22 ĐỊNH NGHĨA VỀ DIỄN NGÔN
Lời người dịch: Xin giới thiệu với bạn đọc 22 “đoạn trích” luận bàn về thuật ngữ “diễn ngôn”. Những đoạn trích này được rút ra từ cuốn Các lí thuyết diễn ngôn hiện đại: Phân tích đa ngành (Современные теории дискурса: мультидисциплинарный анализ- Екатеринбург: Издательский Дом “Дискурс-Пи”, 2006). Cuốn sách tập hợp công trình nghiên cứu của các học giả nổi tiếng Bỉ, Hà lan, Úc và Nga; nội dung tập trung vào hai bình diện chính: thứ nhất: Lí thuyết diễn ngôn của các khuynh hướng, trường phái Âu – Mĩ và Nga; thứ hai: Phân tích các loại diễn ngôn, như diễn ngôn hậu hiện đại, diễn ngôn dân chủ, công dân, công lí, diễn ngôn nhân quyền, thủ đoạn chính trị, diễn ngôn kì thị xã hội, bản sắc vùng miền… Đây là Quyển “I” của bộ sách đồ sộ gồm nhiều tập lấy nhan đề “Diễn ngôn học” do Viện Nghiên cứu – khoa học, Chi nhánh Ural thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Bang Nga tổ chức biên soạn và xuất bản.
Lã Nguyên
1. “Diễn ngôn là sự kiện giao tiếp diễn ra giữa người nói và người nghe (người quan sát…) trong tiến trình hoạt động giao tiếp ở một ngữ cảnh thời gian, không gian, hay những ngữ cảnh khác nào đó. Hoạt động giao tiếp này có thể bằng lời nói, bằng văn viết, những bộ phận hợp thành của nó có thể bằng lời và không lời”.
Teun Adrianus Van Dijk
2. “Thiết nghĩ, nói một cái gì đấy về một cái gì đấy là thuộc tính cơ bản của diễn ngôn và, do đó, là thuộc tính của văn bản như một chuỗi câu văn”
Paul Ricœur
3. “Tôi cho rằng, trong mọi xã hội, việc sản xuất diễn ngôn vừa bị kiểm soát, chọn lọc, vừa được tổ chức và tái phân bố nhờ sự hỗ trợ của một số liệu pháp nào đó, những liệu pháp này có chức năng dung hoà các quyền lực của nó và những nguy cơ do các quyền lực ấy gây ra, kiềm chế tính bất thường từ sự cố của nó, đề phòng xu hướng vật chất hoá cực đoan, thậm nguy hiểm của nó”
Michel Foucault
4. Diễn ngôn là kết quả của những cách đọc bá quyền mà mục đích của chúng là xác lập vai trò lãnh tụ về mặt chính trị, cũng như đạo đức-trí tuệ”.
Jacob Torfing
5. Diễn ngôn là hình thức tồn tại của cái tưởng tượng được gắn với sức mạnh, cái tưởng tượng có tên là quyền lực”.
Louis Marin
6. “Như mọi thứ diễn ngôn có tham vọng trở thành “hiện thực”, diễn ngôn lịch sử trong tưởng tượng của nó chỉ biết mỗi sơ đồ ngữ nghĩa hai thành phần: sự phản ánh và cái biểu đạt”.
Roland Barthes
7. “Diễn ngôn… có hình thức cấu trúc của các diễn giải. Mỗi câu, do tự nó đã có bản chất diễn giải, sẽ tạo ra sự diễn giải cho câu khác”.
Jacques Darrida
8. “Nguyên tắc đối thoại bao giờ cũng đi đôi với các cấu trúc chiều sâu của diễn ngôn… Nguyên tắc đối thoại là nguyên tắc của mọi phát ngôn”.
Julia Kristeva
9. “Phương thức xác lập giả định diễn ngôn tốt nhất là nghiên cứu bộ máy thuật ngữ của nó. Khi cần, công cụ ngữ nghĩa của diễn ngôn sẽ xác định ranh giới giữa những gì có thể và không thể nói, những gì có thể và không thể bình luận, hay những gì có thể và không thể nghiên cứu trong khuôn khổ của nó”.
Frank Rudolf Ankersmit
10. “Với mỗi chúng ta, cuộc đời chẳng phải là gì khác, ngoài tấm chăn vải vụn được khâu từ những tư tưởng, lời nói, đối tượng, từ các sự kiện, hành động và sự tương tác trong các Diễn ngôn”
James Paul Guy
11. Diễn ngôn là ngôn ngữ được sử dụng trong quá trình mô tả thực tiễn xã hội khác với quan điểm riêng”.
Norman Fairclough
12. “Diễn ngôn là hình thức của hành vi xã hội được sử dụng để mô tả thế giới xã hội (bao gồm tri thức, con người và quan hệ xã hội).
Louise Dzh.Fillips et Marian V.Yorgensen.
13. “Phương pháp tổ chức diễn ngôn của ý chí mang đặc trưng của thế giới đời sống có sự nổi bật về mặt cấu trúc được sử dụng để điều chỉnh sự cạnh tranh xã hội của tất cả các nhóm xã hội với toàn bộ chủ thể cụ thể có tính tới lợi ích của từng cá nhân được tác ra riêng rẽ. Là người tham dự vào các diễn ngôn, không được phép nói lời “đồng ý” hay “không đồng ý”, cá nhân chỉ có quyền với điều kiện thông qua sự hợp tác tìm kiếm chân lí, nó mãi mãi là người bị cuốn hút vào một quần hệ chung”.
Jürgen Habermas
14. “ Diễn ngôn cần được đọc bằng văn phạm giai cấp, giọng điệu của các giai cấp, trong mâu thuẫn xuất hiện giữa cá bhân và vị thế xã hội của nó, hoặc giữa nhóm và vị thế xã hội của nhóm, trong những mâu thuẫn được thốt lên ở chính diễn ngôn của các đối tượng”.
Jean Baudrillard
15. “Quần hệ diễn ngôn có thể xuất hiện ở đây và bây giờ, ở đâu đó và lúc nào con người có khả năng ảnh hưởng tới hành động và sự thịnh vượng, lợi ích hay sự đồng nhất lẫn nhau”.
Seyla Benhabib
16. “Diễn ngôn là một tiến trình phức hợp đặc biệt bao gồm vô số thành phần phụ thuộc lẫn nhau. Nó phát sinh từ những tiến trình tinh thần giao cắt với các bình diện, ví như, tâm lí, xã hội, văn hoá và những khía cạnh khác của đời sống”.
Muara Chimombo và Robert L.Rozberi.
17. “Mọi văn bản (hay lời nói) đều mang trong mình nội dung, và cả hành động nữa. Nói bao giờ cũng có nghĩa là làm: nhà tư tưởng nói một cái gì đó và, khi nói điều đó, anh ta làm một cái gì đó. Sự nói và việc làm ấy, hay diễn ngôn và hành động diễn ngôn ấy trùng nhau hoặc không trùng nhau… Khi tôi nói cạnh khoé, cái mà tôi đang làm không trùng với cái tôi đang nói: ý nghĩa có chủ đích ẩn dấu trong diễn ngôn, hành động diễn ngôn sẽ trao chìa khoá để mở nó”.
Philippe Beneton
18. “Diễn ngôn là hiện tượng đứng ở hàng trung gian giữa lời nói, giao tiếp, hành vi ngôn ngữ, ở phía này, và văn bản được định hình còn lưu lại trong “mẩu khô khốc” của giao tiếp, ở phía kia”.
Vladimir Karasik
19. “Diễn ngôn là hoạt động diễn đạt bằng lời nói biểu nghĩa được hiểu như tổng thể của quá trình và kết quả, nó có bình diện ngôn ngữ học thuần tuý, và cả những bình diện ngoài ngôn ngữ học”.
Victoria Krasnyk
20. “Thuật ngữ diễn ngôn có vô số ứng dụng. Chí ít, nó có những nét nghĩa như sau:
1* Là cái tương đương với khái niệm “lời nói” theo cách hiểu của Saussure, tức là mọi phát ngôn cụ thể;
2* Là đơn vị lớn hơn câu văn về kích thước, là phát ngôn trong ý nghĩa toàn cầu, là cái được xem là đối tượng của “ngữ pháp văn bản”, loại ngữ pháp nghiên cứu trình tự của các phát ngôn riêng lẻ;
3* Trong khuôn khổ lí thuyết phát ngôn và ngữ dụng, “người ta gọi diễn ngôn là tác động của phát ngôn tới người tiếp nhận và sự chuyển nhập của nó vào “tình huống phát ngôn” (ý muốn nói tới chủ thể phát ngôn, đến người nhận, thời điểm và vị trí nào đó của phát ngôn);
4* Khi chuyên biệt hoá ý nghĩa thứ 3, diễn ngôn có nghĩa là hội thoại được xem là loại hình cơ bản của phát ngôn;
5* Émile Benveniste gọi “diễn ngôn” là lời nói thuộc về người nói, lời nói trái ngược với “trần thuật” như là hoạt động được triển khai không có sự can thiệp rõ ràng của chủ thể phát ngôn;
6* Đôi khi người ta đối lập ngôn ngữ với diễn ngôn (langue/discourse) như là hệ thống ít giá trị hàm ẩn nổi bật, bên này, và sự cải biến trên cấp độ bề mặt gắn với sự đa dạng trong sử dụng vốn là đặc tính của các đơn vị ngôn ngữ, ở bên kia. Cho nên, có sự khác biệt giữa việc nghiên cứu một yếu tố “trong ngôn ngữ” và nghiên cứu nó “trong lời nói” như là trong diễn ngôn.
7* Thuật ngữ diễn ngôn còn được sử dụng để chỉ hệ thống giới hạn được áp đặt lên một số lượng không hạn định các phát ngôn từ quan điểm tư tưởng hệ hay xã hội nào đó. Chẳng hạn, nếu lời nói nói về “diễn ngôn nữ quyền”, hoặc “diễn ngôn hành chính”, nó sẽ không phải là toà nhà đơn lẻ, mà được xem là một loại hình phát ngôn nào đó thuộc về các nhà nữ quyền luận và hoạt động hành chính nói chung.
8* Theo truyền thống, Phân tích – Diễn ngôn xác định đối tượng nghiên cứu của mình bằng cách xác định ranh giới giữa phát ngôn và diễn ngôn.
Phát ngôn là chuỗi câu văn đặt giữa hai khoảng trống ngữ nghĩa, giữa hai chỗ dừng trong giao tiếp; diễn ngôn là phát ngôn được nhìn từ cơ chế diễn ngôn điều hành nó.
Patrick Sériot
21. “Buộc phải tìm kiếm sự thừa nhận cho sự tồn tại của mình trong các phạm trù, các thuật ngữ, các tên tuổi, những thứ không phải do nó tạo ra, chủ thể tìm kiếm dấu hiệu tồn tại của mình bên ngoài bản thân, trong diễn ngôn vừa nổi trội, vừa nhạt nhoà”.
Judith Butler
22. “Chúng tôi xác định diễn ngôn là hệ thống cấu trúc giao tiếp-kí hiệu phức tạp có sáu bình diện cơ bản: chủ định (chủ định quyền uy, chiến lược, ý đồ), bức thiết (phản ánh chủ định quyền uy trong hoạt động thực tiễn có đặc tính kí hiệu – biểu trưng), tiềm năng (xác định và thấu hiểu ý nghĩa, giá trị, bản sắc), ngữ cảnh (mở rộng trường nghĩa trên cơ sở ngữ cảnh văn hoá xã hội, lịch sử và các ngữ cảnh khác), tâm lí (dự trữ tình cảm, nghị lực chứa đựng trong diễn ngôn và cung cấp cho nó sức mạnh khơi gợi), “trầm tích” (dấu ấn của tất cả các bình diện nêu ra ở trên trong ý thức và kinh nghiệm xã hội, trong môi trường được xã hội cấu trúc hoá và vật chất hoá mà hình thứ của nó là sự phản ánh của văn hoá)”.
Olga Rusakova
Người dịch: Lã Nguyên
Nguồn: languyensp.wordpress.com
Nguồn: Современные теории дискурса: мультидисциплинарный анализ – Екатеринбург: Издательский Дом “Дискурс-Пи”, 2006, tr. 3-5.