TỔNG QUAN VĂN HỌCTriết lý cái đẹp

Kiểm duyệt và sự im lặng – Umberto Eco

Tiểu luận này được Umberto Eco trình bày tại hội nghị Hội Ký hiệu học Italia năm 2009. Bản dịch tiếng Anh của Richard Dixon, “Censorship and Silence,” được in trong Umberto Eco, Inventing the Enemy and Other Occasional Writings (Houghton Mifflin Harcourt, 2012).


Các bạn trẻ hơn có thể nghĩ veline là những cô gái trẻ nhảy múa trên các chương trình truyền hình, và casino là một mớ hỗn loạn. Bất cứ ai thuộc thế hệ tôi cũng biết casino từng có nghĩa là “nhà thổ” và sau này, theo nghĩa rộng, nó mới có nghĩa là “một nơi hỗn loạn,” nên nó đã mất đi ý nghĩa ban đầu và ngày nay bất cứ ai, có lẽ cả một vị giám mục, cũng dùng nó để chỉ sự hỗn loạn. Tương tự, có thời bordello là nhà thổ, nhưng bà tôi, người phụ nữ thuộc hàng đoan chính nhất, vẫn thường nói, “Đừng có làm bordello,” nghĩa là “Đừng có làm loạn”; từ này đã hoàn toàn mất đi ý nghĩa ban đầu của nó. Các bạn trẻ hơn ở đây có thể không biết rằng, dưới chế độ phát xít, velinelà những giấy tờ mà bộ chịu trách nhiệm kiểm soát văn hóa (gọi là Bộ Văn hóa Đại chúng, viết tắt [từ Ministero della Cultura Popolare] là MinCulPop—họ không có đủ khiếu hài hước để tránh một cái tên nghe nhập nhằng như vậy) gửi cho báo chí. Những tờ giấy mỏng này bảo báo chí họ phải giữ im lặng chuyện gì và phải in chuyện gì. Velina, trong ngôn ngữ báo chí, do đó trở thành biểu tượng của sự kiểm duyệt, cái cớ để che giấu, để làm thông tin biến mất.

Nhưng veline mà chúng ta biết ngày nay—những vũ nữ trên truyền hình—thì lại hoàn toàn trái ngược: họ, như chúng ta đều biết, là sự tán tụng diện mạo thể hiện ra bên ngoài, sự hữu hình, đúng hơn là cái danh tiếng có được thông qua sự hữu hình thuần túy, nơi diện mạo thể hiện sự xuất sắc—ngay cả kiểu diện mạo từng một thời bị coi là không phù hợp.

Chúng ta có hai hình thức velina, tôi muốn so sánh nó với hai hình thức kiểm duyệt. Thứ nhất là kiểm duyệt qua sự im lặng; thứ hai là kiểm duyệt qua tiếng ồn; bởi vậy, tôi dùng chữ velina như một biểu tượng cho sự kiện truyền hình, show diễn, giải trí, tin tức báo chí, vân vân.

Chế độ phát xít hiểu (như các nhà độc tài thường hiểu) rằng hành vi lệch lạc được khuyến khích bởi việc truyền thông đưa tin về nó. Ví dụ, veline từng nói “Đừng viết về tự sát” vì chỉ cần nhắc đến tự sát cũng có thể kích động ai đó tự sát mấy ngày sau. Điều này hoàn toàn đúng—chúng ta không nên cho rằng mọi thứ đi qua tâm trí của hệ thống phát xít đều sai lầm—và đúng là chúng ta biết về những sự kiện có ý nghĩa quốc gia đã xảy ra là vì truyền thông nói về nó. Ví dụ: các cuộc biểu tình sinh viên năm 1977 và 1989: đó là những sự kiện ngắn ngủi tìm cách lặp lại các cuộc biểu tình năm 1968 chỉ vì báo chí nói “năm 1968 sắp trở lại.” Bất cứ ai tham gia vào những sự kiện ấy đều biết rất rõ rằng chúng được tạo ra bởi báo chí, giống như cách báo chí tạo ra các cuộc tấn công trả thù, tự sát, xả súng trường học—tin tức về vụ xả súng trường học này kích động các vụ xả súng trường học khác, và có lẽ rất nhiều người Rumani đã được khuyến khích hãm hiếp phụ nữ lớn tuổi vì báo chí bảo họ rằng đó là đặc trưng của người nhập cư và cực dễ thực hiện: các anh chỉ cần lang thang trên bất cứ đoạn đường đi bộ nào, gần ga xe lửa, vân vân.

Nếu veline kiểu cũ từng nói, “Để tránh hành vi bị xem là lệch lạc thì đừng nói về nó,” thì velina văn hóa của ngày nay nói, “Để tránh nói về hành vi lệch lạc, hãy nói thật nhiều về những thứ khác.” Tôi luôn luôn tin là nếu, bằng cách nào đó, biết ngày mai báo chí sẽ đưa tin về một sai lầm mà tôi phạm phải, rất bất lợi cho tôi, thì việc đầu tiên tôi làm sẽ là đặt bom bên ngoài đồn cảnh sát khu vực hoặc ga xe lửa. Ngày mai trang nhất sẽ ngập tràn tin tức về nó và lỗi lầm cá nhân của tôi sẽ chỉ còn là chuyện nhỏ trang trong. Và ai mà biết có bao nhiêu quả bom thực tế đã được đặt để làm cho các câu chuyện trang nhất khác biến mất. Ví dụ về quả bom là thích hợp về mặt âm lượng, vì nó là ví dụ về một tiếng ồn lớn làm mọi thứ khác đều trở nên im lặng.

Tiếng ồn trở thành một vỏ bọc. Tôi sẽ nói rằng cái ý thức hệ của việc kiểm duyệt qua tiếng ồn này có thể được thể hiện, với lời xin lỗi gửi tới Wittgenstein, bằng câu, “Cái nào ta không thể nói, cái đó ta phải nói thật nhiều.” Kênh tin tức TG1 hàng đầu trên đài truyền hình nhà nước Ý chẳng hạn là một bậc thầy của kỹ thuật này, đầy rẫy tin tức về những con bê hai đầu và những cái túi bị trộm vặt cuỗm—nói cách khác, kiểu chuyện nhỏ mà báo chí dùng để hạ nhiệt cho một câu chuyện trang trong—chiếm đến ba phần tư tiếng đồng hồ dành cho tin tức, để đảm bảo chúng ta không nhận ra tin tức mà họ nên đưa tin đã không được đưa. Cách đây mấy tháng, nền báo chí dưới sự kiểm soát của Berlusconi, để hạ thấp uy tín của một vị thẩm phán dám chỉ trích thủ tướng, đã theo ông nhiều ngày, đưa tin ông ngồi hút thuốc trên ghế, đi cắt tóc, và đi tất màu ngọc lam. Để tạo tiếng ồn, bạn không cần bịa chuyện. Bạn chỉ cần đưa tin về một câu chuyện có thật nhưng không liên quan, mà vẫn gây ra một cảm giác ngờ vực bởi thực tế đơn giản là nó được đưa tin. Vị thẩm phán đi tất màu ngọc lam là chuyện có thật và không liên quan, nhưng việc nó được đưa tin tạo ra một ẩn ý về chuyện gì đó chưa được bày ra, để lại một dấu ấn, một ấn tượng. Không có gì khó rũ bỏ hơn một câu chuyện không liên quan nhưng có thật.

Sai lầm của tờ La Repubblica trong chiến dịch chống Berlusconi là đưa tin quá nhiều về một câu chuyện có liên quan (bữa tiệc ở nhà Noemi) [Berlusconi có mặt ở tiệc sinh nhật 18 tuổi của cô bé này và tặng quà trị giá đến 6.000 euro, khiến vợ ông này sau đó đâm đơn ly dị]. Nếu, thay vào đó, báo đưa tin đại loại như—“Sáng hôm qua Berlusconi đến Piazza Navona, gặp anh họ, và cùng nhau uống bia… lạ làm sao”—thì nó đã gợi ra một loạt bóng gió, nghi ngờ, và ngượng nghịu mà vị thủ tướng đã phải từ chức từ lâu. Tóm lại, một thực tế quá liên quan thì có thể bị thách thức, trong khi một cáo buộc không hẳn là một cáo buộc lại không thể bị thách thức.

Năm tôi mười tuổi có một bà cô chặn tôi lại ở cửa quán bar và nói, “Cô sẽ cho cháu một đồng lira nếu cháu viết thư giúp cô—tay cô đang bị đau.” Là đứa trẻ ngoan ngoãn tôi nói tôi không cần tiền và sẽ làm giúp, nhưng bà cô kia nhất định mua cho tôi một cây kem. Tôi viết hộ và kể lại chuyện lúc về nhà. “Trời đất,” mẹ tôi bảo, “người ta dụ con viết thư nặc danh đấy. Có Chúa mới biết nhà mình sẽ gặp chuyện gì khi họ tìm ra được!” “Mẹ ơi,” tôi giải thích, “cũng chẳng có gì trong thư đâu.” Thật ra, nó gửi cho một doanh nhân giàu có mà tôi biết (ông ấy có cửa hàng ở trung tâm thành phố) và viết, “Được biết anh có ý định cầu hôn cô Signorina X, chúng tôi muốn cho anh biết là Signorina X sinh ra trong một gia đình đáng kính và giàu có, và được đánh giá cao trong khắp thành phố.” Ta không mấy khi thấy một lá thư nặc danh ca ngợi thay vì hạ thấp người được nhắc đến. Nhưng mục đích của lá thư nặc danh ấy là gì? Vì rõ ràng không có căn cứ để nói gì khác nên bà cô nhờ tôi viết muốn ít nhất cũng tạo ra được sự bất an. Người nhận chắc hẳn sẽ băn khoăn, “Sao người ta lại gửi một lá thư như thế? ‘Được đánh giá cao trong khắp thành phố’ thực ra là thế nào?” Tôi tin người doanh nhân giàu có kia cuối cùng đã quyết định hoãn ý định kết hôn vì sợ lập gia đình với một người mà người ta bàn tán nhiều đến thế.

Hình thức tiếng ồn này thậm chí còn không đòi hỏi những thông điệp gửi đi phải được quan tâm đặc biệt, vì thông điệp này nối vào thông điệp khác, và cùng nhau chúng tạo nên tiếng ồn. Tiếng ồn đôi khi có thể có hình thức là sự thừa thãi vô ích. Mấy tháng trước trên tờ L’Espresso có một bài rất khá của Berselli, nói, Bạn có nhận ra quảng cáo không còn có tác động gì lên chúng ta? Không ai chứng minh được bột giặt này tốt hơn bột giặt kia (thật ra chúng đều như nhau), nên suốt 50 năm qua phương pháp duy nhất mà người ta nghĩ ra được là cho chúng ta xem cảnh các bà nội trợ từ chối đổi hai gói khác lấy gói của họ, hay các bà nội bảo chúng ta vết bẩn cứng đầu này sẽ biến mất nếu dùng đúng loại bột. Các hãng bột giặt vì thế thực hiện một chiến dịch dày đặc và bất tận, mang cùng một thông điệp mà ai cũng thuộc lòng, đến nỗi nó trở thành thành ngữ: “Omo trắng hơn cả trắng,” vân vân. Mục đích của nó là trúng hai con chim: một phần là nhắc lại thương hiệu (trong một số trường hợp nó trở thành một chiến lược thành công: nếu phải vào siêu thị mua bột giặt, tôi sẽ hỏi Tide hoặc Omo vì tôi biết những cái tên ấy cả 50 năm qua), và một phần là ngăn người ta nhận ra rằng không thể có cuộc thảo luận khen chê nào về bột giặt—dù ủng hộ hay là chống. Điều tương tự cũng xảy ra với các hình thức quảng cáo khác: Berselli nhận xét rằng trong quảng cáo điện thoại di động nào chúng ta cũng không thực sự hiểu các nhân vật đang nói gì. Mà cũng không cần hiểu họ nói gì—cái tiếng ồn lớn ấy mới là cái bán hàng. Tôi nghĩ có khả năng nhất là các công ty đã cùng đồng ý dừng quảng bá thương hiệu riêng và bắt tay quảng bá chung, nhằm thúc đẩy văn hóa điện thoại di động. Nếu mua Nokia thay vì Samsung thì đấy là bạn được thuyết phục bởi các yếu tố khác chứ không phải là quảng cáo. Thật ra chức năng chính của tiếng ồn quảng bá là nhắc nhở bạn về phác họa quảng cáo chứ không phải sản phẩm. Thử nghĩ về một đoạn quảng cáo hấp dẫn nhất, thú vị nhất—một số thậm chí còn khá buồn cười—và nhớ xem sản phẩm đó là sản phẩm nào. Hiếm khi bạn nhớ được tên sản phẩm mà đoạn quảng cáo nói đến: đứa trẻ phát âm sai từ “Simmenthal,” hay có lẽ “No Martini, no party” hay “Ramazzotti luôn luôn tốt cho bạn.” Trong tất cả các trường hợp khác, tiếng ồn bù đắp cho việc không có cách nào chứng minh được sự xuất sắc của sản phẩm.

Dĩ nhiên, không có ý định kiểm duyệt, Internet đã tạo ra cái tiếng ồn lớn nhất không mang lại thông tin. Hay đúng hơn: đầu tiên, bạn nhận được thông tin, nhưng bạn không biết nó có đáng tin hay không; thứ hai, bạn cố tìm thông tin trên Internet: chỉ có giới học giả và các nhà nghiên cứu chúng ta, sau mười phút làm việc, có thể bắt đầu chọn thông tin mình cần. Hầu hết những người dùng khác đều mắc kẹt trong các blog, thậm chí trên một trang khiêu dâm; và vân vân, mà không lướt quá xa, vì lướt cũng không giúp họ tìm được thông tin đáng tin cậy.

Nhìn xa hơn vào những trường hợp mà tiếng ồn không mang sẵn ý định kiểm duyệt nào, nhưng vẫn có xu hướng nghiêng về kiểm duyệt, chúng ta cũng nên nhắc đến tờ báo có 64 trang. Sáu mươi tư trang là quá nhiều để làm nổi bật thực sự được thông tin thực chất nhất. Một lần nữa, trong các bạn có người sẽ nói, “Nhưng tôi mua báo là để tìm tin tôi quan tâm.” Chắc chắn, nhưng đó là người thuộc tầng lớp ưu tú biết cách xử lý thông tin—và chắc hẳn phải có lý giải hợp lý nào cho sự sụt giảm đáng sợ số báo bán được và lượt đọc. Người trẻ không còn đọc báo. Tìm La Repubblica hay Corriere della Sera trên Internet dễ hơn—ở đó, ít nhất, tất cả đều trên một trang màn hình—hoặc là đọc tờ phát miễn phí ở ga tàu, nơi tin tức được dàn ra trên hai trang.

Bởi vậy, vì tiếng ồn, chúng ta có một nền kiểm duyệt chủ ý—đây là cái đang diễn ra trong thế giới của truyền hình, trong việc tạo ra bê bối chính trị, vân vân—và chúng ta có một nền kiểm duyệt không tự nguyện nhưng chết người mà, vì những lý do mà bản thân nó hoàn toàn chính đáng (chẳng như lợi nhuận quảng cáo, doanh số bán hàng, vân vân), sự dư thừa thông tin đang biến thành tiếng ồn. Điều này (và ở đây tôi đang đi từ truyền thông sang luân lý học) cũng tạo ra một tâm lý và đạo đức tiếng ồn. Nhìn tên ngốc bước trên phố, đeo tai iPod kia mà xem; hắn không thể dành một giờ ngồi trên tàu đọc báo hay ngắm khung cảnh đồng quê, mà phải lấy điện thoại ngay đoạn đầu hành trình để nói “Tôi vừa đi” và đến đoạn cuối để nói “Tôi mới đến nơi.” Giờ đây có những người không thể sống xa tiếng ồn. Và chính vì thế mà các nhà hàng, vốn là chốn nhộn nhạo, lại mang đến thêm tiếng ồn từ một màn hình ti vi—có khi hai—và nhạc; và nếu đề nghị tắt đi thì người ta sẽ nhìn bạn như thể bạn bị điên. Nhu cầu tiếng ồn rất lớn này cũng giống như ma túy; nó là một cách để tránh phải tập trung vào những gì thực sự quan trọng. Redi in interiorem hominem [trở về với con người bên trong]: phải, cuối cùng, ví dụ của thánh Augustine vẫn có thể đem lại một lý tưởng tốt đẹp cho thế giới của chính trị và truyền hình.

Chỉ trong im lặng phương tiện thông tin duy nhất thực sự mạnh mẽ mới trở nên hiệu quả—lời truyền miệng. Mọi con người, ngay cả khi bị áp bức dưới tay những tên bạo chúa kiểm duyệt khắt khe nhất, đều có thể nhận ra điều gì đang diễn ra trên thế giới thông qua lời truyền miệng. Các nhà xuất bản biết rằng sách không bán chạy nhờ quảng bá hay các bài điểm sách mà nhờ cái mà người Pháp gọi là bouche à oreille và người Ý gọi là passaparola—sách có được thành công qua lời truyền miệng. Mất đi trạng thái im lặng, chúng ta mất đi cái khả năng nghe được những gì người khác nói, mà đó là phương tiện truyền thông cơ bản và đáng tin cậy duy nhất.

Và đó là lý do, trong lời kết này, tôi muốn nói rằng một trong những vấn đề đạo đức mà chúng ta đối mặt ngày nay là làm sao trở về với sự im lặng. Và một trong những vấn đề ký hiệu học mà chúng ta có thể xem xét là nghiên cứu sâu hơn về chức năng của sự im lặng trong nhiều khía cạnh của truyền thông, là xem xét ký hiệu học của sự im lặng: đó có thể là ký hiệu học của sự dè dặt, ký hiệu học của sự im lặng trong rạp hát, ký hiệu học của sự im lặng trong chính trị, ký hiệu học của sự im lặng trong tranh luận chính trị—nói cách khác, cái khoảng lặng dài, im lặng như là sự tạo ra sự hồi hộp, im lặng như là mối đe dọa, im lặng như là sự đồng thuận, im lặng như là sự phủ nhận, sự im lặng trong âm nhạc. Nhìn xem có bao nhiêu chủ đề để nghiên cứu về ký hiệu học của sự im lặng. Bởi vậy, tôi mời các bạn xem xét, không phải từ ngữ, mà sự im lặng.

Copyright © 2011 by RCS Libri S.p.A. | Bản dịch © 2017 Nguyễn Huy Hoàng.

Nguồn: https://hoanghannom.com/2017/11/01/censorship-and-silence/

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *