TUYÊN NGÔN THỨ HAI CỦA CHỦ NGHĨA SIÊU THỰC
André Breton
Chủ nghĩa siêu thục một phần chức năng quan trọng của nó là xem xét lại những quan điểm của phê bình về hiện thực và cái không hiện thực, cái hợp lý và sự phi lý, sự phản ánh và sự thôi thúc, kiến thức và sự ngu dốt “chết người”, cái hữu ích và cái vô dụng. Đây là những phân tích chí ít cũng là dưới góc độ của chủ nghĩa duy vật lịch sử để quay lại điểm khởi đầu của cái gọi là “sự đẻ non” trong lý thuyết của Hegel. Với tôi, không thể đổ lỗi cho bất kỳ hạn chế nào – những hạn chế kinh tế chẳng hạn – vào sự vận dụng của trí tuệ để tìm ra quy luật phủ định, phủ định của phủ định. Làm thế nào để người ta có thể chấp nhận rằng phương pháp biện chứng chỉ có thể ứng dụng hiệu quả nhất để giải quyết các vấn đề xã hội? Mục đích tuyệt đối của chủ nghĩa siêu thực chính là đáp ứng những khả năng thực tiễn trong những lĩnh vực trực tiếp nhất của nhận thức, nó đã đem đến cho tôi cái nhìn về các khúc mắc của tình yêu, giấc mơ, sự điên khùng, nghệ thuật và tôn giáo; tôi thực sự không đồng tình với một số nhà cách mạng hẹp hòi và không thể có cái nhìn giống họ, rằng tại sao chúng ta phải kiềm chế việc trợ giúp cho Cách mạng. Và bây giờ, tôi không ngần ngại nói rằng: trước khi chủ nghĩa siêu thực ra đời, không hệ thống nào đi theo hướng này và tại thời điểm chúng ta phát hiện ra phương pháp biện chứng, trong dạng thức của Hegel, cũng không thể áp dụng được với chúng ta. Chúng ta cần phải đưa ra đoạn kết khi nói về lý tưởng chủ nghĩa, việc sáng tạo ra từ “siêu thực” có thể kiểm chứng được điều này. […]
Chúng tôi cũng mong muốn đặt mình vào điểm xuất phát mà theo triết lý của mình chúng tôi gọi nó là “ mất địa vị”. Tôi nghĩ rằng nó là số phận của tất cả những người cho rằng hiện thực không chỉ quan trọng về mặt lý thuyết mà còn quan trọng đối với cả cái chết, sự sống để tạo ra sự cuốn hút mãnh liệt, như Feuerbach khát khao cái hiện thực đó: số phận của chúng ta sẽ khiến cho chúng ta hành động như vậy, một cách tuyệt đối, mà không hề e ngại, sự trung thành của chúng ta với các nguyên tắc của chủ nghĩa duy vật lịch sử. […]
Sự trung thành của chúng ta đối với các nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử… hoàn toàn không có sự chơi chữ trong cụm từ này. Chính vì vậy nó sẽ chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào chúng ta – ý tôi muốn nói rằng chủ nghĩa cộng sản không nhìn nhận chúng ta hoàn toàn như những sinh vật kỳ lạ được đưa đi biểu diễn trong các gánh hát rong mà không hề ý thức được vị trí xã hội của chúng – chúng ta nên tự chứng minh một cách đầy đủ về những khả năng của chúng ta để thực hiện trách nhiệm cách mạng, […]
[…] Tháng 9 năm 1928, . . . hai câu hỏi này … đã làm tôi trăn trở:
1. Bạn có tin rằng một sản phẩm của văn học và nghệ thuật chỉ đơn thuần là hiện tượng mang tính cá nhân? Bạn không cho rằng nó có thể hoặc nó phải là sự phản ánh của những dòng chảy chính quyết định sự thay đổi kinh tế và xã hội loài người hay sao?
2. Bạn có tin rằng trong một tác phẩm văn học hay một tác phẩm nghệ thuật biểu hiện khát vọng của tầng lớp lao động? Ai, theo bạn là những đại diện chính của loại văn học và nghệ thuật này?
Và câu trả lời của tôi là:
1. Tất nhiên là đối với hầu hết các sản phẩm văn học và nghệ thuật và bất kỳ hiện tượng trí tuệ nào, chỉ có thể có một câu hỏi được đưa ra, đó là quan tâm tới vấn đề chủ quyền trong của trí tuệ. Rằng không thể trả lời câu hỏi của bạn một cách chắc chắn hay tiêu cực, chỉ có thể nói rằng đó là một cách nhìn mang tính triết học khi nó chứa đựng những diễn biến “sự mâu thuẫn giữa bản chất tư duy của con người, cái mà chúng ta cho là tuyệt đối, và cái hiện thực của tư duy đó trong đám đông các cá nhân bị hạn chế nhất định trong tư duy” [Engels] […] Lối tư duy này, cách nghĩ này, trong lĩnh vực anh yêu cầu tôi suy xét, bằng lối biểu hiện cụ thể như thế, trong mối quan hệ dao động giữa ý thức về quyền tự chủ không thể xâm phạm và sự độc lập hoàn toàn của tư duy. Trong thời đại của chúng ta, các sản phẩm văn học nghệ thuật theo tôi hoàn toàn là sự thoả mãn cho nhu cầu của màn kịch này, sau một thế kỷ thơ ca và triết học bị tổn thương (Hegel, Feuerbach, Marx, Lautréamont, Rimbaud, Jarry, Freud, Chaplin, Trotsky) nó cần phải được bộc lộ. Trong bối cảnh này, cần phải nói rằng, các tác phẩm hoặc có thể hoặc bắt buộc phản ánh những dòng chảy chính của thời đại, cái quyết định những thay đổi kinh tế và chính trị của loài người, cho dù chúng có thể nhận được những đánh giá không thiện chí và tinh tế cho lắm, nhưng nó hàm chứa ý thức của tư duy và tạo ra ảnh hưởng từ bản chất cốt lõi của chính nó: cả vô điều kiễn lẫn có điều kiện, cả không tưởng và hiện thực, tìm thấy được cái kết trong chính bản thân nó và trở nên hữu ích.
2. Tôi không tin vào những khả năng hiện thời của nghệ thuật hay văn học có thể biểu hiện được nguyện vọng của tầng lớp lao động. Tôi không tin ở khả năng ấy là bởi vì trong bất kỳ giai đoạn tiền cách mạng nào nhà văn hay họa sĩ cần có một sản phẩm mang tính tư sản và sản phẩm này không có khả năng chuyển tải những khát vọng ấy. Tôi không phủ nhận rằng anh ta có thể có vài ý tưởng từ những khát vọng của tầng lớp lao động và do vậy, trong những tình huống có thể chấp nhận được, anh ta chỉ có thể cảm nhận được mối liên hệ với một nguyên nhân nào đó với cái gọi là sự nghiệp vô sản. Với anh ta, đó là vấn đề nhạy cảm và sự nhất quán. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là anh ta sẽ lẩn tránh sự hoài nghi vốn có trong các phương tiện biểu hiện, cái đã buộc anh ta nhìn nhận ở góc độ đặc biệt trong chính bản thân và trong tác phẩm mà anh ta định làm. Để có thể phát triển được, tác phẩm phải được đặt trong mối liên hệ với các tác phẩm khác và ngược lại nó phải mở ra những hướng đi mới. Ví dụ, nó có thể là vô nghĩa khi chống lại những điều khẳng định của thuyết quyết định của thi ca, với những lề luật không thể truyền bá, ngược lại với chủ nghĩa duy vật biện chứng. Cá nhân tôi, có hai kiểu phát triển đã thuyết phục tôi, cả hai đều giống nhau kinh khủng, ít nhất chúng cùng giống nhau ở một điểm: cả hai đều phóng khoáng (they are both unsparing). Như Marx đã dự đoán trước – với hầu hết những sự việc xảy ra kể từ khi ông qua đời – và tất cả đều chứng tỏ rằng ông đã đúng, nhưng tôi thấy nó lại không thích hợp với ngôn từ của Lautréamont liên quan đến lĩnh vực tinh thần. Để so sánh, bất kỳ nỗ lực nào giải thích cho các hiện tượng xã hội bằng các lý thuyết khác Marx, đối với tôi, đều là sai lầm như khi bảo vệ hay minh họa cho cái gọi là văn học nghệ thuật “vô sản” tại một thời điểm lịch sử khi người ta không thể khẳng định rõ ràng một đặc trưng nào của văn hóa vô sản, và với lý do tuyệt vời rằng, văn hóa này không tồn tại ngay cả trong thể chế vô sản. […]
*
Bổn phận của chúng ta là… phải nhìn nhận cho rõ và rõ hơn nữa cái gì đang diễn ra trong thẳm sâu trí tuệ của anh ta, cái chưa biết, thậm chí nếu anh ta bắt đầu đưa ra những cơn lốc tấn công chúng ta. Trên chặng đường dài mong muốn gỡ dần cái mớ bòng bong, tốt hơn cả là chúng ta mang tinh thần trở lại với những nghiên cứu khoa học “phức hệ”. Chắc chắn, chủ nghĩa siêu thực mà ta đã chọn lựa một cách thận trọng đi đến học thuyết của Marx trong các vấn đề xã hội không định đánh giá thấp học thuyết của Freud khi áp dụng giám định các ý tưởng: trái lại chủ nghĩa siêu thực tin rằng quan niệm của Freud là nền tảng đầu tiên và duy nhất vững chắc nhất. Trong khi chủ nghĩa siêu thực không thể giữ mãi thái độ thờ ơ với các cuộc tranh luận của các bác sĩ ngoại khoa giỏi, những xu hướng phân tâm học khác nhau – là vì nó buộc phải cân nhắc sự đam mê và mối quan tâm thường ngày về cuộc tranh luận giữa các thủ lĩnh quốc tế – nó không cần phải can thiệp vào cuộc tranh luận mà nó không thể theo đuổi những phương pháp điều trị hữu ích của các bác sĩ ngoại khoa: Đây không phải lĩnh vực mà chủ nghĩa siêu thực đưa ra những kết quả của các cuộc thí nghiệm mang tính cá nhân. Nhưng rất tự nhiên, những người đi theo chủ nghĩa siêu thực lại đặc biệt quan tâm tới những khái niệm của Freud, những khái niệm đã tác động tới mối quan tâm sâu thẳm của con người – ham muốn sáng tạo và phá bỏ sự khéo léo – tôi nói về định nghĩa cho hiện tượng gọi là “thăng hoa”, chủ nghĩa siêu thực đòi hỏi những con người này đạt được điều gì đó trong nhận thức mới, để tự quan sát, trong những trường hợp đặc biệt để bù cho sự thiếu hụt về nhận thức cái gọi là trạng thái “thẩm mỹ” của trí tuệ con người, của những người không phải nghệ sĩ mà là bác sĩ. Hơn nữa, chủ nghĩa siêu thực đòi hỏi chúng ta khi lựa chọn con đường ngược lại với con đường mà những người bị ám ảnh – theo cách nói của Freud – đã lựa chọn, cái “nghiên cứu trước” chúng ta đã đề cập sẽ hướng những nỗ lực của họ tới trạng thái phức tạp nhất này, “cảm hứng” và trong giây phút họ không suy nghĩ về nó như một cái gì đó thiêng liêng, chủ nghĩa siêu thực đòi hỏi bất chấp họ tự tin về công dụng tuyệt vời của những giấc mơ đến mức độ nào, họ mơ chỉ vì muốn tháo gỡ những ràng buộc hay điều gì đó mà, có thể, người ta chưa bao giờ dám tưởng tượng ra – và bắt nó phục tùng. Không cần phải viện đến sự tinh tế, chúng ta đều hiểu rằng cảm hứng là gì. Không thể nhầm lẫn được. Đó là cái tối quan trọng cần được biểu hiện ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào. Người ta thường nói rằng nó vừa hiện diện vừa không, và nếu thiếu vắng nó thì không có cái gì được coi là sự thông minh của con người liên quan đến những hiểu biết đơn lẻ, và người tài ba đạt được khi làm tiêu tan đi những vết hằn của công việc nặng nhọc. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra được điều đó bằng toàn bộ những ám ảnh trong đầu đôi khi ngăn cản sự tồn tại của chúng ta khỏi những khó khăn, trò chơi của sự nối tiếp ngắn ngủi được tạo ra giữa một ý tưởng có sẵn và một ý tưởng tương ứng. Trong vật lý, đó là sự tiếp nối ngắn ngủi, nó xuất hiện khi hai “cực” của một cỗ máy được kết nối thông qua dây dẫn không có hoặc ít điện trở. Trong thi ca và trong hội họa, chủ nghĩa siêu thực đã làm tất cả những gì có thể và hơn thế làm tăng thêm sự tiếp nối ngắn ngủi này. Nó tin và nó sẽ không bao giờ tin vào bất cứ cái gì hơn sự nhiệt tình để giả mô phỏng lại cái thời khắc lý tưởng này khi con người thấu hiểu một cảm xúc cụ thể mà bỗng nhiên anh ta chộp được, cái gì đó mạnh mẽ hơn chính bản thân anh ta, nó hướng anh ta tới sự tự vệ và tiếng tăm muôn thuở. Nếu sáng suốt và tỉnh táo, anh ta có thể sợ hãi khi phải luồn lách qua cái tình huống khó xử này. Đối với anh ta, vấn đề không phải là được giải phóng khỏi nó mà là tiếp tục bàn về quãng thời gian khi những tiếng chuông kỳ bí này ngân vang: thực ra, đây là thời điểm anh ta không thuộc về anh ta nữa mà thuộc về chúng ta. Những sản phẩm của các hoạt động tinh thần này khi thoát khỏi ước muốn trở thành có nghĩa, hợp lý thì nó sẽ tự do như bất kỳ một ý tưởng độc lập nào không bị kìm hãm, nó có thể là bất kỳ điều gì thuộc về “đời sống thụ động của trí tuệ” – những sản phẩm này sẽ tự động ghi lại và mô tả về sự hiện diện của những giấc mơ tại thời điểm mà nó diễn ra. Cùng lúc đó, sự tồn tại đơn nhất hữu ích sẽ đưa ra một lối nhận thức tuyệt vời cho hội đồng phê bình, mà bản thân trong nghệ thuật, đã bộc lộ sự vô vọng trong việc tái phân loại những giá trị trữ tình, nó đưa ra chiếc chìa khóa có khả năng mở được chiếc hộp có chiều sâu nhiều tầng được gọi là con người, chiếc chìa khóa ngăn trở anh ta quay trở lại, để tự vệ, trong bóng tối anh ta đâm sầm vào những cánh cửa khóa ngoài và “ thế giới bên kia” là đời thực, là sự hợp lý, là tài năng, là tình yêu. Một ngày mới đến khi ta không cho phép mình dùng trang phục của các kỵ sĩ như chúng ta đã từng làm, vì những bằng chứng của một sự tồn tại khác, chứ không phải với cái quen thuộc thường ngày khiến ta nghĩ là chúng ta đang sống. Sau đó chúng ta sẽ ngạc nhiên nhận ra rằng ta đang đến gần với khả năng nắm bắtsự thật, bởi hầu hết chúng ta quá thận trọng vin vào một lý do nào đó theo nghĩa đen hoặc nghĩa khác, không dám liều mạng quăng mình xuống nước khi không biết bơi, không tin vào những điều kỳ diệu, lao vào đống lửa để tìm ra chân lý. […]
Nguyễn Bích Thủy dịch
Chú thích: Bản tuyên ngôn thứ hai được đăng trên số cuối cùng của tạp chí Cách mạng siêu thực vào ngày 15 tháng 12 năm 1929. Tạp chí này về sau được thay thế bằng tạp chí Chủ nghĩa siêu thực phục vụ cách mạng hoạt động đến năm 1933. Đoạn trích của bản tuyên ngôn thứ hai này được lấy từ bản dịch tiếng Anh của Seaver và Lane trong Tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực.
Nguồn: Tạp chí Văn học nước ngoài, số 05/2004