Xuân Diệu như “con chim đến từ núi lạ”
Trong khoảng 8 năm bay bổng của thời trai trẻ, từ 1936-1944, Xuân Diệu đã để lại cho đời bao nhiêu tác phẩm thơ tình bất hủ. Từ “Yêu” cho tới “Vì sao” và “Phải nói” đều làm trái tim người yêu thơ phải thổn thức. Ông được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình” quả thật chẳng sai. Hồn thơ của ông ngập tràn tình yêu: yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống. Sau năm 1944, ông tham gia hoạt động cách mạng, không còn nhiều thời giờ và tâm trạng để sáng tác tiếp các bài thơ tình làm say đắm độc giả nữa. Thế nhưng, chỉ với hai tập thơ “Thơ thơ” (xuất bản năm 1936) và “Gửi hương cho gió” (xuất bản 1945) cũng đủ để Xuân Diệu chinh phục tất cả con tim độc giả Việt yêu thích thơ tình.
Trong tập thơ Gửi hương cho gió, tác phẩm “Lời thơ vào tập Gửi hương” chính là tác phẩm mang tính tuyên ngôn mà bất cứ ai muốn hiểu tư tưởng của Xuân Diệu đề phải đọc. Toàn bộ bài thơ là sự giải bày nỗi tâm sự của thi sĩ.
Tôi là con chim đến từ núi lạ,
Ngứa cổ hát chơi.
Khi gió sớm vào reo um khóm lá,
Khi trăng khuya lên ủ mộng xanh trời.
Chim ngậm suối đậu trên cành bịn rịn,
Kêu tự nhiên, nào biết bởi sao ca.
Tiếng to nhỏ chẳng xui chùm trái chín;
Khúc huy hoàng không giúp nở bông hoa.
Mở đầu bài thơ, nhà thơ tự ví mình là một con chim đến từ núi lạ. Tại sao lại phải đến từ “núi lạ”? Ví mình như “con chim đến từ núi lạ”, nhà thơ thể hiện cảm giác xa lạ với cuộc sống hiện tại, thấy lạ lẫm. Và con chim thì phải cất lên tiếng hót. Ấy thế mà nhà thơ lại sử dụng từ “ngứa cổ”. “Hát chơi” thì đúng là chức phận của chim rồi, nhưng “ngứa cổ” thì có lẽ là ẩn ý của nhà thơ. Ngứa là vì khó chịu, khó chịu ở đây đến từ đâu thì chưa thể kết luận được. Xuân Diệu thích miêu tả thiên nhiên, và thực sự thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu bao giờ cũng nhẹ nhàng, trữ tình và sống động vô cùng. Từng làn gió sớm nghịch ngợm vào khuấy động từng khóm lá, làm vỡ tan bầu không khí tĩnh lặng của buổi ban mai. Vầng trăng sáng ru biết bao giấc mơ êm ái. Tất cả đều được ánh mắt của nhà thơ nắm giữ một cách hoàn hảo.
Nhà thơ làm thơ như chim cất tiếng hót, nhưng chim nào có biết tại sao hót và nhà thơ cũng chẳng biết tại sao lại làm thơ. Hót “chẳng xui chùm trái chín” và cũng chẳng “giúp nở bông hoa”. Làm thơ cũng vô ích như vậy đó, chẳng biết vì mục đích gì.
Hát vô ích, thế mà chim vỡ cổ,
Héo tim xanh cho quá độ tài tình.
Ca ánh sáng bao lần dây máu đỏ,
Rồi một ngày sa rụng giữa bình minh.
Dù không có mục đích nhưng chim vẫn hót hết mình, hót đến nỗi “vỡ cổ”, “héo tim”, “máu đỏ”, “sa rụng”. Xuân Diệu là như vậy: luôn cháy hết mình. Chúng ta cũng sẽ bắt gặp sự cháy hết mình của Xuân Diệu ở các bài thơ khác của ông:
Mau với chứ, vội vàng lên với chứ,
Em, em ơi, tình non đã già rồi;
(Giục Giã )
Hoặc là:
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
(Vội vàng)
Những tưởng Xuân Diệu phải có một lý tưởng lớn lao, phải có một niềm tin mãnh liệt nào đó mới có thể khiến ông cống hiến hết mình như vậy. Nhưng không, hoá ra không phải vậy.
Tôi réo rắt, chẳng qua trời bắt vậy
Chiếc thuyền lòng, nước đẩy phải trôi theo.
Gió đã thổi, cho nên buồn phải dậy;
Hồn vu vơ, tội ấy ở mây đèo!
Vì sao chim lại hót? Tại sao nhà thơ lại sống hết mình? Ấy là bởi cái định mệnh. Nước đẩy thì thuyền phải trôi theo, gió thổi thì buồm phải dậy. Hồn nhà thơ mơ mộng bởi lúc nào cũng ở trên mây.
Nghiệp tài tử nghìn xưa đông lắm chắc;
Chúng tôi hùn làm một kiếp đa duyên
Cảm nếp trán của người lo sáu khắc,
Thương năm canh nước mắt những ai phiền.
Nghề lựa chữ, thôi một trò trẻ nhỏ!
Dăm câu vui đắp đối với câu sầu;
Sương với bóng, không có gì tỏ rõ;
Xin đừng cười! đời có nghĩa chi đâu?
Nhà thơ coi việc làm của mình là trò trẻ nhỏ, chẳng có gì to tát. Nhưng trò trẻ nhỏ thì có làm sao, chẳng ai có thể cười được vì cuộc đời chẳng có nghĩa gì nên nghề nào cũng vậy cả, làm gì cũng vậy cả thôi.
Tiếng tôi hát chẳng làm ai tươi nở,
Nhưng sách nầy, tôi để cả trái tim;
Giở cho khéo, kẻo lòng tôi động vỡ,
Hồn người tình mỏng lắm, xếp cho êm!
Mặc dù nhà thơ chẳng thấy việc mình làm có ích gì nhưng nhà thơ vẫn làm với tất cả trái tim. Nhà thơ cũng kỳ vọng độc giả cũng đọc thơ của mình bằng cả trái tim. Trân trọng những tình cảm của nhà thơ, hãy “giở cho khéo”, “xếp cho êm” để khỏi làm “lòng tôi động vỡ.”
Nắng cũ phai rồi, lòng tôi vẫn cất
Một chiều ong vàng đẹp sắc năm mây.
Xuân vội bước, nhưng mà hương chẳng mất:
Tôi với tay giam giữ ở trong nầy.
Nếu trang giấy có động mình tuyết bạch,
Ấy là tôi dào dạt với âm thanh.
Hồn thắc mắc vẫn đi về với sách,
Dưới tay ai xem lại nỗi lòng mình.
Thời gian trôi đi, cảnh sắc phai mờ, nhưng nhà thơ vẫn nguyện giữ lại những gì đẹp nhất ở trong mình. Và hồn của nhà thơ sẽ song hành cùng những vần thơ của mình, thi thoảng sẽ đồng hành cũng nhưng ai đang muốn “xem lại nỗi lòng mình”.
Vâng, đáng lẽ làm xong tôi giữ lấy;
Vui gì đâu mà đưa đẩy dương tranh.
Nhưng, cũng lạ! nỗi tình đau khổ ấy,
Ðể riêng tây, như có chỗ không đành.
Thôi thì đó, nói cùng nhau cho thoả,
Ai có thương thì tôi cũng cảm ơn,
Ai có ghét, tôi cũng cười khuây khoả,
Lỗi vì tôi, tôi đâu dám giận hờn.
Nhà thơ cảm thấy những nỗi lòng của mình cần được chia sẻ, cần được ai đó cảm nhận được, dù thương, dù ghét.
Nhưng nghĩ lại: sống vẫn là hơn chết;
Gần hơn xa, yêu mến ngọt ngào thay!
Nên, thú thật, tôi mong nhiều kẻ biết
Xem nhiều thơ và nhớ lại nhiều ngày.
Và nghĩ ngợi: “Ai mà ai oán thế!
Ở nơi đâu mà giọng nói tiêu tao!”
Thưa, một kiếp ai không từng nhỏ lệ?
Ta cùng buồn: mơn trớn vuốt ve nao!
Và hãy yêu tôi, một giờ cũng đủ,
Một giây cũng cam, một chút cũng đành;
Khổ tôi hát, loài người xin chớ phụ!
Cô hay dịu dàng; chầm chậm, thưa anh!
Nhưng thương thì tốt hơn là ghét. Nhà thơ vẫn mong sẽ có người hiểu được nỗi lòng, cảm nhận được các vần thơ của mình.
Thơ tôi đó, gió lùa đem toả khắp!
Và lòng tôi, mời mọc bạn chia nhau.
Trông thấy nghìn môi rượu mùa ăm ắp,
Tôi sẽ vui được có tấm lòng sầu.
Tôi là con chim đến từ núi lạ,
Ngửa cổ hát chơi;
Hãy nghe lấy. Còn như sao rỉ rả,
Hỏi làm chi! Tôi không biết trả lời.
Làm thơ để cống hiến niềm vui cho đời: “Gửi hương cho gió”, đúng như tựa đề của tập thơ. “Thơ tôi đó, gió lùa đem toả khắp.” Xuân Diệu chỉ muốn những vần thơ của mình giống như một chút hương, gửi vào trong gió. Chỉ muốn làm một chú chim cất cao tiếng hót. Chim còn hót, đời vẫn còn đáng sống. Chim dừng hót, đời chẳng còn niềm vui. Chú chim Xuân Diệu dù chẳng biết tại sao mình hót, nhưng tiếng hót của nó thật quan trọng biết bao.
Lê Duy Nam