HỌC VIẾTXây dựng văn bản

TIÊU CHUẨN CỦA MỘT BÀI ĐIỂM SÁCH CÓ GIÁ TRỊ

Trong một thị trường sách rộng lớn với sự phát triển đa dạng, vàng thau lẫn lộn, thì hệ thống điểm sách trở nên vô cùng hữu ích với người đọc. Những bài điểm sách (cả sách hay và sách dở) đều giúp người đọc lựa chọn cho mình những cuốn sách phù hợp. Tuy nhiên, việc điểm sách cũng có thể trở thành công cụ cho các chiêu bài PR hoặc những bài viết mang tính vùi dập một tác giả hoặc một xu hướng sách. Với những kỹ thuật truyền thông, các bài điểm sách với động cơ khác này có thể thao túng thị trường, làm lẫn lộn các giá trị, gây bối rối cho người đọc.

Ý kiến của nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân về tiêu chuẩn của điểm sách

                                               Ý kiến của nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân về tiêu chuẩn của điểm sách

Bởi vậy, Book Hunter xin được đưa ra một số các tiêu chuẩn để độc giả có thể chọn lựa các bài điểm sách có giá trị. (Làm độc giả khó quá, vừa phải chọn sách lại vừa phải chọn bài điểm sách) Hi vọng bài viết sẽ có ích với các độc giả và với cả những người đang viết điểm sách.

Tiêu chuẩn 1: Cung cấp những thông tin cần thiết về cuốn sách

Cho dù là viết bài điểm sách ở dạng giới thiệu nhằm phục vụ bán sách, hay là một bài mang tính chất khen chê, các bài điểm sách cũng cần phải tuân thủ các nguyên tắc thông tin tối thiểu. Đối với giới thiệu bán sách là tóm tắt nội dung chính, đơn vị xuất bản, số trang, khổ sách, giá bìa. Đối với điểm sách mang tính khen chê thì việc cung cấp thông tin có phần phức tạp hơn.

Một bài điểm sách mang tính khen chê cần thiết phải có một phần lược thuật nội dung cuốn sách với tóm tắt ý chính từng phần cùng với các trích dẫn liên quan đến sự khen hoặc sự chê của cá nhân. Trong một bài khen chê, người điểm sách cần tách biệt rõ ràng giữa việc đâu là phần nội dung thật sự của sách, đâu là thiên kiến cá nhân của mình, để người đọc có thể dễ dàng đánh giá lại người điểm sách. Việc lẫn lộn ý kiến chủ quan với nội dung thật sự của cuốn sách rất dễ dẫn đến hiểu lầm về nội dung của sách.

Tiêu chuẩn 2: Các nhận định về cuốn sách dựa trên cơ sở nội dung của sách

Trong quá trình đọc sách, người đọc không tránh khỏi những ý kiến cá nhân của mình và chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng không phải mình đọc sách mà là các định kiến của mình đang đọc sách. Để tránh trường hợp này, việc đọc sách cần một chút kỳ công. Thay vì đọc lướt, chúng ta nên học thói quen ghi chép các ý chính và đánh dấu các đoạn trích dẫn cần thiết trước khi viết. Sau đó, chúng ta có thể đối chiếu các thông tin và lập luận mà tác giả đưa ra với các nguồn khác (với sách nghiên cứu) và giải mã các ngôn từ (đối với văn chương).

Chúng ta không nên dựa vào một chi tiết, hoặc một chương để suy luận ra vấn đề của cả cuốn sách. Mặc dù có một số sách có các chương mang tính chất tổng lược hoặc tổng kết, nhưng chúng không cho ta thấy các chi tiết quan trọng. Bỏ qua các chi tiết có thể dẫn đến một cách hiểu sai lầm về cuốn sách. Một trường hợp mà tôi đã gặp phải đó là khi đọc các điểm sách về quyển “Chính trị luận” của Aristotle. Không ít các bài điểm sách cho rằng cuốn sách thuật lại xã hội dân chủ ở Athens. Thế nhưng, khi tôi đọc kỹ từng chương, tóm tắt lại chúng, thì mới hóa ra rằng Aristotle khảo sát toàn bộ các mô hình chính trị ở thời của ông ta và đưa ra các chủ trương xây dựng tinh hoa trị của mình chứ không phải ca ngợi xã hội dân chủ. Bởi thế, nếu chỉ lấy một vài chương hoặc chi tiết ra để làm điển hình sẽ khiến ta hiểu sai nội dung cuốn sách.

Tiêu chuẩn 3: Lối diễn đạt chừng mực

Khó để có quy chuẩn chung cho việc diễn đạt trong bài điểm sách, bởi nó tùy thuộc vào thói quen ngôn ngữ của người viết. Tuy nhiên, lối diễn đạt trong một bài viết điểm sách cần có sự minh bạch trong phân định loại thông tin (chủ quan hay khách quan) và sử dụng từ ngữ chính xác (dùng đúng khái niệm, tránh các từ có nhiều sắc thái cảm xúc). Lối diễn đạt chừng mực này sẽ tránh được cho người đọc những hiểu lầm về cuốn sách và hạn chế tình trạng thao túng cảm xúc của người đọc.

*Lưu ý: Cần phân biệt rõ loại bài điểm sách với phê bình và phát biểu cảm nghĩ về sách. Các bài phê bình sách thường dùng các mô hình lý thuyết để xử lý văn bản của sách, còn các bài phát biểu cảm nghĩ thường là những suy luận nảy sinh trong đầu người đọc sau nghi đọc sách. Trong khi ấy, bài điểm sách cần phải cung cấp đầy đủ thông tin căn bản về cuốn sách và có thể đưa ra phân tích về cái hay, cái dở hoặc tầm quan trọng của cuốn sách. Những bài PR sách hay chê bai sách dựa trên thiên kiến cá nhân không nằm trong ba loại bài vết được đưa ra trong phần Lưu ý này.

Hà Thủy Nguyên

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *