Xác định lại thời điểm sáng tác Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn
Chinh phụ ngâm là một tác phẩm nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam nhưng thời điểm tác phẩm ra đời vẫn gây rất nhiều tranh cãi
Chinh phụ ngâm là một tác phẩm nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam: “từ kẻ quê đến thành thị, không mấy người không biết một vài câu: Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy, Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu. Ngàn dâu xanh ngắt một màu, Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?” [Hoàng Xuân Hãn, 1952, tr. 7].
Phan Huy Chú viết: “nhân đầu đời Cảnh Hưng, việc binh đao nổi dậy, người đi chinh thú phải lìa nhà, ông Đặng Trần Côn cảm thời thế mà làm ra” [Phan Huy Chú, 1961, tr. 115]. Sách Tang thương ngẫu lục chép rõ chuyện ông mất chỉ vài năm sau khi sáng tác Chinh phụ ngâm. Căn cứ vào đó, giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã ước đoán nhà thơ qua đời khoảng năm 1745, thọ chưa đầy bốn mươi tuổi còn khúc ngâm thì được sáng tác khoảng năm 1741 – 1742 [1952, tr. 16]. Ý kiến này từ trước tới nay vẫn luôn được đại đa số tán đồng.
Đặng Trần Côn là một danh sĩ thời Lê Trung Hưng. Quê ở làng Nhân Mục hay còn gọi là làng Mọc, huyện Thanh Trì, Hà Nội, thuộc dòng dõi tông thất nhà Trần, là con cháu của Trần Nguyên Đán – ông ngoại của Nguyễn Trãi [Hội văn nghệ Hà Nội, 1973, tr. 178]. Ông có bản tính đuềnh đoàng phóng túng, thích uống rượu, không ưa trói buộc. Văn chương nổi tiếng tài hoa, được người người truyền tụng trong chốn trường ốc. Sách 黎場賦撰 Lê trường phú tuyển chép: 當世名世, 通國推尊 “Đương thế danh thế, thông quốc suy tôn “ ( Nức tiếng đương thời, cả nước suy tôn ). Sách 懶齋遺懶齋遺藁 Lãn Trai di cảo lại chép: 公以文章名世, 天下以爲才子 “Công dĩ văn chương danh thế, thiên hạ dĩ vi tài tử “(Ông nhờ văn chương mà nổi tiếng ở đời, thiên hạ cho là bậc tài tử).
Tiếc rằng đường thi cử của ông lận đận. Tuy tài cao nhưng chỉ đỗ Hương cống. Trong kì thi hương, ông đỗ giải nguyên nhưng thi hội thì lại hỏng. Sau đó Đặng Trần Côn nhận chức Huấn đạo ở trường phủ rồi làm Tri huyện huyện Thanh Oai. Cuối đời làm chức Ngự sử đài Chiếu khám được ít lâu rồi mất.
Từ trước tới nay giới nghiên cứu luôn căn cứ vào năm mất của Đặng Trần Côn để ước đoán về thời điểm ra đời của tác phẩm nhưng tiếc rằng tư liệu quả thật quá ít ỏi. Ông tuy là một tác gia lớn nhưng tác phẩm giờ đã bị mất mát khá nhiều, ngay cả tác phẩm nổi tiếng nhất là Chinh phụ ngâm cũng không được chú ý đúng mức. Bản Nôm ra đời đã giúp khúc ngâm có được sức lan tỏa mạnh mẽ nhưng cũng chính nó đã khiến cho nguyên tác bị lu mờ. Và hệ quả tất yếu là Đặng Trần Côn đã trở thành một cái tên ít nhiều bị lãng quên
Do tư liệu quá thiếu thốn nên năm sinh năm mất của ông đến giờ vẫn chưa thể xác định chính xác nhưng gần đây chúng tôi đã phát hiện ra được một số tư liệu mới rất có giá trị.
Sách 萊石阮氏家臧 Lai Thạch Nguyễn thị gia tàng trong thư viện Viện Sử học có chép lại bài tự 賀阮貴侯及弟家門榮盛叙 Hạ Nguyễn Quý Hầu cập đệ gia môn vinh thịnh tự ( bài tự chúc mừng gia môn Nguyễn Quý hầu tiến sĩ cập đệ vinh thịnh ) do nhà thơ chấp bút nhân dịp Nguyễn Huy Oánh đỗ tân khoa. Căn cứ vào đó chúng ta có thể biết chắc Đặng Trần Côn là thành viên trong văn hội huyện Thanh Trì, kết bạn với Nhữ Đình Toản (1703 – 1774), Phan Kính ( 1715 – 1761), Nguyễn Huy Oánh ( 1713 – 1789)… Trong một buổi tập văn ở trường Quốc tử giám, với bài phú 張翰思蓴鱸 Trương Hàn tư thuần lô, ông đã trúng giải nhì còn Dương Sử (1716-?)[1] thì trúng giải nhất. Điều đó chứng tỏ hai người đã cùng làm bạn học với nhau một thời gian. Tóm lại bạn bè Đặng Trần Côn đều được sinh vào khoảng năm 1703 – 1716. Tuổi tác của Đặng Trần Côn với những người này hẳn cũng tương đương, không xê xích nhau là mấy
Sách Tang thương ngẫu lục có chép chuyện nhà thơ khi còn trẻ đã mến tài mong kết duyên cùng Đoàn Thị Điểm song bị bà chê là trẻ con. Đoàn Thị Điểm sinh năm 1705 nên chúng ta có thể ước đoán độ chênh lệch tuổi tác của hai người không phải là quá lớn. Đặng Trần Côn hẳn đã chào đời khoảng năm 1710 – 1715.
Thực ra về thời điểm sáng tác Chinh phụ ngâm vẫn còn một quan điểm khác nhưng nó căn bản không được chú ý. Lê Trọng Hàm trong cuốn Minh Đô sử cho rằng Chinh phụ ngâm được sáng tác năm Cảnh Hưng thứ 41 (1780) [Trần Văn Giáp, 2003, tr. 920]. Tuy nhiên giáo sư Trần Văn Giáp cũng đã nhận xét thêm rằng bộ Minh Đô sử của Lê Trọng Hàm ghi chép khá lộn xộn, có nhiều chuyện không chính xác. Rõ ràng, ý kiến của Lê Trọng Hàm hoàn toàn đối lập với quan điểm của Phan Huy Chú.
Lê Trọng Hàm (1872 – 1931) viết cuốn sách này trong khoảng mười năm (1922 – 1930), việc trước tác lại có nhiều sai sót, đương nhiên không thể sánh được với ý kiến của một học giả uyên bác như Phan Huy Chú. Vả lại, Phan Huy Chú sống gần với thời đại của Đặng Trần Côn hơn, nhận xét của ông cũng khá trùng khớp với nội dung khúc ngâm nên ý kiến của nhà sử học này có thể nói là tài liệu đáng tin cậy để xác định thời điểm sáng tác tác phẩm.
Trong sách 萊石阮氏家臧 Lai Thạch Nguyễn thị gia tàng có chép rõ ngày tháng khi Đặng Trần Côn viết bài tự chúc mừng Nguyễn Huy Oánh thi đỗ tân khoa: 景興九年九月拾肆日” Cảnh Hưng cửu niên cửu nguyệt thập tứ nhật” ( ngày 14 tháng 9 năm Cảnh Hưng thứ chín 1748). Như vậy đến cuối năm 1748, nhà thơ vẫn còn mạnh khỏe. Lúc này ông đã có địa vị vững chắc trên văn đàn nên mới được cả văn hội ủy thác viết bài tự chúc mừng Nguyễn Huy Oánh.
Ngoài ra thư viện Viện Sử học còn lưu giữ một cuốn sách có tên là 懶齋遺藁 Lãn Trai di cảo. Phần đầu sách chép 51 bài văn tế của nhà thơ. Trong đó có một bài văn tế Kiều quận công: 鄧蓮祭岳父參政安喬郡公中途文 “Đặng Liên tế nhạc phụ Tham chính an Kiều Quận công trung đồ văn”. Kiều quận công tên thật là Nguyễn Công Thái. Ông sinh năm 1684, quê Kim Lũ, Thanh Trì, Hà Đông. Kì thi hương năm Ất Mùi 1715, ông đỗ giải nguyên rồi đỗ tiến sĩ. Ông là một văn thần nổi tiếng đời Lê Dụ Tông, mất năm 1758, được truy tặng Thái phó.
Như vậy, tới năm 1758, Đặng Trần Côn vẫn còn sống nên chúng ta có thể ước đoán ông mất khoảng năm 1760, thọ khoảng 50 tuổi. Và chúng tôi cho rằng cần phải dời thời điểm sáng tác Chinh phụ ngâm tới một thời điểm muộn hơn: ít nhất là khoảng năm 1755.
Lê Hiển Tông là ông vua có thời gian tại vị rất lâu dài trong lịch sử Việt Nam (1740 – 1786) nên việc Phan Huy Chú viết Đặng Trần Côn sáng tác Chinh phụ ngâm đầu đời Cảnh Hưng không có nghĩa nhất định phải là khoảng năm 1740 – 1742.
Đây là một thời đại binh hỏa loạn li chiến tranh diễn ra liên miên. Năm 1740, Trịnh Doanh thay Trịnh Giang lên ngôi chúa, khởi binh tiêu diệt phe cánh của Hoàng Công Phụ rồi cầm quân chinh phạt các cuộc khởi nghĩa ở khắp nơi: Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương … Chiến sự vô cùng ác liệt. Thủ lĩnh nghĩa quân có những lúc chỉ “ một thân thoát nạn nhưng hễ giơ tay hô một tiếng thì chốc lát lại sum họp như mây” [Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh, 2004, tr. 407]. Đơn cử Nguyễn Danh Phương dấy binh hơn 10 năm trời, ngang nhiên xây dựng cung điện, đặt quan chức, thu tô thuế ở Tuyên Quang lừng lẫy một phương. Năm 1750, chúa Trịnh Doanh phải đích thân cầm quân tiến đánh mới trừ được. Riêng hai cuộc nổi loạn của Hoàng Công Chất và Lê Duy Mật thì kéo dài suốt ba chục năm ròng rã. Tất cả đều diễn ra trong đời Cảnh Hưng.
Như vậy việc Đặng Trần Côn sáng tác khúc ngâm khoảng năm 1755 cũng không có gì mâu thuẫn với lời chép trong Lịch triều hiến chương loại chí. Lúc này vẫn thuộc khoảng đầu đời Cảnh Hưng. Vậy với những tài liệu đang nắm trong tay, chúng tôi cho rằng Đặng Trần Côn sinh khoảng năm 1710, mất khoảng năm 1760, thọ khoảng 50 tuổi. Chinh phụ ngâm được ông sáng tác trong khoảng thời gian từ 1755 tới 1760.
ThS Lê Tùng Lâm
Nguồn: Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Danh nhân Hà Nội – Hội văn nghệ Hà Nội 1973.
2. Hoàng Xuân Hãn. Chinh phụ ngâm bị khảo – NXB Minh Tân 1952.
3. Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Hữu Mùi. Các nhà khoa bảng Việt Nam – NXB Văn học 2006.
4. Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí tập 4 – NXB Sử học 1961.
5. Trần Văn Giáp. Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm – NXB Khoa học xã hội 2003.
6. Trịnh Khắc Mạnh. Tên tự, tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam – NXB Khoa học xã hội 2002.
7. Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh. Đại cương lịch sử Việt Nam tập 1 – NXB Giáo dục 2004.
[1] Dương Sử ( 1716 – ?) là ngưỡi xã Lạc Đạo, huyện Gia Lâm nay là xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Năm 39 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Giáp Tuất năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754) cùng em mình là Dương Trọng Khiêm (1727 – 1787). Ông giữ chức Đại lý tự khanh, sau khi chết được truy tặng hàm Đông các đại học sĩ.