Từ “Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học” đến lý thuyết hệ hình
Đỗ Lai Thúy
Trong lịch sử, sự tiến hóa của khoa học là liên tục qua những đứt đoạn. Để thao tác hóa tiến trình này, Kuhn sử dụng 3 khái niệm – chìa khóa là hệ hình(paradigm), khoa học chuẩn định (normal science) và các cuộc cách mạng khoa học (scientific revolutions), trong đó khái niệm quan trọng nhất là hệ hình. Thuật ngữ paradigm của Kuhn được Chu Lan Đình dịch là mẫu hình, Phan Đình Diệu dịch là khung mẫu, rồi những người khác dịch là mẫu chuẩn, mẫu thức,chuẩn thức, hệ chuẩn…Từ trước đến nay, tôi vẫn dịch thuật ngữ này là hệ hìnhvới lý do sau: 1) Từ paradigm này xuất thân từ ngữ học cấu trúc của Ferdinand de Saussure, trước hết nhằm chỉ sự biến đổi của các vĩ tố của một từ qua những cách sử dụng khác nhau. Và, sau khi ngữ học Saussure trở thành khoa học hoa tiêu, thì paradigm được dùng rộng rãi trong các ngành khoa học khác. Bởi vậy, dịch paradigm là hệ hình là một sự tầm nguyên. 2)Hệ hình còn chỉ một tập hợp ý niệm cơ bản có quan hệ với nhau chặt chẽ và có tính chất khuôn mẫu. Nên, nếu chỉ dịch là mẫu hình, chuẩn, thức… thì sẽ đánh mất nét nghĩa quan trọng này.
Thuật ngữ hệ hình được Kuhn sử dụng với hai cách hiểu chính: một mặt nó biểu hiện toàn bộ tập hợp những tín niệm, những giá trị được thừa nhận và những kỹ thuật có chung của mọi thành viên thuộc cộng đồng khoa học; mặt khác nó biểu thị một yếu tố riêng biệt của tập hợp ấy với tư cách là giải pháp cho những “bài toán đố”, tức những vấn đề khúc mắc của khoa học chuẩn định. Khoa học chuẩn định có thể ổn định trong một thời gian dài. Trong thời gian đó thì hệ hình được tất cả mọi người thừa nhận. Vì thế, mọi sáng tạo, phát kiến lúc này chỉ nhằm củng cố, nuôi dưỡng hệ hình. Nhưng khi khiếm khuyết của hệ hình càng trở nên rõ rệt, và hình dáng một hệ hình mới cũng dần được hình thành, thì sẽ có một biến đổi đột ngột xuất hiện: cuộc cách mạng khoa học đểthay đổi hệ hình (paradigm shifl).
Như vậy, lịch sử phát triển của khoa học không phải theo tuyến tính bằng sự tích lũy tri thức từ từ, kiến tha lâu cũng đầy tổ, mà phải trải qua nhiều cuộc cách mạng khoa học, tức nhiều lần thay đổi hệ hình, tạo ra sự thay đổi đột ngột về bản chất của việc tìm tòi, phát minh, sáng tạo ở mỗi một lĩnh vực khoa học riêng biệt. Để làm rõ hơn điều này thì có thể chia sự phát triển của khoa học làm ba thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất gọi là tiền khoa học với hàm ý rằng đó là giai đoạn khoa học chưa có hệ hình trung tâm. Tiếp đến là thời kỳ khoa học chuẩn định, tức đã có một hệ hình trung tâm thống ngự. Ở thời kỳ này, mọi nhà khoa học đều dồn sức để củng cố và mở rộng hệ hình, vì thế mà nếu có một kết quả sai lệch với hệ hình thì sẽ không được xem như bằng chứng bác bỏ hệ hình, mà chỉ coi nhà là lỗi lầm của nhà khoa học, đôi khi dẫn đến sự kết án anh ta khá nặng nề như các “vụ án quả đất quay”. Tuy nhiên, một khi những sự bất thường như vậy diễn ra ngày càng nhiều, góp gió thành bão, thì khoa học rơi vào thời kỳ khủng hoảng. Lúc ấy, một hệ hình mới xuất hiện thâu nhận cả các kết quả cũ lẫn những kết quả bất thường vào một cấu trúc duy nhất. Như vậy, cách mạng khoa học không phải là sự thủ tiêu hoàn toàn hệ hình cũ để thay thế vào đó một hệ hình hoàn toàn mới, mà bao giờ cũng có kế thừa, cũng là một sự vượt gộp(émergence). Từ nay hệ hình cũ chỉ là một bộ phận, một trường hợp trong hệ hình mới.
Có một điều cần phải biện giải là Kuhn đưa ra mô hình của các cuộc cách mạng khoa học là của khoa học tự nhiên, các dữ kiện đều lấy từ lịch sử khoa học tự nhiên, vậy có thể chuyển dịch nó vào các khoa học xã hội và nhân văn? Câu trả lời, theo tôi, là có. Bởi lẽ, tuy xuất phát từ khoa học tự nhiên, nhưngCấu trúc các cuộc cách mạng khoa học là một công trình triết học khoa học. Mà đã là triết học, nhất là triết học khoa học, thì nó mang tính phổ quát, nên có thể áp dụng được vào khoa học xã hội và nhân văn. Hơn nữa, khi tính đến các điều kiện để có thể xảy ra một cuộc cách mạng khoc học thì Kuhn không chỉ nói đến các quy luật vận động nội tại của khoa học đó, mà còn chú trọng đến cả các dữ kiện văn hóa lịch sử ở thời điểm đó nữa. Điều này mang lại rất nhiều gọi ý cho sự chuyển dịch, sự quá giang từ khoa học tự nhiên sang khoa học xã hội và nhân văn của lý thuyết này.
Trên thế giới, việc áp dụng lý thuyết của Kuhn vào lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã thu được nhiều kết quả học tốt đẹp. Trong phạm vi hiểu biết của mình, tôi chỉ xin đưa ra một tác phẩm đã được dịch ra tiếng Việt là Các nhà tư tưởng lớn Kitô giáo của Hans Kung (Nguyễn Nghị dịch, Nxb Trí Thức, 2010). Tác giả nhìn nhận toàn bộ lịch sử tư tưởng Kitô giáo thông qua 7 nhân vật được gọi là nhân vật mang tính hệ hình (paradigmatischer): 1) Phaolô (? – 60) bắt đầu hệ hình Kitô giáo/ Hy Lạp; 2) Origen (185 – 251) người hoàn thành hệ hình này; 3) Augustinô (354 – 430) tạo nên hệ hình mới từ các kinh nghiệm đa dạng thành tổng luận thần học; 4) Thomas Aquinas (1224 – 1274) tạo nên những thay đổi quan trọng nhưng không thay đổi hệ hình; 5) M. Luther (1483 – 1546) tạo nên hệ hình mới: hệ hình cải cách; 6) F.Schleiermache (1768 – 1834) tạo ra hệ hình hiện đại của thời khai sáng hoàn toàn hướng về con người; 7) Karl Barth (1886 – 1968) khởi xướng hệ hình hậu hiện đại. Đây là những cá nhân hoặc đã tạo ra sự thay đổi hệ hình, hoặc đã hoàn chỉnh hệ hình, để tạo ra những thời đại lớn trong văn hóa tư tưởng. Đó là những đại hệ hình (macroparadigmus). Ngoài ra, còn có các trung hệ hình (mesoparadigmus) và các tiểu hệ hình (microparadigmus) nhằm chia khái niệm – chìa khóa này vào giải quyết các vấn đề ở mọi cấp độ lớn nhỏ.Đến đây có thể nói, việc áp dụng khái niệm hệ hình được sử dụng trong khoa học tự nhiên vào lĩnh vực xã hội và nhân văn đã có đầy đủ cơ sở để gọi là lý thuyết hệ hình. Thậm chí, Hans Kung coi lý thuyết hệ hình là một nền thần học cho thiên niên kỷ thứ ba.
Ở Việt Nam trước khi biết đến tác phẩm Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học và khái niệm lý thuyết hệ hình được suy ra khi áp dụng lý thuyết của Kuhn vào lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thì người ta chỉ mô tả sự phát triển của lịch sử thành sự phân kỳ thành triều đại, giai đoạn, thời kỳ, thậm chí thời đại. Nhưng những sự phân kỳ này mang tính chất tĩnh tại, cơ giới, bề ngoài, nên ít mang lại các kết quả khả quan. Có lẽ vì vậy, người ta phải tìm đến các lý thuyết mới. Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân là người đầu tiên đưa ra khái niệm mô hình và sự chuyển đổi mô hình để nắm bắt lịch sử mỹ thuật Việt Nam (xem Hai lần thay đổi mô hình thẩm mỹ, Nghiên cứu Nghệ thuật, số 2, năm 1984). Còn bản thân tôi thì cũng đã ít nhiều sử dụng khái niệm hệ hình và chuyển đổi hệ hình trong các tác phẩm Văn hóa Việt Nam, nhìn từ mẫu người văn hóa (Nxb Văn hóa Thông tin, 2003), và Phê bình văn học Việt Nam, con vật lưỡng thê ấy (Nxb Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa Truyền thông Nhã Nam, 2010), hoặc Thơ như là mỹ học của cái khác (Nxb Hội Nhà văn, 2012).
Việc sử dụng lý thuyết hệ hình ở các tác phẩm trên, tuy còn mang tính trực giác lý thuyết, nhưng nó một mặt mô tả được sự vận động nội tại của lịch sử văn hóa, lịch sử thơ Việt và lịch sử phê bình văn học Việt Nam, mặt khác giúp người đọc nắm bắt được bản chất của sự phát triển thông qua “cơ chế” của nó là sự thay đổi hệ hình. Trước đây mô tả các quá trình lịch sử, người ta chỉ chú ý đến việc mô tả bản thân các giai đoạn và, do thế, lịch sử như là sự sắp xếp các giai đoạn đó theo thời gian, mà bỏ qua thời kỳ khủng hoảng, suy thoái. Ngày nay, với cái nhìn của lý thuyết hệ hình, người ta thấy chính giai đoạn khủng hoảng này mới là quan trọng, bởi lẽ đây là điều kiện để nảy sinh cái mới, ra đời hệ hình mới, dẫn đến sự thay đổi hệ hình. Từ đây, cũng có thể tạo ra một sự xếp loại nào đó đối với các nhân vật mang tính hệ hình nhằm đánh giá công lao của họ. Trong đó, những người tạo ra sự thay đổi hệ hình có vai trò quan trọng nhất, đáng được xếp trên những người hoàn chỉnh hệ hình, bởi tư duy sáng tạo và thái độ dũng cảm, dám trả giá của họ. Như vậy, lý thuyết hệ hình đã mang lại một cái nhìn mới cho lịch sử văn hóa, nghệ thuật, văn học và, từ đó, có thể tạo ra một lối viết lịch sử mới.
Nguồn: Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 342, tháng 12-20120