TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ THƠ

Chung quanh các vấn đề lao động và trữ tình, cái chung và cái riêng, cái chính và cái phụ trong thơ

Nguyễn Đình Thi: Tôi muốn nói về thơ trữ tình. Ví dụ Truyện Kiều, theo ý nghĩ riêng từ trước, tôi vẫn cho thể thơ cao nhất là thể thơ trữ tình. Bây giờ thì thấy hơi khác. Nói rộng về thơ trữ tình, phải biểu hiện cá nhân người làm thơ tôi thế này tôi thế kia. Muốn nói đời sống khách quan cũng phải thông qua cá nhân. Do đó phải đặt ra cái chung và cái riêng. Ví dụ ở tiểu thuyết thì có thể xóa cái tôi, trong khi viết, nhân vật hay cưỡng lại tác giả. Nhưng khi làm thơ thì tôi nói tôi.

Về lập trường: lập trường không thể chia chính và phụ, chỉ có một, khi người ta phê bình nó đúng hay không đúng, cần phải nhìn kỹ, không cứ buồn là đi xuống. Không phải làm thơ chỉ có lập trường tư tưởng. Đề tài làm thơ cũng như nhân vật tiểu thuyết, có sự bắc cầu. Có loại đề tài nào đó, sự phản ánh khách quan khó hơn, – ví dụ ta nói đề tài về người lao động. Nếu người làm thơ có đề tài mới thì đề tài là một sự dẫn đường cho thơ ca chuyển biến.

Trần Dần: Đồng ý với anh Nguyễn Đình Thi, không cấm đoán đề cao gì từng loại đề tài. Nó như đất dụng võ, xét xem cách anh giồng hoa và tưới bón. Có thể anh làm thơ tiểu tư sản và còn công nông hơn anh làm thơ công nông. Đề tài tình yêu, đất nước bị cày bao nhiêu đời. Đề tài lao động chiến đấu như đất phải khẩn hoang vì chưa ai thành công, – nhà phê bình nên cẩn thận.

Lê Đạt: Đồng ý với Trần Dần, không nên xây một bức tường chia các loại thơ trữ tình, anh hùng ca hay đả kích. Phải khuyến khích để khai hoang. – Thường thường các nhà thơ vĩ đại thường cung cấp cho thời đại mình một cách nhìn mới.

Yến Lan: Xưa người ta làm thơ là người ta nghĩ thể hiện tình cảm, chứ không đặt thành vấn đề lập trường, vì lập trường đã thành xương thành máu. Bây giờ ta cứ luôn luôn phải nghĩ làm thơ có lập trường. Nếu xem bài thơ này có lập trường tư tưởng thì như cung và tên, phải có tình cảm như gió đẩy cung tên đi. Thơ trữ tình, – thơ của ta đã thể hiện cuộc sống chưa? Ta chỉ mới thể hiện cái tôi bằng cảm nghĩ chứ không bằng cuộc sống. 
Phùng Quán: Làm tất cả đề tài mà không nghĩ lập trường, – vì yêu con người, không đặt lập trường vội. Có nhiều khi bị cách giáo dục giáo điều làm bớt tình cảm chân thực. Thí dụ, tôi được giáo dục căm thù địa chủ nên nhìn con địa chủ tôi cũng căm thù.
Vĩnh Mai: Lập trường phải biến thành xương máu mới hay. Nhưng cứ làm thơ lại nghĩ lập trường trước. Nên đặt vấn đề thơ thế nào là thơ? Lập trường tư tưởng chưa phải là thơ. Phải anh dũng đi tìm cái gì độc đáo, chưa ai làm.

Việt Dung: Đảng cũng giáo dục cho nhiều cán bộ. Tại sao tôi vẫn thấy, bên ngoài thì người ta đấu địa chủ, bên trong chị cán bộ đội bế đứa con bé cho ăn uống. Đó là cách nhìn và sự tiếp thu giáo dục của từng người, Đảng không giáo dục chúng ta căm thù con cái địa chủ. Còn tìm cái mới, thì sự chúng ta tấn công vào giai cấp địa chủ là một sự khai phá rất lớn. – Sai ta còn sửa, nhưng làm thơ sai không sửa, là thế nào? Tôi không đồng ý lối nhìn của Phùng Quán.

Tế Hanh: Phân tách qua thơ trữ tình (nhất là tình yêu), tôi thấy ngày nay cũng như ngày xưa đều có sung sướng và đau khổ, nhưng ngày xưa đau khổ nhiều hơn vì chế độ xã hội uy hiếp tình yêu, trong xã hội phong kiến cũng như tư sản. Khi Thúy Kiều nói với Kim Trọng: Bây giờ tỏ mặt đôi ta, biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao? – chính là không tin vào hạnh phúc của mình, luôn luôn bị đe dọa. Bây giờ, chế độ mới của chúng ta không uy hiếp tình yêu chân chính con người cho nên thơ về tình yêu có nhiều yếu tố lành mạnh vui đẹp hơn xưa. Chúng ta không đi tìm hạnh phúc một mình mà đi từng đôi. Cố nhiên trong chế độ ta cũng có những sự đau khổ vì tình, nhưng sự đau khổ ấy do giữa những cá nhân với nhau, chứ không phải vì bản chất của xã hội, của chế độ nó bóp chết tình yêu như trong chế độ phong kiến và tư bản.

Lý Đăng Cao: Tai sao chủ đề lao động chưa làm được? Riêng tôi thấy chỗ nào cũng thơ cũng đẹp. – Qua mấy anh em cắt tóc, tôi muốn nói, cắt tóc tôi đi, cho thoải mái đầu óc làm thơ. – Thấy nhân dân nô nức đi bỏ phiếu, tôi cũng muốn ca ngợi những người lao động chủ nhân của Hà Nội. Quan hệ cách nhìn có phải yêu quý chế độ không? Nên gắn liền với sinh hoạt quần chúng. Cần thấy chất gì là thuần túy nhất, trong trắng nhất mà phấn khởi có mắt nhìn đúng.

Nguyễn Đình Thi: Biểu hiện trước mắt ở trong nghệ thuật thơ đem đến cho người ta là hình ảnh thời đại; cách nhìn mới. Không có nhân dân, không có ta đươc. Quyết định cuối cùng là chế độ nào? Thực tế nào? Đấu tranh giai cấp vô sản tạo ra thế giới quan mới, tình cảm mới. Có đồng chí đọc sách nhiều nhưng chưa kinh qua cuộc sống. – Muốn có tư tưởng mới phải lăn vào chủ đề mới, – có yêu công nông binh phải lăn vào công nông binh. Xét từng bài, nhìn chủ đề người nào biết suy nghĩ phải lăn vào một số chủ đề. Và đấu tranh với tư tưởng nào? Ở nông thôn đang đấu tranh với cái ích kỷ cá nhân tư sản – Nếu không nhìn ra cái mặt chính mà chỉ thấy cái nổi, chúng ta cũng còn nhiều tư tưởng phong kiến. Còn phải chống cô độc, chống riêng lẻ, chống kéo cả về mình. Nhưng ta đánh sai phải thận trọng đừng đánh vào cái ruột quý báu là chế độ mới. Các đồng chí phê bình đừng đánh người sa lầy – Nhưng thấy một người sắp sa lầy phải chắn phải đẩy, phải giang tay ngăn vì quý người bạn vì quý cuộc sống.

Cuối cùng, Nguyễn Xuân Sanh kết luận hai buổi họp câu lạc bộ vừa qua thảo luận vấn đề “Thơ có phản ánh được đời sống của dân tộc ta ngày nay không” như sau:
Ý nghĩ đầu tiên là thực tế đấu tranh và lao động của quần chúng cách mạng bao giờ cũng là nguồn sinh lực dồi dào, nguồn cảm xúc lành mạnh của thơ ca. Thời đại chúng ta đang đấu tranh và lao động bền bỉ, tích cực, căn bản của thơ không thể không phải là sự biểu hiện sâu sắc con người trong đấu tranh, trong lao động sáng tạo. Đó đúng là sự sống. Nhưng nhà thơ cũng không muốn biểu hiện sự sống ấy mà ông không có tình yêu, tình bạn, tình mẹ yêu con, không có các niềm vui và sự rung cảm khác của cuộc đời. Phải hòa hợp cho được cái riêng với cái chung, cái phụ với cái chính, cái yêu đương riêng của mình với cái tình cảm thắm thiết chung của nhân loại. Chúng ta có nói lên cá nhân mình cũng là để thành tiếng vọng của thời đại, giúp cho thời đại đi lên, giúp cho thời đại sáng lên. Dù nói cái riêng hay cái chung, cái phụ hay cái chính, cũng phải làm cho thấy được ánh sáng. Cái làm cho thống nhất được đậm đà như thế vẫn là lập trường tư tưởng mới của chúng ta. 
Nguyễn Xuân Sanh nói tiếp: Một ý nghĩ thứ hai cần tóm lại là chúng ta trong mấy năm nay đã phấn hứng đi tìm nhiều đề tài để sáng tác. Đề tài cũng như một cái gì nó dẫn đường cho thơ ca. có những loại đề tài nó đem đến cho thơ ca cái mới, chất mới. Chúng ta mong mỏi luôn luôn nhìn thấy, hết lòng yêu quý những đề tài mới đem đến cho mình tư tưởng mới, tình cảm mới, sự sống mới. Thơ trữ tình, thơ tình yêu ngày ngày cũng có suy nghĩ, có triết lý về cuộc đời, có tư tưởng trong lành. Chúng ta nhất định gắn chặt cho được tình yêu với thực tế của người công dân mới, người lao động mới, yêu nước, yêu Đảng, yếu chế độ của mình.
Một ý nghĩ chung thứ ba là chúng ta rấy yêu quý sự tìm tòi cái mới. Phải khai hoang: khai hoang trong nếp sống, nếp nghĩ, nếp cảm, nếp nhìn của nhà thơ. Nhưng phải là cái sống, cái nghĩ, cái cảm, cái nhìn trên lập trường ngày nay của con người đấu tranh, con người lao động. Để làm gì, để đi đâu, thật là chúng ta phải thấy cho hết trách nhiệm của mình. Trên con đường mới chúng ta đi, chúng ta có sự giáo dục của Đảng, có lòng yêu chế độ chúng ta, có gắn liền với hoạt động chính trị và xây dựng của quần chúng, có thâm nhập cuộc đời. 
Một ý nghĩ thứ tư trong phần bạn kết luận là chúng ta đã phấn khởi trước những cố gắng mới của chúng ta trong sáng tác thơ, nhưng có một điều đang làm chúng ta suy nghĩ để tìm mọi cách vượt lên như chúng ta hằng mong muốn: là thơ ta hiện nay đã trưởng thành nhưng chưa thể hiện được đầy đủ đời sống dân tộc chúng ta. Tất cả mọi hình ảnh nên thơ, tốt đẹp của cuộc sống mới của dân tộc , chúng ta chưa nói lên được hết. Thật ra, chằng những mặt chủ yếu của thực tế phong phú ngày nay còn thiếu được phản ánh trong thơ sáng tác. Thơ ta, cả thơ trữ tình nữa, phải là tiếng nói nồng nàn của thời đại, góp sức dắt dìu nhân dân và tất cả chúng ta đi lên. Chúng ta thấy đó là trách nhiệm của người sáng tác. (1)

ANH THƠ ghi
(chỉ ghi ý chính)

Nguồn: Văn (tuần báo của Hội nhà văn Việt Nam), Hà Nội, s. 33 (20.12.1957), tr. 2, 7.

Chú thích:
(1) Thảo luận như trên là nội dung buổi thảo luận sáng thứ năm 5.12.1957 tại Câu lạc bộ Hội nhà văn Việt Nam (theo Tin văn học // Văn s. 32 (13.12.1957), tr. 7.

Lại Nguyên Ân

Hoàng Dương
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *