CỐT TRUYỆN ĐA TUYẾN TRONG “NGHỆ NHÂN VÀ MARGARITA”
Cái hấp dẫn và bí ẩn của tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita, trước hết, là ở sự độc đáo, phức tạp và mới mẻ ở cấu trúc nội tại, đặc biệt là kết cấu cốt truyện. Đó là thiết chế hoàn hảo về cách tổ chức, sắp xếp các tuyến sự kiện, nhân vật, mô típ… kết tinh tài năng bậc thầy của Bulgakov trong việc xây dựng thành công công trình nghệ thuật thiên tài.
Link mua sách: http://www.hangcao.info/san-pham/nghe-nhan-va-margarita/
Vấn đề cốt truyện, từ lâu đã được ngành Tự sự học coi là một trong những yếu tố cơ bản để tìm ra cấu trúc đích thực của tác phẩm văn xuôi, là một mắt xích quan trọng tạo nên kết cấu tác phẩm tự sự.
Trong nhiều công trình nghiên cứu triển khai khá công phu như: Nghệ thuật thi ca (Aristote), Dẫn luận nghiên cứu văn học (G. N. Pospelov), Cấu trúc văn bản nghệ thuật (J. Lotman), … cốt truyện, luôn được khẳng định, là một yếu tố cần khảo sát. Trên cơ sở những công trình đã được dịch và giới thiệu ở trong nước, chúng ta có thể hiểu cốt truyện như một khái niệm dung chứa những yếu tố, những khả năng để có thể tạo ra tính nghệ thuật cho tác phẩm văn học, làm lộ diện dụng ý của nhà văn. Đó phải là “hệ thống sự kiện cụ thể được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm kịch và tự sự.” [1].
Có rất nhiều loại cốt truyện khác nhau dựa trên các tiêu chí khác nhau: [2]
Tiêu chí | Các loại cốt truyện |
Sự kiện (Event) | Cốt truyện phân đoạn (chương hồi) (Episodic plot) |
Cốt truyện liền mạch (Chrono-logical plot) | |
Cốt truyện huyễn ảo (Supernature plot) | |
Cốt truyện ghép mảnh (Fragment plot) | |
Thời gian (Time) | Cốt truyện tuyến tính (Linear plot) |
Cốt truyện khung (Frame plot) | |
Cốt truyện gấp khúc (Zigzag plot) | |
Nhân vật (Character) | Cốt truyện đơn tuyến (Simple plot) |
Cốt truyện đa tuyến (Complex plot) | |
Cốt truyện hành động (Active plot) | |
Cốt truyện tâm lí (Psycho-logical plot) | |
Cốt truyện dòng ý thức (Stream of consciou-sness plot) |
Đều xuất phát từ tiêu chí nhân vật song nếu cốt truyện đơn tuyến chỉ có một nhân vật chính, hướng đến một chủ đề trong khi đó cốt truyện đa tuyến có ít nhất từ hai nhân vật chính (trung tâm) trở lên. Những nhân vật này đảm đương những tuyến cốt truyện nhằm thể hiện một hay nhiều chủ đề nhất định nào đó của tác phẩm, ví như Chiến tranh và hòa bình (Tolstoi), Anh em nhà Karamazop (Dostoievski),…
Nghệ nhân và Margarita là một kiệt tác độc đáo, phức tạp và đa tuyến truyện. Các sự kiện đươc đưa vào tác phẩm rất đa dạng, nhiều tầng lớp, các tuyến nhân vật, chủ đề đan chéo tương nhập và phản chuyển lẫn nhau nhằm chuyển tải tầm triết mỹ lớn lao, sâu sắc. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận ra trong kết cấu của nó có sự song chiếu, giao cắt của các tầng không gian, các kiểu nhân vật và các lớp cốt truyện; vì vậy, tạm chia tác phẩm ra ba cốt truyện tương ứng với ba nhóm sự kiện và ba không gian – ba thế giới với những ám gợi, giễu nhại: không gian thực của thủ đô Moskva trong những năm 20, 30 của thế kỷ XX, không gian huyễn tưởng của bọn quỷ Voland và không gian huyền thoại – lịch sử thành Iersalaim của Ponti Pilat.
Tuyến truyện về lịch sử cổ đại – câu chuyện về Ponti Pilat
Như nhận định của G. Lesskis, Nghệ nhân và Margarita là tiểu thuyết kép thì cuốn tiểu thuyết của Nghệ nhân về Ponti Pilat phải được xem là tiểu thuyết huyền thoại. Đó là câu chuyện thần bí, xa xưa từ thủa hồng hoang của loài người. Câu chuyện về những con người xuất hiện trong Kinh thánh: Ponti Pilat và Iesua Ha-Notxri.
Bản thân Kinh thánh mang một sứ điệp thánh thiện đối với con người và nó đã có vị trí vững vàng trong chân trời tri thức nhân loại. Nó như cổ mẫu của văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung. Và, Nghệ nhân và Margarita cũng không giống với bất kì bản Phúc âm nào, chứng tỏ M. Bulgakov vừa tái hiện huyền thoại, vừa muốn tái tạo ra bản Phúc âm mới (phản huyền thoại, tân huyền thoại).
Trong cuốn tiểu thuyết của Nghệ nhân, có hai tuyến truyện: tuyến thiện (Iesua, Matvei…), tuyến ác (Pilat, Kaipha, Giuda…). Pilat là nhân vật trung tâm song chiếm số trang văn bản ít và mâu thuẫn được gợi mở không phải từ Pilat mà từ Iesua – đây là nguyên nhân của mọi hành động trong tiểu thuyết: Iesua bị dẫn đến hỏi cung chỗ Pilat – quan tổng trấn tàn bạo xứ Giudea, một chiến tướng không hề biết run sợ trong trận mạc, nhưng một lần lại tỏ ra hèn nhát trước hoàn cảnh, vì con đường công danh của mình nên đã tuyên án tử hình Iesua. Hành vi tận thiện của Iesua đã đánh thức lương tâm Pilat, làm nảy sinh xung đột tinh thần trong con người ông ta. Nên, Pilat gây mâu thuẫn với Kaipha, trả thù Giuda vì cái chết của Iesua và luôn dằn vặt vì sự hèn kém của mình về mặt đạo đức.
Mặc dù phân bố rải rác trong không gian tác phẩm (chương 2, 16, 25, 26) nhưng tuyến truyện này được kể vừa theo lối nhân-quả, vừa phi nhân-quả. Đứng từ góc độ Iesua thì đây là một kết cấu tuyến tính, dễ nắm bắt: bị bắt -> xét xử -> đóng đinh -> chết -> chôn cất; nhưng, từ góc độ Pilat, tác phẩm đã chuyển tải tầm triết mĩ cao thâm, mà trước hết ở sự phi nhân-quả trong hành vi huyền bí của Pilat – quan tổng trấn xứ Giudea.
Tuyến truyện hiện đại – câu chuyện về Nghệ nhân
Nghệ nhân được xem là nhân vật chính của tiểu thuyết Bulgakov. Anh là người có học vấn cao thâm và mang số phận bất hạnh của một thiên tài. Là người biết năm thứ tiếng ngoài tiếng mẹ đẻ, anh chuyên tâm, miệt mài nghiên cứu lịch sử ở viện bảo tàng. Hạnh phúc đến với anh bất ngờ, mau chóng bao nhiêu thì nó cũng rời xa vĩnh viễn cuộc đời anh âm thầm, lặng lẽ bấy nhiêu.
Có tờ công trái một trăm nghìn rúp, Nghệ nhân có đủ điều kiện vật chất để thực hiện khát vọng sáng tạo của mình – viết cuốn tiểu thuyết về Ponti Pilat. Tuyệt vời hơn là tình yêu định mệnh đến một cách kì lạ, chỉ có tinh thần chủng loại mới có thể thoáng nhìn đã biết được nàng có giá trị như thế nào đối với anh. Những ngày hạnh phúc nhất là thời gian được sống bên Margarita và thực hiện khát vọng sáng tạo. Nhưng, khi cuốn tiểu thuyết bị giới nghiên cứu văn học bác bỏ, báng bổ. Nghệ nhân phải chịu đựng một nỗi đau mang tính siêu việt, bởi những bài báo vu khống của giới nghiên cứu văn học đã đánh trúng điểm tử của Nghệ nhân, đó là niềm tin. Nỗi đau đó đã xúc phạm và hủy diệt cái yếu tính vĩnh cửu của người nghệ sĩ. Khát vọng sáng tạo đã trở thành bi kịch hủy diệt, Nghệ nhân rơi vào vương quốc hoảng loạn và tuyệt vọng, với giấc mơ về con bạch tuộc với những chiếc vòi rất dài và lạnh buốt, cuối cùng, anh vào bệnh viện tâm thần như một lối thoát tối hậu.
Nếu tuyến truyện cổ đại tuyến tính về mặt thời gian kể thì Nghệ nhân xuất hiện trong màu áo của bệnh viện tâm thần và kể với Ivan về cuộc đời bất hạnh của mình với sự xúc động, tỉnh táo lạ thường. Vậy phải chăng sự điên chỉ là tấm màn che chắn nỗi tuyệt vọng thẳm sâu? Nhờ có lực lượng siêu nhiên (Voland) mà Nghệ nhân khôi phục lại bản thảo và gặp lại người tình dấu yêu, nói lời phán quyết cuối cùng cho tác phẩm: giải thoát quan tổng trấn Ponti Pilat. Đây có lẽ là điều kì diệu bậc nhất của nghệ thuật, Bulgakov đã làm được điều mà hầu như không nhà văn nào làm được: để cho nhân vật nhà văn của mình sáng tạo ra một cuốn tiểu thuyết trọn vẹn, tuyệt tác.
Tuyến truyện hiện thực – huyễn tưởng
Đây là tuyến truyện chiếm số lượng nhân vật đông đảo nhất, có tới 67/156 nhân vật có tên, bên cạnh hàng trăm nhân vật vô danh khác: hội viên của MATSSOLIT, khán giả nhà hát Tạp kỹ, những người đầu cơ ngoại tệ, ủy ban biểu diễn, giới công an… Bằng ngòi bút trào phúng, Bulgakov đã lột tả bản chất xã hội hiện đại với những gì trần trụi nhất, đầy đủ mọi giai tầng, mọi phẩm chất và nhân cách… hiện lên thật sinh động của xã hội Nga những năm 20, 30 của thế kỷ XX.
Trước hết, đó là giới văn chương MASSOLIT. Gắn với cuộc đời, số phận của Nghệ nhân đứng đầu là Berlioz – chủ tịch hiệp hội văn học lớn nhất Moskva, tổng biên tập tờ tạp chí lớn nhất, học nhiều, biết rộng, nhưng chính ông ta đã góp phần biến văn học thành một thứ văn hóa khẩu hiệu, thô thiển như Riukhin (ban ngày viết những câu thơ khẩu hiệu để mang danh nhà thơ vô sản, còn đêm đến thì quay cuồng truy hoan trong các tiệm ăn lừng danh của thành phố), đã dung túng, khuyến khích các nhà phê bình đồ tể kiểu Latunski, Ariman và lũ vu khống Aloyzi Mogarưt.
Thế giới quan chức Moskva ngu ngốc, tham lam, nhũng nhiễu, đục khoét: chủ tịch hội đồng nhà cửa – Boiso thiển cận, ăn hối lộ; giám đốc nhà hát Tạp kỹ – Stepan ăn chơi nhậu nhẹt, ngủ dậy trong trạng thái không nhớ được người đàn bà mà ông ta muốn hôn là ai; những nhân vật chủ chốt khác của nhà hát Tạp kỹ như phó giám đốc tài chính Rimski, trưởng phòng quản trị nhà hát Varenukha, trưởng phòng tài vụ Vasili, chủ nhiệm ủy ban biểu diễn… mỗi người hiện lên một vẻ, mỗi sở thích riêng, tính cách riêng nhưng đều có điểm chung là bất tài, vô dụng và chỉ biết lừa bịp cấp trên. Bằng ngòi bút tinh tế, Bulgakov đã lột tả được bản chất của từng nhân vật: Rimski, Varenukha làm việc thiếu trách nhiệm, ông chủ nhiệm ủy ban biểu diễn làm việc máy móc, công thức như một cái xác không hồn – hình ảnh bộ comle là sự châm biếm sâu cay thâm thúy, ông chủ nhiệm ủy ban biểu diễn chi nhánh thành phố lại thích công tác tổ chức và hội đồng ca, các nhân viên bị quay cuồng trong các thứ mà ông ta đề xướng…
Đó còn là đám khán giả – dân chúng Moskva trong nhà hát Tạp kỹ đã tự nguyện tung hô, phơi bày sự hám khát lối sống phè phởn, tham lam, trụy lạc: những quí bà hư hỏng, những quí ông vụng trộm, lén lút… Xã hội ấy đã mất hết mọi kỷ cương phép tắc, đạo đức bị băng hoại, con người sống chỉ hưởng lạc, giả dối, ghen ghét lẫn nhau. Trong xã hội ấy, tình thương, chân lý có thể tồn tại? Vì vậy, những người có phẩm chất tài năng chỉ có thể được bình yên trong bệnh viện tâm thần của bác sĩ St’ravinsky.
Song, nhân vật chính của tuyến truyện này là Voland và đoàn tùy tùng (mèo Beghemot, Azazello, Koroviev…) có chức năng vừa lật tẩy, vạch trần bộ mặt giả dối của những nhân vật “sáng giá” đồng thời giúp đỡ những người lương thiện bằng những trò ảo thuật hấp dẫn. Với tư cách là những người khách nước ngoài đến Moskva, họ quấy đảo và lột tả cái xấu xa, độc ác nhất của một địa ngục trần gian.
Các tuyến cốt truyện của tác phẩm kết thúc trong một điểm không gian, thời gian, ở đó Pilat và Nghệ nhân cùng được giải phóng. Sự phát triển song song các xung đột, các tình huống, các nhân vật của thế giới cổ đại và hiện đại đưa đến sự kết thúc thống nhất của cốt truyện. Từ đó, mở ra nhiều ý tưởng mới mẻ cho tác phẩm. Việc Nghệ nhân và Margarita giã từ cuộc đời, đi tìm cuộc sống ở một thế giới khác, dẫu cay đắng chua chát, song không làm chúng ta mất lòng tin vào bản chất tốt đẹp của cuộc sống, ngược lại, nuôi dưỡng, kích thích con người vươn tới sự hoàn thiện từ bản thân những sự thật tàn nhẫn, phũ phàng nhất.
Ba tuyến truyện có mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất ở chủ đề tư tưởng. Trong đó tuyến truyện huyễn tưởng – hiện thực có vai trò quan trọng nhất trong việc liên kết nhân vật và giải quyết mâu thuẫn trong tác phẩm.
Nếu tuyến truyện thứ nhất (câu chuyện về Pilat) khá tách bạch, rạch ròi trong kết cấu tác phẩm thì tuyến truyện thứ hai và thứ ba đan xen chuyển hóa lẫn nhau trong hệ thống nhân vật. Hai tuyến truyện này tạo thành mặt cắt hiện đại của tác phẩm[3]. Ba tuyến truyện, mỗi tuyến tự nó là tuyệt vời dẫu chúng được trình bày đồng thời (song hành), thường xuyên xen kẽ, nhưng mỗi tuyến có một giọng riêng. Nếu tuyến thứ nhất là một đối âm tiểu thuyết (có khả năng gắn lại trong một âm điệu duy nhất cả triết học, truyện kể, giấc mơ) thì tuyến thứ hai và tuyến thứ ba là một nghệ thuật mới của phép giản lược căn bản (nó cho phép bao quát sự phức tạp của thế giới hiện đại mà không mất đi tính sáng sủa trong cấu trúc). Cấu trúc ấy chặt chẽ vừa ở sự thống nhất của chủ đề, vừa ở tính đa tuyến, đa âm của cốt truyện, mà cái kì ảo như tảng đá đỉnh vòm của toàn bộ sự cân bằng, hài hòa, trong kết cấu tác phẩm.
Với hệ thống nhân vật đông đảo gắn liền với ba tuyến cốt truyện cổ đại, hiện đại và hoang đường, Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov được coi là một trong những cuốn tiểu thuyết có thế giới nhân vật đặc biệt và phức tạp nhất trong văn học thế giới
Tài liệu trích dẫn
[1] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, (1999). Từ điển thuật ngữ văn học, NXB ĐHQG Hà Nội. tr.88
[2] Lê Huy Bắc, (2008). Vấn đề cách dịch thuật ngữ trong tự sự. Trong Tự sự học – Một số vấn đề lý luận và lịch sử, (Trần Đình Sử chủ biên), NXB Đại học sư phạm. tr.185-186
[3] M.Bulgakov, (2006). Nghệ nhân và Margarita, NXB Lao động, Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông-Tây. tr. 778
Nguyễn Thị Tuyết
Nguồn: Nguvandhag