Diện mạo văn học Việt Nam 1945 – 1975 (Nhìn từ góc độ thi pháp thể loại)
Lã Nguyên
1. Sau 1975, một quá trình văn học đã được khép lại. So với văn học trước và sau đó, văn học 1945-1975 có diện mạo riêng, với những đặc điểm và quy luật vận động riêng. Bài viết này chỉ thử phác hoạ lại diện mạo của giai đoạn văn học ấy từ góc độ thi pháp.
Từ góc độ thi pháp, có thể hình dung diện mạo của văn học 1945-1975 qua hệ thống thể loại của nó. Bởi vì thể loại văn học vừa là hiện tượng lịch sử, vừa là nhân tố loại hình.
Văn học Việt Nam 1945-1975 rất đa dạng và phong phú về thể loại. Ngay từ thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, thơ đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể. Qua sáng tác của những cây bút tiêu biểu như Tố Hữu, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Thôi Hữu, Hữu Loan…, thơ cách mạng đã tạo ra được một nội dung và hình thức thể loại khác xa với thơ trữ tình của những năm ba mươi. Diện mạo của nền văn xuôi kiểu mới cũng được hình thành qua những trang bút kí, kí sự, truyện ngắn của Trần Đăng, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Tô Hoài, Kim Lân, Hồ Phương. Nhưng phải sau hoà bình lập lại, nhất là từ những năm sáu mươi, các thể loại văn học mới phát triển rực rỡ. Có được sự phát triển rực rỡ ấy là nhờ công sức của nhiều thế hệ cầm bút. Giai đoạn từ năm 1958 đến 1964 được gọi là thời kì hồi sinh của hàng loạt nhà thơ “tiền chiến” như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh… Văn xuôi phát triển mạnh mẽ với nhiều cây bút thuộc các thế hệ khác nhau: Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Bùi Hiển, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Thế Phương, Vũ Tú Nam, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Lê Khâm, Hữu Mai, Nguyễn Kiên, Đào Vũ, Vũ Thị Thường… Từ 1965 đến 1975, một cao trào sáng tác phục vụ cuộc kháng chiến chống Mĩ được phát động. Đây là thời kì xuất hiện hàng loạt nhà thơ trẻ có giọng điệu riêng của một thế hệ mới: Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Thu Bồn, Bùi Minh Quốc, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Nguyễn Duy, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Trần Đăng Khoa, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mĩ Dạ… Về văn xuôi, bên cạnh Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Lê Khâm (Phan Tứ), nổi lên Nguyễn Minh Châu, Chu Văn, Đỗ Chu, Ma Văn Kháng (ngoài Bắc) và Nguyễn Thi, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức (trong Nam).
Có thể nói, ở giai đoạn 1945-1975, nền văn học Việt Nam không thiếu một thể loại nào: truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài, các loại kí, bao gồm kí sự, bút kí, tuỳ bút, truyện kí, các thể thơ: thơ trữ tình, thơ trào phúng, truyện thơ, trường ca… Chỉ có phóng sự là thể loại từng phát triển mạnh mẽ từ thời trước Cách mạng, nay bỗng thấy thiếu vắng trên văn đàn.
2. Tuy nhiên, diện mạo của một giai đoạn văn học không phải là sự cộng gộp giản đơn các thể loại của tác phẩm. Bởi vì toàn bộ sáng tác của một giai đoạn văn học bao giờ cũng tạo thành một chỉnh thể. Khái niệm chỉnh thể ở đây được sử dụng nhằm chỉ một hệ thống nghệ thuật mà các yếu tố hợp thành luôn luôn tồn tại trong một quan hệ tương quan, tương thông vừa phụ thuộc, vừa chế định lẫn nhau giống như một cơ thể sống. Cho nên, muốn nhận ra diện mạo của một giai đoạn văn học, người ta không thể dừng lại ở việc liệt kê, tính đếm số lượng các thể loại lớn nhỏ, mà phải khảo sát mối quan hệ cộng sinh tạo thành bản hoà tấu của cả một hệ thống thể loại.
Ở những thời đại khác nhau, các thể loại văn học có những kiểu quan hệ cộng sinh hết sức khác nhau. Chẳng hạn, trong văn học cổ – trung đại, mỗi tác phẩm thường được sáng tác theo một thể loại, có một chức năng đời sống, chức năng nghệ thuật và một cấu trúc hình thức cố định. Cho nên, hệ thống văn học trung đại là một chỉnh thể thống nhất của những thể loại song song cùng tồn tại, thể loại này tồn tại bển cạnh thể loại kia. Bởi thế, tiếp xúc với văn học trung đại, ấn tượng nổi bật của người nghiên cứu là ấn tượng về sự phong phú, đa dạng, chứ không phải là ấn tượng về sự phức tạp của hệ thống thể loại. Dĩ nhiên, trong văn học trung đại, không phải tất cả các thể loại đều có quyền tồn tại bình đẳng với nhau trên một mặt bằng nghệ thuật. Tương ứng với xã hội đẳng cấp, thể loại văn học cũng phân chia thứ bậc trên – dưới, thấp – cao. Nằm ở vị trí trung tâm của hệ thống văn học trung đại là những thể loại văn học chức năng, những chính kinh, liệt truyện, ngôn chí, thuật hoài… Văn thơ châm biếm, trào phúng và những thể loại phản ánh đời sống bằng hư cấu nghệ thuật đều là những thể loại hạ đẳng, nằm ở khu vực ngoại vi của hệ thống văn học ấy.
Bước sang thời kì hiện đại, chỗ dựa sáng tác của nhà văn là cá tính sáng tạo, kinh nghiệm cá nhân, chứ không phải là những phạm trù quy phạm, kinh nghiệm cộng đồng. Cho nên, các công thức, luật lệ của hệ thống thể loại văn học trung đại bị phá vỡ. Các thể loại văn học hư cấu chuyển vào vị trí trung tâm của hệ thống văn học hiện đại. Giờ đây, mỗi tác phẩm có thể dung nạp nhiều hạt nhân cấu trúc của toàn bộ hệ thống thể loại trung đại. Cho nên, tiếp xúc với văn học hiện đại, ấn tượng nổi bật của người nghiên cứu không phải chỉ là ấn tượng về sự đa dạng, mà chủ yếu là ấn tượng về sự phức tạp của hệ thống thể loại. Nhìn lại hệ thống thể loại của văn học Việt Nam 1930 – 1945, ta sẽ nhận ra điều đó. Đọc truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, thấy hoá ra cái hài vừa là cái xấu, cái đáng cười, đáng chế giễu, lại vừa là cái ác, là sự tàn nhẫn của cuộc đời. Cho nên, đằng sau cái hài là cái bi, và vì thế, bi kịch và hài kịch dường như không còn ranh giới phân chia. Có cơ sở để chứng minh, cấu trúc truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan rất gần gũi với cấu trúc kịch. Sự kiện, biến cố không còn là nền tảng tự sự trong sáng tác của Nam Cao. Thuật lại, kể lại các sự kiện, biến cố không phải là quan điểm tự sự của nhà văn này. Có thể xem tác phẩm tự sự của Nam Cao là cuộc đối thoại mở rộng với các ý thức xã hội – nghệ thuật đương thời về con người và đời sống. Lời trần thuật của Nam Cao vì thế đầy chất giễu nhại. Cấu trúc trần thuật của Nam Cao là sự kết hợp của nhiều mạch văn: mạch kể, mạch tả, mạch phân tích, giải thích và cả mạch trữ tình ngoại đề, triết lí nhân sinh.
Dĩ nhiên, dù phức tạp bao nhiêu, ta vẫn có thể nhận ra kiểu quan hệ của các thể loại tác phẩm trong hệ thống văn học 1930-1945. Quan hệ giữa các thể loại giờ đây không còn là quan hệ song song cùng tồn tại theo trật tự đẳng cấp, thứ bậc, mà là quan hệ thống nhất biện chứng giữa các mặt đối lập, thường xuyên phủ định và chuyển hoá lẫn nhau. Ta hiểu vì sao, văn học 1930 – 1945 vận động mau lẹ và tạo được nhiều cách tân nghệ thuật về phương diện thể loại đến thế. Chẳng hạn, thơ và văn xuôi là hai mặt đối lập của nghệ thuật ngôn từ. Vào đầu những năm ba mươi, văn xuôi thâm nhập vào thơ, phá phách lãnh địa của nó. Nhưng cũng nhờ thế, “thơ mới” đã chuẩn bị cơ sở và mở đường cho sự phát triển của văn xuôi nghệ thuật. Vào gĩưa những năm ba mươi, các cây bút của nhóm Tự lực văn đoàn đã tạo ra một loại văn xuôi nghệ thuật ở dạng cân bằng giữa văn xuôi và thơ. Liền sau đó, khi trường phái “tả chân” chiếm ưu thế trên văn đàn công khai, văn xuôi lập tức phát triển theo hướng đối lập với thơ.
Sau năm 1945, hệ thống thể loại của văn học Việt Nam từng bước khắc phục các phương diện mâu thuẫn, đối lập để tạo ra sự thống nhất tuyệt đối. Đó là sự thống nhất dựa trên cơ sở nhất thể hoá tất cả các hạt nhân cấu trúc của thể loại văn học. Chẳng hạn, các loại hình nội dung là nền tảng cấu trúc của thể loại. Trước năm 1945, mỗi thể loại có thể chứa đựng ở bên trong rất nhiều nội dung thể loại. Sau năm 1945, tất cả các thể loại văn học đều tập trung thể hiện một loại hình nội dung cơ bản, ấy là trạng thái sử thi của thế giới. Thể hiện trạng thái sử thi của thế giới là nội dung cơ bản của mọi tác phẩm tự sự và trữ tình, kịch và kí được sáng tác trước năm 1975.
Không phải văn học 1945 – 1975 không đặt ra những vấn đề đời tư và thế sự. Nhưng những câu chuyện thế sự và đời tư tồn tại trong hệ thống thể loại của văn học 1945 – 1975 như những mô típ phụ trợ, góp phần soi sáng trạng thái sử thi của thế giới. Cho nên, nghiên cứu văn học 1945 – 1975, ta rất dễ dàng nhận ra các mô típ chủ đề giống nhau ở những thể loại văn học rất xa nhau.
Trong mối quan hệ với nội dung, thể loại văn học là một cấu trúc chức năng. Hệ thống văn học 1930-1945 đã tạo nên sự đa dạng hoá chức năng của từng thể loại. Quan hệ cộng sinh của các thể loại văn học ở giai đoạn 1945 – 1975 lại được thiết lập trên cơ sở nhất thể hoá chức năng xã hội – nghệ thuật. Về phương diện xã hội, tất cả các thể loại đều được sáng tạo, đổi mới để phục vụ những nhiệm vụ chính trị của thời đại. Cho nên, thơ trữ tình giờ đây chủ yếu là tiếng nói trữ tình chính trị. Các tác phẩm truyện, kịch, kí cũng theo sát những vấn đề chính trị – xã hội được đặt ra ở từng giai đoạn lịch sử. Về phương diện nghệ thuật, tất cả các thể loại văn học giai đoạn 1945 – 1975 đều tập trung thể hiện kinh nghiệm cộng đồng. Cho nên, đây là giai đoạn văn học diễn ra những thay đổi sâu sắc tư thế chứng nhân của tác giả kí, tư thế trần thuật của nhân vật người kể chuyện trong tác phẩm tự sự và tư thế trữ tình của cái tôi trữ tình trong thơ.
Mỗi thể loại văn học sở dĩ có loại hình nội dung, có chức năng nghệ thuật riêng, bởi vì bản thân nó là hình thức quan niệm về thế giới, thể hiện một góc độ chiếm lĩnh, một thái độ định giá của con người đối với đời sống hiện thực và bản thân mình. Cho nên, hoàn toàn có cơ sở để nói tới thế giới quan thể loại và cảm hứng thể loại. Loại hình cảm hứng cũng là hạt nhân cấu trúc của thể loại văn học. Thông thường, bi kịch có cảm hứng của bi kịch, hài kịch có cảm hứng của hài kịch và tiểu thuyết cũng có cảm hứng riêng với tư cách là một thể loại. Toàn bộ hệ thống thể loại văn học Việt Nam 1945 – 1975 rất thống nhất với nhau trong khuynh hướng cảm hứng. Từ truyện cho tới thơ, từ kịch cho tới kí tất cả đều rưng rưng một cảm hứng trước cái đẹp và cái cao cả hào hùng. Ta hiểu vì sao, những tác phẩm hay nhất viết về đề tài chiến tranh trong thời kì đánh Mĩ thường nói rất ít tới cái dữ dội, ác liệt của bom đạn. Chiến tranh, bom đạn chỉ được miêu tả như một cái nền để nhà văn dẫn độc giả vào một thế giới khác: thế giới của tình người, của đức vị tha, lòng dũng cảm và nghĩa tình chung thuỷ. Nói cách khác, đó là thế giới của cái cao cả, cái đẹp vượt lên trên sự tàn phá, huỷ diệt của bom đạn chiến tranh. Cho nên, tiếp xúc với bất kì một thể loại nào của giai đoạn văn học này ta đều chứng kiến sự chiến thắng huy hoàng của chất thơ đối với chất văn xuôi và ưu thế tuyệt đối của giọng trữ tình rưng rưng, hào sảng đối với tư duy phân tích và giải thích.
Có thển nhận xét khái quát thế này: khuynh hướng nhất thể hoá các hạt nhân giữ chức năng cấu trúc loại thể đã tạo ra cho hệ thống thể loại của văn học 1945 – 1975 một hình thức quan hệ cộng sinh đặc biệt. Đó là kiểu quan hệ của một thể thống nhất nguyên khối, nguyên phiến, trong suốt.
3. Do đặc điểm lịch sử xã hội, do quy luật vận động nội tại được biểu hiện qua kiểu quan hệ cộng sinh của hệ thống thể loại, mỗi thời đại văn học thường có những thể loại cái giữ vai trò chủ đạo tạo nên diện mạo và những thành tựu cơ bản của nó. Chẳng hạn, có thể chia chín thế kỉ văn học Hy Lạp (IX – I tr CN) thành ba giai đoạn tương ứng với sự xuất hiện của ba thể loại thống soái: sử thi ở giai đoạn đầu, thơ trữ tình phát triển cực thịnh ở giai đoạn thứ hai và cuối cùng là sự bùng nổ của bi kịch. Tiếp xúc với các nền văn học của nhiều dân tộc, ta cũng thấy tình hình diễn ra tương tự như vậy. Nói tới văn học Nga thế kỉ XIX, người ta nghĩ ngay tới tiểu thuyết, trong khi đó, kịch dường như là toàn bộ văn học Pháp ở thế kỉ XVII. Một nhà nghiên cứu người Nga nhận xét như thế này: ở những nước thành thị kém phát triển, sự sống chủ yếu dựa vào kinh tế nông nghiệp, nhất là ở những dân tộc du mục, kịch không có cơ may phát triển. Nhận xét ấy xem ra phù hợp với nền văn học Việt Nam. Có thể kể tên nhiều tác giả, tác phẩm kịch xuất sắc thuộc giai đoạn văn học 1945 – 1975. Nhưng những thành tựu của kịch không phải là toàn bộ thành tựu của văn học Việt Nam ở giai đoạn này. Cũng như thế, nửa thế kỉ vừa qua, văn học đã để lại một khối lượng khổng lồ những tác phẩm thuộc các thể kí. Nhưng vai trò của các thể kí đối với nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam rõ ràng không nặng đồng cân giống như vai trò của phóng sự đối với nền văn học hiện thực phê phán trước kia.
Vậy đâu là thể loại cái của văn học Việt Nam 1945 – 1975? Không cần phân tích thì người ta vẫn có thể nhận ra, khuynh hướng sử thi hoá loại hình nội dung văn học đã mở đường cho sự phát triển của thể truyện. Truyện chẳng những là hình thức thể loại cơ bản của văn xuôi, mà còn thâm nhập cả vào thơ, vào kí để tạo thành các hình thức thể loại như truyện kí, truyện thơ. Suốt một thời gian dài, nhiều bài thơ trữ tình có cốt truyện đơn giản, ví như Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Quê hương của Giang Nam, Núi đôi của Vũ Cao từng được yêu thích đặc biệt. Mặt khác, nếu như trước năm 1945, nhóm Xuân Thu Nhu Tập đã đẩy “thơ mới” vào ngõ cụt, thì suốt năm mươi năm sau Cách mạng, khunh hướng cảm hứng hướng tới cái đẹp và cái cao cả lại tạo ra mảnh đất mầu mỡ để trường ca và thơ trữ tình phát triển vô cùng rực rỡ. Giọng điệu trữ tình rưng rưng, hào sảng không chỉ là giọng điệu chủ đạo của thơ, mà còn là gọng điệu chủ đạo của văn xuôi, khiến cho khiến cho các tác phẩm văn xuôi thời ấy đầy ắp chất thơ và câu văn xuôi của hầu hết các nhà văn luôn luôn ngân vang âm hưởng trữ tình. Nhưng cũng chính vì thế mà phóng sự vắng bóng và tiểu thuyết không thể trở thành thể loại cái của hệ thống văn học 1945 – 1975. Từ đầu những năm sáu mươi, trong đời sống văn học xuất hiện một số bộ tiểu thuyết nhiều tập, như Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi, Cửa biển của Nguyên Hồng, Vùng trời của Hữu Mai. Khoan hãy bàn tới giá trị tư tưởng và nghệ thuật của những tác phẩm dài hơi ấy. Điều tôi muốn nói ở đây chỉ là: nếu xuất phát từ những yêu cầu nghiêm ngặt của thể loại ở cả hai phương diện, loại hình nội dung và cấu trúc hình tượng, thì ở tất cả những cuốn tiểu thuyết vừa trên, chất truyện vẫn lấn át chất tiểu thuyết. Cho nên, truyện và thơ trữ tình là hai thể loại cơ bản, giữ vai trò thống soái tạo nên sự kết tinh nghệ thuật và diện mạo của văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975.
Dĩ nhiên, hệ thống thể loại của một giai đoạn văn học không bao giờ mang tính chất khép kín, cứng nhắc. Bởi vì, việc sáng tác văn học vừa chịu sự tác động của những quy luật khách quan, vừa là hành vi đầy ý thức của người cầm bút với tư cách là chủ thể sáng tạo luôn luôn có nhu cầu đổi mới. Cho nên, ở giai đoạn phát triển cuối cùng, khi chất sử thi nhạt dần, trong nhiều tác phẩm văn học trước năm 1975, bắt đầu xuất hiện những nhân tố chuẩn bị cho sự ra đời của một hệ thống thể loại ở quá trình văn học tiếp theo. Nhưng nói tới diện mạo của văn học 1945 – 1975, ta có thể hình dung, hệ thống thể loại của nó giống như một dàn nhạc, trong đó, bằng hai nhóm nhạc cụ cơ bản là truyện và thơ trữ tình, với sự phụ trợ của kí, kịch, tất cả các bè bối đều hoà điệu với nhau để tấu lên bản hợp xướng hùng tráng, tràn đầy niềm vui và tinh thần lạc quan trong sáng của thời đại.
Thanh Xuân, 5 – 1995
Nguồn: languyensp.wordpress.com