Đốt lò hương cũ (8): Tiếng đàn xưa
Người đẹp vẫn thường hay chết yểu
Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai
Nghệ sĩ vốn sinh giàu cảm lụy
Dẫu tàn thân thế khó quên nhau.
Hôm nay chúng tôi xin nhắc đến một nhà thơ đã từng góp tiếng nói tâm tình kín đáo của mình vào bản hợp tấu chung của làng thơ thời tiền chiến – một nhà thơ hiện đã khuất bóng, mà, theo lời thuật lại của một số thi hữu, thì nhà thơ đó đã từ trần vào chính ngày 4 tháng 10, cách đây hơn 20 năm trời.[1]
Vậy buổi hôm nay còn có ý nghĩa một buổi hoài niệm, “Đốt lò hương cũ…” để làm rung lên tiếng đàn ngày xưa. Tiếng đàn ngày xưa đây là tiếng thơ của thi sĩ Phạm Hầu, nhà thi sĩ đã từng có lần tự đặt những câu hỏi bâng khuâng:
Chẳng biết trong lòng ghé những ai ?
Thềm son từng dội gót vân hài.
Hởi ôi ! người chỉ là du khách
Giây phút dừng chân Vọng Hải Đài,
Cơn gió nào lên có một chiều
Ai ngờ thổi tạt mối tình kiêu
Tháng ngày đi rước tương tư lại
Làm rã chân thành sắp đổ xiêu.
Tiếng nói đó không sôi nổi, không bồng bột – thoạt nghe, người ta chưa thấy nó hấp dẫn, quyến rũ, nhưng đọc lại một đôi lần, người ta sẽ thấy nó có một dư âm ngậm ngùi lưu luyến, tự nhiên lắng dần, lắng dần vào trong tâm khảm chúng ta — và ta bỗng dường như nghe thấy tiếng nói thủ thỉ, ân cần của một người tri kỷ.
Bởi lẽ thi sĩ Phạm Hầu tuy đã rụt rè tìm đến với cuộc đời, nhưng vẫn ngờ cuộc đời hờ hững, nên thi sĩ đành ủ kín “mối tình kiêu» như chính lời thi sĩ đã tự thú nhận. Từ đó, người thơ đứng giữa cuộc đời, kề bên những tấm lòng thiên hạ, mà vẫn xa xôi, đơn chiếc như một ngọn hải đăng cô tịch, đêm đêm viễn vọng ngoài cửa bể mênh mang, để chỉ tìm thấy toàn những bóng hình du khách ghé qua lòng mình giây phút rồi lại đi xa. Ngày nay, chúng ta không còn hờ hững với Phạm Hầu. Sau những vần thơ trầm lắng của Phạm Hầu, mà trước kia nhiều người chỉ đọc lướt qua không đặc biệt chú ý, ngày nay chúng ta đã tìm thấy ở đó những âm hưởng thắm thiết của một linh hồn bè bạn sẵn sàng dội lại những rung động cùa chính tâm hồn chúng ta.
Vì vậy, những bài thơ của Phạm Hầu đọc một lần chưa đủ – cũng như tìm hiểu một người bạn trầm mặc, ít nói, chúng ta không nên nghĩ rằng một vài câu chuyện buổi sơ giao đã đủ làm nhịp cầu thông cảm – và chúng ta không nên chỉ làm những du khách ghé qua Vọng Hải Đài giây phút rồi đi! Vì vậy, chúng tôi xin đọc lại một lần nữa toàn bài thơ “Vọng Hải Đài” của thi sĩ Phạm Hầu :
Chẳng biết trong lòng ghé những ai
Thềm tim từng dội gót vân hài
Hỡi ôi! Người chỉ là du khách
Một phút dừng chân vọng hải đài
Cơn gió nào lên có một chiều
Ai ngờ thổi tạt mối tình kiêu
Tháng ngày đi rước tương tư lại
Làm rã chân thành sắp sửa xiêu
Trống trải trên đài du khách qua
Mây ngày vơ vẩn, gió đêm là
Muôn đời e hãy còn vương vấn
Một sắc không bờ trên biển xa
Lòng xiêu xiêu, hồn nức hương mai
Rạng đông về thức giấc hoa lài
Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận
Chẳng biết xa lòng có nhũng ai?
Thi sĩ Phạm Hầu đến làng thơ không ồn ào, không có tuyên ngôn dẫn đường và cũng chẳng cần nhạc dạo báo hiệu, cho đến thơ của thi sĩ cũng chưa có một tác phẩm nào xuất bản thành sách. Phạm-Hầu chỉ mới đăng thơ ở vài nguyệt san hoặc đặc san như Tao Đàn và Mùa Gặt Mới, nhưng chỉ một vài âm hưởng man mác của tấm lòng người thơ đó gieo vào trong không gian cũng đủ gây được những rung động sâu sắc, và cũng đủ khiến chúng ta không quên được thi sĩ, tuy rằng đã có biết bao nhiêu trận cuồng phong nổi lên trên nền trời thơ, từ thủa tiếng nói của thi sĩ vẳng lên cung bộc tới nay.
Tiếng nói của Phạm Hầu thủ thỉ và trầm lắng, nhưng trong cái trầm lắng thủ thỉ đó sự thực chứa đựng bao nhiêu rung động xôn xao. Thi sĩ có những cảm giác có vẻ hồn nhiên ngây thơ mà thực là đậm đà ý nhị. Nhìn một bàn chân nho nhỏ có nước da trắng muốt của người đẹp – chỉ cần một bàn chân thôi, thi sĩ cũng đủ thấy gợi lên trong tâm hồn tất cả niềm đớn lạnh cố hữu:
Gặp tình cờ song chẳng biết vì đâu
Chân em trắng vậy mà lòng tôi lạnh?
Vì sao thi sĩ có những cảm giác như vậy? Ta cũng chẳng rõ, vì chính Phạm Hầu cũng đã chẳng biết vì đâu.
Phạm Hầu hình như không bận tâm nhìn cảnh vật bên ngoài. Thi sĩ thường nhìn vào tận tâm linh của sự vật để tìm những biến chuyển hết sức mong manh, và cũng vô cùng tế nhị. Tả một buổi trưa, thi sĩ viết:
Có cái gì chuyển thay đây với đó
Một cái gì lên xuống mãi không thôi.
Lắng càng lâu càng nghe mãi xa xôi,
Một tiếng nhẹ trong tiếng nào nhẹ nữa.
Thi sĩ Phạm Hầu là con một vị thượng thư tên gọi Phạm Liệu. Thi sĩ sinh ngày 2 – 3-1920 ở Trừng Giang, Phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Phạm Hầu đã học ở trường Quốc Học Huế, và trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội.
Chúng ta đang nhắc tới cái bản sắc thi sĩ riêng biệt của Phạm Hầu nhưng Phạm Hầu còn là một họa sĩ, và là một họa sĩ chân chính có tài. Nếu làng thơ đã không quên Phạm Hầu và đã hân hoan ghi tên Phạm Hầu vào lịch sử thi ca, thi làng Mỹ Thuật tất cũng phải dành cho ông một chỗ ngồi xứng đáng.
Phạm Hầu đã từng gửi một bức họa sang dự một cuộc triển lãm ở Nhật Bản và đã được tặng giải thưởng danh dự ở Đông Kinh. Bức họa của thi sĩ chỉ vẽ có 5 hòn đá, một bức họa rất ấn tượng – cái màu sắc ấn tượng đã từng toát ra ở chính những lời thơ của Phạm Hầu :
Muôn đời e hãy còn vương vấn
Một sắc không bờ trên biển xa…
Cái màu sắc không bờ trên biển xa đó chính lá cái màu sắc tâm hồn của thi sĩ Phạm Hầu.
Đọc thơ hoặc xem tranh Phạm Hầu, người ta cũng chỉ thấy một cảm giác duy nhất. Tâm hồn của thi sĩ, dù diễn tả bằng ngôn ngữ, từ điệu, hay bằng hình thể, sắc màu, cũng vẫn chỉ là một tâm hồn nghệ sĩ khao khát Vô Cùng và Tuyệt Đối – niềm khao khát điển hình của lớp nghệ sĩ tiền chiến, trước hệ thống trật tự đảo lộn của giá trị tinh thần, bị tràn lấn bởi văn minh vật chất đọa lạc của xã hội thực dân phong kiến, lớp nghệ sĩ ấy đã nhận thấy mình “sinh nhầm thế kỷ” nên luôn luôn muốn tìm cách tự giải thoát. Khao khát Vô Cùng và Tuyệt Đối gần như là cái bệnh thời đại của tầng lớp tri thức không muốn tự thả mình vào cơn lốc quay cuồng cùa thế sự.
Phạm Hầu, cũng như Vũ Hoàng Chương, Thâm Tâm, J. Leiba cùng một số thi sĩ khác đương thời, đã nói được phần nào cái “Bâng Khuâng Lớn của Thời Đại”.
Và dù làm thơ hay vẽ tranh thì Phạm Hầu cũng vẫn là một thi sĩ có một bản ngã riêng biệt.
Là thi sĩ, là họa sĩ có lẽ Phạm Hầu còn có tâm hồn của một nhạc sĩ. Câu thơ cùa Phạm Hầu thường có một nhạc điệu bình thanh tự nhiên bay bổng, thanh thoát lâng làng, mới nghe có vẻ lạ tai. Nhưng chính đó là cái Hồn Nhạc tân kỳ của người thơ đã nhập vào tiết điệu. Ta hãy nghe nhũng câu thơ tả tiếng đàn sau đây của Phạm Hầu:
Đêm qua không ở nơi trần gian
Một chàng hào hoa như Tống Ngọc.
Một nàng yểu điệu như Văn Quân
Nói chuyện ái ân, mượn tiếng đàn.
Nàng khóc bằng tay trên phím ngà
Những ngón tay dài như lệ sa.
Một điệu đàn van lời tỉ mỉ
Sầu xuôi dòng theo tình phù sa…
Thi sĩ Phạm Hầu, qua một vài thi điệu vừa rồi, đã biểu lộ cho ta thấy cái bản ngã e lệ và ý nhị của tâm hồn Đông Phương trầm mặc. Nói chuyện ái ân, nhưng không nói thẳng, mà lại nói bằng tiếng đàn, người thi sĩ ấy quả là một thứ Bá Nha của thế kỷ 20. Chẳng biết trong cuộc sống, thi sĩ có tìm thấy một Tử Kỳ hay chăng, nhưng tới ngày nay thì “nước non đã sẵn lắng tai Chung Kỳ” để mà nghe những lời thơ:
Và khóc bằng tay trên phim ngà…
Thi sĩ Phạm Hầu lặng lẽ đến với cõi đời, và âm thầm sống với cõi lòng bao la của mình – bởi vì hình như thi sĩ thấy cõi đời cô liêu, mà chính lòng mình lại càng cô liêu, bát ngát hơn. Đang hứa hẹn rất nhiều với thế hệ thi ca của thời tiền chiến thì thi sĩ Phạm Hầu vội qua đời giữa tuổi thanh xuân, trở về với cõi Vô Cùng Tịch Mịch mà trong lúc sống ông vẫn hằng viễn vọng.
Tiếng nói tâm tình của nhà thơ ấy, ngày nay Làng Thơ của miền Tự Do chúng ta tự thấy có nhiệm vụ phải ghi nhớ – và ghi nhớ để mà chứng tỏ rằng chúng ta bao giờ cũng sẵn sàng cảm ứng với tất cả những cái gì hướng đến và vươn lên Chân-Mỹ-Thiện – ánh sáng lộng lẫy và bất diệt của lòng người.
Vì muốn đi tìm cái ánh sáng đó mà thi sĩ Phạm Hầu đã từng có lần phải rỏ lệ – dù là những giọt lệ yêu đương cũng là những giọt lệ của Lý Tưởng. Qua giòng lệ, nỗi buồn Phạm Hầu được thể hiện bằng những vần thơ sau :
Tôi đã dám cầu xin hai giọt lệ
Trên mi nàng huyền bí vẻ say mê.
Cho điệu buồn man mác tự đâu về
Ddưa ngọn cỏ theo chiều mây lặng lẽ.
Cho tôi được nghiêng kề nàng thỏ thẻ
Vì lời yêu rên siết ẩn trong tôi
Chỉ khi buồn may mới thoáng qua thôi
Mà hương lệ đó là trang sổ quí.
Buồn len lỏi trên đầu cây thi vị
Gieo lệ vàng trên ngấn nắng chiều trôi;
Tôi kề nàng môi chạy kiếm làn môi,
Lời tôi lặn trên môi nàng rúng động.
Yêu đường đến tất cả chiều mơ mộng
Buồ n nhẹ nhàng trong làn gió thu không,
Buồn mơn man trên đầu tóc rối bòng
Và vơ vẩn bên đôi người vô tội.
Nàng và tôi, nhánh sầu chung rẻ cội,
Kề vai tôi khi lệ với chiều rơi,
Khi giọt vương âu yếm nhỏ lên người,
Nàng và tôi là hai giòng lệ nối.
Phạm Hầu tuy sống kín đáo âm thầm nhưng không hiểu trong lòng thi sĩ đã xao động những làn sóng ngầm mãnh liệt nào ? Và đã có những giông tố hãi hùng nào tràn đến trong đời sống nội tâm của thi sĩ? Bởi vì, chúng tôi được biết thêm rằng: Thi sĩ họ Phạm đã chết vì bệnh động kinh, và chết ở dọc đường, trên một chuyển xe hỏa.
Nhân nhắc tới Phạm Hầu, nhà thi sĩ có một tâm hồn e lệ tiêu biểu cho cái bản sắc Đông Phương trầm mặc, chúng tôi xin trình bày một bài thơ của một thi hữu đương thời với Phạm Hầu đã tặng riêng Phạm Hầu từ khi họ Phạm còn chưa là người thiên cổ:
Những hướng sao rơi
Khi miếu đường kia phá bỏ rồi
ta đi tìm những hướng sao rơi
lạc loài theo dấu chân cầm thú
từng vệt dương sa mọc khắc người
sau trái cô sơn, ngày lại ngày
hồn kinh kỳ hiện dưới chân mây
đôi tay vò xé loài hoang thảo
đỏ máu căm hờn trên cỏ cây
rồi những đêm sâu bỗng hiện về
vượn lâm tuyền khóc rợn trăng khuya
đâu đây u uất hồn sơ cổ
từng bóng ma rừng theo bước đi
ta đến sườn non rẽ cỏ gai
sống đây ghi trước mảnh di hài
lẫn trong kiến trúc toà vân thạch
hồn cổ ngồi chung, mộng vẫn dài
từng buổi hoàng hôn xuống lạ kỳ
ta nằm trên cỏ lắng tai nghe…
thèm ăn một chút hoa man dại
rồi ngủ như loài muông thú kia
Trích từ “Đốt lò hương cũ”, Đinh Hùng, 1971
[1] Bài này do thi sĩ Đinh Hùng đọc trên đài phát thanh ngày 4-10-1957