Phạm Thái – tài hoa và bi kịch
Ngoài Chiến tụng Tây Hồ (Phản Tây Hồ cảnh tụng) – một bài phú từng như một trái phá, làm sửng sốt giới trí thức – văn thi sĩ Hà Thành đương thời cả ở thái độ cực đoan của người cầm bút lẫn cái tài nghệ vô song của tác phẩm, Phạm Thái (1777-1813) còn để lại một số thơ văn (chủ yếu bằng chữ Nôm), trong số đó phải kể đến các bài: Tự trào, Đề tranh tố nữ, Đề chùa Tiêu Sơn, Đề núi con voi, Họa thơ mừng tiệc sinh nhật Thanh Xuyên hầu, Văn triệu linh (Tức Đề nhà nghĩa lư của Long Cơ), Diễn thơ Trương tứ lang, và một bài Văn bia mộ Thanh Xuyên hầu bằng chữ Hán (sau chính tác giả lại dịch ra lục bát), v. v… Đặc biệt, từ mối tình với Trương Quỳnh Như, Phạm Thái đã sáng tác một số thơ văn hết sức đặc sắc: các bài làm trong khi xướng họa với Quỳnh Như: Cầm tháo, Thuật hoài… Khi người yêu chết, ông có một bài Văn tế Trương Quỳnh Như, bài Văn Triệu linh Trương Quỳnh Như và một truyện thơ nhan đề Sơ kính tân trang(1) – mà thực tế, tác phẩm này cùng bài văn tế là những trang “tự bạch”, những “hàng tình lệ” – như ông đã gọi về mối tình vừa lãng mạn vừa cay đắng của bản thân. Sơ kính tân trang độc đáo và nổi tiếng đến mức về sau hễ cứ nhắc đến tên Phạm Thái, người ta không thể không hình dung về ông – một nhà thơ đầy phong cách và cá tính.
Sơ kính tân trang – câu chuyện của tình yêu
Gặp và yêu Trương Quỳnh Như, Phạm Thái bước vào mối tình thơ mộng của mình thật hồn nhiên và như một “tiếng sét”, đến khi tình yêu thì còn mà người tình thì mất Phạm Thái đành ký thác nỗi hận tình quá lớn ấy vào trang thơ, công khai kể lại mối tình ngoài vòng lễ giáo đẹp đẽ và oan nghiệt của mình cùng nhân thế trong một truyện thơ Nôm tên là Sơ kính tân trang (Chuyện lược gương mới). Tác phẩm viết năm Giáp tý thứ ba đời Gia long (1804), 1484 câu, chủ yếu là thơ lục bát, có xen một số bài Đường luật, từ, một số đoạn viết theo thể song thất lục bát. Sự táo bạo của tác giả trong cuốn tự truyện là ở chỗ, ông cho nhân vật nam chính mang họ Phạm của mình; đổi tên người yêu là Quỳnh Như sang một cái tên na ná là Quỳnh Thư, giữ nguyên quê quán của các nhân vật. Đó là những điều chưa từng có trong các truyện Nôm ra đời trước đó, thậm chí cùng thời với nó. Kết cấu tác phẩm cũng hết sức độc đáo: phối hợp hai yếu tố thực và ảo. Phần thực : từ câu đầu đến câu 886; phần ảo: từ câu 887 đến hết (1484). Đó là một kết cấu hoàn toàn mới so với kết cấu truyền thống của truyện Nôm: cũng có ba phần là gặp gỡ – tai biến và đại đoàn viên nhưng kết thúc đại đoàn viên của Sơ kính tân trang chính là phần ảo – phần hư cấu của tác giả: Quỳnh Thư chết, tái sinh thành Thuỵ Châu, Phạm Kim và Thuỵ Châu sống với nhau hạnh phúc. Quan niệm hóa thân của Phật giáo được khai thác triệt để trong truyện dân gian và trong thủ pháp nghệ thuật của truyện kỳ ảo đã được Phạm Phái khai thác sáng tạo, đưa vào làm thành phần đoàn viên của tác phẩm, thỏa mãn hai nhu cầu tâm lý: một là của bản thân tác giả, không chịu chấp nhận sự thực đã mất người yêu; hai là thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận của độc giả: người ngoan được đầu thai trở lại sống cuộc đời viên mãn. Như vậy, truyện vừa có kết cấu mới mẻ, lại vẫn giữ được mô hình của kết cấu truyền thống.
Ở phần thực, ngoài chi tiết hai họ Phạm và Trương trao gương vàng, lược ngọc hứa hôn cho các con của mình sau này, tất cả các biến cố, các sự kiện trong cuộc tình của tác giả đều được ông phản ánh khá đầy đủ, sinh động với một tình cảm hết sức sâu nặng. Nhà thơ cũng không chiết suất cốt truyện từ sách vở Trung Quốc như hầu hết các truyện Nôm trước và sau đó như Hoa tiên, Phan Trần, Ngọc Kiều Lê, Truyện Kiều, Truyện tây sương, v.v. Người viết cũng không khoác cho thế giới nhân vật cũng như nội dung câu chuyện của mình một cái vỏ đậm màu sắc huyền thoại giống những truyện truyền kỳ như Từ Thức lấy vợ tiên, Bích câu kỳ ngộ, v.v. Không khí tác phẩm của ông hết sức hiện thực mà cũng thật thơ mộng. Mối tình Phạm – Trương nảy nở và được nuôi dưỡng trong khung cảnh êm ả, tự do, khoáng đạt. Ông bà Trương đôn hậu, các cặp gia nhân trung thành vun vén cho đôi tình nhân. Họ dường như không bị một cản trở nào từ phía cha mẹ hai bên, mặc dù có một thực tế, trong xã hội cổ truyền phương Đông, áp lực của xã hội và của gia đình đối với hôn nhân của con cái là rất lớn, do đó tình yêu trai gái tự thân nó đã mong manh lại càng mong manh hơn. Chuyện tan vỡ gần như là đương nhiên. Sở Cuồng Lê Dư trong Phổ Chiêu thiền sư thi văn tập(2) cho rằng Quỳnh Như bị mẹ ép gả cho tên nhà giàu Trịnh Nhị. Khái Hưng trong Tiêu sơn tráng sĩ cũng theo thuyết này. Còn ý kiến của Lại Ngọc Cang cùng một số nhà nghiên cứu khác cho rằng nàng bị ép gả cho viên Đô đốc sứ Đàng Trong. Vậy Trịnh Nhị và nhân vật Đô đốc trong Sơ kính tân trang là hai hay một người? Hay viên Đô đốc chỉ là hình ảnh “tác giả đã thuận tay mà đổ lên đầu” cho hả cơn căm giận nhà Tây Sơn như ý kiến của Nguyễn Văn Xung?(3) Có phải nàng bị ép uổng đến mức phải tìm đến cái chết không? Hiện chưa thấy có tài liệu nào cho biết đích xác, chỉ còn Sơ kính tân trang và Phạm Thái là hai nhân chứng “sống” trong cuộc mà theo chúng tôi cảm nhận, Quỳnh Như không hẳn bị ép đến như vậy. Truyện có đoạn cho ta biết: ngay trong lúc Quỳnh Thư phải đứng trước một sự lựa chọn: hoặc Phạm Kim, hoặc viên Đô đốc, mặc dù ông bà Trương rất khổ tâm nhận thấy tình thế đã bị dồn đến chân tường, vẫn để cho con gái tự quyết:
Bây giờ con nghĩ thế nào?
Nên, chăng liệu đấy; làm sao mặc lòng! (4)
Cho dù gia cảnh họ Trương lúc này đã lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, hai câu thơ vẫn cho ta thấy Quỳnh Thư còn có quyền lựa chọn. Quỳnh Thư rốt cuộc đã chọn giải pháp cho tình yêu của mình thật bất ngờ: cái chết. Nàng quyết liệt hơn Kiều, và về một khía cạnh nào đó, nàng “hạnh phúc” hơn Kiều. Kiều không thể chết. Tuy nhiên hãy khoan nói tới cái chết của Quỳnh Thư và cái kết cục bi đát của mối tình này. Điều phải kể đến trước hết – cũng tức là đóng góp hàng đầu của cặp tình nhân Phạm – Trương là ở chỗ: nếu không tính đến thể loại truyện truyền kỳ, thì với hai cây bút này, lần đầu tiên trong văn chương cổ điển, tình yêu trai gái đã cất tiếng reo vui hạnh phúc.
Chuyện kể rằng trước kia có đôi bạn thân, một người ở vùng Từ Sơn (Kinh Bắc), họ Phạm, một người ở Kiến Xương (Thái Bình), họ Trương. Đôi bên giao hẹn nếu sau này một bên sinh gái, một bên sinh trai sẽ làm thông gia với nhau. Phạm công trao cho bạn chiếc lược ngọc, Trương công tặng Phạm công chiếc gương vàng làm tin. Sau đó Phạm công sinh con trai, đặt tên là Phạm Kim. Bỗng xảy ra quốc biến, Phạm công lao vào con đường cần vương thất bại, gia cảnh tan nát. Phạm Kim lớn lên nối chí cha phục quốc, song sự nghiệp không thành. Chán nản, chàng bỏ đi ngao du sơn thủy, dừng chân tại một dinh thự ở vùng Thú Hoa Dương, nơi phong cảnh thơ mộng, non nước hữu tình. Một hôm Hồng nương – cô hầu nhỏ của cô chủ Quỳnh Thư (con gái một ông quan họ Trương nhà ở gần đấy) đi ngang qua nơi này, thấy vườn hoa cây cảnh rạng rỡ thanh quang thì lạc bước vào xem. Cậu tiểu đồng là Yến Tử chăm sóc vườn cây bắt gặp, hỏi nguyên cớ thì Hồng nương nói thấy hoa đẹp muốn ngắt vài cành kết mảng cho cô chủ của mình. Nàng xin lỗi ra về, hứa “ Lấy hoa ắt sẽ có ngày trả hoa”, Yến Tử không chịu, bắt Hồng vào gặp cậu chủ. Phạm Kim hỏi han rồi bảo: “Hoa thơm ai chả não nùng muốn đeo”, tiếc gì mấy cánh hồng tàn mà “Mà con lỡ khách hồng nhan làm gì”, rồi cho Hồng Nương về.
Bữa sau, Yến Tử sang dinh thự họ Trương, được gặp cô chủ, trở về cậu kể lể tường tận gia cảnh và ấn tượng của của cậu về cô chủ Quỳnh Thư:
Xuân hoa bậc ấy đa vừa,
Tuổi chừng đôi bảy, phong tư lạ lùng,
Thước tầm phỏng dạng bằng ông.
Lam pha mày liễu, mỡ đông da gà.
Chiều cá nhày vẻ nhạn sa,
Mắt long lanh nguyệt, tóc rà rà mây.
Má hồng môi thắm hây hây,
Khổ mê thược dược, thức say hải đường.
Chiều sánh ngọc, vẻ so vàng,
Ôi hoa vì sắc, ủ hương vì màu.
Thị thành đã mấy ai đâu,
Nguyệt vi kém giá, xuân lâu ít làn…
… Hai cung nhật nguyệt thần quang,
Tài thông minh với văn chương rất kỳ.
Tuy tài sắc như vậy, nhưng Yến Tử cũng nhận thấy nhiều dấu hiệu yểu tướng của Quỳnh Thư, Phạm Kim không tin, và dường như chàng và Quỳnh Thư đã đến với nhau từ khi “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”. Trái tim nhạy cảm đã mách bảo đôi trẻ về một tình bạn, tình yêu chân thành. Chàng vội gửi ngay cho người con gái một bức thơ bằng thơ, lời lẽ mơ mộng ru dương, không giấu giếm tâm trạng xao xuyến, hồi hộp yêu đương của mình:
Oanh yến véo von gọi khách,
Cỏ hoa hớn hở mừng ai?
Gió xuân hây hẩy giục đưa người,
Dễ khiến lòng thơ bối rối!
Thấp thoáng thoi oanh dệt liễu,
Thung thăng phấn bướm giồi mai.
Vũ Lăng xa diễn biết bao vời,
Khôn hỏi đào Nguyên đâu tá?
Chưa gặp đã yêu – theo chúng tôi – đây là chi tiết hư cấu, thể hiện quan điểm khoáng đạt của Phạm Thái chủ trương tình yêu trực cảm, trai gái đến với nhau tự nguyện và từ những linh cảm định mệnh rất tự nhiên. Rồi không chút dè dặt, chàng gửi tiếp bức thư nữa bày tỏ lòng cảm mến của mình và ngỏ ý đợi chờ người tình qua những lời thơ hết sức thanh nhã:
Câu hảo cầu đợi người thục nữ,
Năm mây phong đôi chữ đồng tâm.
Đón xuân nhắn với tri âm,
Tính tình xin tỏ tiếng cầm này cho.
đến bức thư thứ ba, với những lời thật tha thiết, chân tình, chàng thú thực nỗi lòng:
Lửa ân dập mãi sao không tắt?
Bể ái khơi mà cũng chẳng vơi.
Đèn nguyệt ví bằng mây chẳng bợn,
Xin soi cho tỏ nỗi niềm người.
Khi Phạm Kim thốt lên: “Trong tình thú hồng nhan mấy kẻ” thì Quỳnh Thư trước đó từng có lúc còn “Thôi nghĩ ngợi lại toan lường”, chợt nhận ra số phận đã trao cho mình tri âm tri kỷ. Không còn gì để do dự nữa, nàng quyết định: “Người phong lưu phải phong lưu đãi người”. Trong một bức thư hồi âm, nàng kín đáo cởi mở lòng mình:
Im ỉm màn sương đợi khách,
Thênh thênh cửa nguyệt chờ ai.
Giai nhân tài tử mấy ai người?
Chạnh tưởng tâm tình thêm rối.
Cặp uyên ương ấy đã có một thời hạnh phúc đắm say. Niềm vui tràn ngập trong thơ họ:
– Xuân năm ngoái vui lắm,
Xuân nay lại vui ghê.
Muốn xuân mãi để nhởn nhơ ngày tháng bụt.
– Má phấn say xuân hây ửng đỏ,
Thơ tình thiếu rượu rối vân vương.
Tìm vần trong rượu vần không thấy.
Chỉ thấy xuân đầy vẻ diễm quang(5).
Họ cũng có những ngày xa thì nhớ gần thì thương. Hãy xem khi phải xa nhau, người con gái đã gửi trọn tâm tình và tấm lòng chung thủy của mình trong những dòng tiễn biệt:
Hương lửa tình này dễ nói năng,
Chẳng hay lòng khách thấu cùng chăng?
Vườn đào sực thấy oanh đưa tín,
Dặm liễu đàn xui yến cách chừng.
Vàng đá nên chăng cùng một ước,
Nước non thề đã có đôi vừng.
Lời này dặn với tri âm nhẽ,
Chớ phụ cầm treo đợi dưới trăng.
Nàng Quỳnh Thư trong truyện là thế, đằm thắm thủy chung, sâu sắc và chân thành. Nàng Quỳnh Như ngoài đời cũng thật mạnh mẽ và thắm thiết: nàng thổ lộ vì nhớ người yêu mà nàng ngày quên ăn, đêm quên ngủ, sao nhãng tất cả mọi việc: bỏ cả trang điểm lười nhác không buồn tiếp khách… Một ngày có mười hai thì thì cả mười hai thì nàng chỉ tương tư tưởng nhớ người yêu. Đó là nguyên nhân khiến nàng cầm bút viết mười hai bài thơ Nôm thất ngôn bát cú miêu tả nỗi lòng của người con gái đang rạo rực yêu đương. Đóng góp của cây bút nữ này là ở chỗ, cùng với Hồ Xuân Hương, lần đầu tiên trong lịch sử văn học viết dân tộc, Quỳnh Như đã dám viết thẳng tình yêu của mình ra giấy mực, công khai nỗi sầu tương tư, thổ lộ rất thật nỗi lòng lúc nào cũng như “trận hỏa thang nồng” (ruột nóng như lửa đốt) của mình. Với mười hai bài thơ, người đọc thấy được tài hoa của tác giả ở chỗ, đã diễn đạt rất xuất sắc những xung đột nội tâm, những tâm trạng phức tạp, rắc rối của một người con gái đang yêu và linh cảm về sự mong manh của tình yêu. Đó là những diễn biến tâm lý rất đời thường của con người trong tâm trạng yêu đương, phức tạp, mâu thuẫn, giằng co day dứt… tưởng như chỉ có thể tìm được trong thơ văn cận hiện đại về sau.
Tuy nhiên chuyện tình này đã chuyển sang giai đoạn “tai biến” xét ở góc độ kết cấu của thể loại. Như biết bao câu chuyện tình duyên khác, mối tình của cặp uyên ương Phạm – Trương sau bao ngày hạnh phúc sướng vui, họ đã mất nhau chính vào lúc bất ngờ nhất: Phạm Kim có việc về quê, Quỳnh Thư bị viên Đô đốc nói giọng Đàng Trong nghe tin nàng xinh đẹp bèn đến đòi lấy làm vợ. Trước những lời dọa nạt của viên Đô đốc, gia đình Trương công bối rối lo sợ. Quỳnh Thư tức tốc viết thư gọi Phạm Kim về.
Lâu nay chúng ta vẫn ca ngợi hành động “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” của Thúy Kiều như là một bước đột phá của quan niệm yêu đương phong kiến. Điều đó chính xác. Tuy nhiên có thể do ánh hào quang quá rực rỡ của Truyện Kiều khiến ta không chú ý lắm hành động tương tự của Quỳnh Thư từ trước nàng Kiều:
Canh ba vang tiếng kim trang,
Thác rèm hoa thấy một nàng tiên nga.
Chiều ủ liễu, vẻ ôi hoa,
Ngọc ngần môi thắm, châu sa má đào.
Nhác xem chàng ngỡ chiêm bao,
Dẫu người sắt cũng lệ trào, lọ ai?
Người con gái này thật mạnh mẽ, quyết liệt. Giữa đêm trường xuất hiện trước cửa nhà người yêu. Nàng không đến để có được những phút giây hạnh phúc như Kiều mà rắp tâm đến với Phạm Kim để được nhìn chàng lần cuối bởi trong lòng đã sẵn một quyết định. Nàng dặn người yêu: “Thiếp nay tay có son in / Quỳnh nương hai chữ thì xin nhớ cùng”. Rồi nàng tặng người yêu đôi vòng hồ điệp, xin chàng cho Yến đồng xe duyên với Hồng nương. Còn Phạm Kim thì sao?
Chàng nghe nàng nói tỏ tường,
Kim hoàn giở lại tay nàng xem qua.
Chàng đưa cho Quỳnh Thư xem lại kỷ vật của tình yêu mà chàng vẫn giữ, chứng tỏ tấm lòng như nhất của mình. Nàng đã ở nhà người tình từ canh ba đến lúc: “Chuyện thôi hồi trống giục canh / Tạ chàng nàng mới sắm sanh ra về”. Rồi nàng đến với tử thần một cách lặng lẽ, bình thản sau khi đã dặn dò cô hầu gái Hồng nương nhớ kết duyên với Yến đồng và không quên dặn: “Thay ta hầu hạ Phạm Lang”, v.v. Trước khi chết nàng vẫn còn lo lắng cho người yêu, sắp đặt cho con ở chu toàn!
Hạnh phúc tuột khỏi tay trong tích tắc. Phạm Kim lâm bệnh nặng, bệnh khỏi, chàng đau khổ, bỏ đi lang bạt rồi quy y cửa Phật.
Phạm Kim đáng thương hay đáng trách? Nỡ trách sao một người con trai chỉ biết yêu thật lòng nhưng lại quá yếu đuối nên đành ôm hận nhìn người yêu giữa đêm trường chạy đến với chàng trong cái vẻ “Ngọc ngần môi thắm châu sa má đào” mà cả hai chỉ còn biết thề nguyền kiếp sau sẽ cùng nhau tương phùng? Phạm Kim không tự đánh mất tình yêu của mình như Lương Sinh trong Hoa tiên vì phải nghe lời cha mẹ xe duyên Châu – Trần cho mà đánh mất mình, tình phụ Dao Tiên. Phạm Kim cũng không giống Kim Trọng sau một năm đi xa trở về chốn cũ thì bất ngờ chỉ thấy: “Hoa đào năm ngoái còn cười gió Đông” – chàng đứng trước một sự thực đã rồi: Thúy Kiều đã ra đi! Bi kịch của chàng là bi kịch của sự bất lực. Thái độ mang tính lịch sử thời đại này của Phạm Kim cũng tức là của Phạm Thái – trước nay từng có một vài ý kiến khe khắt: “Hình ảnh cuối cùng của Phạm Thái: quay về than khóc cho tình yêu đã mất cho chúng ta thấy một ý thức cá nhân bất lực, suy đồi” (6). Chẳng lẽ ta lại bắt Phạm Kim phải thôi than khóc đi làm “cách mạng” như chàng lãng tử trong văn chương lãng mạn? Hay cũng đòi chàng nho sinh Kim Trọng trong Truyện Kiều phải vung gươm đi cứu Kiều như những hiệp sĩ Tây phương?… hẳn là những đòi hỏi phi lịch sử. Những tấn bi kịch tình yêu phản ánh trong truyện thơ thế kỷ XVIII – XIX bản thân nó đã là tiếng thét tố cáo sự bế tắc của những khuôn phép xã hội cứng nhắc, tố cáo tính chất mâu thuẫn giữa những luồng tư tưởng nhân văn tiên tiến của trí thức đương thời với một thực tế xã hội khủng hoảng, tụt hậu. Chỉ riêng việc các nhà thơ thời này qua văn chương gửi lại cho hậu thế nỗi di hận của họ một cách bi thương sáng chói như vậy, họ dám khóc và đưa tiếng khóc vào thơ văn, nghệ thuật, làm cho văn chương không còn thuần là văn chương kinh viện, chủ yếu phát biểu chí làm trai nữa, mà đã trả nó về với đúng thiên chức của nó là tôn thờ cái đẹp, phản ánh thế giới riêng tư thầm kín với biết bao nỗi buồn – vui, sướng – khổ của con người. Đó là một “cách tân” đáng kể, sao có thể là “suy đồi”? Trai gái muốn được yêu và lựa chọn hôn nhân theo cách của họ, nếu tình yêu không được giải thoát thì bảo toàn vẻ đẹp của nó theo kiểu Phạm -Trương cũng là một dư chấn cảnh báo Nho giáo về tình trạng lạc hậu của những giáo điều quá nghiêm khắc trong đời sống tinh thần xã hội phong kiến Việt Nam. Nếu hội chứng tử tử vì tình nở rộ ở đời sống đô thị Việt Nam cũng như trong văn xuôi lãng mạn mấy thập niên đầu thế kỷ XX là một hiện tượng xã hội, thì phải thấy, một trong những nguyên nhân của nó đã nảy mầm từ trước đó hơn một thế kỷ với cái chết của cô gái họ Trương này.
Bây giờ hãy bước vào đoạn kết của câu chuyện: đại đoàn viên.
Trước hết phải thấy ngay rằng, non một nửa số câu thơ của Sơ kính tân trang là dành cho phần này: 598 câu. Đây là một đoạn kết dài nhất trong số tất cả các truyện Nôm tính về dung lượng của cốt truyện(7). Ở trong hệ thống truyện Nôm, các nhân vật chính đều không chết. Họ chỉ phải trải qua rất nhiều sự kiện, biến cố, bao quăng quật của cuộc đời, thậm chí như Dao Tiên, Ngọc Khanh, Thúy Kiều, Nguyệt Nga, v.v. các nhân vật cùng có một hành động nhảy xuống sông tự trầm nhưng tất thảy đều được vớt lên, đều “ngẫu nhiên phải sống”, cho nên họ lại trở về họp mặt trong phần đại đoàn viên. Còn với Phạm Thái, Trương Quỳnh Như ngoài đời đã chết. Ông phải xử lý cái kết thúc này ra sao?
Ở phần này, nhà thơ đã đưa ra một kiểu “đại đoàn viên” hoàn toàn mới mẻ và sáng tạo: Quỳnh Như chết, hóa kiếp tái hồi trong hình bóng Thuỵ Châu. Nhà thơ dồn tất cả ước mơ, tình cảm vào cuộc tình say đắm trong ảo mộng đó. Có thể nói đó là “giấc mộng vàng” của thiên tình sử vừa lãng mạn vừa độc đáo. Có lẽ chỉ duy một điều Phạm Thái làm được cho mối tình của ông là về mặt sáng tác, nhà thơ không chịu chấp nhận mất mát của đời mình. Nhà thơ cho cái “kiếp sau” của Quỳnh Thư tái hồi ngay ở phần cuối câu chuyện. Đó là nhân vật Thuỵ Châu, nàng là con vợ bé của Trương công – bạn của cha Phạm Kim. Thuỵ Châu xinh đẹp, tính tình phóng khoáng, lớn lên giả trai, tu luyện như một đạo sĩ ngao du khắp nơi. Đến Kim Sơn, nàng gặp Phạm Kim trong bộ áo cà sa. Đạo sĩ và thiền sư đàm đạo, xướng họa văn thơ, chẳng ai chịu thua ai, khác nào một đôi tri kỷ. Chia tay rồi nhưng linh tính mách bảo Phạm Kim người đạo sĩ kia là con gái, chàng thổ lộ cùng đứa ở:
Ta xem người ấy mỹ miều,
Vả đường ăn ở ra chiều nữ nhân.
Chữ thơ đượm vẻ thanh tân,
Giọng thơ mầu ngả đượm phần hương hoa.
Thế là từ đó chàng luôn mơ tưởng đến nàng chẳng còn thiết gì đến tu hành nữa, cởi bỏ áo cà sa chàng lại ra đi. Nghe tiếng Trương công trong vùng chàng bèn đến tỏ lòng ngưỡng mộ và xin lưu trú tại dinh thự của ngài để thụ giáo rồi nhờ tiếng đàn, Phạm Kim và Thuỵ Châu nhận ra nhau. Đôi bên giở kỷ vật cũ là gương lược ra so thì thật mừng rỡ vì họ chính là lương duyên của cha mẹ hai bên, Thuỵ Châu chính là Quỳnh Thư tái thế. Thuỵ Châu lại khơi dậy tình yêu tưởng chừng đã tắt trong chàng Phạm Kim. Với lần tái hợp này của đôi tình nhân, một lần nữa người đọc lại có dịp chứng kiến tấm tình sâu nặng của cặp uyên ương trai tài gái sắc, cùng đôi trẻ tận hưởng bầu không khí tươi vui trong khung cảnh mơ màng tình tứ của bốn bề trời đất:
Tuyết sương lác đác nguyệt mờ mờ,
Quế nhạt hương đưa,
Sen nhạt hương đưa;
Rải rác trên sông nhạn lửng lơ.
Oanh cũng thờ ơ,
Bướm cũng thờ ơ;
Chồi ngô gió thổi lá bơ sờ.
Mai ủ hình thơ,
Trúc ủ hình thơ;
Khúc dạ thanh ca khéo hững hờ.
Cung Quảng xa xa,
Cầu thước xa xa…
Trong văn chương cổ trung đại Việt Nam, số lượng từ không nhiều bằng thơ, nhưng những bài từ của Ngô Chi Lan, Ngô Thì Sĩ, Hồ Xuân Hương, những bài từ trong các truyện truyền kỳ hay từ của Miên Thẩm, Mai Am, Đào Tấn, v.v. là những bài từ đặc sắc, chứa đựng trong đó mọi bí ẩn của âm nhạc, ngôn ngữ và vần điệu sánh ngang với từ Ôn Đình Quân, Vi Trang, Lý Thanh Chiếu, Âu Dương Tu, v.v. Nếu như các bài hát nói chủ yếu phát huy hiệu lực tối đa ở công đoạn diễn xướng thì từ bản thân nó đã là “tất cả”. Các nhà viết từ Việt Nam đều viết bằng chữ Hán. Riêng Phạm Thái làm từ Nôm. Với sự mẫn cảm của một nghệ sĩ tài hoa, nhà thơ đã phát hiện ngay ra thanh điệu của tiếng Việt rất thích hợp để “điền” từ:
Trăng soi vằng vặc vóc non mờ,
Lan thoảng hương đưa,
Cúc thoảng hương đưa,
Trời in một sắc nước xanh lơ.
Oanh nói u ơ,
Yến nói u ơ,
Cánh buồm chở nguyệt gió lay sơ.
Lốm đốm sao thưa,
Phấp phới sương thưa,
Chinh nhân thổi địch lắng ơ hờ,
Thiều nhạc không xa,
Hoan hội không xa…
Những khúc nhạc du dương này ai đã một lần được nghe như đều có chung cảm giác đang cùng say, cùng mơ màng hạnh phúc với những người đang yêu và đang được yêu. Cả vũ trụ như cùng tràn ngập trong trạng thái bay bổng tuyệt vời. Các bài từ của Phạm Thái đều không có một câu, một chữ nào nói đến tình yêu, hạnh phúc mà cảm xúc tươi vui ngân mãi không dứt bởi nhịp điệu tha thướt của câu, âm thanh êm ái của nhạc, hình ảnh mỹ diệm của chữ xoắn quyện đã gợi những vang hưởng ngôn ngoại, tạo nên những ý nghĩa mà người đọc chỉ có thể cảm chứ không thể diễn thành lời. Hiệu quả của nó chẳng kém gì những bài từ tình yêu viết bằng chính ngôn ngữ của tình yêu:
Hoa phiêu phiêu
Mộc tiêu tiêu
Ngã mộng, khanh tình các tịch liêu
Khả cảm thị xuân tiêu
Lộc ao ao
Nhạn ngao ngao
Hoan hảo tương kỳ tại nhất triêu
Bất tận ngã tâm miêu
Giang bát bát
Thủy hoạt hoạt
Ngã tư, quân hoài tương khế khoát
Lệ ngân chiêm hạ cát
Thi tiết tiết
Tâm thiết thiết
Nồng đạm thốn tình tu lưỡng đạt
Dã ưng quân bút phát…
(Thuật ý kiêm giản hữu nhân Mai Sơn Phủ)
(Hoa phiêu phiêu,
Lá rào rào,
Ta mộng tình quê quạnh biết bao!
Đêm xuân nhớ làm sao!
Hươu sao sao,
Nhạn nhao nhao.
Hoan hỷ cùng nhau xảy ngày nào,
Lòng ta tả hết đâu.
Sông bát ngát,
Nước xiết xiết,
Lòng ta lòng chàng cùng khăng khít,
Lệ rơi áo quện viết…
Thơ tha thiết,
Lòng thảm thiết,
Tấc lòng nóng nhạt chàng đã biết,
Xin chàng cầm bút viết) (7)…
(Kể ý mình và trình bạn là Mai Sơn Phủ)
Đây là một bài thơ tình rất buồn, một bức tranh quê chan chứa nỗi cô sầu của Hồ Xuân Hương trong hình thức một điệu từ cổ(8).
Cố công đi tìm vẻ đẹp của từ nói chung cũng như của từ Phạm Thái nói riêng, Chế Lan Viên đã đã phát hiện ra một bí mật: “Đúng rồi! chữ có mấy đâu, chữ có gì đâu mà sao nó cứ gợi ngoài chữ, ngân ngoài lời đến vậy […]. Bí mật nằm ở chỗ lặp lại “Quế nhạt hương đưa. Sen nhạt hương đưa…”(9). Như vậy, điệp âm là yếu tố hết sức quan trọng trong rất nhiều điệu từ mà Phạm Thái đã khai thác, tạo nên cái vẻ “điệu nghệ” riêng cho phong cách từ của họ Phạm viết bằng chữ Nôm đứng bên cạnh những tên tuổi khác viết bằng chữ Hán. Với ông, sự điệu nghệ của nghệ sĩ còn phải được thể nghiệm ở những chỗ bất ngờ nhất trong quy trình sáng tạo. Phải ngược với “cái người ta”. Nguyễn Huy Lượng viết Tây Hồ cảnh tụng thì trái lại, ông viết Phản Tây Hồ cảnh tụng, các tác gia truyện Nôm lấy cốt truyện từ các nguồn du nhập để sáng tác thì ông nhận ngay ra đời sống tình ái của ông là nguồn thi liệu tuyệt vời và đặc biệt khác người… Chính vì thế, với tài hoa thiên bẩm, Phạm Thái đã mang đến cho công chúng yêu truyện thơ một tiếng nói nghệ thuật độc đáo giàu chất nhân bản bởi cái tính thời sự, tính chân thật đời thường và trực cảm: yêu say đắm mà buồn đau cũng không cùng. Như vậy, ông và Quỳnh Như đã thoát khỏi cái “vòng kim cô” “lạc nhi bất dâm, ai nhi bất thương” của Khổng Tử, cùng các tác giả khác như Ngô Thì Sĩ, Phạm Nguyễn Du, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… đưa cái đau thương bi luỵ vào văn chương, truyền nhắn lại cho hậu thế, tìm sự đồng điệu trong tâm hồn với thế hệ mai sau.
* * *
Trước nay hầu hết các ý kiến đều xuất phát từ góc độ thể loại để chê trách cấu trúc nghệ thuật của Sơ kính tân trang là lỏng lẻo, chắp vá, cảm hứng không liền mạch, tác giả gặp gì viết nấy, xây dựng nhân vật sơ lược, kém bản sắc, v.v. Tóm lại, tác phẩm không tuân thủ quy tắc một truyện Nôm truyền thống. Thực ra, chỗ “khác người” – mà một số nhà nghiên cứu gọi là “nhược điểm” của Phạm Thái – lại chính là ưu điểm, là đặc trưng cơ bản làm nên phong cách họ Phạm: đó là tính ngẫu hứng trong tư duy nghệ thuật, là bút pháp hết sức phóng túng. Ông cầm bút không dưới một ý đồ nghệ thuật nào định lối trước, cầm bút chỉ là để thỏa mãn cảm xúc sáng tạo, viết gì, hình thức nghệ thuật nào – không định trước – cứ để cho cảm xúc điều khiển. Cho nên không riêng Sơ kính tân trang mà ở một số thể thơ khác như thơ Nôm ngũ ngôn, ông vừa là người khai sinh ra nó:
Đèn mờ khôn tỏ bóng,
Nguyệt khuyết mái tây hiên,
Xa xa rền tiếng trống,
Lồng lộng chốn binh điền(10) .
(Trời Đông nghe trống đánh)
lại cũng là người “phá luật”, thêm cho nó cái kết của thơ yết hậu:
Một năm mười hai tháng,
Một tháng ba mươi ngày,
Hũ lớn cạn, hũ bé cạn,
Hay!… (11)
(Con trả lời)
Hoặc như ở bài Văn triệu linh Trương Quỳnh Như, ông lại là người trước nhất đặt những bước đi ban đầu cho một kiểu dạng mới của thể song thất lục bát, đó là dạng “trữ tình tự tình” mà sau này Cao Bá Nhạ thể hiện rất thành công với tác phẩm Tự tình khúc. Ngòi bút của ông luôn chịu sự chi phối sâu sắc bởi một tư duy nghệ thuật hết sức duy cảm. Dòng cảm xúc, ý tưởng thơ đưa nhà thơ đến đâu thì ngòi bút của ông theo đến đấy. Khi cần vận dụng thể tài nào là nhà thơ đưa ngay vào trang thơ, do đó Sơ kính tân trang của ông bao gồm rất nhiều thể tài, là một tác phẩm “hỗn dung thể loại”: lục bát, song thất lục bát, thất ngôn luật, từ… khiến cho: “Nhịp thơ đi như triều lên gió loạn, bẻ gãy mọi tiết tấu hiền hòa êm dịu của thể thơ lục bát vốn mềm mại để tạo ra một nhịp điệu mới, hỗn độn và ngang tàng” (12). Với nhãn quan đó thì Sơ kính tân trang như một “nghịch truyện” đính kèm một nghịch lý tương ứng: cuốn hút và thỏa mãn thưởng thức. Thỏa mãn ở chỗ: người đọc có thể tìm thấy mình ngay trong câu chuyện của họ Phạm mọi trạng thái tinh thần: vui, buồn, sảng khoái, hài hước, phẫn uất… tất cả đều thoắt ẩn thoắt chuyển, bất ngờ lỏng lẻo nhưng không thể nhàm chán. Một kết cấu lạ và phá cách như thế dự báo rằng: hình thức quy phạm của kết cấu cốt truyện thơ lục bát đang chuyển động theo hướng rạn vỡ và sẽ đến thời điểm tự nó sẽ mở ra một chiều hướng kết cấu mới làm phong phú thêm cho mô hình kết cấu của thể loại. Tuy nhiên, trước mắt, Phạm Thái vẫn một mình một giọng, chủ trì bút pháp “say mê bồng bột”, tác phẩm của ông như bài thơ trường thiên, tự do… chi phối bởi một cá tính sáng tạo trực cảm, phóng túng, trữ tình đến say mê.
Một bài văn – một tiếng khóc
Theo như tiểu sử thì Phạm Thái phải phiêu bạt giang hồ từ rất sớm nên chắc chắn thơ văn của ông cũng lưu lạc nhiều, song chỉ với những tác phẩm còn truyền đến nay, phải thừa nhận Phạm Thái là một nhà thơ có tài, bút lực của ông thật khỏe, kỹ xảo thơ ông không mấy ai theo kịp. Nguyễn Tử Mẫn, người gần như đương thời với Phạm Thái nhận xét: “Ban đầu tôi đọc tập Sơ kính tân trang cho là thơ văn của ông chỉ có nguyên đấy, nhưng sau lại được đọc nhiều bài khác, mới biết ông là bậc toàn tài. Người xưa nay như ông thực hiếm có: Nhiều bài Đường luật đem so với văn chương Lý, Đỗ cũng không kém gì […]. Ông từ lúc còn bé đến khi nhớn, hết gặp gia biến lại gặp quốc nguy, trải bao cảnh ngộ đắng cay, thế mà văn càng điêu luyện, võ đủ lược thao, cho đến cầm kỳ thi họa cũng đều tinh thạo. Không phải bậc đại tài mà được như vậy sao?”(12). Như vậy theo Nguyễn Tử Mẫn, Phạm Thái còn sáng tác bằng chữ Hán và thơ chữ Hán của ông sánh ngang Lý Bạch, Đỗ Phủ. Thế mà hiện tại chúng ta hầu như không có trong tay một bài thơ chữ Hán nào, tất cả là thơ Nôm khiến thoạt tưởng ông chỉ là nhà thơ quốc âm. Tuy nhiên, mảng thơ đã mất không vì thế ảnh hưởng vị trí tuyệt đỉnh của ông trong lịch sử văn chương trung đại Việt Nam. Về điều này, Sở Cuồng Lê Dư cũng xác nhận: “Tới nay gần hai trăm năm, đọc lại lời văn, vẫn hãy còn lâm ly cảm khái… cái giá trị của văn chương ấy thực có bổ ích cho đời, có ảnh hưởng đến nghìn muôn thu…”(13). Nói về cái tài diệu của “lâm ly cảm khái” hẳn chúng ta không thể bỏ qua Văn tế Trương Quỳnh Như. Bài này cùng với Văn tế chị của Nguyễn Hữu Chỉnh (chị ông là vợ Phạm Nguyễn Du), Văn tế vua Quang Trung của Lê Ngọc Hân là một trong ba bài bài văn tế được xem như nổi tiếng nhất thế kỷ XVIII. Nếu phải đặt lên bàn cân ba bài văn này thì có lẽ vị trí số một vẫn dành cho bài của Phạm Thái: “Cả bài văn là tiếng kêu thương bi thiết chân thành, là hiện thân của nỗi thống khổ đau nóng sốt không hề vướng bận một chút kỹ thuật văn chương”(14). Thật ra kỹ thuật đạt đến độ không còn là kỹ thuật nữa thì đó chính là kỹ thuật vậy. Bài văn khởi đầu và kết thúc đều bằng những câu hỏi “bởi vì đâu” lặp đi lặp lại, tạc vào năm tháng:
Nương tử ơi! Chướng căn ấy bởi vì đâu? oan thác ấy bởi vì đâu? Cho đến nỗi xuân tàn hoa nụ, thu lẩn trăng rằm!
Nỗi đau càng được khoét sâu thêm bởi số phận trớ trêu của người bạc mệnh: gia cảnh hiếm hoi, lúc này ông bà Trương chỉ còn có mình nàng, anh trai đã mất, nàng lại cũng bỏ cha mẹ mà đi, một kiếp người của nàng chỉ có “đôi mươi năm”:
Lại có điều đau đớn thế. Nhà huyên ví có năm có bảy, riêng một mình nàng đeo phận bạc, thì lửa nguội nước vơi còn có nhẽ.
Thương hại thay! Hoa có một cành, tuyết có một quãng, nguyệt có một vầng, mây có một đóa. Thân là thân hiếm hoi chừng ấy.
Nỡ nào lấy đôi mươi năm làm một kiếp, mà ngơm ngớm chốn non bồng nước Nhược, đỉnh gì không đoái đến cõi phù sinh!
Rồi nhà thơ lại đưa ra những lời cật vấn liên tiếp: nếu nàng có là tiên giáng thế thì sao không nguyện thân này cho vẹn kiếp mà đuề huề xuân huyên, phu tử “rồi sẽ rong chơi nơi chín suối, cớ gì riêng bỗng vội vàng chi?”. Nhà thơ xác nhận tình yêu của họ gắn bó như “nghĩa cương thường” với biết bao “tâm sự”:
Ôi! Chữ mệnh hẹp hòi, chữ duyên suồng sã, những như thân gia ấy, tình cảm ấy, ngược xuôi kia cũng ngậm ngùi cho. Huống ta cùng nương tử, tuy chẳng thân kia thích nọ, nhưng tình duyên là chừng ấy, cũng là một chút cương thường: dẫu rằng kẻ đấy người đây, song ân ái bấy lâu nay, đã biết bao tâm sự!
Vừa than thở vừa tự hỏi, tự đáp, rồi có lúc giọng văn lại chuyển sang thủ thỉ như tâm tình với người yêu, lại như tự nói với riêng mình:
Ta hăm hở chí trai hồ thỉ, bởi đợi thời nên nấn ná nhân duyên; mình long đong thân gái liễu bồ, vì giận phận hóa ngang tàng tính mệnh.
Cho đến nỗi hoa rơi lá rụng, ngọc nát châu chìm; Chua xót cũng vì đâu? Não nuột cũng vì đâu?
Câu chữ trau chuốt một cách tự nhiên, nhịp điệu trập trùng hài hòa làm nền cho những suy tưởng về lẽ sống chết, về những chướng căn bất ngờ chi phối số phận con người, do đó ai cũng có thể tìm thấy “cái tôi” của mình trong cái tôi của tác giả.
Tình yêu này kéo theo biết bao hệ luỵ, trở thành thảm kịch bởi nó không chỉ kết thúc với cái chết oan khuất của Quỳnh Như, làm tan nát trái tim cha già mẹ yếu của nàng mà đối với Phạm Thái – người con trai từng vì hạnh phúc tình yêu bỏ cả chí hướng sự nghiệp, lại cũng bởi “Một mối chung tình tan mấy mảnh” mà trở nên tàn lụi – cũng tuyệt mệnh ở tuổi hoa niên. Các sách đều chép sau khi Quỳnh Như mất, Phạm Thái chán nản, sống mà như chết, lang thang vất vưởng nay đây mai đó, lao sâu vào rượu, hủy hoại mình trong nỗi nhớ người người yêu:
Trời xanh thăm thẳm mấy tầng khơi,
Nỡ để duyên ai luống ngậm ngùi.
Buồn đốt lò vàng hương nhạt khói,
Sầu châm chén ngọc, rượu chìm hơi,
Lầu Tây nguyệt gác, mây lồng bóng.
Ải Bắc hồng bay bổng tuyệt vời,
Một mối chung tình tan mấy mảnh,
Suối vàng ai nhắn hộ đôi lời!
Và cũng như các nhà thơ tình thời này, Phạm Thái đã nhận ra một giá trị rất lớn của cuộc sống là tình yêu, có tình yêu trong hôn nhân, ngoài hôn nhân, có tình yêu phải được kết quả ở hôn nhân. Song đáng tiếc, khi ông cùng các nhà nho – thi sĩ thời này nhận chân được điều đó, phát hiện được vẻ đẹp kỳ diệu của tình yêu, giác ngộ sâu sắc bản ngã của con người, thì cũng là lúc họ phải chịu hệ luỵ từ chính những tư tưởng đó: là hiện thân vẻ đẹp tinh thần thời đại nhưng họ lại bị hủy hoại bởi chính tinh thần đó. Tuy nhiên, với Phạm Thái, lịch sử văn chương dân tộc sẽ nhớ mãi về ông – nhà thơ của mỗi thể loại một tác phẩm vô song: một bài phú, một truyện thơ, một bài văn tế…
HN, 2002-2009
Đặng Thị Hảo
Nguồn: vandoanviet.blogspot.com
————————-
1. Hiện Thư viện Hán Nôm còn một bản Châu sơ kim kính lục (Truyện lược ngọc gương vàng), AB. 275, nội dung tương tự như Sơ kính tân trang, có nhiều đoạn giống đúc, tên hai nhân vật chính là Kim Kính và Quỳnh Ngọc, văn chương kém hơn, chưa rõ đây là bản nháp của giả hay dị bản người sau mô phỏng.
2, 5, 10, 11, 13, 14. Phổ Chiêu thiền sư thi văn tập. Sở Cuồng văn khố – Quốc học tùng san, đệ tứ tập. Nam ký thư quán xuất bản, 17, Boulevard Francis Garnier Hanoi, 1932. tr. 5, tr.4.
3, 12, 15. Nguyễn Văn Xung, Phạm Thái và Sơ kính tân trang. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1972. tr. 60, tr. 63, tr. 40.
4. Sơ kinh tân trang. Hoàng Hữu Yên giới thiệu, và chú thích. Nxb Giáo Dục, H.1994. Các trích dẫn thơ trong bài đều từ nguồn này.
6. Lê Dục Tú. Quan niệm về con người trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, Nxb. Khoa học xã hội. H. 1997, tr.50.
7. Hoàng Xuân Hãn, Hồ Xuân Hương thiên tình sử. Nxb Văn học, H.1999, tr. 250-251. Khi phỏng dịch bài này, GS Hoàng Xuân Hãn không có bản chữ Hán trong tay, chúng tôi thêm phần phiên âm của bạn Phạm Văn Ánh, dựa vào bản Lưu Hương ký (HN. 336) của Thư viện Viện Văn học.
8. Theo khảo sát của Phạm Văn Ánh trong bài Một số hiện tượng bất thường trong văn bản Lưu Hương ký, Tạp chí Văn học, số 11- 2008, thì không rõ tại sao bài này không hoàn toàn tuân thủ dạng thức cách luật của từ phổ Giang Nam điệu của Trung Quốc.
9. Tống từ. Nguyễn Xuân Tảo dịch, Chế Lan Viên giới thiệu. Nxb Văn học, H. 1999, tr.14.