ÁNG VĂN HAYHồi ký

Lời đề tựa Nam Ông mộng lục

“Nam Ông mộng lục” là tác phẩm của Hồ Nguyên Trừng (1374-1446), con trai cả của Hồ Qúy Ly, viết khi bị bắt sang Trung Quốc và được phong làm quan. Mặc dù được sống trong vinh hoa phú quý nhưng Hồ Nguyên Trừng vẫn tưởng nhớ về một thời vàng son xưa kia ở nước Nam. Dưới đây là hai lời tựa sách, một của Hồ Nguyên Trừng, một của Hồ Huỳnh – một người bạn làm quan với ông khi ông ở Trung Quốc.


Luận ngữ có câu “Trong một cái ấp mười nhà, tất có người trung tín như Khâu này vậy”, huống gì Giao Nam nhân vật phồn thịnh, chẳng lẽ vì là nơi xa xôi mà vội cho rằng không có nhân tài ? Người xưa, lời nói , việc làm, ghi chép, có nhiều điều khả thủ, nhưng qua cơn binh lửa, sách vở cháy sạch, thành ra bị mất mát không được nghe lại, chẳng đáng tiếc lắm sao ? Nghĩ tới điều này, [tôi bèn] tìm ghi việc cũ, thất lạc gần hết, trong trăm phần chỉ còn được một hai ; góp lại thành sách, tên là Nam Ông mộng lục, phòng khi có người xem tới ; một là để biểu dương việc thiện nhỏ của tiền nhân, một là để cung cấp chuyện quái dị cho quân tử , tuy chỉ là tầm thường trong tiểu thuyết, nhưng cũng để góp vui lúc yến đàm.

Hoặc hỏi tôi rằng “Những người ngài ghi, đều là kẻ thiện, vậy thì bình sinh nghe thấy lại không có chuyện bất thiện ư ?” Tôi trả lời rằng “Chuyện thiện, tôi vốn thích nghe, nên mới ghi được, bất thiện không phải không có, chẳng qua không nhớ được thôi”. Lại hỏi “Lấy tên là mộng, ý nghĩa ở đâu ?” Trả lời “Nhân vật trong này, trước rất phồn hoa, đời thay việc đổi, dấu xưa không còn, còn mỗi một người biết chuyện mà thôi, không phải mộng là gì ? Đạt nhân quân tử có hiểu cho không ? Nam Ông, tên tự của Trừng vậy”,

Ngày Trùng Cửu, năm Mậu Ngọ, niên hiệu Chính Thống thứ ba (1438).
Chính nghị Đại phu, Tư Trị doãn, Công bộ Tả Thị lang, Giao Nam Lê Trừng Mạnh Nguyên đề tựa.


Kìa trời sao tỏa sáng, mây ráng phô màu, văn của trời đó ; núi non bủa vây, cỏ cây hoa trái, văn của đất đó ; danh vật điển chương, lễ nhạc giáo hóa, văn của người đó. Khắp trong trời đất, có biết bao nhiêu nước, không đâu không có nền văn minh. Nay Công bộ Tả Thị lang Giao Nam Lê công Trừng tự Mạnh Nguyên, tư tính thông minh, tài học hơn người, với tôi có giao hiếu đồng triều. Mới rồi đem Nam Ông mộng lục một cuốn cho xem, lại nhờ dùng lời viết tựa.

Tôi xem một lượt, biết Nam Ông là tự hiệu của Mạnh Nguyên, dùng đó để viết văn, ngắn gọn mà nghiêm cẩn, cao nhã mà hòa hợp, theo tình kể việc, lấy ý đặt lời, thú vị thiết thực, lại không quên thứ bậc vua tôi, làm rõ được ý tứ luân thường, nêu lên chỗ sâu xa của tính mệnh đạo thuật, ghi chép con đường hưng phế của nhà nước. Đến như ca ngợi tiết nghĩa thì cảm khái bừng bừng, có thể lấy đó mà uốn nắn phong tục ; biểu dương thuật tác thì siêu thoát thanh tân, có thể lấy đó mà nuôi dưỡng tính tình. Với câu sau, Mạnh Nguyên kể lại phúc trạch của tổ tiên ông hun đúc cho hậu duệ “ra tự hang núi, dời đến cây cao[1], sinh cùng thời thánh, tắm gội nhân Nghiêu nên có chuyện kì ngộ này”, tôi hiểu được tâm ấy của Mạnh Nguyên, đó là dấu tích lạ của một phương, nay được phô trương ở trung hạ, nổi danh khắp quận ấp, hoặc giả thanh danh còn để lại tới hạu thế. Nếu không được thánh triều sủng nhiệm, cho làm Á khanh thì những ghi chép trong sách này sẽ mai một ở chốn hoang xa, không ai nghe đến. Nay nhờ tri ngộ, sách sẽ được lưu truyền bất hủ, há chẳng phải là dịp may lớn trước nguy cơ mai một đó sao ? Nhân vì đánh giá cao việc biểu dương cái thiện, dốc lòng vào nhân hậu của ông nên tôi đã không chối từ, viết vài lời vào đầu thiên sách vậy.

Ngày rằm tháng mười, năm Canh Thân, niên hiệu Chính Thống thứ năm (1440).
Tư đức Đại phu, Chính trị Thượng khanh, Lễ bộ Thượng thư, Hồ Huỳnh người ở Tì Lăng, đề tựa.

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *