NGHIÊN CỨU VĂN HỌC PHẢI TRỞ THÀNH KHOA HỌC
Y. Lotman
Lời người dịch: Y.M. Lotman công bố tiểu luận này trên tạp chí “Những vấn đề văn học”, số 1, năm 1967. Đọc lại tiểu luận của ông, tôi chua chát nhận ra các bậc tiên khu, đi trước mở đường trong khoa học nhân văn đã phải trải qua khốn khó thế nào trên “thiên đường mặt đất”, giữa môi trường phản tri thức, nơi nhan nhản các nhà khoa học “tự mãn”, tin chân lí đã được phát hiện, cẩm nang đã sẵn trong tay, ai cũng có thể trở thành nhà nghiên cứu văn học. Tôi nghĩ, dẫu đã ra đời tròn nửa thế kỉ, ở ta, tiểu luận của Lotman vẫn giữ nguyên tính thời sự của nó. Tôi dịch tiểu luận này vì lí do như thế.
Lã Nguyên
***
Bài báo Chả lẽ có thi pháp học cấu trúc? của V. Kozhinov không phải là bài đầu tiên mà những người phản đối chủ nghĩa cấu trúc viết về vấn đề này. Thời gian gần đây, giọng điệu và cách thức buộc tội dành cho các tác giả vận dụng phương pháp thống kê và phương pháp cấu trúc trong khoa học xã hội – nhân văn đã có sự thay đổi đáng kể. Khi phát động cuộc luận chiến, L. Timofeev nói về chủ nghĩa cấu trúc như là sự hồi sinh bất ngờ của “chủ nghĩa hình thức”, là sự lặp lại một giai đoạn đã bỏ qua của khoa học. Từ quan điểm như thế rõ ràng là người ta chẳng cần tranh luận làm gì, chỉ cần nhắc để các đồng nghiệp đãng trí nhớ lại những gì “đã bị kết án”, thế là đủ. Trong bài Về chủ nghĩa cấu trúc trong nghiên cứu văn học, P. Palievski quyết ra đòn tấn công chủ nghĩa cấu trúc. Nhưng kết cục thật lạ lùng, định tấn công chủ nghĩa cấu trúc, vô tình P. Palievski đặt mình trước một địch thủ khác – ông tuyên chiến với chính khoa học, vì cái mà ông phê phán không phải là đặc trưng của chủ nghĩa cấu trúc, mà là đặc trưng của tư duy khoa học nói chung. Chẳng hạn, khi chỉ ra sự thật, rằng nghiên cứu văn học là bức tranh kì lạ về một thứ khoa học thiếu hẳn hệ thống thuật ngữ (những từ không được giới thuyết, không được sự đồng thuận chung không phải là thuật ngữ), ông ấy chẳng thấy ái ngại, mà tỏ ra đắc chí, không xem đó là khiếm khuyết, mà nghĩ đó là đặc trưng: “Ai cũng biết rõ, nghiên cứu văn học từng tồn tại hơn hai nghìn năm, cho đến nay, nó đã có thống thuật ngữ rõ ràng đâu!”. Bất giác, ta nhớ tới lời của A.K. Tolstoi:
Vì chúng ta vẫn còn quá trẻ
Mới già năm nghìn tuổi mà thôi
Nên chúng ta chưa biết thế nào là lề lối
Nên chúng ta đã có nề nếp gì đâu.
Phê phán nỗ lực “nắm bắt cái không thể năm bắt”, “gạn chắt cái không thể gạn chắt”, P. Palievski chứng minh (giá mà chứng minh được!) mỗi một chuyện: tư duy khoa học không thể ứng dụng vào nghiên cứu nghệ thuật. Thôi thì, đó cũng là một quan điểm. Nhưng chủ nghĩa cấu trúc liên quan gì tới chỗ này?
Bài của V. Kozhinov khá hơn và khác hẳn những bài như thế: tác giả muốn tìm hiểu quan điểm của những người mà ông tranh luận. Chẳng hạn, nếu cách đây chưa lâu, ông cho rằng một số tư tưởng cơ bản của Ferdinand de Sausure là “phức tạp và đáng ngờ”, thì bây giờ ông viết: “Không ai nghi ngờ Saussure là nhà ngôn ngữ học vĩ đại, chính ông đã mở ra một kỉ nguyên hoàn toàn mới mẻ trong lịch sử ngôn ngữ học” (105). Nếu trong bài Lời như là hình thức của hình tượng, V. Kozhinov cào bằng tắp lự cấu trúc luận với hình thức luận, thì bây giờ ông tỏ ra bao dung, rộng lượng: “Tôi không hề nghĩ rằng chẳng nên cố sức tạo ra thi pháp học cấu trúc. Thậm chí, tôi sẽ nói, nếu những người ủng hộ thi pháp học cấu trúc quyết định từ bỏ ý đồ của mình, thì tôi sẽ can ngăn họ” (107). Quả thật, sự bao dung này gây cho ta ấn tượng khá lạ lùng. Quan điểm của Kozhinov là thế này: “Tất cả những cái đó đều không đúng, nhưng để “các khuynh hướng khác nhau được tranh đua”, có thể cho phép làm những việc như vậy”. Nhưng trong tranh luận khoa học (mà có đúng là chúng ta đang tranh luận khoa học không?), sự “cho phép” tự nó không phải là tranh luận. Quyền cho, hay không cho phép quyết định quan điểm nghiên cứu không phù hợp với những người tham gia tranh luận, mà ở đây thì lại đang nói một chuyện hoàn toàn khác: các công trình nghiên cứu văn học theo hướng kí hiệu học cấu trúc liệu có mở ra những triển vọng khoa học mới mẻ không? V. Kozhinov nói – không, chúng tôi bảo – có. Chúng ta sẽ phân tích lập luận của ông ấy.
Để bác bỏ phương pháp kí hiệu học, V. Kozhinov dẫn nhiều nguồn tài liệu, một vài tài liệu trong số đó đã trình bày vấn đề một cách thuyết phục. Điều này rất đáng hoan nghênh. Nhưng tiếc là ông ấy vẫn chưa có đủ tư liệu cần thiết.
Đưa ra những định nghĩa độc đáo vốn đã có định nghĩa chính xác trong khoa học chỉ là để dùng cho người thiếu hiểu biết. “… Đối tượng của kí hiệu học không phải là các hệ thống kí hiệu theo nghĩa riêng, mà là các hệ thống tín hiệu Hiện thực (trong bài không có định nghĩa rõ ràng về hiện thực này, cũng như chưa có sự nghiên cứu đầy đủ các công trình có uy tín nhất đã bàn về vấn đề này) mà tôi gọi là kí hiệu không thuộc phạm vi thẩm quyền của kí hiệu học” (101) – những lời khẳng định đầy tự tin như thế không thể gọi là mong muốn tranh luận, bởi vì nó đụng chạm tới những vấn đề đã được nghiên cứu kĩ lưỡng trong khoa học và ở tầm mức ấy thì không có cơ sở để tranh luận. V. Kozhinov cố gắng làm chủ hệ thống thuật ngữ mà ông nghĩ là của riêng kí hiệu học, nhưng ông đã hoàn toàn thất bại. Chẳng hạn, ông viết: “Tín hiệu trước hết là một cái gì đó ổn định, bền vững, nhất thành bất biến, hoặc, như chính các nhà kí hiệu học vẫn nói, là “bất biến”” (98). Tiếp theo, ông nói về “các hình thức vững hắc, bất biến” (104). V. Kozhinov không hiểu ý nghĩa của thuật ngữ “bất biến” , và đó là nhầm lẫn rất tiêu biểu của ông. Các đối thủ của hướng tiếp cận cấu trúc luận quen sống trong thế giới của những sự vật riêng lẻ, chia tách, cô lập các khái niệm. Gặp khái niệm “bất biến”, V. Kozhnov theo thói quen tìm kiếm một khái niệm riêng lẻ, một “từ” mà các nhà kí hiệu học, có lẽ được cho là quan trọng nhất, đã thay thế “bất biến” bằng một khái niệm tối nghĩa. Và ông đã tìm thấy từ “không thay đổi”. Hướng tiếp cận cấu trúc quen nhìn thế giới và các mô hình thế giới của chúng ta như là hệ thống của các quan hệ và các mối liên hệ. Bất biến không phải là tên gọi của một thuộc tính riêng lẻ, mà là sự xác định một quan hệ. Tảng đá bất động không phải là “bất biến”, cũng như người đàn ông “không giật nẩy mình lên”, “thế giới không bị lật sấp xuống” không thể xem là “bất biến”. “Bất biến” là khái niệm có quan hệ với “biến thể” (bản thân từ ấy chỉ được sử dụng theo nghĩa cái “bất biến thể của một cái gì đấy”), nó là phần không thay đổi của những trạng thái thay đổi, phần không thay đổi này sẽ cho phép đồng nhất những trạng thái thay đổi như những biến thể của một hiện tượng. Những người am hiểu các thuật ngữ tín hiệu và kí hiệu sẽ không tài nào lí giải được xác quyết của V. Kozhinov, theo đó quan hệ của tính bất biến chỉ là thuộc tính của tín hiệu và nó là sự khác biệt cơ bản của tín hiệu với kí hiệu. Trong ngôn ngữ học cấu trúc, từ được xem là kí hiệu. Nhưng khi đã có nội dung từ vựng cố định, từ sẽ hoàn toàn tách ra khỏi chuỗi biến thể ngữ âm và cú pháp (trục hệ hình của từ) mà trong quan hệ với chúng, nó sẽ hoạt động như nhân tố bất biến. Vậy là chúng ta đang có một cái gì đó hoàn toàn đối lập với điều mà V. Kozhinov khẳng định: trạng thái cố định không có biến thể không thể có phẩm chất của của cái mang tính bất biến. V. Kozhinov phán thế này: nếu sự thay đổi có nghĩa là thay đổi được, thì “bất biến” là không thay đổi. Hướng tiếp cận cấu trúc luận xuất pháp từ quan niệm khác – quan niệm biện chứng: tính biến đổi và tính bất biến có quan hệ tương hỗ và cái này không thể thiếu cái kia.
Hàng loạt thay đổi thần kì
Của gương mặt thương yêu…
Có một cái gì đó thay đổi, nhưng tôi tin rằng đó vẫn chỉ là một “gương mặt thân yêu” (bất biến) và, như thế, “những thay đổi thần kì” là những biến thể của nó chứ không phải là những gương mặt khác nhau đang thấp thoáng trước mắt tôi.
Tóm tại, toàn bộ lí lẽ của V. Kozhinov đã tan thành mây khói: lí lẽ ấy được kiến tạo bằng những khái quát vội vàng và thiếu sự hiểu biết vấn đề một cách đầy đủ. Nhưng trong bài cũng có một điểm cực kì đáng yêu: tác giả thành thực muốn nghiên cứu vấn đề mà ông đang viết. Chính điều đó buộc chúng tôi không xem trọng tâm của bài viết này là tranh luận, mà là trên tinh thần xây dựng, trình bầy một số nguyên tắc cơ bản của nghiên cứu cấu trúc theo quan điểm của chúng tôi.
Mỗi phương pháp khoa học đều có cơ sở nhận thức luận. Phải bàn về vấn đề này vì người ta thường gán cho các môn đệ của chủ nghĩa cấu trúc tội cơ giới – đưa mĩ học về với toán học, – tội chiết trung và đủ mọi thứ trọng tội của triết học. Chính phong cách tấn công đã quyết định phong cách tự vệ, xin mạo muội nhắc các nhà phản biện nhớ lại một đoạn trích. Paul Lafargue đã ghi lại một câu nói cực kì lí thú của Marx về lí luận nhận thức khoa học: “Ông [K. Marx] đã tìm thấy trong toán học cao cấp sự vận động biện chứng trong hình thức logic nhất và đồng thời cũng đơn giản nhất. Ông cho rằng khoa học chỉ đạt được sự hoàn thiện khi nó biết sử dụng tốt toán học”. Tôi muốn hỏi những vị nhìn vào việc ứng dụng các phương pháp toán học chỉ thấy con đường đến với chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa cơ giới: các vị sẽ đánh giá câu nói trên thế nào? Tất cả đối thủ của cấu trúc luận (từng phát ngôn trên báo chí cho tới giờ) đều thuộc phe khoa học “đắc ý”, “mãn nguyện”. Họ tin tưởng sâu sắc rằng trong lĩnh vực khoa học xã hội – nhân văn và phương pháp luận của nó, mọi chuyện đã đâu vào đó, đã đạt tới sự hoàn hảo từ lâu và chỉ cần “tuân thủ” mà thôi. Còn những gì can hệ tới việc tìm các hướng đi mới, ngay cả hướng đi tối ưu, V. Kozhinov thường hình dung sự việc thế này: đừng bận tâm về chuyện mấy anh nóng đầu lẫn lộn lung tung, – “cứ để họ tiến tới chỗ “cốt lõi không thể hủy diệt”, đụng phải nó rồi sẽ quay về nhà thôi”, thể nào cũng buộc phải “lộn lại với phương pháp luận “truyền thống”” (107, 106). Trong khoa học về nghệ thuật, các nhà cấu trúc luận thuộc phe “không mãn nguyện”: họ tin rằng sự hoàn thiện mà K. Marx nói vẫn chưa tiến lại gần lĩnh vực khoa học nhân văn. Họ ngả về phía tìm kiếm, chứ không phủ phục tuân thủ. Hơn hẳn các vị phản biện, do hiểu được khiếm khuyết, tính chất bước đầu, sơ bộ ở những thử nghiệm của mình, họ chỉ khăng khăng một điều: cần phải có phong trào khoa học thường trực.
Cơ sở phương pháp luận của cấu trúc luận là phép biện chứng.
Một trong những nguyên tắc cơ bản của cấu trúc luận là khước từ kiểu phân tích theo nguyên tắc liệt kê các dấu hiệu một cách cơ học: tác phẩm nghệ thuật không phải là tổng số các dấu hiệu, mà là một hệ thống hành chức, là cấu trúc. Nhà nghiên cứu không liệt kê các “dấu hiệu”, mà kiến tạo mô hình các mối liên hệ. Mỗi cấu trúc, – sự thống nhất hữu cơ của các yếu tố được xây dựng theo một kiểu hệ thống định trước, – chỉ yếu tố của khối thống nhất có cấu trúc phức tạp hơn, còn các yếu tố của chính nó, – từng yếu tố riêng lẻ, – thì có thể nghiên cứu như những cấu trúc độc lập. Với ý nghĩa như thế, ý tưởng phân tích theo cấp độ, nói chung, thuộc về khoa học hiện đại, là ý tưởng sâu sắc của riêng cấu trúc luận. Từ đó rút ra, việc phân chia rạch ròi sự phân tích đồng đại và lịch đại (trục lịch sử), tuy rất quan trọng như một thủ pháp của phương pháp nghiên cứu, một thời từng có ý nghĩa hết sức tích cực, nhưng không phải là đặc điểm có tính nguyên tắc, mà chỉ là thủ pháp “làm việc”. Việc nghiên cứu lát cắt đồng đại cho phép nhà khoa học chuyển từ nghiên cứu trực quan tới tính cấu trúc.
Nhưng nghiên cứu hoạt động chức năng của hệ thống sẽ là giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, giờ đây ai cũng rõ, khi tiếp xúc với những cấu trúc phức tạp (nghệ thuật thuộc loại như vậy), việc môt tả đồng đại, do tính chất đa thành phần của chúng, nói chung là rất khó, sự hiểu biết các trạng thái trước đó là điều kiện thiết yếu giúp mô hình hóa thành công. Cho nên, chủ nghĩa cấu trúc không phải là địch thủ của quan điểm lịch sử, ngoài ra, nhu cầu nghiên cứu các cấu trúc nghệ thuật riêng lẻ (các tác phẩm) như những yếu tố của các khối thống nhất phức tạp hơn – “văn hóa”, ‘lịch sử” – là nhiệm vụ tối quan trọng. Không phải toán học và ngôn ngữ học “thế chỗ của lịch sử”, mà toán học và ngôn ngữ học sánh vai cùng với lịch sử – con đường nghiên cứu cấu trúc là như thế, phạm vi đồng minh của nhà nghiên cứu văn học là như vậy.
Điều trên cũng quyết định mối quan hệ giữa cáu trúc luận và truyền thống khoa học trước kia. Cấu trúc luận quả là có truyền thống sâu xa trong nền khoa học dân tộc. Tôi xin nhắc để mọi người nhớ chí ít một cuốn sách giờ đây đã thành kinh điển đối với khoa học nói chung Hình thái học truyện cổ tích thần kì của V. Propp, các tác phẩm của P. Bogatyrev, M. Bakhtin, A. Kaftymov và nhiều tác giả khác. Các nhà cấu trúc luận khác biệt với đối thủ của họ không phải ở chỗ tựa như họ phủ định “nghiên cứu văn học truyền thống”. Đơn giản là trong khái niệm “truyền thống” còn có một nội dung khác. Lịch sử nghiên cứu văn học của nước ta vẫn chưa được viết, nhưng khi viết xong, rất có thể nó sẽ mở ra, như Hamlet nói, “nhiều điều các nhà thông thái chưa từng mơ thấy”. Nếu không kể tên hàng loạt học giả nổi tiếng giờ vẫn đang sống, chỉ kể tác phẩm của Y. Tynhianov, B. Tomashevski, B. Eikhenbaum, G. Gukovski, V. Griba, L. Pumpijanski, G. Vinokur, S. Balikhatoi, của nhà nghiên cứu trẻ đã hi sinh ngoài mặt trận A. Kukulevich và của nhiều nhà nghiên cứu mà ý nghĩa và vị trí của họ đã được xác định, khi lịch sử nghiên cứu văn học của Liên Xô được nghiên cứu, thì sẽ rõ rằng không thể nói về thái độ thù địch của chủ nghĩa cấu trúc với khoa học “truyền thống”, vả lại, trong khoa học chân chính không thể có một thái độ như vậy. Nói đúng hơn, các nhà phê phán cấu trúc luận đã phạm sai lầm do một kì vọng đặc biệt.
Nhưng ngoài cơ sở lí luận nhận thức, mỗi khuynh hướng nghiên cứu còn có nguồn cội khoa học – đạo đức của nó. Cần dừng lại ở điểm này, vì một trong những lời buộc tội phổ biến nhất được gán cho chủ nghĩa cấu trúc là tội “làm mất tính nhân bản”. V. Kozhinov viết: “Tôi tin sẽ tiếp tục có những ý đồ sáng tạo ra loại khoa học chính xác về thi ca, và hẳn nhiên là sẽ thú vị. Bản thân tư tưởng về một loại khoa học như vậy tất nhiên là rất tiến bộ với ý nghĩa chính xác của từ ấy. Nhưng “tiến bộ” không phải bao giờ cũng “tốt”, hiểu theo ngĩa là nhân ái, chân chính, hữu ích, đẹp đẽ. Chẳng hạn, chủ nghĩa toàn trị hiện đại là kết quả phát triển “tiến bộ” của kinh tế học. Nhưng một sự tiến bộ như thế có đáng được bảo vệ chăng, có đáng được ca ngợii không? (107).
Thí dụ quá kì cục. Các phương pháp chính xác trong khoa học nhân văn thì có liên hệ gì với chủ nghĩa toàn trị? Thật ra, chính sự thiếu chính xác, bệnh áng chừng trong nghiên cứu khoa học mới là kẻ đã mở rộng cửa rước vào nhà thói tráo trở, cơ hội và sự dối trá vô tình hay hữu ý. Mà sự dối trá thì chưa bao giờ là vũ khí của tinh thần nhân ái.
Từ trong bản chất, điều duy nhất mà khoa học có thể phục vụ con người ấy là làm cho nó thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm chân lí. Còn chủ nghĩa toàn trị ấy à, nó sử dụng khoa học chính xác ít hơn rất nhiều so với việc sử dụng chính sách mị dân, loại chính sách có khả năng bẻ cong chân lí thế nào cũng được.
Ngoài ra, có một khía cạnh tâm lí khiến các nhà khoa học nhân văn tìm tới phương pháp chính xác, ấy là vì họ đã quá mệt mỏi với việc phải lựa chọn những câu văn lễ lạt và những câu văn ngoài lễ lạt mà đôi khi vẫn được trình bày bằng vỏ bọc khoa học. Tinh thần nhân văn của khoa học bị suy giảm từ bao giờ? Từ khi nhà nghiên cứu muốn đưa ra chân lí tuy còn hạn chế nhưng có căn cứ nghiêm ngặt, hay khi người ta dùng những câu văn và lời cảm thán giống hệt nhau để tuyên bố văn sĩ này đứng về phía phản động, còn văn sĩ kia là nhà văn hiện thực vĩ đại?
Nhân đây, xin nói về “chân lí hữu hạn”. Đối thủ của chủ nghĩa cấu trúc thường liệt kê rất kĩ những phát ngôn của các nhà cấu trúc luận về vấn đề nào đó mà kí hiệu học chưa thể với tới (tạm thời chưa với tới được), rồi lu loa với độc giả: “Đấy, các bạn thấy chưa! Chính họ thừa nhận là họ không giải quyết được đấy nhé! Thế mà chúng tôi giải quyết được đấy!”. Đúng là như thế. Máy bay nào, ngay cả cái hoàn hảo nhất, mà chả có giới hạn về khả năng kĩ thuật, may chăng thảm bay mới không có giới hạn như thế. Có một cái gì khác biệt giữa khoa học với ý nghĩ của Manhilov, không phải “cái gì nó cũng làm được” và nó nhận ra điều đó khi xác định cái gì có thể làm được, cái gì chưa thể với tới. Các vị thử đặt một câu hỏi nào đó cho bất kì một học giả nào, nhà vật lí, hóa học, hay sinh học mà xem, ông ấy sẽ trả lời quí vị: việc này chúng tôi có thể giải quyết ngay bây giờ, còn việc kia có lẽ trong tương lai gần, khoa học chưa với tới được, nên việc đặt ra những vấn đề như thế, nói chung, chẳng có ý nghĩa khoa học gì cả. Nhà nhân văn học ở vào một vị thế rất khác, đôi khi có thể ngầm hiểu, muốn giải quyết một vấn đề khoa học chỉ cần một điều kiện: đưa nó vào kế hoạch của viện nghiên cứu hoặc kí một hợp đồng xuất bản.
Tôi sợ sự khác nhau ở đây chỉ có lợi cho những ai muốn giới hạn một cách gắt gao phạm vi khả năng của mình ở từng thời kì.
Trong cấu trúc truyền thống của nghiên cứu văn học vẫn song song tồn tại hai loại phương pháp khác nhau: với phương pháp này, tác phẩm được nghiên cứu cùng với các di tích tư tưởng xã hội khác, theo phương pháp kia, người ta, nghiên cứu tiết tấu, tổ chức khổ, đoạn, vần điệu, kết cấu, phong cách. Giữa hai hướng nghiên cứu về cơ bản là độc lập ấy không nhất thiết phải có mối liên hệ nào cả. Ở trường hợp thứ nhất, nhà nghiên cứu trở thành nhà lịch sử tư tưởng xã hội, không cần quan tâm tới đặc trưng nghệ thuật của chất liệu nghiên cứu. Ở trường hợp thứ hai, nhà nghiên cứu dứt khoát phải đối mặt với vấn đề: những quan sát hình thức mà anh ta thực hiện có ý nghĩa gì? Trong công trình khoa học của hàng loạt nhà nghiên cứu tài năng, mâu thuẫn trên được khắc phục một cách tự nhiên. Những thử nghiệm ấy rất đáng được nghiên cứu. Nhưng khoa học chỉ bắt đầu ở nơi những phát hiện trực giác sẽ được chứng minh bằng phương pháp nghiêm ngặt và được dựa trên cỗ máy nghiên cứu kiện toàn.
Nghiên cứu cấu trúc có tham vọng xóa bỏ sự tách đôi của khoa nghiên cứu văn học hiện đại. Một mặt, nó nhìn thấy trong văn học nghệ thuật, hình thức đặc thù của ý thức xã hội và cương quyết chống lại xu hướng đem nó “hòa tan” một cách ngây thơ vào lịch sử các học thuyết xã hội. Mặt khác, nó đặt nhiệm vụ khám phá tư tưởng của tác phẩm như là sự thống nhất của cá yếu tó biểu nghĩa. Sẽ xuất hiện câu hỏi đối với mỗi yếu tố của cấu trúc nghệ thuật: giá trị của nó là gì, nó có ý nghĩa thế nào?
Mối quan hệ giữa tư tưởng nghệ thuật với tổ chức của tác phẩm khiến người ta nghĩ tới quan hệ giữa sự sống với cấu trúc sinh học của tế bào. Trong sự sống sinh học, người ta không tìm thấy đơn vị sự sống nào có thể nghiên cứu bên ngoài tổ chức thực tế của vật chất chuyên chở nó. Có thể bắt gặp những đơn vị như thế trong nghiên cứu văn học. Nhưng bảng liệt kê “khí quan” vật chất của mạng lưới sinh động không thế khám phá các bí mật của đời sống: tế bào hiện trước mắt chúng ta như một hệ thống hành chức tự điều chỉnh hết sức phức tạp. Thự hiện các chức năng của nó chính là đời sống. Tác phẩm nghệ thuật cũng là một hệ thống phức tạp tự điều chỉnh như thế (quả thực, nó thuộc dạng khác). Tư tưởng chính là đời sống của tác phẩm, nó không thể tồn tại tồn tại bên trong một cơ thể bị mổ xẻ và bên ngoài cơ thể ấy. Chủ nghĩa cơ học của hướng tiếp cận thứ nhất và chủ nghĩa duy tâm của hướng thứ hai phải nhường chỗ cho phép biện chứng của phân tích chức năng.
Tiếp cận các yếu tố của văn bản nghệ thuật mà quan điểm truyền thống vẫn xem là “hình thức”, nhằm xác định ý nghĩa nội dung của chúng, nhà cấu trúc luận cho rằng, những yếu tố đã bị tách ra khỏi hệ thống sẽ không còn ý nghĩa nào nữa.
Bởi vậy, nhiệm vụ của nhà nghiên cứu là phải xác định những đơn vị mang nghĩa sơ đẳng của hệ thống định trước (mỗi đơn vị sẽ là một tập hợp các dấu hiệu khác biệt) và qui tắc liên kết chúng thành những đơn vị mang nghĩa phức tạp hơn. Phương pháp khoa học được vận dụng như thế sẽ là phương pháp nhất quán đối với tất cả các cấp độ của tác phẩm nghệ thuật (từ cấp độ dơn giản nhất đến phức tạp nhất) và thống nhất với các thủ pháp nghiên cứu các hệ thống mô hình hóa khác (ngôn ngữ, huyền thoại). Tất nhiên, trong từng trường hợp, cả các yếu tố lẫn qui tắc liên kết chúng sẽ có sự khác nhau.
Những yếu tố mang nghĩa của cấu trúc cho trước sẽ là những yếu tố có sự đối lập trong phạm vi của nó (đặt vào cặp đối lập). Bản chất của yếu tố sẽ lộ ra trước mắt ta nhờ vào việc làm sáng tỏ cái gì đối lập với nó, chứ không phải thông qua việc mô tả nó một cách biệt lập. Chẳng hạn, trong câu thơ của Pushkin:
Hãy vùng lên, hỡi những nô lệ vừa gục ngã! –
Yếu tố “hãy vùng lên” sẽ có nhiều ý nghĩa khác nhau tùy thuộc vào việc nó được đặt vào hệ thống đối lập nào. Đối lập:
Hãy vùng lên Hãy cúi lạy
Làm bộc lộ nội dung ngữ nghĩa
Hãy vùng lên Hãy đứng dậy
Nó sẽ bộc lộ ý nghĩa tu từ (ý nghĩa ngữ dụng, theo thuật ngữ kí hiệu học) của yếu tố này.
Đặt yếu tố ấy vào cặp đối lập của bài Tự do:
Kêu gọi khởi nghĩa Kêu gọi cải cách,
Hoặc:
Kêu gọi khởi nghĩa Kêu gọi duy trì chế độ nô lệ
Khi ấy, nó sẽ làm sai lạc hoàn toàn ý nghĩa của yếu tố ấy trong hệ thống của Pushkin. Nếu ta xem hai cặp đối lập cuối là đích đáng, ta sẽ lâm vào bế tắc khi muốn hiểu những câu thơ như thế này:
Lưỡi rìu tội lỗi bổ xuống
Và thế là –tấm áo bào huyết dụ của kẻ sát nhân
Đọng lại trong những cặp mắt ngỡ ngàng.
Ở đây, chế độ chuyên quyền (“áo bào huyết dụ của kẻ sát nhân” của Napoleon) không phải là phản đề của khởi nghĩa nhân dân và tử hình đức vua, mà là kết quả. Tình trạng vô chính phủ và chế độ chuyên quyền là những biến thể của tình trạng vô luật pháp và thủ tiêu tự do chính trị. Tử hình đức vua (vô chính phủ) sinh ra chế độ chuyên quyền (Napoleon), chế độ chuyên quyền (Pavel) sinh ra tình trạng vô chính phủ (vụ sát hại vua Pavel xẩy ra ngày 11.3.1811). Cả chế độ chuyên chế lẫn tình trạng vô chính phủ đều đối lập với luật pháp. Cho nên:
Cách mạng Pháp
Chế độ độc tài của Napoleon
Chế độ chuyên chế của Pavel I
Vụ giết vua 11 tháng 3 1801 Luật pháp
Ở bảng trên, dấu hiệu có nghĩa là đối lập (khi đọc có thể thay bằng từ đối lập), các khái niệm được ghi trong cột theo hệ thống này là những khái niệm đồng nghĩa.
Những bài thơ như thế, ví như Napoleon, tạo ra một hệ thống đối lập hoàn toàn khác.
Thuật ngữ “đối lập” (opposition) được vay mượn từ ngôn ngữ học cấu trúc (N.S. Trubetzkoi đưa khái niệm này vào ngữ âm học). Nó có mối liên hệ rõ rệt với
triết học về “sự thống nhất giữa các mặt đối lập” của Hegel, với “nguyên lí phản đề” của Darwin được G.V. Plekhanov vận dụng để phân tích nghệ thuật, được F. de Saussure lấy làm nền móng cho hệ thống của ông (cơ chế tương đồng và khác biệt), được R. Jakobson vận dụng thành công, Vygotsky vận dụng trong tâm lí học, Boas và Lévi-Strauss trong dân tộc học, nó là phương tiện hữu hiệu để xây dựng các mô hình cấu trúc khác nhau. Cơ chế miêu tả như thế hoàn toàn phù hợp với việc nghiên cứu bằng các công cụ toán học. Phép biện chứng sâu sắc của nguyên tắc đối lập được thể hiện ở chỗ tính phản đề được hiểu như là hình thức đặc biệt của sự thống nhất. Tương tự như thế, các biến thể của một yếu tố có các biến thể của nó (với cột bên trái trong bài Tự do, bất biến sẽ là “sự phá vỡ trạng thái cân bằng chính trị”), các thành phần của đối lập lại có siêu âm vị, siêu từ vị, siêu nghĩa vị v.v… sẽ xóa bỏ (“trung lập hóa”) tính đối lập của chúng:
Các thành phần của đối lập:
Phá vỡ cân bằng chính trị
(Hệ thống chính trị tồi tệ) Luật pháp
(Hệ thống chính trị tốt đẹp)
Hãy so sanh đối lập trên với các câu thơ:
Chàng muốn thành Tsygan như chúng tôi
Luật pháp lùng bắt chàng
Cặp đối lập ở đây là:
Ý chí (trạng thái ngoài chính trị) Luật pháp (trạng thái chính trị).
Rõ ràng trong hệ thống thứ nhất, các thành phần đối lập không chỉ đối chọi nhau mà còn có một cái gì đó thống nhất với nhau. Nếu nhìn vào cặp đối lập thứ nhất bằng “đôi mắt” của cặp đối lập thứ hai, thì chính sự thống nhất ấy sẽ nổi lên trên bình diện thứ nhất: hệ thống chính trị “tốt” và “xấu” đều tồi tệ như nhau, bởi vì chúng cùng đối lập với “tự do thiên tạo”. Vì rằng trong Những người Tsygan, Pushkin không quan tâm tới sự khác biệt, mà quan tâm tới sự thống nhất của các khái niệm ấy (tròn khái niệm “hệ thống chính trị”, dấu hiệu “tốt” và “xấu” không còn có sự khác biệt, đã hoàn toàn mất hết ý nghĩa), nên ông đem chúng trộn lẫn vào một từ duy nhất “pháp luật”.
Chúng ta thấy, tổng thể các đối lập cơ bản thể hiện quan niệm của tác giả về hiện thực, cấu trúc văn bản của nhà văn. Còn cấp độ phức tạp của những yếu tố mang nghĩa được tổ chức theo qui tắc của một cấu trúc định trước sẽ trở thành mô hình thế giới của tác giả và hiện thực hóa tư tưởng nghệ thuật.
Thí dụ dẫn ra ở trên còn thú vị ở một bình diện khác: nó chỉ ra rằng, các phương diện nhất định của cấu trúc chỉ được phát hiện khi chúng ta nhìn nó bằng “đôi mắt” của cấu trúc thuộc dạng khác, phiên dịch các khái niệm của nó sang mgôn ngữ của một hệ thống khác. Ở đây, con đường nghiên cứu chính xác hơn đối với một phạm vi vấn đề rộng lớn hơn đã được mở ra: từ sự tác động qua lại giữa hiện thực và nghệ thuật tới vấn đề ảnh hưởng, thích ứng, tiếp nhận – là sự tác động qua lại của cùng một loại ý thức, văn hóa và nghệ thuật với các dạng khác. Ở đây còn mở ra con đường nghiên cứu vấn đề vừa được đặt ra trong đời sống khoa học của chúng ta: “nhà văn” và “người đọc”. Vấn đề ý đồ của nhà văn thường được chúng ta nghiên cứu nhiều hơn (sự thể hiện của ý đồ ấy thì nghiên cứu ít hơn). Tác phẩm của nhà văn biến đổi thế nào trong ý thức người đọc, quy luật và hình thức của sự biến đổi ấy là gì, đó là những vấn đề hoàn toàn chưa được nghiên cứu.
Một bình diện nữa của vấn đề cũng cần được nhấn mạnh. Ở cấp độ phức tạp của tác phẩm nghệ thuật, không phải mọi thứ đều có thể quy về hệ thống khái niệm. Những người chống lại cấu trúc luận từ quan điểm trực giác thường chỉ trích nó không chú ý tới bình diện tình cảm, bình diện phi lí của nghệ thuật. Đó là sử chỉ trích vô căn cứ. Các nhà nghiên cứu văn học và tâm lí học theo khuynh hướng cấu trúc luận bao giờ cũng quan tâm sâu sắc tới vấn đề mô hình hóa xúc cảm, quan hệ giữa ý thức và trực giác trong sáng tác nghệ thuật. Nhưng họ cho rằng, giống như nhà ngư loại học không buộc phải hóa thành cá, khi nghiên cứu các tiến trình trực giác, nhà khoa học mong muốn được sử dụng một phương pháp hoàn hảo hơn so với phương pháp dựa vào trực giác của người nghiên cứu. Đồng thời phải biết rằng, vấn đề bản chất của trực giác giờ đây có ý nghĩa rộng hơn rất nhiều và đang tương lai của các hệ thống tự động hóa gắn chặt với những ý đồ mô hình hóa nhân tạo các quá trình trực giác.
Nghiên cứu văn học theo hướng cấu trúc mới bắt đầu đi những bước đầu tiên. Vì thế, không thể tránh khỏi tranh luận căng thẳng trong việc đặt ra các vấn đề phương pháp luận, việc tìm kiếm những con đường nghiên cứu, việc thành công và đổ vỡ. Hãy còn rất sớm để tổng kết thành tựu và thất bại của nó. Duy có một điều đã rõ: chính bản chất của khoa nghiên cứu văn học đã thay đổi. Tôi vui mừng thấy rằng ngữ văn học không còn là “nghề dễ dàng” chẳng cần phải có chuyên môn đặc biệt gì.
Ở giữa thế kỉ XIX, nhà ngữ văn học làm việc ở đại học phải có kiến thức uyên thâm về ngôn ngữ cổ, am hiểu và thực hành thuần thục các lĩnh vực thông diễn học, văn bản học, tiểu sử học. Sau đó lại có thêm yêu cầu nắm vững tư liệu lịch sử, có tri thức văn hóa uyên bác, có kĩ năng nghiên cứu xã hội học, tiếp đến là sự xuất hiện của phương pháp thống kê trong việc nghiên cứu câu thơ và phong cách học nghiên cứu văn học v.v… Yêu cầu ngày càng tăng dần, phạm vi tri thức bắt buộc nhà ngữ văn học phải có ngày càng rộng dần. Nhưng sau đó, bắt đầu diễn ra quá trình ngược lại: nhà nghiên cứu văn học không còn là nhà ngữ văn học – ngôn ngữ học thành nghề độc lập và xa cách. Các ngôn ngữ và văn cổ chỉ được một phạm vi rất hẹp các nhà chuyên môn nghiên cứu, nhà “phương Tây học” được trao quyền bất thành văn chỉ cần biết về văn học Nga ở các khóa học đại cương, còn nhà “Nga học” chỉ cần biết qua loa văn học nước ngoài (không chỉ văn học phương Tây, mà cả văn học Slavo).
Nhà nghiên cứu văn học trở thành nhà nghiên cứu thơ không nhất thiết phải là nhà văn bản học, mà chọn dấu hiệu nào cũng được. Quá trình này có thể giải thích một cách khách quan: nó gắn với hoạt động chuyên môn hóa – một dấu hiệu đặc trưng của khoa học ở giai đoạn trước. Nhưng nó không chỉ có kết quả tích cực: trở thành nhà nghiên cứu văn học, nhất là hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực văn học hiện đại trở thành quá dễ dàng. Thêm vào đó còn hàng loạt nguyên nhân phụ khác góp phần hạ thấp chuẩn mực trong các khoa học nhân văn.
Nhà nghiên cứu văn học kiểu mới là nhà nghiên cứu phải kết hợp được khả năng sở đắc rộng rãi tư liệu trực quan do mình phát hiện độc lập với kĩ năng tư duy diễn dịch do các khoa học chính xác tạo ra. Anh ta phải trở thành nhà ngôn ngữ học (vì hiện nay giữa các khoa học nhân văn, ngôn ngữ học đã “bứt lên phía trước” và chính nó thường tạo ra các phương pháp khoa học mang tính phổ quát), phải có kĩ năng làm việc với các hệ thống mô hình hóa, phài theo đường hướng của khoa tâm lí học và không ngừng trau dồi phương pháp khoa học của mình, suy ngẫm những vấn đề chung của kí hiệu học và điều khiển học. Anh ta phải học cách cộng tác với các nhà toán học, mà lí tưởng là biết hợp nhất trong bản thân nhà nghiên cứu văn học, nhà ngôn ngữ học và nhà toán học. Anh ta phải học cách tư duy loại hình, vì chân lí tuyệt đối không bao giờ tiếp nhận cách giải thích theo đường mòn, mình đã quen thuộc.
Quả là làm nhà nghiên cứu văn học đã trở nên khó khăn hơn và sắp tới sẽ còn khó khăn bội phần. Và đây có lẽ là kết quả đáng khích lệ nhất của luồng gió mới trong các khoa học nhân văn.
1967
Nguồn: “Những vấn đề văn học”, số 1, 1967, Tr. 90 – 100