Bản dịch của Đào Duy Anh

Khuất Nguyên bị đuổi, dạo trên bờ đầm, vừa đi vừa ngâm, vẻ mặt tiều tuỵ, dáng người gầy còm.

Ông chài trông thấy liền ướm hỏi: “Tam Lư đại phu đấy phải không? Vì sao mà đến nông nỗi ấy?”

Khuất Nguyên bèn đáp lại ung dung: “Mọi người đều say, mình ta tỉnh, khắp đời đều đục, mình ta trong, vì thế mà bị đuổi.”

Ông chài nói: “Thánh nhân không câu nệ, theo đời mà biến thông. Mọi người đều say, sao không uống tràn cho ngây ngất đi? Khắp đời đều đục, sao không theo dòng mà sục ngàu lên? Lại cứ nghĩ sâu làm cao, để đến nỗi bị đuổi nào!”

Khuất Nguyên nói: “Ta nghe, người mới gội thì phủi khăn, người mới tắm thì giũ áo, ai lại đem tấm thân trong vắt, mà nhuốm lấy nhớp nhơ của vật? Thà nhảy xuống dòng Tương, chôn trong bụng thuồng luồng, sao lại đem cái tiết sáng ngời mà vùi vào bụi bặm của đời?”

Ông chài tủm tỉm cười, chèo thuyền mà đi. Hát vang sông: “Nước Thương Lang trong a, thì ta giặt khăn đầu; Nước Thương Lang đục a, thì ta rửa chân vào.” Chèo thuyền thẳng đi, không nói thêm gì.

Bản tiếng Hán:

Khuất Nguyên ký phóng, du ư giang đàm, hành ngâm trạch bạn, nhan sắc tiều tuỵ, hình dung khô cảo.

Ngư phủ kiến nhi vấn chi, viết: “Tử phi Tam Lư đại phu dư? Hà cố chí ư tư?”

Khuất Nguyên viết: “Thế nhân giai trọc ngã độc thanh, chúng nhân giai tuý ngã độc tỉnh, thị dĩ kiến phóng.”

Ngư phủ viết: “Thánh nhân bất ngưng trệ ư vật, nhi năng dữ thế suy di. Thế giai trọc, hà bất cốt kỳ nê nhi dương kỳ ba? Chúng nhân giai tuý, hà bất bô kỳ tao nhi xuyết kỳ ly? Hà cố thâm tư cao cử, tự linh phóng vi?”

Khuất Nguyên viết: “Ngô văn chi, tân mộc giả tất đàn quan, tân dục giả tất chấn y, an năng dĩ thân chi sát sát, thâu vật chi vấn vấn giả hồ! Ninh phó tương lưu, táng ư giang ngư phúc trung, an năng dĩ hạo hạo chi bạch, mông thế tục chi trần ai hồ!”

Ngư phủ hoàn nhĩ nhi tiếu, cổ duệ nhi khứ. Nãi ca viết: “Thương Lang chi thuỷ thanh hề, khả dĩ trạc ngã anh; Thương Lang chi thuỷ trọc hề, khả dĩ trạc ngã túc.” Toại khứ, bất phục dữ ngôn.

 

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *