Lương Châu từ – Bài thơ phản chiến thời Thịnh Đường
Lương Châu là địa danh cổ ở Tây vực, một trong 13 Thứ sử bộ đời Hán, nay thuộc thành phố Vũ Uy tỉnh Cam Túc, đất này xưa là trọng địa biên tái, nơi triều đình Trung Hoa tranh giành cát cứ với các thế lực Tây Nhung, Hung Nô, Thổ Phồn.
Còn “Lương Châu từ” là tên khúc nhạc phủ đời Đường, phỏng theo điệu hát vùng Lương Châu. Thơ Đường có nhiều bài làm theo điệu này, nhưng lừng danh kiệt tác vẫn là Lương Châu từ (Bài 1) của Vương Hàn[1].
Vương Hàn tự Tử Vũ, người đất Tấn Dương (nay thuộc thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây), không rõ năm sinh năm mất. Thi đỗ tiến sĩ vào năm Cảnh Vân nguyên niên (710) đời Đường Duệ tôn. Trưởng sử Tịnh châu là Trương Huệ Trinh hâm mộ tài Hàn, đề bạt ông làm Huyện úy Xương Nhạc (nay thuộc thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông). Năm Khai Nguyên thứ 9 (721), Trương Duyệt – một người hâm mộ khác – khi lên làm Tể tướng đã triệu Hàn về làm Bí thư Chính tự, để giúp mình trong việc thư tịch.
Vương Hàn con nhà giàu có, tính tình hào phóng phong lưu, trong nhà nhiều ngựa quý, có nuôi cả ban kỹ nhạc. Hàn thường khi uống rượu vui chơi vẫn tự sánh mình với bậc vương hầu, thành thử bị nhiều người đố kỵ. Năm 726, Trương Duyệt thất sủng, phải giáng làm Trưởng sử Nhữ Châu, Vương Hàn cũng liên lụy, bị đổi ra Tiên Châu (nay thuộc huyện Tây Phong tỉnh Liêu Ninh) làm chức nhàn quan hữu danh vô thực là Biệt giá. Sau ông lại bị biếm ra Đạo Châu (nay thuộc huyện Đạo, tỉnh Hồ Nam) làm Tư mã – chức nhàn quan khác. Ông mất vào khoảng niên hiệu Khai Nguyên (713-741) đời Đường Huyền tôn, lúc đang trên đường trấn nhậm Đạo Châu.
Vương Hàn tính tình cuồng phóng, lại thêm hoạn lộ gập ghềnh bất như ý, từ đó hun đúc nên tài thơ ông. Thơ Hàn gân guốc cứng cỏi nhưng dạt dào tình cảm, là thi nhân đứng đầu trường thơ biên tái Thịnh Đường. Với “Lương Châu từ”, Hàn được Trương Duyệt tôn làm quỳnh lâm ngọc thụ trên thi đàn. Bà mẹ của Đỗ Hoa 杜華, một danh sĩ đương thời, cũng tán thán: “Nghe nói Mạnh mẫu phải ba phen dời nhà, còn tôi được làm láng giềng với nhà Vương Hàn thật đã thỏa nguyện”.
Vương Hàn để lại 10 tập thơ, đến đời Tống thất lạc cả, nay chỉ còn lại 13 bài trong bộ “Toàn Đường thi”, trong đó, Lương Châu từ (bài 1) là tuyệt phẩm[2].
《涼州詞》 王翰 LƯƠNG CHÂU TỪ – Vương Hàn
葡萄美酒夜光杯 Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
欲飲琵琶馬上催 Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
醉臥沙場君莫笑 Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
古來征戰幾人回 Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi
(Rượu bồ đào [rượu nho] đựng trong chén ngọc dạ quang
Đương tính nhắp, thì tiếng đàn tỳ bà đã giục ngựa lên đường
Lỡ có say nằm lăn quay giữa sa trường, xin người đời cũng chớ cười
Xưa nay chinh chiến, có mấy ai về)
Rượu bồ đào, ngọc dạ quang là đặc sản Tây Vực. Đàn tỳ bà cũng xuất xứ ở Tây Vực, được Hung Nô dùng làm hiệu lệnh trong quân. Hai câu đầu mở ra bữa rượu tưng bừng, giữa khung cảnh thê lương ngoài biên ải. Chất hào hoa pha lẫn kiêu bạc khiến lòng người sảng khoái. Hai chữ “dục ẩm” (định uống) càng làm tăng nhiệt náo cho tiệc rượu, nhưng cái thần câu thơ lại nằm ở hai chữ “mã thượng” (trên ngựa). Trên ngựa, tức đã chực ra roi xông trận đến nơi, nhưng cứ dùng dằng đi không đành vì chén rượu đang mời gọi, vậy mà tiếng tỳ bà nhè lúc đó cứ giục giã trêu gan.
Ở câu 2, có thử đọc ngắt nhịp 2-5 (Dục ẩm/ tỳ bà mã thượng thôi), mới thấy hết tình thế gay cấn đang bày ra. Gay cấn, không phải vì ngựa hý quân reo, mà vì chén rượu đang quyến dụ, hào tình này say mấy cho vừa. Tôi ngờ lắm, rằng sau này hai chữ “mã thượng” 馬上 trong văn bạch thoại có được cái nghĩa “lập tức”, “ngay tức khắc” là khởi từ câu thơ này của Vương Hàn!
Sang đến hai câu cuối là cực tả cơn thống khoái của chinh nhân: đã không chút ngần ngừ, bỏ quân lệnh ngoài tai, để uống nốt chén rượu trọn tình với bạn bè. Uống với nhau một lần này, rồi có khi người ra trận sẽ mãi mãi không về. Hai câu thơ tưởng chừng khinh bạc xem thường sinh tử, nhưng lại chất chứa vô hạn bi thương, phơi bày sự tàn nhẫn của chiến tranh.
Chỉ bốn câu thơ tả một tiệc rượu, nhưng lại bao quát toàn cảnh khốc liệt nơi biên địa, cùng sinh hoạt căng thẳng của người lính nơi tuyến đầu. Nơi biên tái dễ mấy dịp được cùng nhau gầy cuộc rượu, nhưng rượu vừa rót ra liền đã thành chén ly biệt khó mong ngày gặp lại.
Một câu đầu “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi” mở ra vẻ tươi vui, không chỉ bằng màu sắc sáng rỡ, mà còn bằng cả mùi vị của rượu ngon bốc lên ngạt ngào hưng phấn. Câu hai bắt đầu bằng hai chữ “dục ẩm” kích thích cơn thèm thuồng được say lần chót trong đời, chen thêm vào đó là tiếng tỳ bà dồn dập.
Nếu hai câu đầu tả việc, thì hai câu sau chuyển sang tả tình, lựa chọn giờ đã dứt khoát: cứ uống với nhau đã, mặc sau đó ra sao thì ra, kệ bà nó đi! Hào tình thì vạn trượng, mà bi thương cũng cực điểm. Lời mời rượu cũng là lời giã biệt. Bốn chữ “túy ngọa sa trường” có khí hào hùng xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, nhưng lại đè nặng, ám ảnh khắp vùng chiến địa.
Tiết tấu bài thơ dồn dập, đang rộn rã hào hoa thoắt đã máu xương rên siết. Tình tự bi hùng khiến người đọc ngàn năm sau vẫn phải bồi hồi.
Một bài thơ miêu tả sinh hoạt người lính nơi trận mạc, với tình cảnh gay cấn, không phải vì nguy hiểm rình rập từ hòn tên mũi đạn, mà bởi một chén rượu bồ đào. Người lính đã mở lòng với bạn, cùng nhau tận hưởng sum vầy lần cuối. Trong ba chữ “quân mạc tiếu” uẩn tàng tiếng khóc thầm lặng cho một kiếp người.
Bài này của Vương Hàn là thơ phản chiến. Ông ca tụng can trường người lính chiến, nhưng cũng là nhỏ lệ khóc thương họ. Đã bao nhiêu “chiến sĩ anh hùng lạnh lùng vung gươm ra sa trường”[3] những mong kiến công lập nghiệp, để rồi mãi mãi nằm lại ngoài biên ải!
Trường thơ biên tái thời Đường có những tên tuổi lớn: Dương Quýnh, Trần Tử Ngang, Đỗ Thẩm Ngôn, Lục Du, Vương Xương Linh, Sầm Tham, Lý Hạ v.v… “Lương Châu từ” của Vương Hàn chiếm ngôi đầu bảng trong tất cả thơ biên tái các nhà đó, vì đây là khúc bi ca vinh danh người tử sĩ, một đài tưởng niệm sừng sững bất chấp thời gian lẫn không gian.
_______
[1] Lương Châu từ (bài 2) của Vương Hàn:
秦中花鳥已應闌 Tần trung hoa điểu dĩ ưng lan
塞外風沙猶自寒 Tái ngoại phong sa do tự hàn
夜聽胡笳折楊柳 Dạ thính Hồ già chiết dương liễu
教人意氣憶長安 Giao nhân ý khí ức Trường An
(Trong đất Tần, hoa sắp tàn, chim bay đi gần hết
Ngoài quan ải gió cát vẫn lạnh lẽo
Đêm nghe tiếng kèn lá của người Hồ thổi khúc “bẻ liễu”
Làm người ta phải nhớ về Trường An)
[“Chiết dương liễu”: người xưa khi ly biệt thường bẻ cành liễu tặng nhau để tỏ tình lưu luyến, vì trong Hán ngữ, chữ Liễu 柳 với Lưu 留 đồng âm].
Hai câu thơ nổi tiếng của Quang Dũng trong Bài ca Tây tiến: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” phảng phất ý thơ bài này của Vương Hàn.
[2] Vương Chi Hoán, tác giả “Đăng Quán Tước lâu” có làm một bài Lương Châu từ, nhưng kém hơn bài của Vương Hàn mấy bậc:
出塞《涼州詞》 XUẤT TÁI (Lương Châu từ)
黃河遠上白雲間 Hoàng hà viễn thướng bạch vân gian
一片孤城萬仞山 Nhất phiến cô thành vạn nhận san
羌笛何須怨楊柳 Khương địch hà tu oán dương liễu
春風不度玉門關 Xuân phong bất độ Ngọc môn quan
(RA NƠI HIỂM YẾU
Hoàng hà phía xa lên đến giữa chừng mây trắng
Một mảnh thành cô quạnh, núi cao vạn trượng
Tiếng sáo Khương cần chi thổi khúc Dương liễu
Gió xuân không qua khỏi được ải Ngọc môn)
Nhận 仞 là đơn vị đo lường cổ, chừng 7, 8 tấc. “Khương” tức Tây Nhung 西戎, tộc du mục thời cổ. “Dương liễu” tức khúc “Chiết dương liễu”. Ngọc môn quan là cửa ải hiểm yếu, địa đầu Tây vực.
[3] Lời trong ca khúc “Chiến sĩ Việt Nam” của Văn Cao.
Vinhhuy Le