Lý thuyết phê bìnhTỔNG QUAN VĂN HỌC

VĂN HỌC ĐÃ GIÚP CHÚNG TA BIẾT GÌ VỀ NHỮNG “KẺ KHÁC”?

Có ba lĩnh vực trong đời sống tinh thần của nhân loại mà các nhà triết học, các nhà đạo đức học và rất nhiều “nhà” khác , do không được trang bị những công cụ cần thiết, sẽ không bao giờ có thể nắm bắt được, có thể hiểu được tường tận về chúng, đó là Sự điên loạnCái chết và những Kẻ khác.Thực vậy, làm sao chúng ta có thể phát biểu gì về cái chết khi chúng ta chưa có một chút trải nghiệm nào về nó và chưa từng đặt chân lên Vương quốc của Thần Chết. Nếu chúng ta còn đang “suy nghĩ”,nếu chúng ta còn đang dựa vào sự “khôn ngoan” để sinh tồn, chúng ta liệu có thể hiểu được những suy tưởng điên loạn, một thực thể khác tồn tại và vận động theo những quy tắc khác…Và với những Kẻ khác, luôn khép kín những suy nghĩ của mình trong thế giới riêng biệt khác hoàn toàn thế giới của ta, làm cách nào để chúng ta có thể hiểu biết được những gì đang diễn ra trong đó… (ND)

 

Nếu một lần nữa chúng ta thống nhất với nhau rằng văn học không chỉ có chức năng giải trí, văn học còn tạo dựng ra hiểu biết như một cách để tác động vào thế giới, thì nguyên tắc còn lại mà chúng ta phải quán triệt cùng nhau là: mỗi tác phẩm văn chương luôn chứa đựng các sắc thái đặc thù và dị biệt; những câu chuyện lý thú (đôi khi “giống như thật” ) mà các nhà thơ nhà văn, các tiểu thuyết gia kể lại cho chúng ta, thực ra luôn có một khoảng cách với “hiện thực thông thường”, cái khoảng cách được tạo dựng nhờ vào sức mạnh vô biên của trí tưởng tượng. Một tác phẩm văn học được sáng tác ra không phải để đưa ra những chứng minh (như trong toán học hay vật lý ), không nhằm để xác lập những quy luật hay những thực tế phổ quát mà ngược lại, nó cho phép chúng ta được biết tới/được tiếp cận với những trường hợp rất đặc thù, mang tính gợi mở, gây hoang mang, những tình huống độc đáo và ấn tượng, những ví dụ nhậy cảm và khó quên…

Để trả lời cho câu hỏi đầy tranh cãi về vai trò của hư cấu trong việc bổ khuyết những hiểu biết của chúng ta về thế giới, bổ xung vào các nhận định tưởng chừng như “chắc nịch”  của những nhà triết học hay nhà khoa học, huyền thoại cổ sau đây có lẽ sẽ mang tới cho chúng ta câu trả lời có tính chất thuyết phục nhất. Đó là câu chuyện về hai vị thần của người Maya cổ : Momus và Vulcain. KhiVulcain giới thiệu cho Momus  bức tượng đất sét như phiên bản cho hình hài của con người (sắp được tạo ra hàng loạt trong tương lai), Momus đã tráchVulcain vì sao không khoét một ô cửa nhỏ nơi trái tim (của con người). Không những thế, trong phiên bản đất sét củaVulcain tâm hồn con người còn bị bó chặt và giấu kín đi trong một cái lớp vỏ dầy và mờ đục của máu và da thịt.Sơ xuất ấy của Vulcain đã khiến loài người chúng ta phải tìm những con đường vòng để có thể tiếp cận được tâm hồn kẻ khác thay vì có thể nhòm trực tiếp qua ô cửa nơi trái tim mỗi người.Tính mù mờ và không nhìn thấy được (của tâm hồn ) kẻ khác đã dẫn dắt chúng ta vào một trò chơi vô tận của những ức đoán thuần lý và những phóng chiếu vô vọng với hy vọng có thể hiểu / có thể biết được về những kẻ khác.Một con đường vòng mà ở đó những lỗi vụng về và thô thiển là không tránh khỏi phạm phải.Và không phải ai khác, chính Văn Học là kẻ sẽ phải gánh vác trách nhiệm sửa chữa lại lỗi lầm đó của Đấng Tạo Hóa.

Huyền thoại trên đã được nhiều tiểu thuyết gia và các nhà phê bình văn học viện dẫn ra , như trường hợp Dorit Cohn – nhà lý luận văn học Mỹ , khi ông ngẫm nghĩ về cái gọi là “cách nhìn xuyên thấu vào bên trong” của một cuốn tiểu thuyết, nhằm giải thích cho những khó khăn khi nắm bắt tâm lý của những kẻ khác và những giới hạn khó vượt qua nếu muốn biết chính xác hơn về một tiểu sử. Văn học – kẻ duy nhất có tham vọng mở lại được cánh của màVulcain đã lỡ tay chốt chặt để giúp chúng ta nhìn thấy được tâm hồn của những kẻ khác. Đọc một tác phẩm văn chương, chia sẻ với tác giả và những độc giả khác những góc nhìn và những cảm xúc, đó là chúng ta đã “đột nhập” được vào tâm hồn của kẻ khác

Nhà văn vì thế phải là “kẻ không căn cước, kẻ có khả năng xâm thực được trong thân xác của người khác”, nhân vật Keats trong tiểu thuyết Những cuộc sống tiền kiếp của Gérard Macé đã tuyên bố như thế. Điều đó có nghĩa là: văn học không chỉ giúp chúng ta nhìn ra được những gì đang diễn ra trong tâm hồn kẻ khác mà còn có thể giúp chúng ta, dù chỉ trong những khoảng khắc ngắn ngủi, trở thành những kẻ khác. Được thúc đẩy bởi ý muốn tìm kiếm và nắm bắt sự thực (về phương diện hiện tượng học hay văn hóa học) về những kẻ khác, nhà văn sẽ biến tâm hồn mình thành “ một sân khấu thần tiên” (Rimbaud), anh ta sẽ đào bới ở đó để phát hiện những dấu vết về những kẻ khác đang ngự trị trong tâm hồn mình. Trong những thể loại văn chương như thơ trũ tình, bi kịch hay tiểu thuyết, khi nhà văn cho các nhân vật của mình cất tiếng đó chính là lúc họ chạm mặt với sự đa nhân cách bên trong của mình.

Về phía chúng ta, những độc giả và khán giả, nếu loại trừ đi cái nguy cơ bị mắc cái hội chứng “ bà Bôvary” của Gustave Flaubert (cái hội chứng của những người đã vất qua một bên cuộc sống thực của mình để sống cuộc sống của các nhân vật tiểu thuyết, chỉ tồn tại trong hư cấu), văn học sẽ tạo ra cho chúng ta khả năng biết đến những sự “chuyển dịch” khác nhau về không gian,thời gian và hoàn cảnh sống. Những dòng chữ người khác viết ra, những suy nghĩ, những ứng xử lãng mạn của các nhân vật của họ sẽ giúp chúng ta được hóa thân để sống trong thân xác và tâm hồn của những kẻ khác, và cho phép chúng ta hiểu được những ý nghĩ mà trước đó hoàn toàn xa lạ với chúng ta , chia sẻ được với những tâm hồn có những dạng căn cước rất khác nhau. Nhờ vào sự hư cấu trong văn chương, chúng ta sẽ có cơ hội được trải nghiệm những niềm vui tột cùng  và những đau khổ tột cùng, rất hiếm gập (và chưa chắc chúng ta mong gập) trong một cuộc đời bình thường. Chúng ta cũng sẽ được trải nghiệm rất nhiều cách thức sống, kể cả những gì là cấm kỵ nhất khi hòa tan mình vào trong mạch suy nghĩ của người dẫn truyện hay các nhân vật tiểu thuyết. Sức hút ma thuật của những diễn đạt văn chương phức điệu, trong chốc lát có thể làm chúng ta tách khỏi con người mình và quên đi hoàn toàn những định vị cá nhân ( vị trí xã hội, nền tảng văn hóa,những thói quen tâm lý hay tính dục..) để có thể trở thành, không chỉ một, mà là nhiều dạng nhân cách và kiểu người cá nhân khác nhau .Khi chúng ta đọc và đắm mình vào trong một câu chuyện, chúng ta có khả năng “ thoát xác”khỏi con người thực để trải nghiệm cuộc sống của một con điếm, một kẻ nô lệ, một tội phạm, hoàng đế La mã, một dược sĩ, một cô người mẫu hay chủ bút của một tạp chí văn chương. Nói ngắn gọn, quá trình đọc một câu chuyện cho phép chúng ta vay mượn thân xác và hồn phác của một kẻ khác để tồn tại, dù chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi.Thâm nhập vào một câu chuyện, không chỉ là việc bồi đắp thêm những hiểu biết về những khác biệt căn bản giữa ta và những kẻ khác, mà còn cho phép chúng ta băng qua được sự khác biệt đó bằng cách thu nạp những tính cách đó vào nhân cách của chúng ta, hòa trộn chúng vào với nhau một cách cụ thể và đầy cảm xúc.Trong những cuộc đối thoại giữa ta và những kẻ khác đó, chúng ta sẽ cảm nhận được ý nghĩa sâu xa về sự tương đối của tồn tại thể xác và sự tương đối của hoàn cảnh sống của mỗi cá nhân bằng việc làm phong phú hơn cái mà trong tâm lý học xã hội được gọi là “Sự tưởng tượng các vai ”.

Thái độ biến mình thành người khác để có thể hiểu họ rõ hơn hiển nhiên là một thước đo cho phép chúng ta đánh giá được những lợi ích của các trải nghiệm văn chương:Giá trị thẩm mỹ của một tác phẩm phải chăng nằm trong phương cách mà nó giúp chúng ta thoát ra khỏi bản ngã của chính chúng ta? Tính độc đáo của văn chương chẳng phải nằm ở chính những miền đất lạ lùng của những suy tưởng và cảm xúc mà những tác phẩm văn chương dắt tay chúng ta đi ngang qua? Giá trị đạo đức của văn chương chẳng phải là không thể chia tách với cái khả năng ( của văn chương)  giúp chúng ta nhận ra được những gì thuộc về kẻ khác, biết tường tận những gì thuộc về kẻ khác mà không cần sự can thiệp của bất cứ thứ loại luật lệ nào (giống như việc lấy các lời khai trước tòa). Toàn bộ văn chương là một ngành “nhân loại học”, nhà văn khi đặt bút là khi khởi đầu một cuộc điều tra thận trọng và khó khăn về những sự khác biệt. Đó là một tín điều nơi các nhà văn đương đại mà chúng ta đã biết: từ Resgis Jauffret tới Jean Rolin, từ Pascal Quignard tới Emmanuel Carère. “Nếu muốn trở thành nhà triết học, hãy viết một cuốn tiểu thuyết” Albert Camus đã đưa ra lời khuyên như vậy. Khám phá, kể chuyện, cất lời ca, một cách tinh tế tinh tế hay bình dị về những cảm xúc của các cá thể. Biến mỗi một kẻ khác ta thành một thế giới của những phép mầu, những bí ẩn :Đó là những quyền năng của ngôn từ văn chương, tạo điều kiện cho chúng ta được sống trong tâm hồn kẻ khác để hiểu họ rõ hon, để chứng kiến  hai hành động yêu thương trái chiều nhau, đối xứng nhau trong một liên kết biện chứng:  thứ nhất đấy là sự thừa nhận những gì tồn tại nơi kẻ khác ta trong một khả năng tiềm ẩn có thể trở chuyển hóa thành của chính ta, thứ hai đó cũng là việc chúng ta sẽ không bao giờ vượt qua được cái khoảng cách đã tồn tại giữa ta và những kẻ khác ta. Điều đó khiến chúng ta không còn phải lo lắng về sự hòa tan hay sự đánh đồng chúng ta vào với những kẻ khác và làm mất đi những bản sắc riêng của chúng ta.

Và đây là bài học lớn nhất của nhân loại và bài học rộng nhất của các khoa học về con người: Kẻ khác không phải là một dữ kiện, kẻ khác là một quan niệm lịch sử, một kết cấu rất mong manh, được xác lập ra bởi văn hóa, việc bảo tồn nó là trách nhiệm chung của các nhà triết học, các sử gia, các nhà địa lý học cũng như các nhà văn, những người cùng chung tay gánh vác cái nhiệm vụ giúp chúng ta, nền văn hóa ( Phương Tây) của chúng ta, nghe được và thấu hiểu được những gì mà các nền văn hóa khác muốn bầy tỏ với chúng ta dựa trên sự tôn trọng các ngôn ngữ, các ngôn từ và thậm chí cả cái cách lặng im nhẫn nại của những nền văn hóa đó. Những nền văn minh Phương Đông hay văn minh của những người da đỏ đã được phát hiện, những hình ảnh về đao phủ hay nạn nhân đã từng dắt tay chúng ta đi tới tận những đường biên giới của nhận thức lý tính và của tính nhân đạo, những quái vật kỳ ảo / dị dạng lẩn khuất trong những tà áo choàng của những bóng đen câm nín luôn tồn tại trong chúng ta nhưng chẳng thuộc về chúng ta, những nhân cách cao cả hay đê tiện mà các nhà văn luôn thèm muốn phác họa chi tiết hơn chân dung của họ, những ngôn ngữ xa lạ và các nền văn hóa của những dân tộc thiểu số đang âm thầm chịu đựng sự suy vong, tất cả những cái đó đều nằm trong mối quan tâm của văn chương. “Tôi là một con người và tất cả những gì thuộc về con người không xa lạ với tôi” . Lời tuyên bố mang tính biểu tượng của Chủ nghĩa Nhân đạo Phương Tây của nhà thơ latin Térence đã đượcVăn Học chọn làm phương châm tồn tại của mình.Trong khi thu hút chúng ta hướng về một trí thông minh được bồi đắp bởi những sự khác biệt và một mối quan tâm thường trực về những kẻ khác (trên bình diện trải nghiệm thực tế hay thuần túy tưởng tượng văn chương), phương châm tồn tại này cũng sẽ áp đặt những rành buộc ,những tiêu chuẩn chặt chẽ đối với các tác phẩm văn học, rành buộc đối với các tác giả- người sáng tạo  cũng như đối với các độc giả- những người hưởng thụ. Và phương châm này sẽ giúp chúng ta mài sắc thêm đồng thời cả những ý thức về sự tôn trọng sự khác biệt và những tình cảm mang tính nhân văn hướng về cộng đồng.

DươngThắng dịch từ tiếng Pháp. “ Ce que la littérature sait de l’autre” của Alexandre Gefen. Tạp chí Le Magazine Littéraire. 12/2012.Bản dịch đã đăng trên báo Văn Nghệ Trẻ, số đặc biệt (17-18/2013) kỷ niệm 65 năm thành lập báo Văn Nghệ ,ra ngày 28/4/2013

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *