So sánh tính thơ trong các bài ẩn chứa khẩu khí và những bài có lời lẽ cổ kính của Lê Thánh Tông
Khi xét đến thi văn của vua Lê Thánh Tông, nếu ta để riêng một vài bài nhà vua làm trong khi thân chinh hoặc đi tuần du như bài “Đề miếu bà Trương”, bài “Qua Đèo Ngang” tức là những bài có cảm hứng thành thật, sáng tác dễ dàng,có giá trị, ta còn có thể chia thi văn của nhà vua làm hai loại:
1) Những bài thơ cổ kính, dùng nhiều chữ Nho như bài “Hoa Sen”, “Thơ cho sứ thần”, v.v..
2) Những bài có lời văn chải chuốt thuộc về loại thơ khẩu khí, nghĩa là vịnh những hạng người hèn hạ, những vật tầm thường, nhưng ngụ ý tả một ông vua hoặc một ông tướng có phẩm cách cao quý.
Nay ta thử xét qua giá trị của từng loại kể trên.
1) Loại thơ cổ kính:
Những bài thơ thuộc về loại này rõ ràng là những bài thơ xưa, còn dùng nhiều chữ nho và điển tích khó khăn. Ta thử đọc bài “Vịnh hoa sen”:
Chẳng bận chi trần mảy mảy hơi,
Luận về thanh quí tót xa vời.
Nõn nà sắc nước nhờ duyên nước,
Ngào ngạt hương trời nức dặm trời.
Gấm Chức dong tơ khuây mắc cửi,
Gương Hằng ngắm bóng ngại trâm cài.
Dao trì lần thấy Triều đi rước,
Hớn hở Thai minh vận thái giai.
Đọc bài nầy ta nhận thấy câu 1 khô khan, gượng gạo, câu 2 kém sắc sảo, hai câu 5, 6 tối nghĩa vì dùng điển nặng nề (Chức Nữ thấy hoa sen đẹp mà quên dệt cửi, Hằng Nga vì mải ngắm sắc đẹp của hoa sen mà quên cài trâm). Hai câu 7 và 8 lại tối nghĩa vì hình ảnh phô diễn không được rõ ràng (trong ao ngọc, đám hoa sen trông như đám rước ở trong triều, hoa sen đẹp như sao Thai đến thời kỳ sáng tỏ). Chỉ có hai câu 3 và 4 là nhẹ nhàng, chữ dùng thanh thoát, những chữ “nước”, “trời” lặp lại khéo léo, cho ta cái ý cao xa rộng rãi và lại tỏ được sự hoà hợp hoàn toàn giữa hoa sen và cảnh vật thiên nhiên.
Nhưng xét về toàn thể bài này còn có chỗ vụng về vì cách đặt câu dùng chữ chưa song suốt, ổn thoả. Nếu ta có để ý đến bài này thì cũng là vì lòng hiếu cổ hơn là vì mến chuộng giá trị văn chương của nó.
2) Loại thơ khẩu khí:
Người xưa thường có lệ xem văn chương để đoán vận mệnh tương lai của tác giả. Người ta cho rằng có thể đọc một bài thơ mà đoán biết được tác giả của nó là người như thế nào, mai sau thân phận hẩm hiu hay là hiển đạt lừng lẫy. Lợi dụng sự tin tưởng ấy, nhiều nhà thơ trong lúc ngâm vịnh những sự vật tầm thường có ẩn ý bày tỏ khí phách và hoài bão lớn lao của mình. Các hạng nho sĩ làm thơ như vậy cốt để phô trương tài trí và dùng làm một phương tiện tiến thân,các bậc quân vương thì nhắm mục đích bày tỏ khí tượng thiên tử làm cho mọi người phải tôn kính. Do đó mới có thơ khẩu khí, tức là một mánh khoé của các thi sĩ thường dùng để tự “tuyên truyền” hoặc để tự đôn đốc lòng tự ái của mình.
Vua Lê Thánh Tông làm nhiều thơ khẩu khí hơn ai cả. Vua có nhiều bài được truyền tụng như những bài vịnh: “Con cóc”, “Con chó đá”, “Cái chổi”, “Cái nón”, “Cái cối xay”, “Thằng mõ”, “Người bù nhìn”, “Người ăn mày”, “Thợ dệt vải”, v.v… Nhiều người cho rằng sở dĩ vua làm nhiều thơ khẩu khí như vậy là cốt để đánh đổ những tin đồn trong dân chúng nghi ngờ rằng nguồn gốc của nhà vua không được minh bạch (mẹ vua là bà Ngô Thị Ngọc Dao bị người gièm pha, không được ở trong cung, và sinh hạ nhà vua trong một ngôi chùa ở Thăng Long).
Điều ấy có thể tin được vì thơ khẩu khí ít gây hứng thú cho tác giả, chỉ thoả mãn đôi chút tính tự phụ, lòng kiêu hãnh của kẻ sáng tác ra nó, lại bắt phải gò gẫm công phu, thế mà nhà vua lại sản xuất rất nhiều, tất nhiên phải có dụng ý lấy văn chương để tự thanh minh hoặc để nâng đỡ uy tín của mình cho dễ cai trị.
Đọc một bài thơ khẩu khí của vua Lê Thánh Tông hoặc bất cứ một bài thơ khẩu khí nào của một thi sĩ khác, ta có thể nhận thấy rõ đường lối sáng tác mà tác giả đã noi theo.
a) Trước hết, đứng trước một vật thường thấy hằng ngày, tác giả nhờ một cái nhìn tinh tế sâu sắc, gần giống như một linh cảm, nhận thấy giữa vật ấy và chí hướng của mình có gì phảng phất giống nhau nên nẩy ra cái ý định tổng quát, đem vật ấy ra ngâm vịnh để bày tỏ những hoài bão của mình:
Ví dụ: “Người bù nhìn” đem so sánh với một vị tướng uy nghi chính trực, “Con chó đá” tức là một ông quan dốc lòng thờ chúa v.v…
b) Cái ý khởi đầu làm nẩy ra trong trí óc của tác giả hai loại hình ảnh. Những hình ảnh có liên quan đến vật tầm thường hiển hiện ở trước mắt và những hình ảnh tôn quý ngụ bên trong. Tất cả tài nghệ của tác giả là làm thế nào trình bày những hình ảnh thuộc về loại thứ nhất mà bắt người đọc liên tưởng đến những hình ảnh thuộc về loại thứ hai một cách dễ dàng. Vì thế tác giả phải tìm giữa hai loại hình ảnh ấy những điểm nào giống nhau để cho sự liên tưởng ấy được trực tiếp mau lẹ, rồi đem những điểm tương đồng ấy sắp đặt lại để kết cấu nên bài thơ.
Ví dụ: Trong bài thơ “Người bù nhìn” có những chi tiết sau này: Người bù nhìn dang tay đứng ngoài bờ ruộng làm ta liên tưởng đến một vị tướng trấn thủ ngoài biên thuỳ. Người bù nhìn đêm ngày có mặt trời mặt trăng soi sáng, ấy là biểu hiện cho sự công minh của vị tướng được trời đất chứng giám.
Trong bài thơ “Dệt vải”: Người dệt vải chăm lo công việc để mọi người khỏi phải rét mướt, cũng như một vị quân vương biết nghĩ đến tình cảnh khốn khổ của dân chúng mà chăm sóc đến họ. Người dệt vải ngồi trên khung cửi, tay đưa thoi, chân đạp cửi, cũng như một ông vua điều khiển bộ máy cai trị cốt để ích quốc lợi dân.
Nếu tác giả tìm được nhiều chi tiết, biểu lộ được sự xứng hợp sít sao giữa hai loại hình ảnh, tất nhiên bài thơ phải có giá trị.
c) Nói cho đúng, làm thơ khẩu khí không phải chỉ so sánh mà thôi, mà còn phải phóng đại nữa. Mục đích của tác giả là làm thế nào khi nhìn qua hình ảnh của một vật tầm thường ở trước mắt, ta có thể nhận thấy hình ảnh của rnột nhân vật có phẩm cách hơn người, đáng tôn trọng. Thường thường muốn đạt được mục đích ấy, tác giả dùng những chữ có hai nghĩa (sens équivoque) tức là những chữ có một nghĩa đen tầm thường đi đôi với một nghĩa bóng cao xa rộng rãi. Sau đây ta thử kể một vài ví dụ:
Trong bài “Người bù nhìn” những chữ cõi bờ (câu 1) có nghĩa là bờ ruộng, lại có nghĩa là biên thuỳ.
Chim muông: nghĩa đen là chim chóc, muông thú, nghĩa bóng là giặc giã, cướp bóc.
Móc mưa : nghĩa là sương mù và mưa, nhưng nghĩa bóng là ơn vua (dịch chữ vũ lộ).
Trong bài “Dệt vải”, “máy âm dương” nghĩa là cái khung cửi mà cũng để chỉ bộ máy cai trị, sự tổ chức trong nước do vua điều khiển.
Trong bài “Cái chổi”, “cái đai” để chỉ cái vòng dây buộc cán chổi mà cũng để chỉ cái dây quàng lưng trong bộ phẩm phục của một ông quan.
Các nhà thơ khẩu khí lại hay dùng chữ “nước” với một nghĩa đen mà ai cũng hiểu và một nghĩa bóng cao cả trọng đại.
Nói tóm lại, trên đây ta xét qua cái máy móc cấu tạo một bài thơ khẩu khí. Nguyên động lực là một ý tự phụ đã xúi giục tác giả làm thơ để tự tán tụng. Tất cả nghệ thuật của tác giả đều gồm trong sự chọn lọc hình ảnh và dùng chữ thật khéo léo. Nghệ thuật ấy công phu thật, nhưng cũng chỉ ở trong phạm vi tiểu xảo mà thôi. Đọc một bài thơ khẩu khí ta có cảm giác hay hay, ta phục cái trí xảo của tác giả, nhưng cuối cùng ta phải thất vọng khi nhận thấy đó chỉ là một cái gì giả dối, nhân tạo, còn cái nghệ thuật cao siêu, cái thi hứng thần diệu làm cho ta rung cảm đâu phải có thế.
Xét về tình thì một bài thơ khẩu khí tuyệt nhiên không có, xét về ý thì lại rất nghèo nàn, hoạ chăng chỉ có cái ý định phô trương một cá tính, mà cá tính ấy lại là một cá tính tự cao tự đại!
Những bài thơ khẩu khí của vua Lê Thánh Tông cũng có thể xem như một loại thơ biểu hiệu (poésie symbolique) vì những vật hèn hạ như con cóc, cái chổi, con chó đá hoặc những hạng người tầm thường như thằng mỏ, người ăn mày, đều là những hình ảnh (symboles) dùng để phô diễn những ý tưởng cao thượng đẹp đẽ. Nhưng xét kỷ, thì giữa thơ biểu hiệu và khẩu khí vẫn có điểm không giống nhau. Một bài thơ biểu hiệu như bài thơ “Cái chai quăng xuống bể” hoặc bài thơ “Cái chết của con chó sói” của nhà thi sĩ Alfred de Vigny trong văn chương Pháp đều là những bài rất có giá trị vì hính ảnh tinh tường bạo dạn đi đôi với ý tưởng sâu xa thâm thuý ngụ bên trong. “Cái chai” chứa đựng tài liệu của một nhà thám hiểm trôi nổi trên mặt bể, trải bao sóng gió, vượt muôn dặm trùng dương để cuối cùng đi đến những bến bờ êm đẹp rồi vào tay một nhà bác học, đó là hình ảnh của “tư tưởng”, phát sinh giữa khoảng trống trải không ai hay biết, phải vượt qua những trở lực trong xã hội loài người rồi cuối cùng mới được công nhận và giúp ích cho sự tiến bộ của nhân loại. “Con chó sói” khi cùng đường, mặc cho người đâm chém, cắn răng chịu chết, tức là hình ảnh của nhà hiền triết biết chịu đựng sự đau khổ mà không rên la. Ta thấy rằng trong một bài thơ biểu hiệu như hai bài vừa kể trên, hình ảnh đã làm bật rõ ý tưởng bên trong dễ làm cho ta cảm động mãnh liệt, hình ảnh đã nâng đỡ ý tưởng một cách mật thiết, hình ảnh tức là ý tưởng vậy. Trái lại, trong một bài thơ khẩu khí, hình ảnh cần phải được “phóng đại” mới cho ta đạt đến ý tưởng cao trọng bên trong. Nói người bù nhìn mà phải dùng đến những chữ “cõi bờ”, “vùng vẫy”, “danh lợi”, “vì nước”, v.v… ta mới liên tưởng đến vị tướng. Như vậy ý tưởng thì quá cao xa mà hình ảnh thì như “què cụt”, không theo kịp được ý tưởng. Vì lẽ ấy, một bài thơ khẩu khí thường có tính cách khôi hài, đôi khi xa hẳn sự thật. Ông Trần Thanh Mại đã chỉ trích bài thơ “Người ăn mày” của vua Lê Thánh Tông vì nhà vua đã hình dung người ăn mày như một nhà triệu phú, không lo nơi ăn chốn ở, ngao du khắp đó đây, và ông cho rằng: nếu một người đi ăn mày thật nghe được bài này tất phải nguyền rủa tác giả đã đem mình ra làm trò cười, nhạo báng. (Xem: Trông giòng sông Vị, Trần Thanh Mại, Tân Việt xuất bản)
Lời chỉ trích ấy rất có lý. Vì dụng ý phô trương chí khí và hoài bão của mình quá mạnh nên nhà thơ khẩu khí đã không kiêng nễ sự thật và tất cả công dụng khéo léo của tác giả cũng không bù lại cái khuyết điểm lớn lao nó đã ngụ sẳn trong nguyên tắc cấu tạo ra bài thơ.
3) Kết luận:
Trên đây ta đã phân tích và nhận thấy rằng giá trị của những bài thơ khẩu khí không được cao cho lắm. Tuy nhiên những sự nhận xét ấy không làm giảm bớt lòng kính phục của ta đối với vua Lê Thánh Tông, một vị anh quân của nước ta. Một lẽ chính đáng khiến ta phải thận trọng là vì ta chưa có bằng cớ rõ rệt chắc chắn rằng tất cả những bài thơ mà hiện nay người ta cho là của nhà vua đều do nhà vua sáng tác. Rất có thể có nhiều bài người đời sau làm ra rồi gán cho vua Lê Thánh Tông. Vả chăng, chúng ta công kích tất cả những bài thơ khẩu khí và vạch rõ cái khuyết điểm chung của loại thơ ấy, chứ không công kích riêng những bài của nhà vua. Thơ khẩu khí không đáng được khuyến khích, nhưng thơ khẩu khí như thơ của vua Lê Thánh Tông lại thuộc về hạng có giá trị. Lời lẽ song suốt dễ dàng, những bài thơ ấy đã dành cho nhà vua một địa vị đàn anh trong văn giới của nước ta ngày trước, và làm cho văn tài của nhà vua có những nét đặc biệt rất dễ phân biệt. Trong buổi văn Nôm còn phôi thai,chữ Hán được tôn sùng rất mạnh mẽ,thế mà nhà vua vẫn tỏ ra yêu mến văn Nôm và chỉ riêng về phương diện đó, không kể những sự cải cách, những tổ chức tốt đẹp về phương diện văn học,nhà vua cũng đã có công lớn trong việc xây dựng nền văn hoá rực rỡ của nước nhà.
Nguồn: Việt Nam thi văn giảng luận, Sống Mới xuất bản, Sài Gòn, 1957