GIỚI THIỆU SÁCHHướng dẫn đọc

Nguyễn Duy Cần bàn về sự tập trung tinh thần

 Muốn có được một nền tảng văn hoá vững vàng phải biết thống nhất tất cả sự hiểu biết cùng học hỏi của ta vào một chiều sâu nào đó.

 Một nhà văn Pháp có nói: “Tất cả những trước tác danh tiếng của những bực tài hoa viết ra, toàn là những giải thích về chiều rộng một ý tưởng duy nhất nào đó, một tình cảm về cuộc sinh tồn đang tìm đường sống… Đào mãi một cái lỗ, đó là phương thế duy nhất để đi sâu vào lòng đất và khám phá được những bí ẩn của nó”.

Nhờ sự tập trung tinh thần, ta lần lần tìm ra mối dây liên lạc duy nhất nối liền những ý tưởng cùng những sự kiện tạp nhạp mà mới xem qua ta không thấy ăn chịu với nhau chút nào cả. Nhưng chính cái chỗ “nhất dĩ quán chi” ấy là cái bí quyết của tất cả những danh tác bất hủ của nhân loại.

Khổng tử có nói: “Ngô đạo nhất dĩ quán chi” (đạo của ta trước sau chỉ có một lý mà thông suốt cả mọi việc).

Cái “một” ấy cũng là cốt tử của tất cả nghệ thuật và tư tưởng. Một học thuyết, một quyển sách, một bài văn hay một bức hội hoạ… đều phải có điểm chánh dùng làm trụ cốt.

Một danh hoạ bao giờ cũng gợi cho ta một cảm giác gì. Cảm giác ấy mạnh hay yếu cũng nhờ nơi khéo lựa chọn một cách cẩn thận cân nhắc những chi tiết vừa đủ để gây cho ta cái cảm giác ấy. Nếu trái lại, hoạ sĩ phung phí những chi tiết vụn vặt không ăn, hoặc không mấy ăn vào đề thì đó là một bức hoạ thiếu tính cách nhất quán, một bức hoạ hỏng. Người ta xem nó, không hiểu rõ nó muốn miêu tả cái gì. Đứng trước nó, ta cảm thấy hoang mang.

Sự thuần nhất trong một tác phẩm hội hoạ hay văn chương là điều khó thì hành nhất. Có gì dễ bằng chồng chất một cách hỗn độn nhưng chi tiết rất hay rất ngộ, nhưng không liên lạc gì với ý chánh của tác phẩm mình. Trong mỗi ý tưởng hay cảm giác hỗn tạp do sự kích thích của ngoại giới đưa đến cho ta, ta phải biết lọc lừa, chọn những gì trọng yếu nhất ăn sát vào đề để sắp đặt lại và trình bày một cách khéo léo, hầu gây cho kẻ khác một cảm tưởng thuần nhất mạnh mẽ. Không khác nào người trồng nho: họ tỉa những nhánh lá không cần thiết hoặc đèo đẹt để tăng sinh lực cho những nhánh lá khác có thể trổ sanh được nhiều trái hơn: hoạ sĩ hay nhà văn cần phải biết hy sinh những chi tiết không cần thiết hoặc còn bạc nhược để cho tác phẩm mình thêm nhiều sinh lực. Có nhiều nhà văn tư tưởng họ dồi dào quá, họ phung phí tư tưởng họ trên mặt giấy không khác nào những cành lá rườm rà của đám nho rừng…

 Vì thế, viết một bài văn hay, hoặc vẽ một bức hoạ khéo, đâu có dễ. Người viết nó phải, trong khi giải bày những ý phụ, đừng cho sa đà ra ngoài đề. Giá trị của một nghệ sĩ là chỗ biết giản lược những gì phiền phức rườm rà để tăng gia sinh lực cho cái cảm giác chung nghĩa là phải biết hy sinh. Mặc dầu là những chi tiết hay, hoặc là những tài liệu quý đến bực nào, nếu thấy không liên lạc một cách chặt chẽ với đầu đề, hãy có gan hy sinh nó đi. Nó là những thứ “chùm gởi” không nên dung dưỡng trong tác phẩm của mình. Viết văn mà biết mình thi hành nguyên tắc “nhất dĩ quán chi” ấy, đó là mình đã tập cho tinh thần mình bao giờ cũng được tập trung sáng suốt.

Taine có nói: “Điều khó khăn nhất trong khi nghiên cứu là tìm cho ra cái điểm đặc biệt và chủ yếu, do đó tất cả đều có thể quy về một mối…” Ông lại bày giải phép làm văn của mình: “Trong khi viết lại một tác phẩm nào, tôi luôn luôn làm một cái bản mục lục phân tích từng vấn đề. Tôi làm bản ấy, không phải lúc mới khởi thảo, hoặc sau khi viết xong bản thảo, mà là lần lần sau khi viết xong mỗi đoạn. Tôi tóm lại mỗi đoạn bằng một câu hết sức gọn gẫy và rõ ràng. Đâu phải dễ dàng gì tìm ra được liền câu đại lược ấy, nhưng hễ đã một khi tìm ra được nó rồi thì câu ấy chỉ cho ta thấy trong đoạn văn nầy có những gì dư, những gì thiếu, những gì không ăn chịu nhau, hoặc không đầu đuôi, bởi thảy đều phải quy về câu tóm tắt ấy. Hơn nữa, câu tóm tắt nầy cùng những câu tóm tắt khác của các đoạn sau, gộp chung lại, giúp ta thấy cái yếu điểm của toàn chương”.

Đây chẳng những là phương pháp làm văn mà cũng là phương pháp đọc văn và rộng hơn nữa, nó là tất cả phương pháp học hỏi bất cứ môn học nào.

Muốn có được luôn luôn một đầu óc sáng suốt mà cũng là phương pháp đọc văn và rộng hơn nữa, nó là tất cả phương pháp học hỏi bất cứ môn học nào.

Muốn có được luôn luôn một đầu óc sáng suốt phải biết tập cho mình cái thói quen tìm ngay cái ý chánh, biết phân biệt liền cái gì là yếu điểm với những gì là phụ thuộc, nhất định không bao giờ để mình bị lôi cuốn theo những đề phụ…mỗi khi đọc sách, xem tranh, làm văn, xem kịch hay nghe tiểu thuyết…

Nhất là khi đọc sách. Đọc sách là phương tiện quan trọng nhất trong khi tự học. Đọc sách mà muốn tìm nắm lấy cái đại ý của toàn tập, phải đọc nó suốt một hơi, đừng bận những tiểu tiết về văn từ cũng như về ý tưởng. Về sau sẽ đọc trở lại vài lần một khi đã nắm được đại ý. Bấy giờ ta sẽ đọc kỹ lại từng thiên, từng đoạn, từng câu. Nhưng bao giờ cũng phải biết để ý đến chỗ thuần nhất của nó.

Nếu ta thi hành nguyên tắc “nhất dĩ quán chi” nầy một cách trung thành trong mỗi khi đọc sách hay làm văn, lâu ngày ta sẽ tạo cho ta một thói quen rất tốt là bất kỳ đứng trước một việc gì phiền phức bực nào cũng không bao giờ để tinh thần mình bị lôi cuốn vào những chi tiết chi ly vụn vặt, không phân biệt được cái gì là chánh cái gì phụ…Người xưa thường dặn: “Tri kỷ lý giá, nhứt ngôn nhi chung, bất tri kỳ lý giả, lưu tán vô cùng”.

Đây nào phải đâu chỉ là công phu những khi đọc sách hay làm văn mà thôi đâu, ta phải lấy nó làm công phu của suốt đời, bất kỳ là đứng trước một trường hợp nào…”(Xem lại quyển Óc sáng suốt –trang 183).

Cái đặc điểm của những bậc vĩ nhân là nơi sức mạnh của sự tập trung tinh thần của họ. Roederer bàn Napoleon Bonaparte có nói: “Ông sở dĩ khác người là nhờ nơi sự tập trung tinh thần của ông rất mạnh và rất bền. Ông là người có thể làm việc liên tiếp mười tám giờ đồng hồ về một công việc…Không có người nào biết để hết tâm tư mình vào công việc mình làm hơn ông”.

Có kẻ hỏi Newton, nhà đại thiên văn nước Anh, cái mật pháp của sự phát minh về sự  “dẫn lực của Vũ Trụ” của ông. Ông trả lời: “Có gì lạ, chỉ vì tôi cứ nghĩ đến nó mãi mà thôi!”

Ông Darwin sở dĩ làm được công nghiệp vĩ đại trong khoa học giới là nhờ ông có cái tài “đeo đuổi mãi theo một vấn đề suốt năm nầy đến năm kia mà không biết nản”, không bao giờ chạy theo cái phụ mà quên cái chánh.

Khổng Tử cũng thường nói: “Ta là người, hễ có việc gì nghĩ chưa ra, thì nghĩ đến quên ăn, nghĩ ra được thì vui quên cả lo, không biết rằng tuổi già đã sắp tới vậy.”

 “Thiên tài chỉ là một sự kiên nhẫn lâu dài”, kiên nhẫn đeo đuổi mãi một ý nghĩ, một việc làm cho kỳ được mới thôi.

Darwin, mỗi buổi sáng làm việc từ 8giờ đến 9 giờ rưỡi, từ 10 giờ rưỡi đến 12 giờ trưa. Chiều, thì làm việc từ 3 giờ rưỡi đến 5 giờ rưỡi, nhưng không phải luôn luôn như vậy, vì đó là công việc làm thêm. Tuy làm việc rất ít, mà hễ làm thì ông làm một cách nhiệt thành, đem cả tâm trí chuyên chú vào đó và không khi nào ông làm một việc gì mà còn phải làm lại một lần thứ hai nữa.

Bạn ông là nhà địa chất trứ danh Lyell cũng chỉ làm việc có 2 giờ liên tiếp thôi. Herbert Spencer, người bạn đồng hương của ông, có một sức khỏe rất tồi tệ, ông nầy không đủ sức tập trung tinh thần tư tưởng lâu được: thần kinh hệ của ông rất suy nhược. Làm việc liên tiếp ba giờ thì ông phờ cả người, không còn đủ sức để đọc một quyển tiểu thuyết nữa, ông đã đuối sức rồi. Thế mà vì khéo biết tập trung sinh lực vào một công việc sưu tầm của ông thôi và biết hy sinh tất cả những gì phụ cho cái chánh mà sau cùng ông đã để lại cho đời một công trình hết sức to lớn.

Bất cứ làm việc gì, chuyên tâm chú ý, tập trung tinh thần là bí quyết của thành công.

“Trọng Ni đi qua nước Sở, vừa ra khỏi rừng, thấy một người tật bướu bắt ve bằng môt cây sào dài, rất lẹ và chắc chắn cũng như nó bắt bằng tay vậy.

Trọng Ni nói: Anh thật là tài. Xin cho ta biết cái thuật của anh.

Tên tật bướu nói: Thuật của tôi là đây: trong năm, sáu tháng, tôi tập để viên đạn đứng thăng bằng trên ngọn sào của tôi mà không hề rớt. Khi tôi để đứng đặng hai viên, thì ít con ve nào thoát khỏi tay tôi. Khi tôi để đứng đặng năm viên, tôi không hề trật một con nào hết. Cái thuật cảu tôi là biết quy tất cả tinh thần của tôi vào chỗ chí hướng mà tôi mong đạt đó. Tôi trị cái tay tôi, cả thân thể tôi cho đến chừng nào thành một khúc gỗ, không còn xao nhãng nữa. Tuy Trời Đất là lớn, vạn vật là nhiều, nhưng tôi chỉ thấy có con ve mà tôi muốn bắt nó thôi. Không chỉ làm cho tôi xao lãng ngoài cái ý của tôi muốn đó, con ve làm gì thoát khỏi tay tôi”.(Trang Tử -Đạt Sanh thiên).

Đó cũng là cái bí quyết của phép tự học nữa.

Như ta đã thấy trên đây, sự đi tìm cái lẽ “nhất dĩ quán chi” của mọi sự vật trên đời, đó là cách đào tạo cho mình tinh thần tổng quan.

Như thế, óc tổng quan thực là khuynh hướng chống lại với sự tản mạn tinh thần chống lại với sự quá phung phí tư tưởng vào những cái chi ly vụn vặt và phụ thuộc, nghĩa là biết đem những chi tiết phụ ghép vào cái chánh, biết nhận thấy cái dây liên lạc mật thiết giữa các sự vật rời rạc nhau, biết tìm hiểu cái ý nghĩa thâm sâu của mọi sự mọi vật trên đời, nhưng chú ý đến không có nghĩa là đã quên mất cái đại ý của cuộc đời, cái ý nghĩa thâm sâu của sự sống để mà giản dị hoá nó, mà “chuyên tâm bão nhất”.

“Tập trung tinh thần” cũng không có nghĩa là khép mình trong “chuyên môn”. Đây là hai hoạt động tinh thần khác nhau xa. “Chuyên môn” là hoạt động bằng tư tưởng cũng như bằng hành vi trong một khu vực hạn định nào, không khác nào một người thợ bắt bù lon, cứ bắt bù lon mãi suốt ngày, hay một người thơ ký đánh máy cứ đánh máy mãi suốt ngày…Tập trung tinh thần, là biết trung thành luôn luôn với lý tưởng. Tập trung tinh thần không có nghĩa là tự giam mình trong một phạm vi chật hẹp nào của nghề nghiệp, mà trái lại, tự mình lựa chọn một trung tâm hoạt động tha hồ quyền biến mà không bao giờ sai với tôn chỉ.

Trích từ sách “Tôi tự học” – Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *