GIỚI THIỆU SÁCHPhê bình

HÒA ÂM “TIẾU NGẠO GIANG HỒ”

Tiếu ngạo giang hồ có lẽ là tác phẩm lôi cuốn nhất của Kim Dung, về kết cấu cốt truyện lẫn nhân vật, về nội dung tư tưởng cũng như về bút pháp. Không có tác phẩm nào mà Kim Dung lại có thể phóng bút đến mức “du hý thần thông” như trong Tiếu ngạo giang hồ. Tham vọng cuồng điên vì quyền lực, sự hài hước của lý luận, cỗi nguồn thăm thẳm của tư tưởng phương Đông, sự khoái hoạt tự do của cuộc đời lãng tử …, tất cả đều được thể hiện một cách sinh động và đan xen lẫn nhau ở mức độ thượng thừa. Cảnh kiếm đao đẫm máu giữa giang hồ đã từng bước nhường chỗ cho âm thanh réo rắt trong khúc cầm tiêu hợp tấu.

Bài viết không có ý định “phân tích tác phẩm” theo kiểu “đánh giá phê bình”,mà tôi chỉ muốn cùng độc giả nhìn tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ dưới nhiều góc độ,và do đó ta tạm thời chia tác phẩm thành nhiều “chủ đề” có thể tiếp cận tác phẩm từ nhiều bình diện.

 

Sự phân hóa kiếm tông và khí tông hay những dòng chảy của lịch sử

Tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ có thể xem như được bắt đầu bằng Quỳ hoa bảo điển và kết thúc bằng khúc nhạc hợp tấu cầm tiêu : Tiếu ngạo giang hồ.

Chính bí cấp võ công Quỳ hoa bảo điển của hai nhân vật tuyệt đỉnh đã mở đầu cho sự phân hóa hai phe Kiếm tông và Khí tông. Nguyên Quỳ hoa bảo điển không hiểu nguyên do gì lại lọt vào tay phương trượng chùa Thiếu Lâm là Hồng Điệp thiền sư. Vị cao tăng này sau khi nghiên cứu bí cấp thấy võ công trong đó cực kỳ huyền diệu nhưng lại quá bá đạo, nên ông không muôn để nó lưu truyền trong võ lâm. Tình cờ có hai vị cao thủ của phái Hoa sơn là Mẫn Túc và Chu Tử Phong đến chơi chùa Thiếu lâm, và đọc lén được cuốn kỳ thư võ học này. Khi trở về núi, hai vị bèn cùng nhau nghiên cứu để đối chiếu lại những gì mình xem được thì lại nảy sinh ra những bất đồng. Ai cũng cho là mình hiểu đúng, và người kia hiểu sai. Đó cũng là chuyện thường tình trong lịch sử của bất kỳ bất kỳ tôn giáo hay tổ chức nào khi nghiên cứu di thư của bậc tổ để tìm ra định hướng. Phật giáo phân chia thành hai dòng lớn là Tiểu thừa và Đại thừa, Cơ đốc giáo phân chia thành Chính thống giáo, Thanh giáo, Tin lành …. Hồi giáocũng phân chia thành nhiều tông phái khác nhau. Tất cả sự phân chia đó đều bắt nguồntừ sự lĩnh hội khác nhau về kinh điển của vị khai sơn tổ sư. Kinh Phật bảo lời dạy của Phật như một cơn mưa, chúng sinh tùy căn cơ mà lĩnh hội. Con suối chảy về biển, khi lìa nguồn thì chắc chắn sẽ phân chia thành nhiều dòng chảy. Điều đó cũng thuận theo lẽ tự nhiên.

Hai vị Mẫn, Chu cũng không ra ngoài lẽ ấy. Từ sự lĩnh hội khác biệt đã nảy hình thành hai con đường đi khác biệt, phái Hoa sơn phân chia thành hai phe : kiếm tông với Mẫn Túc là tổ sư. chuyên luyện về kiếm, xem thường nội công, và phe khí tông với Chu Tử Phong là tổ sư, xem nội công là căn bản của việc luyện kiếm. Từ đó hai phe xem nhau như thù địch và xảy ra cảnh huynh đệ tương tàn. Nếu sự mâu thuẫn giữa các triếtgia có thể được giải quyết dễ dàng bằng ngọn bút, thì đối với giới võ lâm, cây bút được thay bằng lưỡi gươm!

Khi Hồng Diệp phát hiện ra sự việc, ông bèn phái Độ Nguyên thiền sư lên núi Hoa sơn khuyên hai vị kia không nên tập luỵên nữa. Hai vị Chu, Mẫn cho rằng Độ Nguyên là bậc cao thủ Thiếu lâm ắt sẽ giải dáp được cho mình những chỗ nghi vấn thì oái ăm thay, sau khi nghe hai người kia hỏi, Độ Nguyên lại âm thầm ghi nhớ và tự chú giải theo cách hiểu của mình. Như vậy cuốn kỳ thư võ học ban đầu đã được định hình theo theo ba hướng. Mỗi đêm Độ Nguyên thiền sư đều âm thầm ghi chép những gì mình nghe được vào tấm áo cà sa. Sau khi rời Hoa sơn, Độ Nguyên không về chùa Thiếu lâm nữa mà hoàn tục để trở thành Lâm Viễn Đồ, người khai sáng Phước oai tiêu cục, với 72 đường Tịch tà kiếp pháp gây chấn động khắp giang hồ. Chính tấm áo cà sa chép Tịch tà kiếm pháp này đã gây nên bao thảm kịch cho giang hồ về sau.

Các vị trưởng lão Ma giáo nghe tin lại kéo nhau lên Hoa sơn để cướp Quỳ hoabảo điển. Phái Hoa sơn phải cầu viện đến các môn phái Tung sơn, Hành sơn, Hằngsơn và Thái sơn cùng liên minh thành Ngũ nhạc kiếm phái để chống cự. Sau khi bị thua liểng xiểng, các trưởng lão Ma giáo bèn nghiên cứu cách hóa giải võ công Ngũ nhạc kiếm và lần tấn công thứ hai họ đã thành công. Quỳ hoa bảo điển từ một vật trấn sơncủa phái Hoa sơn đã trở thành vật gia bảo của nhà họ Lâm và thành vật trấn giáo của Nhật nguyệt giáo. Tham vọng cùng sự thông minh của con người đã khiến cho lịch sử bị phân hóa thành nhiều dòng chảy từ cái Một ban đầu.

Tử hà thần công – môn nội công tối cao của phái Hoa sơn- thực ra là phần cơbản của Quỳ hoa bảo điển. Tịch tà kiếm pháp có thể là biến tướng của Quỳ hoa bảo điển qua sự lãnh hội của Lâm Viễn Đồ. Như vậy, nhân vật chính phái như Nhạc Bất Quần và Lâm Viễn Đồ lẫn nhân vật tà giáo như Đông Phương Bất Bại đều khổ luyện một công phu như nhau. Chính trong tà và tà trong chính đều lẫn lộn. Về sau, khi Nhạc Bất Quần – cao thủ phe khí tông – đã đoạt ngôi chưởng môn phái Hoa sơn bằng thủ đoạn mờ ám, các cao thủ phe kiếm tông như Phong Bất Bình, Thành Bất Ưu, Bào Bất Khí đã tìm cách giành lại nhưng bị thất bại trước Độc cô cửu kiếm của Lệnh Hồ Xung. Điều trái khoáy là Lệnh Hồ Xung là môn đồ phe khí tông lại được cao thủ phe kiếm tông là Phong Thanh Dương truyền cho môn kiếm pháp tối thượng Độc cô cửu kiếm. Rồi khi Nhạc Bất Quần bị phe kiếm tông vây đánh tơi tả thì Lệnh Hồ Xung lại dùng kiếm pháp này để bảo vệ môn phái khí tông trước phe kiếm tông. Cảnh tượng buồn cười nhất là trận đánh của Lệnh Hồ Xung và Phong Bất Bình với Lệnh Hồ Xung tại miếu Dược Vương. Cao thủ phe kiếm tông lại muốn dùng nội công thâm hậu để áp đảo, trong khi môn đồ phe khí tông lại dựa vào kiếm pháp tinh diệu để thủ thắng. Đó là điểm hài hước của lịch sử, con người cứ cố dựng lên lá cờ chủ nghĩa, dùng quan điểm lập trường nào đó làm nền tảng cho hoạt động của mình, nhưng đến lúc tối hậu quyết định sinh tử thì lại phải dùng chính vũ khí của đối thủ, những thứ mà trước đó họ bỏ đi vì cho là “đi vào con đường tà đạo”.

 

 

Bi kịch của tham vọng quyền lực

Điểm mấu chốt của bi kịch tranh chấp trong Tiếu ngạo giang hồ cũng như trong các tác phẩm kiếm hiệp khác và trong suốt dòng lịch sử của khách giang hồ vẫn là sự tranh giành ngôi vị Võ lâm chí tôn. Các nhân vật võ lâm có bản lĩnh thượng đỉnh như Đông Phương Bất Bại, Tã Lãnh Thiền, Nhậm Ngã Hành, Nhạc Bất Quần … đều laovào cuộc tranh giành quyền lực, hoặc ngấm ngầm hoặc công khai với nhiều cách khác nhau. Ngôi vị Võ lâm chí tôn tự ngàn đời vẫn có một ma lực quyến rũ kỳ lạ, cuốn hút những cao thủ tuyệt đỉnh vào cơn lốc cuồng điên của tham vọng. Nhưng chỉ trong Tiếu ngạo giang hồ thì cuộc tranh giành quyền lực đó mới mang đủ nét bi hài khi tất cả thamvọng đều kết thúc trong sự đổ vỡ đầy thảm hại.

Quỳ hoa bảo điển hay Tịch tà kiếm phổ – những phương tiện để xưng hùngxưng bá– đã lôi kéo biết bao cao thủ vào cơn lốc của giấc mơ quyền lực, và kết quả tất yếu là máu lửa và chết chóc. Thoạt tiên là cảnh đệ tử phái Thanh Thành tàn sát Phước oai tiêu cục của Lâm Chấn Nam (cháu của Lâm Viễn Đồ), với danh nghĩa báo thù cho con trai của Dư Thương Hải bị Lâm Bình Chi lỡ tay giết chết, nhưng thực chất là muốn tìm cho ra Tịch tà kiếm pháp. Về sau, Dư Thương Hải bị Lâm Bình Chi dùng chính Tịch tà kiếm pháp đâm mù mắt và chặt đứt chân tay để biến thành phế nhân. Đó là cái giá thê thảm mà vị chưởng môn phái Thanh Thành phải trả cho tham vọng chiếm hữu Tịch tà kiếm phổ.

Nhạc Bất Quần, chưởng môn phái Hoa sơn cũng ôm ấp dã tâm thôn tính Ngũ nhạc phái nhưng lại nấp dưới lớp bỏ bọc Quân tử kiếm. Để thực hiện được tham vọng,y buộc lòng phải tìm cách chiếm cho được Tịch tà kiếm phổ thì mới có cơ may đánh bại được Tả Lãnh Thiền, chưởng môn phái Tung sơn. Y đã ngấm ngầm cho con gái và Lao Đức Nặc theo dõi hành tung của phái Thanh Thành, để tính kế “ngư ông thủ lợi”. Đợi khi Lâm Bình Chi, con trai Lâm Chấn Nam, lâm vào cảnh nhà tan cửa nát, bơ vơ khôngnơi nương tựa lại bị Mộc Cao Phong uy hiếp thì Nhạc Bất Quần xuất hiện như một vị cứu tinh để thu gã làm môn đệ. Lão ngấm ngầm tác động để Lâm Bình Chi trở thành con rể dù biết mối tình luyến ái giữa Lệnh Hồ Xung với Nhạc Linh San. Tại Phúc châu, khi Lệnh Hồ Xung lấy được Tịch tà kiếm phổ chép trong tấm áo cà sa để mang đến cho lão thì lão lại dàn cảnh Lệnh Hồ Xung đã cướp kiếm phổ và giết chết sư đệ. Khi Tả LãnhThiền phát hiện, y chép một bản sao giao cho họ Tả nhưng lại bỏ đi phần cốt yếu :muốn luyện tập kiếm pháp độc môn bá đạo này thì phải tự thiến mình! Tịch tà kiếm pháp đúng là kiếm pháp tà môn vô địch, có thể dùng nó để xưng hùng thiên hạ, nhưng cái giá trả lại là phần cực quý trong thân thể. Bức tranh chói chang của quyền lực vẫn có những khoảng màu tối đầy nham nhở. Chính nhờ đó mà Nhạc Bất Quần đã thắng Tả Lãnh Thiền trong nước cờ tối hậu khi hai chưởng môn đầy tham vọng này dùng kiếm để tranh nhau chức minh chủ Ngũ nhạc phái. Và cái giá mà Nhạc Bất Quần phải trả cho tham vọng của mình là cảnh gia đình tan nát: con gái bị rể đâm chết, vợ tự vẫn, ngũ nhạc phái tan vỡ, y biến đổi cả tâm tình và cuối cùng chết dưới lưỡi kiếm của Nghi Lâm.

Lâm Bình Chi lượm được tấm cà sa mà Nhạc Bất Quần vất xuống khe núi, sau bao tháng ngày theo dõi vị sư phụ vừa là nhạc phụ của mình. Y cũng tự thiến để khổ luyện võ công và giết sạch phái Thanh Thành và Mộc Cao Phong để báo thù. Y cũng mơ tưởng đến chuyện tung hoành thiên hạ với thân phận “võ lâm chí tôn” để rồi cuối cùng bị nước độc từ túi da cua Mộc Cao Phong làm cho mù mắt. Y giết Nhạc Linh San rồi theo Tả Lãnh Thiền để hai gã mù cùng nhau toan tính trả thù và xưng hùng xưng bá. Tả Lãnh Thiền muốn giết Lệnh Hồ Xung rốt cục lại bị Độc cô cửu kiếm của Lệnh HồXung giết chết trong thạch động. Còn Lâm Bình Chi được an trì dưới đáy Tây Hồ, nơi đã từng giam giữ Nhậm Ngã Hành, để sống với giấc mộng bá chủ võ lâm!

Đông Phương Bất Bại chiếm ngôi giáo chủ Ma giáo từ tay Nhậm Ngã Hành, và khổ luyện võ công vô địch trong Quì Hoa Bảo Ðiển, để cuối cùng biến thành một quái tượng sinh lý ái nam ái nữ! Đông Phương Bất Bại, thông qua bàn tay của Dương Liên Đình, đã dùng mọi thủ đoạn tàn nhẫn và chính sách khủng bố để biến mình từ một giáo chủ ái nam ái nữ trở thành nhân vật thần bí trong lớp sương mù huyền thoại. Y muốn mình trở thành thần linh bất tử, như những hoàng đế cuồng vọng khắp đông tây:Cesar, Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế … Bước vào “vương triều” Hắc mộc nhai, người ta gặp ngay không khí tung hô sặc mùi xu nịnh với những câu khẩu hiệu “giáo chủ văn thánh võ đức, thiên thu trường trị thống nhất giang hồ” dành cho kẻ cuồng dâmquyền lực, nhưng đằng sau cái sân khấu đó lại là con đường dẫn đến những lớp áo xiêm và phấn son của phụ nữ!

 

Hùng tâm trùm khắp càn khôn

Té ra là mảnh xiêm hồng vô duyên

Cuộc đời quá đổi đảo điên!

 

Nhậm Ngã Hành là một nhân vật bản lĩnh nghiêng trời, y công khai hiểu hiện ý định bá chủ võ lâm của mình không hề dấu giếm. Điều đó cũng thể hiện bản lĩnh của một kẻ hùng tài đại lược. Y khổ luyện Hấp tinh đại pháp và xem đó sẽ là phương tiện để y độc bá võ lâm. Sau khi thoát ra khỏi đại lao dưới đáy Tây hồ,Nhậm Ngã Hành, với sự trợ lực của Hướng Vân Thiên và Lệnh Hồ Xung đã cướp lại ngôi giáo chủ từ tay Đông Phương Bất Bại. Là một kẻ anh hùng thực sự có bản lĩnh, thoạt đầu Nhậm Ngã Hành đã thóa mạ những câu khẩu hiệu mà giáo chúng tung hô mình, y xem đó là sự nhục mạ những kẻ có bản sắc anh hùng, đối với cả kẻ tung hô lẫn kẻ được tung hô; nhưng chỉ mấy phút sau y lại thấy thỏa mãn và cho rằng tự cổ chí kim, ngoài y ra không có ai xứng đáng với câu khẩu hiệu đó. Vinh quang của chiến thắng, dù nhờ sự trợ lực chủ yếu của một nhân vật “ngoại giáo” là Lệnh Hồ Xung, đã làm y lóa mắt và hào quang của quyền lực trong những lời tung hô xu nịnh rỗng tuếch đã biến y từ một nhân vật anh hùng trở thành một kẻ đê tiện trong suy tưởng. Ngôi vị giáo chủ Nhật nguyệt giáo chưa làm thỏa mãn nhân vật “giáo chủ văn thánh võ đức, thiên thu trường trị thống nhất giang hồ” và y bắt đầu thực hiện ý định thống nhất giang hồ. Khi y nổi kèn gióng trống, huy động toàn bộ giáo chúng bao vây Hoa sơn để chuẩn bị mở trận tàn sát Ngũ nhạc kiếm phái, mở đầu chiến dịch thống nhất giang hồ thì các môn phái này- trừ phái Hằng sơn, do trúng gian kế của Nhạc Bất Quần đã tự chém giết lẫn nhau đến chỗ gần như tận tuyệt. Cảnh tượng một đội quân hùng hậu dốc toàn lực để quyết mở trận thư hùng nhằm tranh giànhthiên hạ, lại gặp phải lực lượng đối phương chỉ còn dăm ba ni cô phái Hằng sơn,cảnh tượng đó đã tạo nên một bức tranh cùng cực hài hước. Lúc Nhậm Ngã Hànhđang trầm tư để vạch kế họach tiêu diệt Thiêu lâm và Võ đương thì cái rùng mìnhtrên đỉnh Triêu Dương đã khiến y đột tử. Cơn “nhồi máu cơ tim” bất ngờ, hậu quả của việc khổ luyện “Hấp tinh đại pháp” để thỏa mãn tham vọng, đã quật ngã hùng tâm của một nhân vật tuyệt đỉnh. Cái phương tiện đạt tới quyền lực đã tiềm ẩn nguycơ hủy diệt chính người sử dụng nó.

Tả Lãnh Thiền thì dã tâm bồng bột, nôn nóng muốn hợp nhất Ngũ nhạc kiếm phái để từng bước thôn tính Thiếu Lâm và Võ Đang cũng các môn phái nhỏ như Nga My, Không Động, rồi cuối cùng sẽ tiêu diệt Ma giáo. Từ chức Minh chủ Ngũ nhạc kiếm phái, để thực hiện cho được cái tham vọng cuồng điên là trở thành Võ Lâm Chí Tôn, Tả Lãnh Thiền đã không ngần ngại dùng mọi thủ đoạn, vừa mềm dẻo vừa tàn độc, để tàn sát và khống chế đồng môn. Y dùng bã danh lợi để thao túng phái Thái Sơn, dùng máu để tắm cả hai phái Hằng Sơn và Hành Sơn, dùng “gián điệp” là Lao Ðức Nặc để theo dõi phái Hoa Sơn và uy hiếp để lấy cả Tịch tà kiếm pháp từ tay Nhạc Bất Quần. Y lao tâm khổ tứ, toan tính từng kế hoạch thật chi tiết để, sau khi thống nhất Ngũ nhạc kiếm phái thành Ngũ nhạc phái, sẽ từng bước tiêu diệt Ma giáo,rồi đến hai đại môn phái là Võ Ðương và Thiếu Lâm. Tin chắc vào bản lĩnh của mình,y tổ chức tỉ võ đoạt soái trên núi Tung Sơn, để mưu toan dùng võ công giành chức Minh chủ Ngũ nhạc phái. Nhưng tất cả thủ đọan và mưư kế của y không thoát khởi vòng trù liệu của Nhạc Bất Quần. Trong trận đánh cuối cùng để dành chức minh chủ, y bị Nhạc Bất Quần dùng qủy kế ám toán và dùng Tịch tà kiếm pháp để đâm mù hai mắt. Hình ảnh Tả Lãnh Thiền mù lòa, cầm kiếm điên cuồng gào thét trênPhong thiền đài, còn kẻ chiến thắng lại phải sợ hãi đứng nép ở một góc đài vớichiếc áo đẫm máu trong ánh trời chiều, đã vẽ nên toàn bộ cảnh tượng bi đát trong bức tranh tranh giành quyền lực. Tham vọng ngôi vị Võ lâm chí tôn của Tả LãnhThiền được trả giá bằng đôi mắt mù lòa. Còn gã Ngụy quân tử kia, để bước lên ngôivị minh chủ Ngũ nhạc phái bằng thủ đoạn nham hiểm và đê tiện, cũng bước theo vết xe đổ của Ðông Phương Bất Bại, khi tự thiến mình để khổ luyện võ công tà môn tuyệt đỉnh.

Rốt cuộc những kẻ nuôi tham vọng và thực hiện dã tâm bằng con đường bá đạo đều kết thúc giấc mộng bá quyền trong cảnh đổ vỡ tan hoang. Đó là điều mà Tiếu ngạo giang hồ muốn thể hiện dưới nhiều góc độ để làm nổi bật lên bi kịch ngàn đời của quyền lực.

ThaacutenhcocircNh1EADmDoanhDoanhH1EE9aT1ECBnhtrongTi1EBFuNg1EA1oGiangH1ED3_zps2ebcc0b6

 

Vô chiêu thắng hữu chiêu : bước ngoặt trong quan điểm của KimDung về nội lực

Nội lực là một phát kiến mới mẻ của Kim Dung trong tiểu thuyết võ hiệp và nó gần như xuyên suốt qua tất các tác phẩm của ông. Kim Dung thường chia võ học theo hai nguyên lý Âm Dương, như trong giới tự nhiên. Từ đường lối luyện công cho đến chiêu thức, đặc biệt là trong quan điểm về nội lực. Nội lực là sức mạnh tiềm ẩn bên trong và được xem như cái móng cho “tòa lâu đài võ thuật”. Cái móng khôngvững thì tòa lâu đài dù có tráng lệ đến mấy cũng dễ dàng sụp đổ. Nội lực hùng hậu thì dùng bất kỳ chiêu thức nào cũng có thể phát huy diệu dụng. Trương Quân Bảo nhờ có thần công của Cửu dương chân kinh mà chỉ dùng mấy chiêu thức nhập môn của phái Thiếu Lâm cũng đủ để đánh bại Côn luân tam thánh Hà Túc Đạo, một kiếm khách quán tuyệt đương thời. Nội lực là một khái niệm khá mơ hồ, đó là một loại năng lượng gần như thần bí, được tích tụ từ quá trình tập luyện nội công hoặc được hấp thụ từ thiên nhiên thông qua việc ăn uống kỳ hoa dị vật. Có người nhờ uống máu rắn hoặc ăn một loại kỳ hoa mà nội lực đột nhiên tăng tiến bằng người khổ luyện hằng mấy mươi năm. Người ta có thể truyền nội lực cho nhau, thậm chí có thể truyền qua một người trung gian để đánh đối thủ. Hai cao thủ mà thi đấu nội lực thìxem như đã đến lúc quyết định sinh tử. Mọi sự biến ảo của võ thuật chỉ còn lại động tác áp hai lòng bàn tay vào nhau, nhưng chỉ chểnh mãng một chút là mất mạng. Cảhai bên phải đều tập trung tinh thần cao độ như một nhà sư ở vào trạng thái nhập định. Nội lực vẫn luôn được Kim Dung xem là nền tảng cho võ học, nhưng đến Tiếu ngạo giang hồ thì rõ ràng có sự chuyển biến mới trong tư tưởng Kim Dung qua sự phân hóa hai phe kiếm tông và khí tông, trong nội bộ phái Hoa sơn.

Phe khí tông chú trọng đến khí nên đặt kiếm thuật trên nền tảng nội lực. Phe kiếm tông lại chỉ chú trọng đến kiếm. Tất cả sự phân hóa đều bắt nguồn từ sự lĩnh hội khác nhau về Quỳ hoa bảo điển của hai ông tổ phái Hoa sơn. Kim Dung lại đi ngược lại quan điểm thông thường của mình khi đề cao phe kiếm tông. Phong Thanh Dương –một cao thủ phe kiếm tông- chỉ dùng kiếm đủ để giết mười trưởng lão ma giáo mà chắc chắn võ công và nội lực đều vào hạng thượng thừa. Trước đây,các sách võ hiệp bàn về kiếm thường phân chia thành nhiều loại kiếm và nhiều loại kiếm pháp, đến Tiếu ngạo giang hồ thì Kim Dung muốn đưa kiếm đạo vươn đến tầm cao tuyệt đối: đó là kiếm ý! Và tư tưởng đó thực sự được khai mở một cách phiêu bồng bằng đường kiếm vô chiêu của gã tửu đồ lãng tử Lệnh Hồ Xung. Vị cao thủ phe kiếm tông đã khai tâm cho Lệnh Hồ Xung yếu quyết của kiếm đạo “Yếu tố đáo xuất thủ vô chiêu, na tài chân thị đạp nhập liễu cao thủ đích cảnh giới” (cần phải xuất thủ không thành chiêu thức thì mới có thể đạt đến cảnh giới của bậc cao thủ).Theo quan điểm phương Đông, vạn vật hễ có thành là có hoại, do đó mọi chiêu kiếm dù cao thâm đến đâu, hễ đã thành chiêu thức thì ắt phải có chỗ sơ hở để địch nhân phản kích. “Nễ đích kiếm chiêu sử đắc tái hồn thành, chỉ yêu hữu tích khả tầm, địch nhân tiện hữu khích khả thừa. Đãn như nễ căn bản khai vô chiêu thức, địch nhân như hà lai phá nễ đích chiêu thức?”

(Kiếm chiêu ngươi sử dụng dẫu có tinh xảo đến đâu thì vẫn có thể tìm ra dấu vết, địch nhân nhân chỗ sơ hở đó mà phá chiêu. Nếu như người đánh không theo chiêu thức nào thì địch nhân làm sao có thể phá được chiêu thức của ngươi?).

Kiếm chiêu không có chiêu thức thì đối phương dù võ công cao thâm đến đâu cũng không thể phá nỗi, cũng như cuồng phong có thể phá hủy mọi thứ rắn chắc trên đời nhưng không thể phá hủy được hư không! Lệnh Hồ Xung khi không còn một chút nội lực nào vẫn lần lượt đánh bại các cao thủ tuyệt đỉnh như Phong Bất Bình và bốn vị trang chủ Cô sơn mai trang hoàn toàn nhờ vào kiếm ý!

Vô ở đây được hiểu theo tinh thần của Đạo đức kinh “Vạn vật sinh ư Hữu,Hữu sinh ư Vô” (Vạn vật sinh ra từ Hữu, Hữu sinh từ Vô) hoặc hiểu theo nghĩa tính Không (śunyāta) trong hệ thống tư tưởng Bát Nhã của Phật giáo. Tư tưởng “vô chiêu thắng hữu chiêu” đã đưa tiểu thuyết Kim Dung tiếp cận với suối nguồn tư tưởng phương đông. Tiếu ngạo giang hồ xem như là “tập đại thành” những gì Kim Dung đã triển khai trong tất cả các tác phẩm của mình trước đó.

 

Lệnh Hồ Xung : bản trường ca lãng mạn về tự do cá nhân

Trong tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ khung trời máu lửa của võ lâm từ từ lắng dịu để dần nhường chỗ cho khúc hợp tấu cầm tiêu của “nữ ma đầu” phe Ma giáo và tên tửu đồ lãng tử Lệnh Hồ Xung, khí đồ của phái Hoa sơn.

Nhân vật chính Lệnh Hồ Xung có lẽ là nhân vật được bạn đọc yêu thích nhất trong mọi tác phẩm của Kim Dung. Lệnh Hồ Xung là đại đồ đệ của Nhạc Bất Quần, tư chất cực kỳ thông minh, tình tình lại khoáng đạt không câu nệ. Là một nhân vật phe chính giáo nhưng y lại kết giao với rất nhiều nhân vật đầu não phe tà giáo, một phần vì tình cờ một phẩn vì bản chất hảo sáng. Lệnh Hồ Xung kết giao với bằng hữu giang hồ chủ yếu là vì rượu và vì tấm chân tình, bất kể người đó là chính hay tà.

Trừ sư phụ sư nương là hai người cưu mang y từ bé, được y coi như cha mẹ,và vị tiểu sư muội Nhạc Linh San mà y có mối tình thanh mai trúc mã, Lệnh Hồ Xung không chịu khuất phục bất kỳ một ai. Y không chịu sống theo một khuôn khổ ràng buộc nào, y cũng không tham vọng lớn lao, lại coi nhẹ được danh lợi, cứ sống hồ nnhiên theo sở thích chỉ cốt sao không thẹn với lương tâm. Cái “khuôn vàng thước ngọc” của danh môn chính phái đối với y chưa hẳn là cái cần phải theo, cõi “tà ma ngoại đạo” của phe ma giáo đối với y chưa hẳn là cái cần phải tránh. Cuộc đời dưới mắt y chỉ là một “trò chơi lớn” theo bước chân chân lãng tử phiêu bồng. Khi đột nhập vào chùa Thiếu lâm để giải cứu cho Nhậm Doanh Doanh, y nấp sau bức bình phong và nghe các cao thủ phân tích cần phải giam giữ Nhậm Ngã Hành trên núi Thiếu Thất để tránh cho giang hồ một trận phong ba, y lại thầm nghĩ : giang hồ mà nổi trận phong ba thì có gì là không hay? Chỉ có những tâm hồn lãng tử hồn nhiên trước hai chữ lợi danh mới có thể có những ý nghĩ kỳ quặc nhường kia.

Lệnh Hồ Xung không chịu làm đệ tử tục gia phái Thiếu lâm khi bị sư phụ trục xuất khỏi sư môn, dù biết rằng chỉ có Dịch cân kinh mới cứu mình thoát chết, y cũng khước từ gia nhập Nhật nguyệt giáo dù để kế thừa cái ngôi vị giáo chủ mà những cao thủ tuyệt luân phải đổ bao tâm huyết và xương máu để giành lấy.

Suốt cuộc đời hành sự của Lệnh Hồ Xung, những việc làm của gã dù đúng hay sai thì Lệnh Hồ Xung vẫn hiện chân dung là gã lãng tử đa tình sống bạt mạng, sống say mê, sống rất chân thành và chân tình với cái Tâm hoàn toàn trong sáng. Chính nhờ bản tính hồn nhiên khoáng đạt, giỏi ứng biến mà môn Độc cô cửu kiếm trong tay Lệnh Hồ Xung còn đạt đến những thành tựu cao hơn cả vị Thái sư thúc tổ Phong Thanh Dương. Cái bản tính hồn nhiên khoáng đạt đó, một biểu hiện khác của trạng thái vô tâm, chính là yếu quyết để lĩnh hội kiếm ý trong Độc cô cửu kiếm. Sự ứng biến thông minh, mồm miệng như bôi mỡ, tính tình khoáng đạt, chuyên kết giao bạn hữu giang hồ bằng rượu và cái tâm chân tình, Lệnh Hồ Xung thực sự đã hấp dẫn bạn đọc qua nhiều thế hệ, và nhất là làm điên đảo cả vị “Thánh cô” phe Ma giáo ngay trong lần đầu gặp gỡ tại ngõ trúc thành Lạc Dương. Một cô nương dung nhan tuyệt diễm, võ công cực cao vừa sành âm luật, được hết thảy giới hắc đạo xemnhư thần thánh, một người khinh thường hết thảy thanh niên trong thiên hạ lại điên đảo thần hồn vì một tên tử đồ lãng tử, khi gã đã thân bại danh liệt, như một thây ma vất vưởng giữa cõi giang hồ. Và vị Nhâm đại tiểu thư cực kì cao ngạo kia đã liều lĩnh cõng tên lãng tử Lệnh Hồ Xung bệnh hoạn lên Thiếu Lâm tự cầu xin Phương Chứng đại sư dùng Dịch cân kinh chữa bệnh bệnh cho y, và sẵn lòng chấp nhận cái giá phải đổi là chung thân ngục tù trong thạch thất! Sau này Lệnh Hồ Xung dẫn quần hùng đại náo Thiếu lâm tự để cứu Doanh Doanh, lại gây nên một trận phong ba trên chốn giang hồ. Chính những diễn biến ấy đã kết chặt thêm tâm hồn Lệnh Hồ Xung với Nhâm Doanh Doanh, và đặt tiền đề cho đôi uyên ương này hợp tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ.

 

Khúc Tiếu ngạo giang hồ : thành ư nhạc

Trong tác phẩm Kim Dung, tinh hoa của võ đạo không chỉ được thể hiện trong võ thuật mà còn được thể hiện trong cầm kỳ thi họa. Các cao thủ có thể vận nội lực vào tiếng đàn, tiếng tiêu để gây sát thương cho địch thủ. Âm nhạc đã trở thành công cụ của võ đạo. Trong Xạ điêu anh hùng truyện, tiếng tiêu của Hoàng Dược Sư và tiếng đàn tranh của Âu Dương Phong là những công cụ trấn áp đối phương. Cảnh tượng hai đại cao thủ dùng nhạc cụ để mở một trận đấu tử sinh trong một đêm trăng trên mặt biển quả vô cùng thơ mộng và rất đỗi lâm ly. Trong Tiếu ngạo giang hồ, Hoàng Chung Công ở Cô sơn mai trang đã dùng cây đàn để sử dụng Thất huyền vô hình kiếm đánh với Lệnh Hồ Xung. Tiếng đàn càng mau thì kiếm chiêu càng chậm, tiếng đàn càng buông lơi thì kiếm đánh càng mau mục đích gây điên đảo cho đối thủ.

Trong “Ỷ thiên đồ long ký”, Kim Dung cố gắng dung hợp mâu thuẫn chính tà bằng tình yêu qua mối tình của Ân Tố Tố với Trương Thúy Sơn, đến Tiếu ngạo giang hồ ông lại muốn hóa giải mâu thuẫn đó bằng âm nhạc vì cực đỉnh của nhạc là“hòa”. Sự giáo hóa của Khổng Tử có thể được tóm tắt trong câu “Hưng ư Thi, lập ư Lễ, thành ư Nhạc” (Hưng khởi bằng Thi, lập định bằng Lễ, và tựu thành bằng Nhạc).Nhạc có mục đích tựu thành những gì ta khởi lên, vun đắp bằng thơ ca và lập định ở Lễ. Theo quan điểm Khổng học, khi lên đến đỉnh cao thì âm nhạc hòa đồng cùng trời đất, vì cái nguyên lí trong vũ trụ lưu hành không ngừng nghỉ, hoà hợp với nhau mà biến hoá, từ đó mới phát khởi nên âm nhạc. Lưu nhi bất tức, hợp đồng nhi hóa, nhi nhạc hưng yên (Lễ ký).

Kim Dung thực sự đưa nhạc trở về với “chân diện mục” của nó trong khúc cầm tiêu hợp tấu Tiếu ngạo giang hồ. Khúc Dương là một trưởng lão phe Ma giáo còn Lưu Chính Phong là một cao thủ phái Hành sơn, hai nhân vật thượng thặng của hai phe hắc bạch lại tìm đến nhau trong cung bậc của cầm tiêu. Cả hai vị cùng hợp sức soạn nên khúc Tiếu ngạo giang hồ kỳ diệu. Âm nhạc đã xóa bỏ mọi ranh giới phân chia giả tạo giữa chính tà thiện ác, những ranh giới do con người dựng lên vì định kiến. Lưu Chính Phong làm lễ rửa tay gác kiếm, muốn rút lui khỏi chốn giang hồ để cùng vị nghĩa huynh hiến dâng trọn cuộc đời cho âm nhạc thay vì phải lăn lộn trong cảnh kiếm đao. Chưởng môn phái Tung sơn là Tả Lãnh Thiền, vì muốn thực hiện dã tâm của mình, đã cho người đến ngăn cản, yêu cầu Lưu Chính Phong phải giết Khúc Dương vì “chính tà xưa nay vẫn luôn như nước với lửa, không thể đứng chung”. LưuChính Phong từ chối và cái giá trả cho niềm đam mê âm nhạc cùng tấm chân tình giành cho vị nghĩa huynh là cảnh toàn gia bị tru lục một cách dã man. Tả Lãnh Thiền dù là một kẻ hùng tài đại lược, một nhân tài hiếm có trong võ lâm nhưng vẫn là kẻ thô bỉ trong suy tưởng, nên y không thể hiểu nỗi chỗ vi diệu trong âm nhạc.

Khúc Dương xuất hiện cứu Lưu Chính Phong, nhưng bản thân ông cũng bị trọng thương. Hai người cùng hợp tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ và giao nhạc phổ choLệnh Hồ Xung, rồi cùng nhau ôm nhau sang thế giới bên kia trong tiếng cười mãn nguyện, vì hai chữ “tri âm” chân chính và vì di vật âm nhạc kỳ diệu mà họ để lại cho đời. Khúc Tiếu ngạo giang hồ có thể xem như một thành tựu âm nhạc vô tiền khoáng hậu trong lịch sử võ lâm, vì nó chính là cực đỉnh của chữ “hòa”: biên giới chính tà đã lặng lẽ tiêu dung trong tiếng hợp tấu của cầm tiêu của hai tay đại cao thủ hai phe hắc bạch. Cuộc đời có Khúc Dương, chưa chắc đã có Lưu Chính Phong, có Lưu Chính Phong chưa chắc đã có Khúc Dương; nếu có cả Lưu Chính Phong và Khúc Dương thì chưa chắc cả hai đã sành âm luật, mà dẫu cả hai sành âm luật thì chưa chắc cả hai người có đủ công lực để hợp tấu; và điều quan trọng nhất nếu cuộc đời có cả Lưu Chính Phong và Khúc Dương vừa sành âm luật vừa đủ công lực để hợp tấu đi nữa thì chắc gì họ đã có cơ duyên vượt qua được biên giới chính tà để tìm được đến nhau trong chỗ vi diệu của thanh âm?

Đời sau không có đôi tri kỷ Khúc Dương-Lưu Chính Phong thì lại có cặp uyên ương Lệnh Hồ Xung-Nhâm Doanh Doanh. Nếu ngay từ đầu mà Kim Dung hư cấu thêm cho Lệnh Hồ Xung có khả năng sành âm luật, để làm “phục tuyến” cho cảnh hợp tấu với Doanh Doanh về sau, thì điều đó chắc chắn sẽ gượng ép một cách thô thiển. Một nhân vật hào sảng ưa náo nhiệt như Lệnh Hồ Xung chắc chắn sẽ khó lòng cảm thụ được chiều sâu trong âm nhạc, nhất là trong khúc Tiếu ngạo giang hồ. Bù lại Kim Dung đã rất sâu sắc khi xây dựng Lệnh Hồ Xung là nhân vật sống chí tình và chí thành. Chính cái “chí thành” đó mới là tiền đề để Lệnh Hồ Xung cảm nhận được cái “chí hòa” là đỉnh cao của âm nhạc. Chỉ có thể Lệnh Hồ Xung mới có thể theo kịp Doanh Doanh trong khúc hợp tấu cầm tiêu.

 

Mưỡu cuối

Cõi giang hồ cũng chỉ là hình ảnh được phóng chiếu từ tâm ta, Khúc Dươngvà Lưu Chính Phong hay Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh cũng chỉ là hình ảnh hư cấu, nhưng khúc hợp tấu cầm tiêu Tiếu ngạo giang hồ kỳ diệu đó sẽ mãi mãi đồng vọng mênh mông khắp mười phương thế giới để dìu dắt nhân loại đến chỗ “chí hòa”. Nếu bài thơ Chứng đạo ca của thiền tông có thể làm chấn động khắp cõi thiên nhân thì Tiếu ngạo giang hồ cũng có thể tạo nên những thanh âm ảo diệu để chúng ta cùng tìm về với cõi đạo phương đông.

 

HUỲNH NGỌC CHIẾN

Nguồn: vinhdinh.blogspot

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *