Thánh chiến – Chương 20: Những đứa trẻ bị nguyền rủa
Đầu hạ năm 1945, nắng hạn. Và cái đói bao trùm lấy bầu không khí của phía bắc Việt Nam với nỗi tuyệt vọng cùng cực.
Dọc những con đê dài là xác người chất đống, với đám ruồi bọ đậu đầy chen chúc với những con dòi trắng hếu. Từng cái xác khô chất đống, đen đủi, bụng trương phình và đôi mắt ngập trong tuyệt vọng. Màu nắng rọi xuống chúng khiến con người ta cảm thấy như chỉ nhìn thêm chút nữa thôi thì sự sống cũng sẽ buông bỏ thể xác này.
Từng đám nhóc gầy guộc bâu quanh gốc cây đã khô cằn, dùng những ngón tay bé tý khẳng khiu cào đất. Cứ hễ bắt gặp được một nhánh rễ nào, chúng lại giành giật nhau cho vào miệng, mặc kệ vị lạo xạo của đám đất bám trên tay dễ dàng chui vào đường ruột.
Hai đứa nhóc bé tý đứng từng xa nhìn đám nhỏ đào đất rồi nhìn nhau với những bộ mặt hốc hác trơ xương.
“Em đói.” Đứa nhỏ nuốt nước bọt, hoặc nó cố làm điều đó. Cái nắng nóng đến nỗi cả nước bọt cũng không có mà nuốt.
Con bé trụi tóc, ngắn nham nhở do cắt bằng đá mài. Mảnh tóc dài bé tý cũng đem bán đi mất để đổi lấy vài hào lẻ. Tròng mắt nâu lờ đờ nhìn sự tranh giành không thể đối chọi được bằng hai cánh tay khẳng khiu. Nó giương đôi mắt thèm thuồng đến bàn tay của đứa nhỏ vừa đào được một cái rễ cây to bằng ngón tay cái.
“Bao giờ thì thầy u trở về?”
Con bé lớn hơn, tay bấu vào chiếc áo rộng thùng thình rách rưới. Đầu tóc lởm chởm cũng chẳng hơn em nó là bao.
“Sớm thôi. Sẽ sớm thôi.”
Nó cúi xuống, cố gắng mỉm cười. Đôi môi nó nứt nẻ hết cả.
“Đi thôi. Chị em mình đi kiếm chút đồ ăn ở nơi khác.”
Hai đứa dắt díu nhau đi dọc con đường đầy xác thối, cố gắng moi móc ra bất cứ thứ gì có thể cho vào miệng được. Cứ thấy những đoàn người lết thết từ xa là cả hai liền bỏ chạy. Sau lần nhìn thấy một nhóm người bóp cổ một kẻ khác để moi lấy miếng ăn từ họng người đó ra, thì cả hai đều trở nên cảnh giác với bất cứ ai đến gần mình. Cái đói ăn còn khủng khiếp hơn bất cứ quân thù tàn bạo nào khác, nó dồn người ta đến sự bất nhân tàn nhẫn.
Chúng nó đi ngang những xác người thoi thóp, bên lề đường đứa bé chỉ mới độ lên hai cố gắng mút lấy chút sữa từ bầu vú teo tóp của mẹ mình, người đã trút hơi thở cuối cùng ít nhất cũng từ hai ngày trước. Trông thấy cảnh đó, con bé em ngồi sụp xuống run rẩy.
“Tại sao chị em mình lại phải chịu cực như vậy hả chị? Em muốn ăn, muốn uống, em muốn nằm ngủ trong nhà.”
“Không còn nhà nữa!” Con bé lớn tuổi hơn đột ngột quát lên, nó nắm lấy vai em mình siết mạnh bằng chút sức lực của cơ thể đói khát. “Em phải nhớ là mình không còn nhà nữa. Không được nghĩ tới nhà. Không được tìm đường quay về nhà!”
“Không còn nhà nữa…”
Con bé em bắt đầu khóc, nhưng nó đói đến mức có muốn khóc cũng không thể trào nổi một giọt nước mắt nào, thế là nó bắt đầu nấc khan trong họng.
“Em muốn về nhà. U ơi…”
Hai đứa nhỏ ôm nhau khóc dưới cái nắng hanh đốt cháy da cháy thịt. Chẳng còn nhà cho chúng về, chẳng còn chút hy vọng nào để sống sót. Bọn chúng cứ thế ôm nhau khóc. Đi tìm thức ăn suốt cả buổi, nhưng lại chẳng moi mót được gì, cả hai dắt díu nhau len lỏi vào những con hẻm kiếm chỗ ngủ. Khắp nơi bốc mùi tử khí, xác người với đám dòi nhung nhúc nằm la liệt khiến con bé nhỏ hơn ụa mửa liên tục. Chúng nó chui xuống gầm cầu, nhịn thở đẩy những xác chết đói xuống sông rồi tự dọn chỗ ngủ cho mình.
Hai thân thể gầy còm nằm ôm nhau ngủ, con chị siết lấy con em rồi khóc rấm rứt. Cả nhà chúng nó vì đói ăn mà dắt nhau lên Thủ Đô, những mong kiếm được chút gì sống sót qua ngày. Sau cùng, u thầy nó vì giành giựt củ sắn cho chị em nó, bị người ta đánh chết ngay lắp tự. Nó lôi em nó chạy, rồi bảo em mình u thầy đi kiếm ăn rồi, kiếm ăn ở xa lắm.
Mỗi lần nghe em nó hỏi, con bé đều không biết phải giấu em nó đến bao giờ. Nhìn những đứa nhỏ mới sanh bị vứt ngoài đường, nó hoảng hốt. Nó không vứt em nó, nó có chết cũng phải chết trước em nó, có đói ăn cũng phải kiếm củ sắn, rễ cây cho em nó đỡ lòng.
Nhưng rồi nó nghĩ, có khi cho em nó chết trước còn tốt hơn. Nó những mong em nó không chịu khổ, nó những mong em nó sớm chết đi, để không phải đói, không phải khát nữa. Thế cơ mà bản năng cứ bắt chúng nó phải sống, phải đấu tranh, phải moi mót kiếm ăn cho tới tận hơi thở cuối cùng. Cả hai đứa, nó mới mười hai, em nó lên sáu. Sức trẻ con thì biết làm gì để mà sống, tới làm đĩ nó còn làm không được. Ai mà thèm muốn cái cơ thể khẳng khiu của nó, mà cũng chẳng ai thèm đi chơi đĩ trong cái đói ăn này hết.
Hai đứa nó cứ ôm nhau mà chờ chết thế thôi.
✤✤✤ ✤✤✤ ✤✤✤
Căn biệt thự kiểu Pháp cổ kính với hàng dây leo trên bờ tường ngà vàng chìm trong cái nắng chiều của Sài Gòn.
Từ cửa sổ, mái tóc vàng xoăn mượt mà lấp ló nhìn quanh, để lộ gương mặt bầu bĩnh với đôi má đỏ hồng trông như một thiên thần nhỏ. Gia đình Michel dọn đến đây khoảng năm 1948, cha của cậu bé quyết định chọn An Nam làm điểm đến cho mình. Cậu vẫn hay nghe người mẹ của mình than phiền về cha, về những điều bất tiện tại đất Sài thành, mặc dầu nó được coi là Le petit Paris de l’Extrême-Orient (1) đi chăng nữa.
Michel cũng chẳng hiểu vì sao cha mình lại đột ngột chuyển nhà đến đây, để rồi từ tờ mờ sáng đến mịt tối trong suốt gần nửa năm qua, ông luôn vắng nhà. Cậu chỉ có thể lơ mơ nghe thấy tiếng cha hôn lên trán mình vào một buổi tối may mắn ít việc nào đó, ông có thể về nhà vừa kịp lúc con trai mình thiếp ngủ.
Elizabeth, mẹ của cậu là người sùng đạo. Bà đi nhà thờ mỗi ngày, ngồi lại đàm đạo cùng linh mục Joseph Vũ Minh Nghiệp(2). Michel có theo mẹ ngồi nghe Cha giảng vài lần, nhưng nội dung của chúng cứ na ná nhau và thế là về sau cậu luôn thoái thác mỗi khi mẹ mình đề nghị cùng đi.
Saigon những năm 50 ngập tràn người nhập cư từ Bắc Kỳ vào Nam, viền mép Xóm Mới mọc lên đầy rẫy các khu dân cư ổ chuột. Mẹ Lizze bắt đầu hoảng sợ dân An Nam, liên tục bày tỏ mong muốn quay về Paris yêu dấu. Nhưng người cha của cậu vẫn im lìm và chưa bao giờ đáp lại mong muốn của bà.
Michel có những mối quan tâm đặc biệt hơn là mong muốn của bà mẹ mình. Cậu thích Saigon bởi những tàn cây cao su dọc hai bên đường, dù đôi lúc chẳng hiểu sao người ta lại trồng nó. Michel hay leo khỏi ô cửa sổ bám đầy dây thường xuân để chui qua hàng rào, băng qua con hẻm nhỏ chia cách căn nhà yên tĩnh của cậu với sự náo nhiệt ở Saigon, tung tẩy vui đùa cùng những đứa trẻ đường phố.
Dân Saigon ngày đó e dè người ngoại quốc, đám trẻ con cũng thế nhưng chúng dễ bỏ qua những đặc điểm khác biệt sinh học vùng miền nhanh hơn. Michel, với mục tiêu tìm cách tránh những tháng ngày buồn tẻ, đã mua chuộc đám nhỏ bằng mấy viên kẹo Tây phương mà đứa nào cũng thèm thuồng thời ấy.
Lũ nhỏ đánh giày, người nhem nhuốc xi đen ngồi quệt mặt nhau rồi cười khằng khặc, nhìn thấy cậu đến thì toét miệng để lộ ra hàm răng vàng xỉ của chúng. Đám trẻ con ở Saigon lúc nào cũng bận việc, có lúc chúng ngồi lại chỉ cậu chơi đánh đũa, lúc thì cáo bận rồi loi nhoi chạy đi thật nhanh, chỉ để giành nhau tô mì còn sót lại của thực khách ăn thừa.
Trong đám nhỏ, Michel thích con Hân nhất. Cái mặt nó lúc nào cũng cười toe toét, mắt sáng long lanh. Nó chẳng biết tên nó là gì và người ta thì cứ hay gọi nó là con Dòi – vì khi họ nhặt được nó từ bãi rác thì xung quanh nó toàn là giòi bọ bò nhung nhúc, may thay đó chỉ là đám giòi từ những rác rến bên cạnh và chúng chưa kịp gây tổn hại gì cho nó khi đó, thế là cậu mới lên đường đi tìm cái tên cho nó. Về hỏi thầy dạy tiếng An Nam ở nhà, ông lão hỏi ngược Michel rằng đặc điểm của con bé là gì, cậu bèn thành thực trả lời nó lúc nào cũng vui vẻ. Lão thầy đồ ngâm ngẫm hồi lâu, liền bảo cậu đặt tên cho con nhỏ là Hân.
Lúc nhận tên, con Hân vui thấy rõ. Nó hét tướng lên tên mình với chị em con Đèo con Mật, bọn Bắc Kỳ lưu lạc từ ngoài đó vào trong. Ba đứa nhỏ chẳng hiểu sao gặp nhau đã thân thiết, cùng xin đan nón rơm, cùng ngồi tỉa lá chuối ở Chợ Lớn, bữa nào đói việc thì đi xin ăn dọc đường phố Saigon. Con Mật cười bảo, cái Saigon này có con đường nào mà nó không đi, có cái hẻm nào mà nó không biết đến.
Cả con Đèo lẫn con Mật nhìn đều gầy nhom và đen đủi, chị em nó có tên nhưng từ hồi chạy giặc tới giờ chúng nó cũng gần như quên mất tên mình là gì. Người ta bèn dùng những cái tên được lấy ý từ ngoại hình của hai đứa để đặt cho mà gọi cho dễ. Con Mật làm chị, da nó đen thui nhưng được cái to lớn lực điền nên kẻ chợ gọi luôn tên Mật. Còn con Đèo thì ốm hơn, nó nhỏ tý với cái mặt lúc nào trông cũng lấc cấc. Ngày đó có lần con bé đánh nhau to với lũ trẻ đánh giày bị chửi “Đèo mà dữ” nên từ đó người ta cứ gọi nó là con Đèo.
Michel chơi với tụi nhỏ nhiều, nhưng cậu thân nhất là con Hân. Lúc nào có kẹo hay đồ thừa, Michel đều dành phần hơn cho nó, nó lại đem về chia sẻ với hai đứa kia, cứ thế mấy năm. Cái trò tụi nó hay chơi nhất là nhảy lò cò, đánh banh, bốc đá, ô ăn quan…hàng tá trò chơi dân gian mà Michel chưa từng được biết.
Michel, mười hai tuổi, thích chơi với bọn trẻ đường phố và chỉ hợp chơi với lũ nó, mặc kệ đám con quan cười khẩy cậu như thế nào đi chăng nữa.
Như thường lệ, Michel lấp ló bên cửa sổ và nhìn qua đám dây thường xuân bám rạp tường xem xem có bóng dáng người lớn nào gần đó hay không, rồi leo tót qua khung cửa mà chui qua lỗ chó bên dưới hàng rào đã được cậu nguỵ trang kĩ càng. Đám con Hân, Đèo đã ngồi chờ sẵn bên ngoài. Cả bọn rúc rích cười hỉ hả với nhau rồi cùng tót đi ra đường tàu. Mật, đứa lớn nhất trong bọn, hôm nay nhận việc trong sạp tạp hoá trong chợ, nơi mà Michel đã năn nỉ ông thầy xin xỏ giúp cho.
Michel leo lên xe ngựa thồ của ông Tám thọt, một trong những phu xe hay hoạt động ở đầu chợ tự phát ở Cité régonale(3). Lão Tám thọt vẫn hay cho tụi nhỏ leo lên những thùng mây chứa hàng rồi quất ngựa đi từ Cité régonale ra tới vườn Ông Thượng(4). Chạy dọc theo Boulevard Chanso(5) rồi rẽ sang đường Chasseloup Laubat(6), những hàng cây lớn rũ bóng xuống giữa những trưa hè giúp bớt đi một chút oi nồng.
Vì ngoại hình đặc biệt của mình, Michel để cho bọn con Hân con Đèo đi lượm báo và tre già bỏ đi ở góc chợ, rồi cùng ngồi cắt giấy làm diều. Cậu mang theo nắm cơm dẻo dùng thay hồ dán, bọn con Hân cứ tắc lưỡi mãi vì tiếc cơm. Michel cũng dự là sẽ xin mẹ mình mua một tuýp hồ gạo nhưng bọn chúng bảo cậu rằng cơm dẻo dán chắc và bền hơn nên cậu bèn thay đổi ý định. Con diều hình thoi lượn những vòng số tám trong không trung một chút mới lao vút lên bầu trời cao.
Cái đuôi được nối bằng những vòng tròn giấy lắc lư tạo thành một điệu nhạc không lời. Ba đứa trẻ chạy thành hàng, cười khanh khách trước con diều nhỏ phấp phới giữa những cơn gió trưa hè.
“Mi – chen này” Con Hân sụp một ngụm nước được Michel đưa cho sau khi cả đám đã chạy chơi mệt nghỉ, “buổi tối mẹ có ôm anh ngủ không?”
“Cũn đôi phi, khi an gụp ác mọng.”
Con bé phì cười, lúc nào nó cũng cười ha hả trước giọng phát âm không chuẩn của cậu.
“Có mẹ sướng nhỉ?” Đèo nói xen vào. Michel quay qua nhìn nó quệt mồ hôi trên trán, khuôn mặt đen thủi không biết là do phơi nắng nhiều hay do bùn đất trây trét.
“Thầy u em chết rồi. Chết lâu rồi.” Nó nói, nghe nhẹ bẫng. “Sau này lớn rồi, chị Cả mới kể em nghe cơ. Hồi nớ đi từ quê lên Hà Nội trốn đói, thầy em giành củ sắn cho chị em em, bị đánh chết. U em thấy thế chạy vào thì cũng chết luôn.”
“Thé ròi làm sau mà vô đây đực?”
“Chị cả dẫn em chạy lên được Hà Nội, nhưng không kiếm cái gì ăn được hết. Rồi có đoàn chạy giặc vô Nam, em với chị trốn trong thùng, lúc tới Sài Gòn bị đánh sống dở chết dở ngay xóm Máy Đá. Chẳng hiểu sao vẫn sống được tới chừ.”
Michel nghe con Đèo kể, lẳng lặng đẩy bịch mía que sang chỗ nó.
“Hồi nớ tội chị cả, em chẳng biết gì, cứ kêu thầy u mãi. Chừ nghĩ lại chắc chị cả nghe em khóc đòi thầy u hẳn xót lắm.”
Rồi nó cười lớ phớ. Cả bọn con Đèo chẳng đứa nào còn cha mẹ, trước giờ cậu cứ nghĩ tụi nó vốn đã thế, lúc nào cũng cười đùa thoả thuê, muốn đi đâu thì đi đến đâu thì đến, chẳng phải trốn qua hàng dây thường xuân mỗi ngày như cậu. Thế nên khi nghe con bé kể với đôi mắt tiếc nhớ, Michel tự thấy bản thân đã quá vô tâm khi vẫn luôn chống đối mẹ mình.
Nhưng đám trẻ con chẳng bao giờ biết buồn lâu, mấy chốc sau lũ nó lại cùng nhau thả diều, nhảy ô và cười khanh khách cho đến tận khi trời chuyển sang màu cam sẫm. Ông Tám thọt để xe thồ sát lề đường, cất tiếng gọi tụi nhỏ về lại Cité régonale. Đường phố tối dần theo từng vòng xe chạy, cả bọn chia tay nhau ngay trước hàng rào vào nhà của Michel, nơi con Mật đã đứng đợi sẵn với bịch củ mì luộc nóng hổi. Cậu chui lỗ chó trên hàng rào vào lại sân nhà, ánh đèn bên trong hắt ra tạo thành những cái bóng với hình dạng kì dị trên mặt đất. Michel nghe tiếng mẹ mình, dường như bà đang tranh luận với ai đó.
“Về ngay thôi, em không thể để cho anh tiếp tục làm công việc này nữa.”(6)
Elizabeth, trên người vẫn mặc bộ đồ ngủ bằng lụa trắng, người đàn bà tóc vàng dù đã quá tứ tuần vẫn lưu giữ được nét đẹp tuổi xuân mà không hề khuất phục trước thời gian. Giữa hai đôi mày quyến rũ của bà tạo thành những nếp nhăn nhẹ khiến gương mặt thanh tú trở nên khó chịu và giận dữ.
“Lizzie, xin em. Cả đời anh chỉ sống vì công việc này.”
Người đàn ông đóng bộ vest may tay màu nâu sẫm quay lưng lại với góc nhìn của Michel. Không cần phải đoán cậu cũng biết đó chính là cha cậu, Nicolas Dominique. Khoa học gia ngành công nghệ sinh hoá và đồng thời cũng là một người sùng tín.
Nicolas đưa tay lên cố gắng làm dịu cơn giận của vợ mình, vừa cố tránh không để bà dẫm lên những xấp tài liệu vương vãi trên sàn thêm nữa.
“Chúa lòng lành! Nicolas, em xin anh. Nếu anh không nghĩ cho em, xin anh hãy nhớ đến Michel nữa. Michel bé nhỏ của anh, thằng bé không đáng phải nằm trong vòng nguy hiểm như thế!”
“Anh hiểu, Lizzie. Anh hiểu. Nhưng dự án này, chỉ một chút nữa thôi, một chút nữa là sẽ thành công rồi. Xin em, hãy luôn ủng hộ anh như những gì em đã làm từ trước đến nay.”
Michel bò dần đến khung cửa phủ đầy dây thường xuân, lắng nghe bố mẹ mình đang tranh cãi vì điều gì mà khiến cậu phải nằm trong vòng nguy hiểm. Mẹ Lizze gạt tay Nicolas ra và bắt đầu khóc. Ông không cố gắng dỗ dành bà nữa, mà bắt đầu thu dọn những xấp tài liệu trên sàn cho vào chiếc cặp da của mình. Vừa bước thẳng ra cửa chính, ông chỉ nói vọng lại một câu duy nhất với bà.
“Hãy hiểu cho anh, Lizzie.”
Và đó là câu nói cuối cùng mà cậu nghe ông nói.
.
.
Hôm nay Mi-chen không đến. Con Hân than thở với hai đứa kia.
Chẳng hiểu vì sao mà cậu ta không tới. Nó đã cố dòm qua cái lỗ chó để xem Mi-chen có lấp ló sau khung cửa sổ dây thường xuân hay không, nhưng chẳng thấy gì cả.
Những cánh cửa đóng im ỉm cho thấy chẳng có ai ở nhà. Cây thường xuân trông ủ rũ trên nền tường màu vàng sậm đã bong tróc vài chỗ. Con Hân đánh bạo chui qua lỗ chó, tìm đến khung cửa và cố gắng dòm vào trong, căn nhà tối âm u không tiếng động.
Con bé rón rén đi vòng quanh căn biệt thự, chẳng thấy người làm nào, mà cũng chẳng có tý hơi người. Nó thất vọng chui qua lỗ chó trở lại lề đường, nơi mà nó thuộc về.
Trong ngôi nhà lạnh vắng, trong gian phòng ẩm thấp và tối tăm, Elizabeth quỳ sụm trên sàn, vòng cánh tay của mình qua thân người của cậu. Bàn tay của bà ôm lấy gương mặt cậu, vuốt ve.
“Michel, Michel của mẹ. Michel, mẹ sẽ không để cho họ mang con đi.”
Michel nhìn mẹ mình, mỉm cười. Cả hai cứ ngồi thế trong lặng im. Lặng im.
Tác giả: Sanys
(1) “Le petit Paris de l’extrême-orient”: Một Paris nhỏ ở Viễn Đông hay Hòn ngọc Viễn Đông là một mỹ danh thường được dùng để chỉ thành phố Sài Gòn. Hiện tại vẫn còn nhiều người Việt Nam cho rằng Sài Gòn được gọi là “Le petit Paris de l’extrême-orient” do đây là thành phố “Phát triển hàng đầu Châu Á và là số 1 của Khu vực Đông Nam Á”, nhưng trên thực tế, trong đầu thế kỷ 20, mỗi cường quốc phương Tây đều đặt cho một thành phố thuộc địa nào đó của họ ở Đông Á (mà họ xem là vùng Viễn Đông) là “Hòn ngọc Viễn Đông” hay “Hòn ngọc phương Đông” nhằm phô trương giữa các nước thực dân phương Tây với nhau về đời sống xa xỉ của quan chức sống ở thuộc địa chứ không phản ánh đời sống thực tế nghèo nàn của người dân địa phương. (Theo wikipedia)
(1) Joseph Vũ Minh Nghiệp: Cha Joseph Vũ Minh Nghiệp sinh năm 1937, tiếp nhận hạt Chí Hoà, làm linh mục tại nhà thờ Tân Chí Linh từ năm 1967. Do không tìm được các linh mục tiếp quản những năm 1945-1950 nên đã lấy tên Cha Nghiệp là người quản lý giáo xứ địa phận Sài Gòn năm gần nhất.
(2) Cité régonale: Cư xá Đô Thành (đổi tên từ năm 1955), trong những năm 1951-1952 cư xá này chỉ được bán cho giới công chức khi đó.
(3) Vườn Ông Thượng: Là công viên Tao Đàn hiện tại. Nguyên khu đất này thuộc khuôn viên Dinh Toàn quyền của Pháp. Năm 1869, người Pháp cho xây con đường Miss Clavell tách khu vườn khỏi Dinh. Ba mặt còn lại là rue Chasseloup-Laubat phía bắc, rue Verdun phía tây, và rue Taberd phía nam. Khu vườn chính thức mang tên Jardin de la Ville, nhưng người Việt quen gọi đó là Vườn Ông Thượng hay Vườn Bờ-rô, có lẽ là phiên âm theo préau (tiếng Pháp, nghĩa là “sân lát gạch”). (theo wikipedia)
(4) Boulevard Chanso: Đường Lê Văn Duyệt, nay là đường Cách Mạng Tháng Tám.
(5) Chasseloup Laubat: chính là đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay. Đường này đã có từ trước khi người Pháp chiếm Sài Gòn và gọi là đường Thiên Lý. Từ ngày 1-2-1865, thực dân Pháp đặt tên là đường Chasseloup Laubat. Ngày 22-3-1955, chính quyền Sài Gòn đổi là đường Hồng Thập Tự. Ngày 14-8-1975, Chính phủ Cách mạng Lâm thời đặt tên là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nhân dịp Quốc khánh 1991, UBND Thành phố lại cắt đoạn như hiện nay, tức đường Hồng Thập Tự cũ thành một đường riêng và đổi tên là đường Nguyễn Thị Minh Khai. Người Việt vẫn thường gọi là đường Hàng Bàng vì có nhiều cây bàng được trồng thời đó. (theo Quyết Nguyễn Blog)
(6) Chữ in nghiêng là tiếng Pháp.