HỌC VIẾTTiếng Việt thực hành

Đúng ngữ pháp, đơn giản nhưng không dễ

Khi tôi bắt đầu dậy lớp “Viết để biểu hiện bản thân” (Nay là “Các nguyên tắc viết căn bản” )  do Book Hunter tổ chức, tôi đã đặt ra vấn đề viết đúng ngữ pháp tiếng Việt cho tất cả những ai đến học lớp của tôi. Đương nhiên, một câu hỏi lập tức bật ra trong đầu của không ít bạn: “Biểu hiện bản thân thì cần gì đúng ngữ pháp?”. Câu hỏi này không phải là không có cái lý của nó.

Mấy năm gần đây, những lời kêu gọi “Be yourself” hay “Cảm xúc thật cần được tuôn trào” thì những lối viết bất chấp các nguyên tắc của ngữ pháp trở nên thịnh hành hơn. Người ta có thể viết các bài kể lể tâm sự mà không cần dấu phẩy, dấu chấm. Hay thậm chí những bài bày tỏ quan điểm bức xúc mà chả thấy chủ ngữ, vị ngữ đâu. Vấn đề là, số đông mọi người thấy điều đó là bình thường, là thứ có thể chấp nhận được, thậm chí còn đắp vào đó những lý lẽ như “tự do là chính mình”. Tự do có nhiều thang bậc lắm! Có thứ tự do của sự hỗn độn và nhếch nhác. Có thứ tự do làm chủ tất cả những quy tắc và phá vỡ quy tắc. Kẻ chưa từng làm chủ tất cả những quy tắc thì không có khả năng phá vỡ quy tắc, mà chỉ là một kẻ kém cỏi.

Vậy thì các quy tắc ngữ pháp tại sao lại quan trọng đến vậy, và tại sao chúng ta cần phải tuân thủ chúng. Nếu bạn nhìn các quy chuẩn ngữ pháp như những công thức toán học trong sách giáo khoa, bạn sẽ thấy chẳng có lý do gì để mình phải tuân theo. Thế nhưng, chúng ta hãy quay lại một trong các nguyên nhân của việc viết. Đầu tiên, con người viết không phải để sáng tạo thơ ca văn chương hay ghi lại nỗi lòng sâu kín bên trong mình. Viết là một cách thức để lưu trữ và truyền đạt thông tin. Lúc bấy giờ, văn chương thơ ca đều được lưu trữ qua truyền khẩu. Sau này, khi văn chương, thơ ca được lưu trữ cùng với lịch sử, triết học, luật pháp…v…v… thì chúng ta đã được đọc những văn bản rõ nghĩa và chuẩn về văn phạm. Truyền thông tin qua nói, chúng ta có thể không quá quan tâm đến ngữ pháp, nhưng một khi đã được lưu trữ và truyền tải bằng hình thức viết thì văn bản nhất thiết phải đúng quy tắc.

Chúng ta hãy tạm quên thế nào là chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ và chú ý đến quy tắc của thông tin. Một thông tin bao hàm trong nó chủ thể tạo ra hành động hoặc trạng thái và bản thân hành động hoặc trạng thái ấy ở trong một bối cảnh hay tình trạng nào đó. Truyền đạt thông tin một cách rõ ràng tức là truyền đạt điều mình muốn nói một cách đầy đủ và có trình tự để người đọc có thể theo dõi được. Khi đọc một đoạn hoặc một câu văn bản, người đọc có nhu cầu muốn biết điều gì đang diễn ra, diễn ra như thế nào và ở đâu, ai là người khiến sự việc diễn ra như thế. Tất cả những điều ấy đều được mã hóa bởi các câu chữ có trong các vị trí Chủ ngữ, Vị ngữ, Trạng ngữ. Trong một vài trường hợp, khi thông tin đã được cung cấp đủ rồi, tác giả hoàn toàn có thể lược bỏ đi những phần phải lặp đi lặp lại một cách vô nghĩa, tạo nên các câu ẩn chủ ngữ hay ẩn tân ngữ…v…v… Đôi khi, để tạo nhịp điệu cho câu văn, tác giả có thể viết một loạt những liệt kê danh từ hoặc động từ, tính từ.   Đây  là một cách phá vỡ quy tắc của các tác giả chuyên nghiệp, muốn cho câu văn của mình những nhịp điệu đặc biệt và tránh đi sự nhàm chán của việc lặp đi lặp lại theo công thức. Những phá cách mang tính chủ động này hoàn toàn khác với lối viết vô thức của những tay viết non tay và lười biếng.

Đặt dấu phẩy và dấu chấm ở đâu trong câu cũng không phải câu chuyện dễ. Dấu phẩy và dấu chấm ra đời đánh dấu một bước tiến lớn trong tư duy của loài người. Thuở đầu, các văn bản cổ đều không có dấu phẩy và dấu chấm, thậm chí không có khoảng cách giữa các chữ trong câu. Ngay cả khi người ta đã sử dụng chữ viết dạng Latin thay thế cho chữ tượng hình, từ khoảng cách giữa các chữ đến dấu phẩy và dấu chấm vẫn chưa được phát minh. Các bạn hãy tưởng tượng mình phải đọc một văn bản liền tù tì mà trong đó các chữ không cách nhau ra, các câu không biết kết thúc ở đâu… Điều này đòi hỏi một bộ óc siêu phàm để đọc và hiểu văn bản. Đến thế kỷ thứ 7 người ta mới phát minh ra khoảng cách giữa các chữ, và đến tận thế kỷ 13 mới có dấu phẩy và dấu chấm. Sự đột phá này đã mang lại sự rõ ràng mạch lạc trong  việc đọc hiểu câu văn và nắm bắt văn bản. Và thế là, người ta thay lối tư duy lần mò từng chữ để hiểu sao lối tư duy phân tích có trình tự. Nhờ thế, khả năng xử lý văn bản của con người nhanh hơn, dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn, tư duy trình tự tốt hơn. Và nếu như bạn bất cần đến dấu phẩy và dấu chấm, thì tức là bạn đang quay trở lại với cái thời lần mò của đêm trường Trung Cổ. (Lưu ý, chỉ có thơ ca là có đủ uy quyền để có thể chọn lựa việc dùng dấu phẩy và dấu chấm hay không. Tôi sẽ có phân tích riêng về thơ ca ở những bài sau). Sau này, các dấu như chấm than, ba chấm, hỏi cũng xuất hiện dần dần nhằm làm tăng thêm sắc thái của văn bản. Việc sử dụng các loại dấu câu này để thể hiện các sắc thái biểu cảm đòi hỏi độ tinh tế trong biểu lộ cảm xúc của người viết. Đặt dấu vào đúng vị trí, đúng sắc thái cần người viết chủ động trong nhận thức tình trạng xúc cảm của mình. Như vậy, việc đặt dấu dù là hai dấu cơ bản (phẩy và chấm) hay dấu biểu hiện sắc thái (ba chấm, chấm than, hỏi) đều cần đến sự chủ động của người viết. Hơn ai hết, người viết phải hiểu rằng mình muốn viết gì, điều muốn viết ấy được chia ra thành mấy phần và các phần đó phải được hiển thị theo cách như thế nào để độc giả có thể tiếp cận. Rèn luyện đặt dấu câu đúng vị trí cũng là một cách để rèn luyện tư duy mạch lạc.

Có một quan điểm khá thông thường hiện nay đó là những câu văn mượt mà thường là những câu dài dòng. Trên thực tế, câu càng dài dòng thì sẽ càng rối rắm, càng rối rắm thì càng kém phần mượt mà. Những câu văn quá dài, quá rối rắm sẽ dẫn đến lủng củng, ý tứ của người viết không rõ ràng. Với những người mới bắt đầu viết thì không nên viết những câu phức hợp dài dòng. Những câu đơn hoặc câu ghép có sức mạnh của chúng. Chúng khiến người đọc có thể hiểu ngay thông tin mà bạn muốn đề cập đến trong câu văn là gì. Đương nhiên, trong vài trường hợp ta sẽ dùng những câu phức hợp, câu đảo ngữ, câu ẩn một số thành phần… nhưng lưu ý, cần cân nhắc và tính toán thật kỹ khi viết các loại câu này để tránh lối diễn đạt loằng ngoằng và khả năng sai văn phạm.

Việc viết sao cho đúng ngữ pháp, theo tôi cũng giống như luyện công. Viết đúng ngữ pháp cũng như những động tác hít thở, đứng tấn, đều tạo ra các trụ vững. Một khi đã trụ vững rồi, chúng ta bắt đầu mới tập đến các chiêu thức, tương ứng với từ vựng, cấu trúc đoạn văn, bài văn… Làm chủ tất cả các thao tác ấy, ta có  thể viết tựa “nước chảy mây trôi” mà không cần phải bận tâm đến điều gì. Tôi đã từng luyện viết giống như các cao nhân luyện võ vậy đấy!

Với những ai bị gặp rắc rối trong viết đúng văn phạm cũng đừng quá lo lắng. Đây là một việc rất đơn giản để cải thiện. Cách tốt nhất và nhanh nhất, đó là các bạn tìm đọc các văn bản mang tính chất mẫu mực như tiểu thuyết, truyện ngắn hoặc tản văn Việt Nam thời trước thời kỳ Đổi Mới. Những tác phẩm này đều được viết theo đúng văn phạm tiếng Việt. Sau khi đọc qua để hưởng thụ cái hay cái đẹp, các bạn có thể vừa đọc vừa tự tập phân tích Chủ ngữ – Vị ngữ, các dấu câu, các thông tin mà  tác giả đưa vào cuốn sách. Một khi bạn đã có tư duy mạch lạc khi đọc, bạn sẽ có tư duy mạch lạc khi viết. Đương nhiên, quá trình này phải song song với luyện tập và kiểm tra ngữ pháp của bản thân một cách đều đặn và thường xuyên.

Hà Thủy Nguyên

hangcao
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *