THỜI SỰ LÀNG VĂN

Khủng hoảng văn chương thời Internet, có đáng lo?

Sự bùng nổ Internet cùng với nhịp sống tăng nhanh chóng mặt tỉ lệ nghịch với khả năng tư duy ngôn ngữ của con người đã khiến văn chương hàn lâm với vẻ đẹp và tính nhân văn sâu sắc bị rơi vào một cơn khủng hoảng chưa từng có. Thế nhưng, cơn khủng hoảng này có thật hay không? Hay chỉ là cơn hoảng loạn của một số nhà văn nhà thơ khi chứng kiến doanh số bán các tác phẩm hàn lâm đang bị lép vế so với đại chúng và sự lố bịch của những cuộc trao giải văn chương từ một số thế lực chính trị? Có không ít người tin rằng thơ ca và những cuốn tiểu thuyết kinh điển, những truyện ngắn giàu hình tượng… chỉ còn nằm trong những “viện bảo tàng ngôn ngữ”, hay nói một cách khác “văn học đã chết” (Đặng Thân). Tuy nhiên, việc không được đám đông chào đón hay giới học thuật không thể đánh giá được cái hay, cái đẹp của văn chương, trong suốt một chiều dài lịch sử, không đồng nghĩa với việc văn chương đã đi đến ngày tàn.

Lịch sử loài người trải qua cả vạn năm lịch sử, văn bản cổ xưa nhất mà chúng ta được biết đến nay là vào khoảng thế kỷ 30 TCN ở Ai Cập. Rất nhiều văn bản cổ xưa đã được tìm thấy được sử dụng để ghi chép lại các giao dịch, lịch sử, tư tưởng, nghi lễ tôn giáo…và đương nhiên cả những sáng tác cá nhân. Từ bao giờ loài người viết văn, viết thơ, không ai có thể biết chắc, nhưng những gì từ thời cổ đại còn sót lại đến nay cũng chẳng được là bao. Bạn hãy tưởng tượng thời đại của những tác phẩm cổ xưa ấy, có bao nhiêu người dân có thể đọc chúng và vị thế của văn chương có thực sự đóng một vai trò chủ chốt như những nhà văn, nhà thơ vẫn mơ tưởng. Và cứ cho là ở một quốc gia, người người làm thơ, nhà nhà làm thơ đi chăng nữa thì cũng không lấy gì để đảm bảo rằng sẽ sản sinh ra những tuyệt tác gây chấn động biết bao thế hệ người đọc.

Nero cuồng tín thơ cao, tạo ra một triều đại của các nhà thơ mà ông ta là chủ soái, để rồi chẳng ai trong số đó đáng được vinh danh còn triều đại thì sụp đổ. Khuất Nguyên, Lý Bạch được vua yêu mến ban cho chức tước nhưng chẳng qua chỉ làm vật trang trí. Alfred, Lord Tennyson được nữ hoàng Anh Victoria ban thưởng tước hiệu nhưng chỉ mong chờ ông viết mấy bài thơ “nịnh đầm” thời đại công nghiệp hóa của bà ta. Nói vậy để thấy rằng, văn chương chưa bao giờ có được vị trí bá chủ thiên hạ hay đóng vai trò định hướng xã hội, cũng chưa bao giờ là thứ thích hợp với số đông quần chúng. Điều này không có nghĩa rằng văn chương là một kẻ yếu thế mong muốn sự thương hại của thiên hạ. Vẻ đẹp của văn chương chỉ dành cho một số ít những người có trí tuệ và tâm hồn, mà những người có trí tuệ và tâm hồn ấy mới chính là thế lực có thể kiến tạo ra những giá trị mới từ sự tàn phá không thể kìm hãm của đám đông nhân loại. Những tuyệt phẩm văn chương là mỹ vị tinh thần, là lời tiên đoán, là chuẩn mực để góp phần định hình tâm trí của những độc giả tuyệt vời; đồng thời cũng là một cấm địa nhiều cạm bẫy đối với những kẻ mông muội. Bởi thế, các hệ thống chính trị xây dựng bởi tuân phục sợ văn chương, tôn giáo sống bằng niềm tin của tín đồ sợ văn chương, nền kinh tế lớn mạnh bởi lòng tham sợ văn chương… tóm lại mọi hình thái của sự mông muội đều coi văn chương là kẻ tử thù.

Lịch sử nhiều lần chứng kiến văn chương bị “chôn sống”. Tại sao tôi nói rằng văn chương bị “chôn sống”? Bởi vì những thời đại đỉnh cao của một nền văn chương nào đó thường bị vùi dập nhanh chóng chỉ trong chốc lát , thế mà văn chương vẫn không chết, nó chỉ bị chôn vùi dưới lớp rác rến bẩn thỉu của những mảnh vụn tư tưởng người ta quăng lên trong những cuộc tranh luận, bàn tán hay những tuyên ngôn vô nghĩa. Nhìn vào lịch sử văn chương của nước Anh, như một ví dụ, ta có thể thấy rằng nền văn chương nước này được xây dựng nền móng trong thời Phục Hưng cuối kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, nhưng ngay tập lức nó bị rơi vào 100 năm chỉ có những biện luận và sự bắt chước chứ không có tác phẩm vĩ đại. Kỷ nguyên vàng Islam đã từng chứng kiến sự rực rỡ của những cây bút như Omar Khayyam, Rumi, Hafez không lâu sau đó chìm sâu suốt 7-800 năm không có cây bút vĩ đại nào ra đời. Ở Trung Quốc, người ta chứng kiến cảnh trong chiến tranh các tuyệt phẩm bị tiêu hủy, những ông vua điên rồ bức tử các nhà thơ, đám đông mông muội hành hạ người nghệ sĩ trong cảnh cần lao, nhưng đến thời điểm thích hợp văn chương lại bùng phát.

Thùng 24 chai nước táo lên men Strongbow Elder Flower

Sau này, người ta đã tinh vi hơn trong công cuộc tiêu diệt văn chương. Không phải bằng cường quyền, họ tiêu diệt văn chương bằng những bài phê bình dở tệ bị chi phối bởi các hệ lý thuyết khô cứng, bằng sự thao túng truyền thông và xuất bản để đắp lên rác rưởi những tấm giấy bọc vàng rồi nhồi nhét các khối vàng ròng ngôn từ xuống bùn đen, bằng những phương thức giải trí băm vụn khả năng tư duy và tình cảm của con người thành một thứ đồng hạng cùng rác rưởi. Internet, một công cụ đáng ra phải trở nên hữu ích để người ta trí tuệ hơn và bao dung hơn, nay lại trở thành một thứ vũ khí trong tay những kẻ mông muội để đàn áp văn chương. Sự đàn áp ấy không mang tính quy luật, sự đàn áp ấy là một cái bẫy để văn chương bị sa lầy vào thứ trò chơi sinh tử. Cơn khủng hoảng của văn chương diễn ra trong tâm trí một số nhà thơ, nhà văn bởi lẽ họ không ý thức được rằng họ đang bị đưa đẩy vào một trò chơi sinh tử của những kẻ tự cho mình là thông hiểu quy luật thị trường. Họ hoảng loạn vì không thể xác định nổi tương lai của mình, không biết mình có thể được đón nhận hay không, không biết những gì mình tạo ra liệu có phải là sự vô nghĩa bị ném toẹt vào thùng rác vĩ đại của thế giới. Thế nhưng, họ không biết được rằng văn chương là thứ nằm ngoài sinh tử và thực tại đang diễn ra trước mắt cũng như trong tâm trí chúng ta không chỉ là một trò chơi sống sót.

Và bởi vì văn chương không chết, nói đúng hơn là sẽ chẳng bao giờ chết (trừ phi không còn sự sống trong vũ trụ nữa), nhưng nó lại bị chôn vùi trong rác rưởi, vậy thì chúng ta sẽ phải làm gì? Chẳng phải, chúng ta đành tìm cách để gạt bỏ những rác rưởi mà bên ngoài thế giới nhồi nhét vào đầu nhau cũng như gạt bỏ những rác rưởi tồn đọng trong tâm trí chúng ta hay sao? Mỗi nhà văn, nhà thơ, đâu còn cách nào khác ngoài việc giải thoát mình khỏi rác rưởi của thời đại để có thể sáng tạo điều gì đó có giá trị. Chúng ta đừng nghĩ rằng các nhà văn, nhà thơ ở thời đại trước được sống một cuộc đời thỏa mộng văn chương hơn chúng ta. Họ cũng như chúng ta, cũng phải đi dọn dẹp rác rưởi của thời đại mình. Để tạo ra những nền tảng văn chương cho nước Anh, William Shakespeare, Ben Jonson, Walter Scott… phải dịch thuật, nghiên cứu rất nhiều song song với quá trình sáng tác để tạo ra các chuẩn mực ngôn ngữ và cách thức hành văn. Để có được những thi phẩm tuyệt hảo, các nhà thơ Đường như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Lý Thương Ẩn… phải khước từ vinh hoa phú quý để gìn giữ vẻ đẹp nhân cách của mình. Ngay cả ở Việt Nam, các nhà văn, nhà thơ chỉ có thể tạo dựng nên một thời kỳ vàng của nghệ thuật với phong trào Thơ Mới và Tự Lực văn đoàn không chỉ bằng sáng tác cá nhân mà còn cả những công việc báo chí, xuất bản, giáo dục, thậm chí là chính trị,  bất chấp biết bao lần phải thốt lên rằng “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Nếu chúng ta muốn rác tự nhiên bị tiêu hủy, những khối vàng ròng sẽ hiển lộ trong một ngày nắng đẹp, theo một thứ gọi là “quy luật tự nhiên” nào đó, sẽ không có đâu. Chừng nào người ta chưa chịu bỏ tâm sức, thậm chí là hiến tế cả cuộc đời mình cho nghệ thuật, chừng ấy, ngày văn chương trỗi dậy sẽ vẫn chỉ là một lời tiên tri chưa được thực hiện.

Hà Thủy Nguyên

 

 

Học Viết
QUẢNG CÁO: Ưu đãi thời trang Khatoco cho nam giới
Giảm giá tới 50% tới hết 31/8
Share:

1 comment

  1. Hoàng Thị Hoài 20 June, 2017 at 09:05 Reply

    hay quá, cảm ơn chị. Đúng là chẳng có con đường nào dễ dàng.

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tour 3N2Đ: Mù Cang Chải - Tú Lệ - Nghĩa Lộ - Suối Giàng Mùa Lúa Chín Khởi Hành 29/9