, mọi thứ tình cảm biến mất, thậm chí cả tình yêu của Arthur dành cho Sybil cũng biến mất, mặc dù Arthur luôn miệng khẳng định rằng chàng thực hiện vụ ám sát đó chỉ để có thể nhanh chóng cưới Sybil và tránh cho nàng mọi liên lụy sau này. Dễ dàng chấp nhận sự sắp xếp của một thứ “siêu hình” được gọi bằng cái tên định mệnh, Arthur trở nên khác hẳn những nhân vật trong các tác phẩm văn học cùng thời. 
Lập luận của Arthur khác người và khiến người khác buồn cười vì anh ta là một con người nguyên tắc, luôn luôn đặt sứ mạng, trách nhiệm lên làm đầu. Trong một xã hội mà Oscar Wilde miêu tả là “Những nhà thuyết giáo nổi tiếng bám đuôi những nhân vật có tiếng tăm theo chủ nghĩa hoài nghi. Một nhóm giám mục tụ tập lại theo đuôi nữ danh ca opera to béo từ phòng này sang phòng khác. Một số Viện sĩ Hàn lâm Hoàng gia cải trang giống như các nghệ sĩ đứng trên cầu thang”, thì quả thật, những hành động của Huân tước Arthur Savile đã đưa mọi thứ về đúng trật tự của nó. Trong câu chuyện, dường như chỉ có Arthur là đang làm đúng “phận vị” của mình, từ sứ mạng với định mệnh được viết sẵn trong lòng bàn tay, cho đến “trách nhiệm” với tình yêu của nàng Sybil xinh đẹp. Thế nhưng nếu chàng làm đúng, tại sao nhan đề truyện ngắn lại được đặt là “Tội ác của huân tước Arthur”?
Một câu hỏi khác cần đặt ra là, nếu không có lời tiên đoán kia, liệu tội ác có diễn ra? Hay là vì lời tiên đoán như một dạng ám thị đó mà Arthur đã tiến hành một cuộc ám sát “vô tội vạ”? Cuối cùng, định mệnh, bổn phận là thứ chi phối cuộc đời con người hay chỉ là một thứ ảo ảnh con người tự tạo ra, vin vào đó để tin tưởng và tự huyễn hoặc rằng bản thân mình đang đi theo tiếng gọi của bổn phận?
Nhìn toàn bộ câu chuyện, những kẻ đang không làm đúng phận vị của mình như các nhà thuyết giáo, những tay giám mục hay Viện sĩ Hàn lâm lại là những người không gây ra tội ác; còn người tuyệt đối trung thành với thứ mà anh ta coi là bổn phận lại là người cố tình giết người khác những hai lần và đến lần thứ ba thì thành công trong việc ám sát. Câu chuyện về bổn phận được đặt ra dưới cái nhìn vừa giễu nhại, vừa hoài nghi tột độ. Cái chết cuối cùng bị đưa vào dĩ vãng, Arthur vô tội trong chính hành động giết người của anh, nhưng tội ác vẫn tồn tại ở đó, qua đường chỉ tay, và qua cách Arthur Savile tin tưởng tuyệt đối vào những đường chỉ tay ấy. “Tội ác” của Arthur là tội ác giết người, hay thực chất là “tội ác” khi không một lần chống cự lại quyền uy của mệnh số? Câu chuyện Oscar Wilde kể chẳng có bất kì một bế tắc, khủng hoảng nào của con người trước sự sắp đặt nghiệt ngã của số phận. Trái lại, con người còn chủ động làm theo cái anh ta cho là phận sự của mình, bất chấp việc đó là tước đoạt sinh mạng của kẻ khác.
Ba truyện ngắn còn lại tập trung vào sự xáo trộn địa vị của các nhân vật: tay triệu phú đóng giả kẻ ăn mày, chàng thanh niên nghèo khổ cho tiền người ăn xin vốn là triệu phú, con ma của dòng họ Canterville lại bị một gia đình người Mĩ dọa cho sợ chết khiếp,… Rõ ràng, nếu xét trên khía cạnh bổn phận, tất cả những nhân vật này đều không làm đúng theo những gì đã được xã hội quy định. Thế nhưng, chính bởi sự xáo trộn đó mà các nhân vật lại có được hạnh phúc thật sự, và tất nhiên, chẳng có một tội ác nào diễn ra, cũng như chẳng có một cái chết vô vị nào trong đó. 
Lấy ba truyện ngắn còn lại làm đối trọng với Tội ác của Huân tước Arthur Savile, nhưng lại đặt một tiêu để tập trung vào tội ác của chàng Huân tước trẻ tuổi, dường như chính bản thân Oscar Wilde cũng đang phân vân lưỡng lự trước cái gọi là “bổn phận”. Tuy nhiên, bất kể những mâu thuẫn về chủ đề diễn ra như thế nào, người ta vẫn tìm thấy trong tập truyện ngắn những áng văn tuyệt đẹp, những tình tiết gây cười sâu sắc, tinh tế, và tất nhiên, cả những ý tưởng khác nhau, thậm chí đối lập nhau về vấn đề bổn phận, trách nhiệm của con người. Tội ác của Huân tước Arthur Savile và các truyện ngắn khác viết về tội ác, về tình yêu, về cái chết, về sự tồn tại của hồn ma,… nhưng lại không mang màu sắc tối tăm, u ám mà nhẹ nhàng, ẩn giấu nhiều ý vị thâm sâu. Và những câu hỏi cứ không ngừng được khơi gợi trong suy nghĩ người đọc chính là đáp án cho sự lôi cuốn đầy bí ẩn mà các câu chuyện Oscar Wilde đem lại.

Nguyễn Hoàng Dương

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *