Nguồn: William Logan, “Poetry: Who Needs It?” The New York Times, June 14, 2014.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Chúng ta sống trong thời của ân điển và thời của sự vô dụng, thời của tốc độ và thời của sự nhạt nhẽo. Cái cách mà chúng ta sống bây giờ không phải là thơ. Chúng ta sống văn xuôi, chúng ta thở văn xuôi, và, than ôi, chúng ta uống văn xuôi. Có thứ văn xuôi không gây hại gì lớn cho chúng ta, và thậm chí có thể, trong những liều nhỏ, tỏ ra có tác dụng chữa bệnh, cái cách mà dầu rắn chữa được bách bệnh bằng cách chữa không gì. Nhưng sống trong tràng giang đại hải thứ văn xuôi viết dở và nói dở là trở nên điếc trước những gì mà ngôn ngữ có thể làm.

Bí mật hổ thẹn của thơ là nó được vài người yêu, nhiều người ghét, và gần như chẳng ai mua. (Đây có phải là số đông im lặng? Chà, “số đông im lặng” từng có nghĩa là người chết.) Chúng ta hiện có một tháng thơ, một quế quan thi nhân (poet laureate), và thơ được phết lên xe buýt và tàu điện ngầm như những biển quảng cáo. Nếu tàu điện ngầm không treo thì nhà thơ luôn luôn có thể tweet nó, miễn là nó chỉ có 20 từ, tầm đó. Chúng ta có bao nhiêu là cách ném thơ vào đám đông, nhưng đám đông không phải toàn là những người đặc biệt muốn đọc thơ—hay những người, vốn đọc rất ít thơ, rất có thể sẽ mua ấn bản mới nhất của Thiên đường đã mất.

Đây không phải thảm họa. Hầu hết mọi người cũng ít khi nào tham dự một buổi ba lê, hay một buổi tối với một bản tứ tấu nhạc thính phòng, hay triển lãm Georges de La Tour mới nhất. Thơ từ lâu đã là một môn nghệ thuật lớn với một lượng độc giả nhỏ. Các nhà thơ luôn luôn thấy kiếm sống là không dễ—nếu kiếm sống bằng thơ. Những ngoại lệ phát hiện ra một vài bài sonnet có thể biến thành một cuộn tiền có lẽ kiếm không hơn đặt tiền lên Bong bóng South Sea là mấy.

Nhưng vẫn còn có những kẻ lập dị, chắc chắn là những kẻ bất an, và xa lánh xã hội, và những kẻ tra tấn mèo, yêu thơ. Đôi ba người họ đến với những khúc độc thoại khó hiểu của Browning, hay những bài thơ bốn câu phủ bóng của Emily Dickinson, hay những bài thơ đáng sợ nhưng hân hoan của Elizabeth Bishop, tìm thấy điều gì đó không có trong tiểu thuyết hay nhạc pop.

Nhiều môn nghệ thuật đã nảy nở trong một giai đoạn, rồi tìm thấy một cái ngách nhỏ hơn để sống sót hoàn toàn ổn trong đó. Một thế kỷ trước, thơ không xuất hiện trên các tạp chí nhỏ dành riêng cho nó, mà trên các trang báo và tạp chí phát hành rộng rãi. Các tạp chí lớn, thậm chí là các tờ báo, bắt đầu suy giảm vào thời điểm họ dừng in thơ. (Tôi biết, tôi biết—tôi đã đặt nguyên nhân sai vị trí.) Mặt khác, có lẽ Quốc hội đã bắt đầu xuống dốc khi chức vụ quế quan thi nhân được lập ra. Thượng viện và Hạ viện vẫn ọc ạch được rất ổn trong gần nửa thế kỷ khi chỉ có một Cố vấn về Thơ cho Thư viện Quốc hội (Consultant in Poetry to the Library of Congress)—chức vụ mà, giá như Lầu Năm Góc tư vấn, thì có thể đã được viết tắt thành C.I.P.L.O.C. thay vì đổi tên.

Thơ từ lâu đã bị gạt đi trong các trường học. Ở các trường đại học ta thường dễ tìm thấy các lớp về chủng tộc hoặc giới hơn là về văn học Augustus và văn học Lãng mạn. Ở các trường trung học và tiểu học, khi thơ nếu có được dạy thì nó thường xuyên chỉ như một sự thể hiện bản thân thoáng qua mà không có cố gắng nào để nhìn vào những cái khó và cái uy nghi của thơ và những sự tinh tế của ý nghĩa, thứ biến thơ thành thơ. Chẳng trách bọn trẻ không thích nó—nó trở thành một cách khác để gò ép chúng vào lòng “trắc ẩn” hay “khoan dung,” một phần trong chương trình học khiến chúng trở thành những công dân tốt nhưng là những độc giả tồi của thơ.

Đề xuất viển vông của tôi là hãy dạy bọn trẻ của nước Mỹ học đọc bằng cách bắt chúng đọc thơ. Đến lớp năm là Shakespeare và Pope và Milton; ở bậc trung học là Dante và Catullus bằng bản gốc. Đến lúc tốt nghiệp, chúng sẽ nhớ nằm lòng Anne Carson và Derek Walcott. Một đứa trẻ được dạy cho cách phân tích một câu của Dickinson sẽ chẳng gặp khó khăn gì trong việc hiểu những cái biết biết và những cái không biết không biết của Donald H. Rumsfeld.

Chúng ta không sống trong một thế giới như thế, và có lẽ ngay cả các nhà thơ còn sống hiện nay cũng không ước là chúng ta được sống trong một thế giới như thế. Chương trình tiểu học lý tưởng của tôi thay vào đó sẽ yêu cầu mọi đứa trẻ phải học: (1) bảng nhân lên đến, ví dụ, 25; (2) một ngoại ngữ, khó hiểu thì tốt hơn; (3) địa lý của một vùng đất lạ, như New Jersey; (4) cách dùng các dụng cụ cầm tay cơ bản và cách nấu một đĩa cassoulet; (5) cách nuôi một con chim hay thằn lằn (nếu đứa trẻ ăn chay thì cách trồng một cây khoai tây); (6) thuộc lòng thơ, độ một bài một tuần; (7) cách tìm đường về nhà từ một thị trấn cách đó ít nhất mười dặm; (8) hát; (9) nhào lộn. Đến tuổi 12 mà làm được tất cả những thứ ấy thì chẳng biết chúng sẽ còn làm được gì nữa. Tôi có lấy đôi ba mục trong chương trình học trong mơ cho một trường đại học cho các nhà thơ của W. H. Auden. Nếu các em học sinh tiểu học của tôi không bị thơ làm cho chán ghét hoàn toàn thì một ngày nào đó chúng sẽ có thể đến học trường đại học kia, được chuẩn bị kỹ càng.

*

Cái ý nghĩ rằng thơ thì phải phổ biến đơn giản là một ý nghĩ sai lầm. Nhưng có người nào lại thấy trước được rằng Metropolitan Opera và National Theatre ở London nay lại phát sóng đến tận các rạp chiếu phim địa phương trên khắp nước Mỹ? Nhà tổ chức nào miệng nhai xì gà mà tìm được cách đặt thơ trước mặt độc giả và khiến họ phải lòng nó sẽ làm được nhiều cho môn nghệ thuật này hơn là cả một thế kỷ ngồi vặn vẹo tay. Hắn ta cũng có thể kiếm bộn.

Bạn có thể sống một cuộc đời trọn vẹn mà không biết đến một mẩu thơ, cũng như sống một cuộc đời trọn vẹn mà chưa từng thấy một bức Picasso hay xem vở “Vườn anh đào.” Hầu hết người ta đều bao quanh mình bằng một loại nghệ thuật nào đó, dù đó là Amy Winehouse hay Richard Avedon. Ngay cả nét tô vẽ trên tủ lạnh của người nghệ sĩ tí hon cũng có chỗ của nó. Ngôn ngữ được sử dụng một cách hiệu quả cũng có chỗ của nó. Thơ sẽ không bao giờ có được khán giả của “Game of Thrones”—đó là cái ti vi có thể làm. Thơ là cái mà riêng ngôn ngữ có thể làm.

William Logan (1950–) là nhà thơ và nhà phê bình văn học người Mỹ. Ông là giáo sư ngành văn học Anh tại Đại học Florida. Cuốn sách gần đây nhất của ông là Dickinson’s Nerves, Frost’s Woods.

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *