“Lĩnh Nam chích quái” – từ điểm nhìn văn hóa
Có những tác phẩm nghệ thuật mà giá trị của nó vượt ra ngoài chất liệu, vượt ra ngoài những cấu tạo hình thức, vượt ra ngoài những quy phạm nghệ thuật đã sáng tạo ra nó. Nó như một kết tinh đặc biệt của một văn hóa, của một thời đại lịch sử, nó có một sứ mạng đặc biệt trong đời sống của một dân tộc, của một quốc gia. Hào hùng, thiêng liêng và đầy xúc động khi quốc thiều vang lên, quốc kì tung bay, quốc huy hiển hiện. Mọi phân tích về âm nhạc, về hội họa, về điêu khắc trước các tác phẩm đó đều trở nên phiến diện và nông cạn. Cho dù chúng ta biết rằng đó cũng là những tác phẩm nghệ thuật do con người sáng tạo ra. Trong tiến trình văn học Việt Nam, Lĩnh Nam chích quái cũng là một tác phẩm nghệ thuật có tính chất như thế. Tri thức về cội nguồn dân tộc đã trở thành như máu thịt trong ta, như khí trời ta hít thở. Những biểu tượng Hồng Bàng, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Bọc trăm trứng, Mười tám đời các vua Hùng… đã trở thành vốn văn hóa hiển nhiên của nhiều thế hệ nhân dân nước Việt. Tất cả những điều đó có trong một tác phẩm cội nguồn của văn chương: Lĩnh Nam chích quái. Tiếp cận nó, dù đứng dưới ngọn cờ của bất cứ lí thuyết văn học nào cũng khó có thể hình dung được ý nghĩa và giá trị của nó. Định vị nó trong tiến trình văn học, tiến trình văn hóa của dân tộc luôn luôn là công việc của tương lai.
I. SỐ PHẬN
Trong kho tàng văn học trung đại Việt Nam, Lĩnh Nam chích quái là một tác phẩm thiêng liêng. Các bậc đại nho tài cao học rộng, tràn trề tinh thần ái quốc, tấm lòng hiếu cổ (yêu truyền thống văn hóa dân tộc) từ Trần Thế Pháp qua Vũ Quỳnh, Kiều Phú, Đặng Minh Khiêm đến Đoàn Vĩnh Phúc, và sau này là Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú… đều tiếp cận tác phẩm với một thái độ thành kính, ngưỡng vọng. Số phận tác phẩm Lĩnh Nam chích quái dường như tương đồng với số phận của nền văn hóa Đại Việt, nền văn hóa dân tộc: thăng trầm chìm nổi, đối diện với những thử thách sống còn của thiên tai nhân họa, nhưng vẫn mang trong mình một sức sống mãnh liệt, một khả năng tạo sinh ghê gớm và cuối cùng sẽ vĩnh viễn trường tồn với non sông đất nước này. Đọc những dòng cảm thán của nhà sử học, nhà thơ Đặng Minh Khiêm trong bài Tựa ở sách Vịnh sử thi tập của ông đề vào mùa xuân năm Quang Thiệu thứ 5 (1520), ta phần nào hiểu được điều đó: “Vào khoảng năm Hồng Thuận, tôi vào sử quán, trộm có ý thuật lại chuyện xưa, hiềm vì sách chứa trong Bí thư qua nhiều cơn binh hỏa, đa phần mất mát. Chỉ còn thấy có sách Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí của Phan Phu Tiên, Việt Điện u linh tập lục của Lý Tế Xuyên, Lĩnh Nam chích quái lục của Trần Thế Pháp mà thôi…”.
Kho sách quý của triều đình mà năm thế kỉ thư tịch văn hiến chỉ còn lại có vậy, thật xót xa. Văn chương vô mệnh lụy phần dư, câu thơ sau này của thi hào Nguyễn Du đâu chỉ dành cho một trường hợp cụ thể nào, nó là định đề cho cả số phận văn chương trung đại phương Đông, trong đó có Việt Nam.
Nhưng rồi những gì may mắn sót lại qua binh hỏa đã có một sức tạo sinh mãnh liệt, Lĩnh Nam chích quái được quốc sử dùng làm tài liệu, được ghi chép, trùng bổ, khảo đính dưới các dạng lục, tập, liệt truyện, tân đính, ngoại truyện, phụ bản một thời trung đại, được biên dịch, khảo sát, nghiên cứu cho đến tận ngày nay. Với nhà nghiên cứu văn bản học tầm nguyên, Lĩnh Namchích quái trở thành một đối tượng kì thú, nhưng cũng đầy rẫy phức tạp và khiếm khuyết. Nhưng với nhà nghiên cứu văn học,Lĩnh Nam chích quái với sự phát triển phồn vinh không ngơi nghỉ của nó, qua các dị bản, có thể nhìn thấy ở đây một hiện tượng đầy sức sống và đầy năng lực trường tồn. Từ một cốt lõi 22 truyện (có xuất nhập tên truyện) trong văn bản cổ truyền, được Vũ Quỳnh, Kiều Phú biên soạn lại, được Đoàn Vĩnh Phúc, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú xác nhận, có khi Lĩnh Nam chích quáiđược tục biên đến con số gần 80 truyện trong khoảng 15 văn bản hiện còn. Cái lí do sâu xa nào để tác phẩm không ngừng phát triển qua thời gian như vậy?
II. TƯ TƯỞNG
Bất luận những người biên soạn đầu tiên Lĩnh Nam chích quái theo một triết thuyết tôn giáo hay đạo đức xã hội nào. Bất luận những người sao chép, tăng bổ, bình luận sau này suốt thời kì trung đại theo chính kiến nào, quy thức văn chương nào, thì tư tưởng thống soái của họ khi xây dựng, tiếp cận tác phẩm này đó là tư tưởng ÁI QUỐC. Trong sự tồn tại tổng thể của nó, LĩnhNam chích quái là một tượng đài kì diệu cho tư tưởng ái quốc. Chính điều này sẽ là kim chỉ nam cho mọi học giả, dù tiếp cận tác phẩm dưới bất cứ phương pháp khoa học ngữ văn nào, thì vẫn phải đứng ở tư cách, ở nhân cách một người ái quốc.
Trong lời Tựa cho việc biên soạn của mình, Vũ Quỳnh từ 1492 đã cho thấy: “Chính các bậc tài cao học rộng thời Lý – Trần khởi thảo, được các bậc quân tử uyên bác, hiếu cổ đời nay nhuận sắc thêm”, và ông cũng nói thêm “đó là sử trong truyện chăng?”.Lĩnh Nam chích quái ra đời như là sự kết tụ của tinh thần độc lập dân tộc chặng đầu của kỉ nguyên Đại Việt hào hùng. Trải qua hơn một ngàn năm Bắc thuộc, tư tưởng độc lập dân tộc được khởi phát từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng (thế kỉ I), Bà Triệu (thế kỉ III) bắt đầu có thành quả bởi Lí Bôn (thế kỉ VI) và đã là hiện thực lịch sử chắc chắn với Ngô Quyền (thế kỉ X), đất nước ta bước vào kỉ nguyên Đại Việt với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc quốc gia phong kiến độc lập, lần lượt chiến thắng những thế lực xâm lược lớn nhất thời đại là Tống, Nguyên, Minh. Một đất nước có văn hiến, một nhân dân tự ý thức được quyền độc lập dân tộc đó là nhiệm vụ tư tưởng quan trọng bậc nhất của thời đại bấy giờ. Thắng lợi của các cuộc kháng chiến và các cuộc khởi nghĩa vừa là điều kiện vừa là hệ quả của tư tưởng đó. Không có lịch sử thì không có dân tộc. Nói Lĩnh Nam chích quái là “sử trong truyện” chính là bao hàm ý nghĩa đó.
Với 22 cốt truyện cơ bản, dù sắp xếp theo trình tự nào thì Lĩnh Nam chích quái cũng trình diễn trước chúng ta ý thức về truyền thống lịch sử riêng của đất nước từ buổi hồng hoang đến những câu chuyện xảy ra ở thời đại nhà Trần. Sau này, các bậc túc nho giàu nhiệt huyết có bổ sung thêm bao nhiêu đi nữa thì vẫn theo tư tưởng đó: đây là những câu chuyện được truyền ở cõi Lĩnh Nam, khác với Trung Hoa. Họ không thôi khẳng định một nền văn hiến của một dân tộc độc lập như Nguyễn Trãi từng nói trongBình Ngô đại cáo: Sơn xuyên chi phong vực kí thù, Bắc Nam chi phong tục diệc dị. Nói lại: Một tượng đài tinh thần thiêng liêng và kì diệu, đó là Lĩnh Nam chích quái. Không dễ gì để lí giải tường tận nó.
III. CẤU TẠO
Với 15 văn bản Lĩnh Nam chích quái đến nay còn lưu giữ được và được giới thiệu trong những chuyên luận, báo cáo, luận văn khoa học thì có một bộ phận khá ổn định được thừa nhận là có sớm gồm 22 truyện, gần với văn bản khởi nguyên hơn cả. Dù ở các ghi chép khác nhau, thứ tự, tên truyện, có xuất nhập chút ít nhưng bớt đi những tiểu dị, dựa vào cái đại đồng, chúng ta có một trình tự đại để văn bản như sau:
– Quyển 1 gồm: 1) Truyện Hồng Bàng; 2) Truyện Ngư tinh; 3) Truyện Hồ tinh; 4) Truyện Mộc tinh; 5) Truyện Trầu cau; 6)Truyện Nhất Dạ Trạch; 7) Truyện Đổng Thiên Vương; 8) Truyện Bánh chưng; 9) Truyện Dưa hấu; 10) Truyện Bạch trĩ.
– Quyển 2 gồm: 1) Truyện Lý Ông Trọng; 2) Truyện Giếng Việt; 3) Truyện Rùa Vàng; 4) Truyện Man Nương; 5) Truyện Nam Chiếu; 6) Truyện thần sông Tô Lịch; 7) Truyện thần núi Tản Viên; 8) Truyện hai vị thần Long Nhãn – Như Nguyệt (hoặc Truyện Hai Bà Trưng thay cho truyện này); 9) Truyện Từ Đạo Hạnh; 10) Truyện Dương Không Lộ – Nguyễn Giác Hải; 11) Truyện Hà Ô Lôi; 12) Truyện Dạ Thoa Vương.
Với một trình tự chung như vậy, không khó gì chúng ta phát hiện được ý đồ lịch sử chung của những người làm sách: sắp xếp về cơ bản theo trình tự thời gian: những chuyện đầu là thời tiền sử, những chuyện sau cùng thuộc về thời Trần. Nhưng không nhất quán cho tất cả. Truyện thần núi Tản Viên lại đứng tận thứ 17 sau những truyện khác ở thời Bắc thuộc. Truyện Rùa Vàng lại sauTruyện Lý Ông Trọng… Một kiểu cấu trúc ngầm ẩn nào chăng? Ta chưa tường được. Trong điều kiệc hiện nay, đành tạm cho rằng, quá trình các bản sưu tập cho đến Vũ Quỳnh, Kiều Phú đã có sự xáo trộn nào đó nhất định và từ đó, các nhà biên soạn tiếp theo cứ tôn trọng bản cổ hơn mà làm. Tuy nhiên, cũng trừ đi những phần xáo trộn ít ỏi đó, nếu ta nhìn theo cách nhìn dân gian, đặc biệt với quyển một, Lĩnh Nam chích quái không khỏi gợi ý cho chúng ta một cấu trúc quen thuộc của thần thoại hoặc sử thi dân gian cổ đại:
– Chủ đề Khởi nguyên: Truyện họ Hồng Bàng.
– Chủ đề Chinh phục tự nhiên, ổn định địa bàn quốc gia cổ đại: Truyện Ngư tinh, Truyện Hồ tinh, Truyện Mộc tinh.
– Chủ đề Sự ra đời của hôn nhân: Truyện Trầu cau, Truyện Nhất Dạ Trạch.
– Chủ đề Chiến tranh bộ lạc (biến thái thành chiến tranh dân tộc): Truyện Đổng Thiên Vương.
– Chủ đề Sự ra đời của văn hóa vật chất: Truyện Bánh chưng, Truyện Dưa hấu, Truyện Bạch trĩ.
Chúng ta biết, các tác giả Lĩnh Nam chích quái chưa phải là những nhà văn học dân gian hiện đại, nhưng vang bóng của một cấu trúc thông thường của sử thi thần thoại có trong đó không thể không khiến ta quan tâm. Đó là một cấu trúc, dù còn có chỗ xộc xệch, nhưng rõ ràng là có mô hình và có chủ ý. Nếu so sánh với Việt điện u linh có cấu trúc ba phần là Lịch đại nhân quân (vua các đời), Lịch đại phụ thần (bầy tôi các đời) và Hạo khí anh linh (sự tích linh thiêng) thì ta thấy rõ ràng, về cấu trúc, Lĩnh Nam chích quái đã hướng hẳn về cội nguồn dân tộc, về phía nhân dân và văn hóa bản địa.
IV. NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT
Như đã nói, càng ngắm kĩ, ta càng thấy Lĩnh Nam chích quái là một tượng đài tinh thần cổ kính vừa thiêng liêng vừa kì diệu. Đó là một kì quan văn hóa kết tụ qua thăng trầm của một lịch sử phức tạp nhưng đầy quyết tâm cho độc lập dân tộc, cho văn hiến bản địa. Nó là văn xuôi nhưng không chỉ là nghệ thuật ngôn từ, nó là tự sự nhưng đâu chỉ là các thiên truyện cổ. Đó là một khối đa diện chứa đựng những yếu tố vừa hiện thực vừa kì ảo và mãi mãi kêu gọi chúng ta tiếp cận, lí giải. Trước nó, không chỉ người nay mà người xưa đã từng không khỏi băn khoăn. Sử thần Ngô Sĩ Liên khi bàn về kỉ Hồng Bàng thị trong Đại Việt sử kí toàn thư (cũng tương tự Truyện Họ Hồng Bàng trong Lĩnh Nam chích quái) nói: “Trong buổi trời đất mới mở mang, có người do khí hóa ra rồi mới có hình hóa, đều là hai khí âm và dương cả. Kinh Dịch nói: “Trời đất hợp khí, vạn vật hóa thần, đực cái hợp tinh, vạn vật hóa sinh”… Nuốt trứng chim huyền điểu mà sinh ra nhà Thương, giẫm vết chân khổng lồ mà dấy lên nhà Chu, đều là ghi sự thực như thế. Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh ra Kinh Dương Vương, tức là thủy tổ Bách Việt. Vương lấy con gái Thần Long mà sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh ra trăm con trai. Đó chẳng là cái đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao? Xét sách Thông giảm ngoại kỉ nói: Đế Lai là con Đế Nghi, cứ theo sự ghi chép ấy thì Kinh Dương Vương là em ruột Đế Nghi, thế mà có sự kết hôn với nhau, có lẽ vì đời ấy còn hoang sơ, lễ nhạc chưa đặt mà như thế chăng?”.
Vũ Quỳnh thì biện luận: “Sự việc tuy kì quái mà không đến nỗi nhảm nhí, nhân vật tuy kì lạ mà không trở thành yêu tinh”.
Đoàn Vĩnh Phúc khuyên: “Chớ vì Khổng Tử nói mà đâm ra hiểu nhầm”.
Thái độ người xưa trước Lĩnh Nam chích quái khiến chúng ta phải suy nghĩ. Rõ ràng, họ là những nhà nho tài cao học rộng, họ theo lời Khổng Tử: “Bất ngữ quái lực loạn thần”. Tuy nhiên họ đã vượt qua chính kiến, một lòng tôn trọng cổ nhân, lưu giữ cho chúng ta những chi tiết quý giá đến tận ngày nay. Nếu cứ khác chính kiến là đập bỏ thì tương lai còn biết bấu víu vào đâu?!
Về mặt nội dung, Lĩnh Nam chích quái, trên mặt bằng tự sự, với những nhân vật, cốt truyện, mối quan hệ, các chi tiết, tác phẩm trình diễn trước chúng ta một nội dung hiển minh không lấy gì làm khó hiểu. Thậm chí có thể đánh giá nó như một loại tự sự sơ khai và đơn giản, một loại văn xuôi mở màn cho văn xuôi trung đại. Trình bày nội dung hiển minh này ra, dẫu chúng ta có ngó kĩ hơn theo lí thuyết thể loại này nọ, xưa nay, thì thật cũng khó qua khỏi những đánh giá súc tích cách đây hơn năm trăm năm của Vũ Quỳnh, người có công đầu phát hiện và biên soạn lại nó: “Quế Hải tuy nằm ở Lĩnh ngoại, nhưng sông núi kì lạ, đất đai linh thiêng, người hào kiệt, vật tinh hoa thường vẫn có. Từ thời Xuân Thu, Chiến quốc trở về trước cách thời cổ chưa xa, phong tục phương Nam còn giản dị, chưa có sử sách để ghi chép, nhiều chuyện do đó bị mất đi. Truyện nào may mà còn được, ấy là nhờ nhân dân truyền khẩu. Từ Lưỡng Hán, Tam Quốc, Đông Tây Tấn, Nam Bắc triều đến Đường, Tống, Nguyên mới có sử truyện để ghi chép các việc…, sự tích có thể kê cứu rõ ràng. Nhưng nước Việt ta vốn là miền đất hoang thời cổ nên ghi chép vẫn còn sơ lược. Người Việt ta dựng nước từ thủa Hùng Vương, văn minh dần qua các đời Triệu, Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, đến nay đã bắt đầu kết tụ, cho nên quốc sử ghi chép đặc biệt tường tận. Thế thì tập truyện này làm ra, có lẽ là sử trong truyện chăng? Không biết sách soạn vào thời nào, do ai hoàn thành. Người khởi thảo là các nhà nho tài cao học rộng thời Lý – Trần, còn nhuận sắc thì do các bậc quân tử hiếu nhã bác cổ ngày nay. Ngu tôi sau đây xin lần lượt khảo sát và trình bày đầu đuôi các truyện, đồng thời nêu lên ý tưởng của tác giả. Như Truyện Hồng Bàng nói rõ quá trình khai sáng nước Hoàng Việt; Truyện Dạ Thoa Vương tóm lược sự manh nha của chiêm thành; Truyện Chim Trĩ trắng là để chép về họ Việt Thường; Truyện Rùa Vàng là để viết sự tích An Dương Vương. Theo phong tục phương Nam, đồ sính lễ không gì quan trọng bằng trầu cau; đưa ra biểu dương cùng là nhằm làm cho nghĩa vợ chồng, tình cảm anh em được tỏ rõ. Vào mùa hè, hoa quả phương Nam không gì quý bằng quả dưa hấu; nêu lên để nói, là nhằm phê phán thái độ cậy vào mình mà coi thường ơn chúa. Truyện Bánh chưng ngợi khen lòng hiếu thảo; Truyện Ô Lôi răn dặn thói dâm bôn. Đổng Thiên Vương phá giặc Ân, Lý Ông Trọng diệt Hung Nô, qua đó biết nướcNam có người tài giỏi. Chử Đồng Tử tình cờ mà lấy Tiên Dung, Thôi Vĩ không hẹn mà gặp tiên khách, qua đó thấy âm đức của việc thiện. Truyện Đạo Hạnh, Không Lộ đáng khích lệ ở chỗ báo được thù cha, mà sự tích hai vị thiền sư qua đó cũng không thể nào mai một. Truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh đáng ngợi khen ở chỗ trừ được yêu quái, mà ân đức của Long Vương qua đó cũng không thể nào quên. Hai vị họ Trương sống trung nghĩa, chết thành thổ thần, nêu lên để biểu dương, ai bảo là không được? Thần Tản Viên linh thiêng, có khả năng diệt loại thủy tộc, làm rõ để soi sáng, ai nói là không phải? Còn như Nam chiếu là con cháu Triệu Vũ, nước mắt mà có thể phục thù; Man Nương là mẹ Mộc Phật năm hạn có thể làm mưa; Tô Lịch là thần đất Long Đỗ; Xương Cuồng là tinh cây chiên đàn; một đằng thì lập đền miếu để thờ cúng, khiến dân được hưởng phúc, một đằng thì dùng phép thuật để diệt trừ, khiến dân khỏi tai họa, sự việc tuy kì quái mà không đến nỗi nhảm nhí, nhân vật tuy khác lạ mà không trở thành yêu tinh; câu chuyện tuy hoang đường, có vẻ không chính đáng, nhưng dấu tích vẫn còn đó, khả dĩ làm bằng chứng được. Chung quy, tất cả đều nhằm khuyến khích việc thiện, răn đe điều ác, từ bỏ sự giả dối, tìm đến cái chân thực, cốt khích lệ phong tục mà thôi! So với Sưu thần kí đời Tấn và Địa quái lục đời Đường cũng cùng một tính chất.
Ôi! Việc lạ ở Lĩnh Nam nhiều lắm! Các câu chuyện xảy ra không chờ khắc vào đá, in vào sách mà đã gắn ghi vào lòng dân, lưu truyền bia miệng., từ em bé đầu xanh đến cụ già đầu bạc đều ca tụng hoặc mến mộ, hoặc lấy đó làm răn. Thế thì chúng cũng liên quan đến cương thường, mở mang phong hóa đâu phải là ít!…”.
Trích dẫn tuy hơi dài, nhưng là điều không thể không làm vì đoạn văn đạt đến độ mẫu mực kinh điển của phê bình tác phẩm ở một bậc đại nho; vì sự gần gũi của nó với hôm nay, nếu ta đọc theo nghĩa hiển minh mà các truyện muốn trình diễn.
Trên mặt bằng kĩ thuật tự sự, ta thấy các truyện có một cấu trúc khá đồng dạng theo kiểu Chí quái, một thể loại văn học Trung Hoa thời Ngụy Tần Nam Bắc triều, thi thoảng có truyện viết theo kiểu Truyền kì, một thể loại thịnh hành thời Đường.
Câu chuyện kết cấu theo mạch thẳng của trình tự thời gian, thường bắt đầu giới thiệu thời điểm sự kiện từng bắt đầu xảy ra. Lai lịch của nhân vật được trình bày rõ ràng, sáng sủa ngắn gọn. Tiếp tục là diễn biến cốt truyện theo hành trạng và các mối quan hệ, các sự kiện, chi tiết của nhân vật chính. Kết thúc truyện nhằm giải thích một hiện tượng, một hoạt động thờ cúng, một tập tục hay một dấu tích để lại, một sự ghi nhận phong tặng của triều đình, một hành vi âm phù. Phần kết thường bắt đầu từ hai chữ “Từ đấy…” như kết thúc của truyện cổ dân gian. Nói chung cốt truyện, cấu tạo truyện đã tự do hơn nhiều so với Việt điện u linhcủa Lý Tế Xuyên. Điều đáng lạ là dù truyện mang tên là Lĩnh Nam chích quái (Sưu tập, lượm lặt những sự lạ trong cõi Lĩnh Nam) song hành trình truyện dường như không lấy cái kì ảo cái quái dị hay kinh dị làm mục tiêu mà một ý đồ rõ ràng trái lại: mọi yếu tố được coi là quái lại được trình bày minh bạch và duy lí. Tất cả đều sáng sủa rõ ràng. Nếu ai muốn chờ đợi ở đây một thế giới như Chí quái thời Ngụy Tần Nam Bắc triều, truyền kì đời Đường, Liêu trai chí dị đời Thanh thì sẽ thất vọng. Truyện đọc dễ hiểu. Mọi chi tiết đều sắp xếp có logic giữa nguyên nhân và kết quả, thật đơn giản và mạch lạc, không hướng đến cái kìnhư một mục đích tự thân. Nó là sử trong truyện, là sử hóa các thần thoại và truyền thuyết dân gian. Với những người được đào tạo theo lí thuyết tự sự châu Âu, sẽ không có ai sau khi đọc Lĩnh Nam chích quái mà lại kêu lên rằng là truyện khó hiểu.
Vậy thì kiểu tự sự nào khiến các thế hệ tri thức trung đại ngưỡng vọng nó và khiến chúng ta không khỏi băn khoăn. Một vài tranh luận rằng đó là một tác phẩm sáng tạo của văn học thành văn, rằng đó thuần túy là một sưu tập dân gian; rằng đó là một loại hình đặc biệt của truyện cổ tích bác học kiểu như của Puskin hay Anđecxen ở châu Âu, liệu làm chúng ta hài lòng chưa? Cái đặc sắc của Lĩnh nam chích quái, tầm quan trọng của nó nằm ở đâu?
Chúng ta sẽ bắt đầu bằng những định đề tưởng như bình thường nhưng hết sức quan trọng: Dân tộc và quốc gia là hai phạm trù lịch sử, hai phạm trù văn hóa. Nó nảy sinh trong lịch sử như kết quả phát triển lâu dài của nhân loại cả ở phương diện thực tiễn, cả về phương diện tinh thần. Đến bây giờ, ta có thể vững tin ở sự tồn tại lâu bền của nó cùng nhân loại tương lai. Không một nhà văn hóa nào lại tưởng tượng được không gian văn hóa dân tộc, không gian văn hóa quốc gia một ngày nào đó sẽ mất đi. Sự mất đi của nó sẽ đồng nghĩa với sự tàn lụi của bản sắc văn hóa ở cấp cộng đồng cơ bản nhất. Là một phạm trù lịch sử, tư tưởng độc lập của dân tộc, tư tưởng ái quốc cũng hình thành dần theo thời gian và không ngừng được thức nhận ngày càng sâu sắc, được bồi đắp ngày càng phong phú ngay cả trong thời đại hiện nay. Chặng đầu của kỉ nguyên Đại Việt chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của những tư tưởng đó. Cùng với Việt điện u linh, Đại Việt sử kí toàn thư, Lĩnh Nam chích quái là một tượng đài tinh thần cảu độc lập dân tộc và nó mang tầm quan trọng của một tác phẩm khởi nguyên có giá trị tổng kết lịch sử sâu sắc, và tự phát sáng giá trị của mình. Để hiểu về nó, chúng ta hãy tự đặt mình với tư cách là một trí thức ái quốc trong thực tế lịch sử buổi đầu Đại Việt. Hãy bắt đầu từ Truyện họ Hồng Bàng.
“Hồng – Bàng – Thị”, ba chữ đó đối với chúng ta ngày nay quen thuộc và hiển nhiên như một danh từ riêng chỉ về một thời đại đầu tiên, thời đại cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Một lúc nào đó, chợt chúng ta tự hỏi đó là gì nhỉ? Ai phát hiện ra nó? Hồngchữ Hán so nghĩa là to lớn, cũng có nghĩa là trận lụt lớn bao trùm toàn cầu, đồng nghĩa với hồng thủy (theo Hán – Việt tự điểncủa Thiều Chửu). Bàng chữ Hán có nghĩa là to lớn mênh mông, rộng trùm vũ trụ. Đồng âm với những chữ Bàng chỉ mưa to lụt lớn. Điều gì đã xảy ra khi hai chữ Hồng và Bàng này kết hợp lại để chỉ thời kì khởi nguyên của dân tộc. Không gì khác hơn đó chính là biểu tượng thần thoại phổ biến toàn thế giới: Vũ trụ Khaox: Vũ trụ khởi nguyên mênh mông mù mịt và hỗn mang, bắt đầu của mọi bắt đầu. Ở các cộng đồng khác nhau trên thế giới, ở các cộng đồng khác nhau trong khối Bách Việt, phía nam Dương Tử, đều có biểu tượng này, nằm dưới cách diễn đạt vừa trực quan sinh động vừa khái quát. Mọi thần thoại đều hướng về hỗn mang theo tư duy suy nguyên. Mọi lịch sử đều bắt đầu bằng thần thoại. Trước mắt các trí thức Lý – Trần là kho tàng thần thoại phong phú của miền Lĩnh ngoại khác Hán. Trong tim họ là tấm lòng yêu nước thiết tha. Trong óc họ là yêu cầu khái quát lịch sử. Trong tay họ lúc đó là những quy thức từ chương học chữ Hán. Một phát kiến không thể súc tích hơn: ba chữ Hồng – Bàng – Thị. Nó tích lũy như một symbol, một biểu tượng, một phù hiệu cao quý mãi mãi theo trang trọng đầu nguồn lịch sử dân tộc, mà không một thế lực nào từ đó có thể hạ xuống. Trong lòng nó, tích lũy cả một kho tàng thần thoại. Nó chính là phát kiến của Đại Việt, dù là được viết bằng chữ Hán nhưng tuyệt đối là khác Trung Hoa. Một khẩu hiệu vĩnh hằng về độc lập dân tộc. Phát kiến này đã đưa thẳng Đại Việt thành một quốc gia bình đẳng với các quốc gia khác trong khu vực lúc đó. Hồ Chủ tịch cũng nói: “Hồng Bàng là Tổ nước ta”.
Điều đáng nói ở đây là, ba chữ Hồng Bàng thị chắc chắn không phải là một phát ngôn tự sự thông thường ở cấp độ từ vựng. Đây là một kiểu tự sự khác, tự sự trầm tích, tự sự ẩn dụ. Nhận xét nó đơn giản như một tên truyện là một nhận xét thô sơ. Hãy đặt nó trong một hệ thần thoại Mường, Thái, Kinh, Tày và thậm chí là Ê đê, Gia rai, Mơ nông,… thì sẽ thấy rằng, nó đang tự sự với chúng ta những thông tin trầm tích cực kì quan trọng. Và ta hãy thử tiếp tục đọc kiểu tự sự này.
Từ đầu, truyện cho hay: Cháu ba đời của Viêm đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam lấy con gái Vụ Tiên sinh ra Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương tài trí thông minh được Đế Minh yêu mến định trao ngôi báu nhưng vua không nhận, nhường nước cho anh là Đế Nghi. Đế Minh phong cho Kinh Dương Vương làm vua phương Nam, nước gọi là nước Xích Quỷ.
Chúng ta tạm dừng ở đây để xem đoạn văn thông báo những nội dung trầm tích nào. Bắt đầu từ Thần Nông Viêm Đế. Thần Nông là tên chòm sao phương Nam của địa cầu. Trong Ngũ đế Trung Hoa, Thần Nông là đế phương Nam. Thần Nông còn có đế hiệu là Viêm Đế, với nghĩa là đế ở xứ nóng, xứ Mặt Trời. Cội nguồn dân tộc ta là ở phương Nam, xứ nóng, chúng ta là con cháu Mặt Trời. Lại một tích hợp thần thoại khởi nguyên của cư dân phương Nam. Người phương Nam nghĩ gì khi khắc khuôn mặt trống đồng trên bàn xoay: bắt đầu bằng mặt trời và cuộc sống sẽ xoay quanh, sẽ lan tỏa từ mặt trời. Sử thi Mường, Thái kể sau buổi hồng hoang sẽ là gì nếu không là sự ra đời của trời, đất, mặt trời, mặt trăng. Nếu người Việt nói “Vua mặt trời”, người Mường nói “Mặt trời mặt sáng” thì kí tự chữ Hán sẽ là gì nếu không lựa chọn Viêm Đế – Thần Nông. Lại một sự lựa chọn biểu tượng nữa. Chúng ta vốn dân phương Nam, ở đó có Bách Việt mà hai Việt đại biểu trong đó là Việt của Đế Nghi (bắc của phương Nam) và Việt của Kinh Dương Vương (nam của phương Nam). Kinh Dương Vương là vua của đất Kinh đất Dương vùng hồ Động Đình. Vấn đề Đông Nam Á phía nam sông Dương Tử không chỉ bây giờ mới có mà các bậc túc nho đầu thời Đại Việt đã từng đặt ra. Chỉ có điều họ kí tải một cách súc tích dưới dạng biểu tượng mà thôi. Dòng dõi Mặt Trời sẽ sản sinh Mặt Trời. Đế Minh: vị đế của ánh sáng không gì khác hơn là một phân thân của Mặt Trời. Trong một văn hóa, ở cấp độ biểu tượng hoa văn hình học, mặt trời tồn tại dưới nhiều hình vẽ khác nhau thì trong ngôn ngữ (hiện thực trực tiếp của tư duy) cũng vậy (hiện tượng đồng nghĩa thường thấy trong bất cứ ngôn ngữ nào). Đế Minh cũng là Mặt Trời. Đế Minh lấy Vụ Tiên mà sinh ra Kinh Dương Vương. Vụ Tiên là tên chòm sao vẫn gọi là sao Vụ Nữ nằm ngay đỉnh bầu trời Bắc Bộ Việt Nam. Vua lấy Sao để sản sinh ra các bậc kế nghiệp. Ta hãy thử so sánh với sử thi thần thoại người Mường Đẻ đất đẻ nước thì thấy sự trùng hợp lạ lùng. Đó là các chương về lang Cun Cần lấy vợ. Là Lang nên Cun Cần có quyền lấy nhiều vợ. Đầu tiên là nàng Đất nhưng rồi đất lại thành đất, lần hai là nàng Nước nhưng rồi nước thành sương mù, lần ba (quá tam ba bận) là nàng Sao ả Sáng ở tận Mường Trời mới sinh ra Lang Cun Khương nối nghiệp trị vì. Sau đó lang lấy em gái là Dạ Kịt (loạn luân) sinh ra sâu bọ, muỗi vắt. Lại lấy nàng ử Tuội Vạn sinh ra đứa ăn người làm, cuông nhốc. Lần nữa ta lại thấy một thần thoại Việt Mường khác Hán , được tích lũy dưới dạng biểu tượng súc tích. Tên riêng đâu chỉ là tên riêng của sự thông thường. Hôn nhân Đế Minh – Vụ Tiên sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, con của Đế Lai là chú lấy cháu. Một vụ án loạn luân trong sử kí trung đại Việt Nam không ngừng được dị nghị. Song đây cũng là một biểu tượng thần thoại, phổ biến thế giới và phổ biến vùng Bách Việt, mà sử thi Mường cũng như truyện Quả bầu mẹ phổ biến vùng này là một minh chứng. Trong sự hồ nghi của tư tưởng Nho giáo, chúng ta lại gặp một kiểu phản ánh ẩn dụ của câu chuyện. Cuối cùng là bọc trăm trứng, một biểu tượng quen thuộc như quả bầu (Thái), trứng chim (Mường), bọc thịt (Mèo) sản sinh ra con người. Chưa kể tên riêng Lạc Long Quân (Rắn, Vua Khú của người Mường), Âu Cơ (chim của Mường, tôtem trên trống đồng) v.v… ta thấy lại trong một tự sự ngắn gọn, rất ít chữ, hàm chứa trong đó một kho tàng thần thoại phương Nam phong phú. Câu chuyện đã vượt hẳn khỏi lí thuyết tự sự thông thường. Không một quy thức tự sự nào lại thúc bách người sáng tạo văn chương phải dồn nén đến nhường vậy. Trong một dung lượng chật hẹp số chữ, tầng tầng lớp lớp những biểu tượng thần thoại, biểu tượng văn hóa. Nếu xếp thể loại cho câu chuyện này, mọi lí lẽ sẽ có nguy cơ phiến diện, thô sơ. Tác giả không chỉ là người sáng tác nghệ thuật ngôn từ. Trường hợp đặc biệt của lịch sử biến họ thành những người luyện đan. Sản phẩm của họ sẽ trường tồn và luôn luôn kêu gọi sự khám phá vì trong đó còn nhiều quy luật sáng tạo chưa được phát hiện.
Đưa ra một truyện là để minh họa, nhưng không chỉ một Hồng Bàng thị mà thôi. Ta thử tiếp cận một truyện ở quyển II: Truyện thần núi Tản Viên. Câu chuyện là sự tích hợp cả một hệ thống thần thoại, truyện cổ tích, truyền thuyết trên một địa bàn văn hóa rộng lớn xung quanh núi Tản Viên, Tam Đảo, Hi Cương. Những sưu tầm hồi cố văn học dân gian trên các tỉnh Vĩnh Phú, Hà Tây, Hòa Bình trước đây cho ta sự phong phú kì lạ của các dị bản, biến thể câu chuyện này. Ngay theo dõi các dị bản của LĩnhNam chích quái cũng cho ta thấy điều đó. Có hai cốt lõi thần thoại chủ yếu của câu chuyện: thần thoại về thần núi Ba Vì và thần thoại giải thích nạn lụt định kì trên không gian vùng quanh chân núi. Người Mường, cư dân chủ thể vùng chân núi Ba Vì trước đây, dù cho đã di chuyển đi các nơi vẫn thường nhờ thần Tản Viên làm Thành hoàng. Giáo sư Nguyễn Từ Chi, nhà nghiên cứu Mường số một của Việt Nam, qua thời kì lâu dài điều tra dân tộc học, cung cấp cho chúng ta hai cốt truyện cơ bản:
– Cốt truyện giải thích nạn lũ lụt định kì: Bên cạnh thế giới Đất (Mường Bằng) của người ở, có thế giới Nước của Long Vương. Long Vương (còn gọi là Vua Khú) là một loại rắn lớn có mào đỏ. Tuy là hai thế giới nhưng vẫn có quan hệ giao lưu. Công tử con Vua Khú thường biến thành các chàng trai tuấn tú lên hỏi vợ ở Mường Bằng. Mỗi năm một lần, mỗi khi đưa đồ sính lễ là dâng nước lên tận sàn nhà của dân. Có nạn lụt là vì thế.
– Cốt truyện trực tiếp liên quan đến Thành hoàng là Tản Viên: Tản Viên là con Bố Trượng (một nhân vật làm nhiệm vụ cúng vía, chữa bệnh trong xã hội Mường trước đây). Bố Trượng xuống Long cung chữa bệnh cho Vua Khú. Chữa được bệnh, được Vua Khú tặng con dao ước với lời dặn bao giờ chết sẽ phải trả lại. Có dao ước (vật báu) Bố Trượng trở nên giàu có. Khi chết, Tản Viên chôn cất bố và chôn luôn cả con dao ước, vì Bố Trượng không dặn lại. Vua Khú cho người lên hỏi không được liền dâng nước để đòi vật quý. Dâng gần đến đỉnh Ba Vì thì không dâng thêm được đành rút nước. Tuy vậy, hằng năm vẫn dâng nước làm lụt để đòi dao.
Những sưu tầm khác trên địa bàn người Kinh ở Hà Tây, Vĩnh Phúc (trước đây) có nhiều chi tiết tương đồng (dao ước, gậy thần, sách ước, cứu rắn, chữa bệnh, hôn nhân v.v…). Trong các bản Lĩnh Nam chích quái muộn, các chi tiết này vẫn xuất nhập (Tân đính Lĩnh Nam chích quái).
Điều đáng nói ở đây là, trong truyện của người Mường, không xuất hiện vua Hùng, Âu Cơ, Mị Nương, vua Thục cũng như tên các con sông, các địa danh thời Đại Việt. Một tích tụ thần thoại với Lĩnh Nam chích quái cho ta những thông tin quan trọng về việc khẳng định, việc nhận thức về cội nguồn dân tộc, về địa bàn quốc gia thời đó. Ở đây, thần thoại đã được cải biến trước một nhu cầu nhận thức, nhu cầu tư tưởng mới. Tuy nhiên trong cốt lõi của nó vẫn giữ được những biểu tượng cơ bản nhất theo kiểu tự sự trầm tích.
Sự phân chia Việt – Mường và các tộc người khác chắc chắn đã rõ nét vào đầu thời Đại Việt. Cũng theo một dị bản Lĩnh Namchích quái ghi lại, cư dân vùng Tản Viên sơn là người “Bạch Y Man” (Man áo trắng). Vấn đề là tại sao các tác giả thời đó lại vượt qua kì thị, gộp thần Tản Viên vào điện thờ Đại Việt. Và Tản Viên có vai trò như thế nào với tư cách là một biểu tượng trong lịch sử cội nguồn. Địa linh nhân kiệt. Một quốc gia độc lập, có truyền thống thì phải có sông núi linh thiêng. Trung Hoa có Thái Sơn, Ngũ Nhạc. Nhật Bản có Đại Phú Sĩ thì Đại Việt đã lựa chọn Tản Viên sơn, phía Tây kinh thành làm tổ sơn, chứa đựng “linh khí phương Nam, vượng khí… sao có thể diệt được” như lời từ miệng nhân vật Cao Biền. Tản Viên sơn trở thành đệ nhất linh sơn của cõi Lĩnh Nam. Thần Tản Viên vốn được cư dân bản địa thờ cúng đã được nhận thức như dòng dõi của Lạc Long Quân – Âu Cơ về biển rồi lại lên núi. Cuộc hội tụ dân tộc để làm nên Đại Việt hôm nay. Chỉ có thể nói rằng, cùng với xu hướng độc lập dân tộc, các trí thức Lý – Trần – Lê qua kinh nghiệm điền dã dân gian, đã có những dự báo thiên tài về vấn đề Việt Mường chung, không đợi đến bộ môn dân tộc học hiện đại. Ngụ ngôn của lịch sử nằm trong trầm tích Lĩnh Nam chích quái là vậy. Đây lại cũng là điều, với mặt bằng tự sự hiển minh qua văn bản, chúng ta khó lòng mà nhận ra nếu không so sánh văn hóa.
Hai câu chuyện trên chỉ là ví dụ, với những Truyện trầu cau, Truyện Man Nương, Truyện Mộc Tinh, Truyện Ngư Tinh, Truyện Hồ Tinh… Chúng ta đều gặp kiểu tự sự trầm tích này. Mỗi câu chuyện là một diễn ngôn lịch sử cần đến một luận văn nghiêm túc để tiếp cận được nó. Quan sát Lĩnh Nam chích quái chỉ dựa vào mặt bằng (thời gian và không gian) văn bản thì sẽ khó lòng lí giải, hiểu biết thấu đáo nó.
V. KẾT LUẬN
Giới thiệu Lĩnh Nam chích quái trong dòng chảy của văn xuôi Việt Nam, chúng tôi đã không đi theo con đường quen thuộc mà nhiều nàh nghiên cứu đã làm. Nếu các bạn hi vọng đọc ở đây những thông tin quen thuộc của thao tác văn học sử như: xác định và giới thiệu văn bản, vấn đề tác giả, vấn đề xác định thể loại, vấn đề nội dung phản ánh và hình thức nghệ thuật… thì sẽ không thỏa mãn. Tuy nhiên, cái tối thiểu phải có là phải định vị được tác phẩm trong tiến trình tự sự Việt Nam. Câu trả lời của chúng tôi là:
Bằng sự quan sát số phận, tư tưởng, cấu tạo, nội dung và nghệ thuật (ở mức độ gợi mở) của tác phẩm, chúng tôi đi đến một số nhận xét như sau:
1. Lĩnh Nam chích quái có một vị trí đặc biệt trong tiến trình văn xuôi Việt Nam. Tuy ra đời sau (có thể thôi!) Báo cực truyện(thất truyền), Ngoại sử kí (Đỗ Thiện – thất truyền) và Việt điện u linh (Lý Tế Xương – 1329) nhưng vẫn trong cùng một khung cảnh lớn của buổi đầu kỉ nguyên Đại Việt, với những định hướng tư tưởng tương đồng trên một thực tiễn xây dựng và bảo vệ quốc gia phong kiến độc lập, điều đặc biệt của Lĩnh Nam chích quái là lần đầu tiên phải xây dựng một quốc thống đến tận thời hồng hoang của lịch sử, và nó đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng này qua con đường tổng kết huyền tích, thần thoại cho các bộ lịch sử đời sau. Những tri thức về cội nguồn dân tộc mà Lĩnh Nam chích quái phát ngôn dù mang hạn chế lịch sử nhưng cũng chứa đựng những cốt lõi lịch sử (vấn đề Đông Nam Á, vấn đề Việt – Mường chung, vấn đề đoàn kết tộc người trong không gian Đại Việt…) mà ngày nay vẫn cần khám phá, vẫn là vấn đề thời sự. Đọc kĩ ở đây, chúng ta nhận ra một chất lượng tư duy đặc biệt siêu phàm của các tri thức nho học ái quốc thời Lý – Trần – Lê. Một thái độ đúng trước Lĩnh Nam chích quái hãy là một thái độ trân trọng, cầu thị để mong hiểu biết nó hơn.
2. Lĩnh Nam chích quái có một tính chất đặc biệt, đó là khả năng trường tồn và khả năng tạo sinh mãnh liệt. Điều này chỉ có ở những tác phẩm có giá trị mới có. Với những tác phẩm tầm thường, chắc chắn sẽ đơn độc mà tàn lụi. Còn Lĩnh Nam chích quáithì không thế. Tình trạng dị bản của tác phẩm không nên chỉ quan sát dưới góc độ tiêu cực của quá trình ấn loát và lưu hành mà hãy lí giải sức sống của chính nó. Những người chăm sóc, gìn giữ, tu bổ cho tác phẩm không phải vì vinh danh, vì hiếu cổ mà đó là những người thiết tha với văn hóa, với dân tộc. Lĩnh Nam chích quái là tác phẩm có khả năng quy tụ nhân tâm, những nhân tâm có trách nhiệm với sự tồn vong của đất nước này.
3. Lĩnh Nam chích quái là một kiểu tự sự đặc biệt mà không phải tác phẩm văn xuôi nào cũng có. Một số học giả trước đây từng đề cập tới kiểu, chất văn xuôi, tự sự nghệ thuật của tác phẩm. Đinh Gia Khánh, người có công trình chuyên khảo đầu tiên vềLĩnh Nam chích quái, cũng là người đầu tiên viết trong một tập văn học sử: “ Văn Lĩnh Nam chích quái không chỉ ghi chép sự tích như Việt điện u linh, Thiền tuyển tập anh, Tam tổ thực lục, Nam ông mộng lục. Các soạn giả nhiều khi đã dùng ngòi bút sáng tác để tăng chất lượng văn học của các sự tích… Cảm xúc văn học và tài năng nghệ thuật nhiều khi đã đưa các soạn gia ra khỏi phạm vi ghi chép. Lĩnh Nam chích quái là một bước quá độ từ chỗ ghi chép thần tích, sự tích như Việt điện u linh sang chỗ phóng tác như Thánh Tông di thảo, Truyền kì mạn lục. Trên bước tiến ấy, Lĩnh Nam chích quái đã có đóng góp cho văn học những hình tượng nhân vật đẹp, những hình thức diễn đạt hay”. Nguyễn Đăng Na thì lại xem Lĩnh Nam chích quái phần lớn là truyện có tính chất truyền thuyết, tác phẩm là một sưu tập truyện dân gian, nên vừa chưa tách khỏi văn học dân gian, vừa có vị thế mở đầu cho sự phát triển của văn xuôi tự sự trung đại từ cội nguồn tự sự dân gian… Các kiến giải khoa học xác đáng trên đây đều có thể chấp nhận. Song, hơn thế, hãy quan sát tập truyện qua giác độ thi pháp đặc trưng thể loại, thì thấy Lĩnh Nam chích quái sử dụng ngôn ngữ và thể loại chí quái, truyền kì để sáng tạo nhưng không khai thác công năng nghệ thuật của các thể loại đó mà tựa hồ như mượn phương tiện, đơn giản hóa phương tiện để chuyển tải một nội dung cấp thiết và quan trọng hơn. Ở phương diện văn học thành văn, trường hợp Lĩnh Nam chích quái, nội dung lấn át hoàn toàn hình thức. Cái quái, cái kì không phải là mục đích của nó. Lĩnh Nam chích quái sưu tầm văn học dân gian nhưng không là bản ghi lại câu chuyện vốn có của dân gian. Nó chưng cất, nhào luyện một khối lượng lớn tư liệu điền dã (rất nhiều chi tiết dân tộc học quý giá được lưu giữ trong tác phẩm thể hiện điều đó) để sáng tạo ra các biểu tượng của mình. Mượn vỏ Hán ngữ mà khác Hán, có nội dung tương đồng dân gian nhưng không chỉ là ghi chép sưu tầm. Chúng tôi tạm gọi là kiểu tự sự trầm tích dẫu biết rằng còn rất phiến diện nếu yêu cầu chỉ ra bản nguyên của nó.
4. Với những điều đặc biệt nói trên, ta thấy Lĩnh Nam chích quái tồn tại như một hiện tượng hi hữu, độc nhất vô nhị trong văn học trung đại. Trên mặt bằng hiển minh của văn bản, nhiều nhà nghiên cứu có thế xếp loại nó cùng một tập hợp các tác phẩm tương đồng này khác. Điều đó có thể chấp nhận được. Tuy nhiên Lĩnh Nam chích quái vẫn nhô vượt như một tác phẩm độc đáo, có một không hai.
Vượt qua chức năng một tác phẩm văn chương, một lần nữa chúng ta hãy quan sát Lĩnh Nam chích quái như một tượng đài văn hóa tinh thần cổ kính, thiêng liêng và kì diệu. Lĩnh nam chích quái dạy chúng ta lòng yêu nước, yêu truyền thống dân tộc, yêu văn hóa mà nhân dân sáng tạo ra trong trường kì lịch sử.
Nguyễn Hùng Vỹ
Bài đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu văn học, số VIII năm 2006, trang 98-112