Giải quyết tâm lý cho người bắt đầu viết
Dưới đây là trải nghiệm của Nguyễn Ngọc Trâm Trâm, một bạn đã từng học các lý thuyết trong khóa Tư vấn Cảm thụ văn chương do Nhà văn Hà Thủy Nguyên hướng dẫn. Những trải nghiệm của bạn Trâm dựa trên các Bài tập có trong chương trình và quá trình tự giải quyết của bản thân. Các bạn đã từng tham gia khóa Viết để biểu hiện bản thân và Tư vấn Cảm thụ văn chương, hoặc những ai đang gặp các vấn đề tâm lý cản trở việc viết có thể thử thực hiện. Nội dung khóa “Tư vấn Cảm thụ văn chương” đã được phát triển thành Online Workshop PHƯƠNG PHÁP SÁNG TÁC VĂN CHƯƠNG.
Tôi đã từng trải qua nhiều năm tháng nuối tiếc, bởi có nhiều ý tưởng mà không tự tin thực hiện. Trước đây, mỗi khi ý tưởng xuất hiện trong đầu, tôi lại rụt rè không dám thổ lộ bằng ngôn từ, cứ chờ đợi chúng hoàn chỉnh hơn, phát triển hơn trong đầu tôi, rồi lại quên khuấy. Hệt như một người trồng hoa mà không biết khi nào hoa đẹp nhất, không biết thời điểm hoa nở căng mà nâng niu, cứ thế để thời gian vụt và cho đến khi bông hoa úa tàn.
Nhờ nhà văn Hà Thủy Nguyên (Founder Book Hunter) hướng dẫn, tôi đã biết cách nắm bắt ý tưởng, để ý tưởng thôi thúc mình viết thật điềm tĩnh và tự nhiên. Tôi xin chia sẻ với các bạn 4 đề bài tập mà cô Hà Thủy Nguyên giao cho tôi. 4 bài tập này rất nhỏ, không tốn nhiều thời gian nhưng lại là một phương pháp hữu hiệu khiến tôi hứng khởi bắt tay vào việc viết. Hơn nữa, tôi bắt đầu ấp ủ ước mơ trở thành một nhà văn.
Bài tập 1: Viết lại quá khứ của mình
Yêu cầu: Trung thực với các ký ức.
Sau khi viết đánh dấu:
Ký ức nào chắc chắn thật (bản thân còn nhớ rõ/ gia đình ghi nhớ rồi kể lại/ bạn bè nhớ để hàn huyên)
Ký ức nào không chắc chắn thật (không phân biệt xảy ra ở hiện thực hay trong giấc mơ/ không có người cùng mình kiểm chứng/ không nhớ hết mà chỉ nhớ phần nào)
Ý nghĩa: Bài tập này giúp tôi trút bỏ được các gánh nặng trong lòng, cảm thấy nhẹ nhàng. Đối diện trực tiếp với quá khứ, nhiều chuyện khi hồi tưởng làm tôi vỡ lẽ, tìm thấy câu trả lời và biết cách bao dung cho chính mình.
Bài tập 2: Đánh dấu những thời điểm tạo ra bước ngoặt tâm lý cho bản thân
Yêu cầu: Sau khi đánh dấu những thời điểm tạo ra bước ngoặt tâm lý cho bản thân phải phân tích/ giải thích được tại sao lại coi đó là bước ngoặt.
Ý nghĩa: Nhìn ra được quá trình trưởng thành và phát triển của con người theo thời gian (cụ thể nhất là bản thân). Bản thân được đối chiếu, soi rõ vào từng mốc thời gian; đồng thời bản thân được hiện diện dưới các câu chữ. Ở bài tập này, tôi bắt đầu phải tìm được các từ thích hợp nhất để diễn tả tôi ở từng thời điểm. Không chỉ hồi tưởng lại tuổi thơ, từng năm tháng đi học, những con người từng gặp gỡ tác động tới cuộc sống suy nghĩ của tôi, tôi còn phải cân nhắc nặng nhẹ về các sự kiện và cảm xúc thật công bằng để tìm ra những bước ngoặt thực sự chứ không phải bước ngoặt không phóng đại.
Bài tập 3: Phác họa chân dung bản thân
Yêu cầu: Mô tả hình ảnh bản thân hiện tại và so sánh với hình ảnh của bản thân mình thuộc về kiếp trước.
Ý nghĩa: Đương nhiên có lúc ở hiện tại, tôi cũng mù mờ không biết tôi là ai, tôi tồn tại vì điều gì? Bài tập này giống như một cột mốc và những câu tôi đặt bút viết về mình ở hiện tại như làm trụ. Từ đó, tôi suy nghĩ xem tương lai mình cần cố gắng sáng tỏ những thắc mắc nào nữa, mình đã hài lòng về mình chưa?… Hàng loạt câu hỏi nối tiếp nhau.
So sánh điều trên với bản thân mình thuộc về kiếp trước đối với tôi vừa khó, lại vừa đòi hỏi tôi phải thật thà. Tựa như thúc ép tôi tìm hiểu sâu hơn về nhân – quả, chính – tà, tối – sáng…
Bài tập này có lẽ không chỉ một lần làm là tôi làm xong. Có lẽ, trong quá trình tôi sống, tôi sẽ trăn trở thêm nữa.
Bài tập 4: Liệt kê tất cả các sở thích, nghĩ xem tại sao lại thích
Yêu cầu: Đánh dấu sở thích nào rõ ràng và không rõ ràng.
Ý nghĩa: Đây là một bài tập giúp tôi bộc lộ được cá tính, nét riêng biệt của tôi. Bài tập này như một động lực để tôi tập trung hơn vào những điều tôi có thế mạnh, không bị phân tâm vào điều tôi không thích thực sự. Thêm vào đó, tôi cũng suy nghĩ xem sở thích đó nên hay không nên, đặt bao nhiêu thời gian là phù hợp, liệu tương lai tôi có còn thích nữa hay thôi…
Qua 4 bài tập trên, trước tiên tôi cảm thấy thanh thản, biết trò chuyện với chính mình, dần dò dẫm ra con đường đi vào bên trong nội tâm. Từ từ từng chút một, điều tôi viết kết nối chặt chẽ với tâm hồn tôi. Theo suy nghĩ cá nhân tôi, việc hiểu bản thân cũng là một khởi đầu trong việc mình biết cách xây dựng nhân vật khi sáng tác văn học. Việc nhìn lại từng mốc thời gian, bước ngoặt cũng khơi gợi ra cách phát triển tình huống khi viết tản văn, truyện ngắn… Tôi hy vọng bạn sẽ thử làm 4 bài tập nhỏ này và biết đâu chúng sẽ đánh thức khả năng viết trong bạn!
Nguyễn Ngọc Trâm Trâm
Tham khảo Online Workshop PHƯƠNG PHÁP SÁNG TÁC VĂN CHƯƠNG của FoxStudy
Link đăng ký: http://foxstudy.info/product/phuong-phap-sang-tac-van-chuong/