GIỚI THIỆU SÁCHPhê bình

Từ huyền thoại Faust đến kiệt tác triết học của Goethe

Faust là một trong những nhân vật có thực được truyền thuyết hóa nhiều bậc nhất, rồi đi vào đủ loại hình cũng như thể loại văn học nghệ thuật và hiển nhiên sống mãi trong lòng xã hội loài người. Từ nhiều thế kỷ, sự tồn tại của tiến sĩ Faust đã không bị nghi hoặc gì nữa, sự tồn tại vừa trong thực tế vừa qua vô vàn giai thoại. Tương truyền ông sinh khoảng năm 1480 ở Knittlingen, xứ Wurtemberg, thuộc CHLB Đức hiện nay. Ông từng sang Cracovie, Ba Lan, theo học ma thuật, một khoa học vẫn được giảng dạy thời ấy. Chắc chắn ông thông kim bác cổ, nắm được những bộ luật bất thành văn của muôn đời, cho nên sống và làm việc đầy tự tin và kiêu hãnh, thích tới đâu, gặp ai, hành động thế nào, chủ trương phát ngôn hay thực hiện điều gì là cứ việc theo đúng ý mình. Từ tâm thế hầu không có mấy thời đó, ông khẳng định chẳng việc gì phải tôn sùng Đức Ki tô, bởi lẽ chính ông đủ sức làm được những phép màu của Chúa ở đâu và lúc nào ông muốn. Không những thế, ông có khả năng khôi phục “dễ như bỡn” những văn bản đã thất lạc của Platon hay của Aristote, của Plaute hay của Terence, khôi phục với độ tin cậy đáng kinh ngạc. Ông biết giải mã và giải mã “đôi khi cực kỳ thuyết phục” nhiều chuyện thần bí của cõi đời, đồng thời dự báo, và “vài lần dự báo chính xác đến không ngờ”, không ít chuyện tương lai. Người đương thời không khó nhận thấy nơi ông một tài năng hùng biện đáng nể, với sức gợi mở lôi cuốn từ những chi tiết ông đưa ra “chắc hơn đinh đóng cột”, với sự nghiêm chỉnh không thể thành thực hơn trong giọng nói và cử chỉ chứa chan niềm tin vào chân lý cũng như bản chất hướng thiện và lương thiện của con người. Ông hoạt động trong nhiều lĩnh vực, và ở lĩnh vực nào cũng có thành tựu. Không thích chỉ ngồi trong tháp ngà, ông di chuyển khắp nơi, lui tới cả những nơi được coi là đầu đường xó chợ. Cuộc đời thực hư pha trộn của ông được ghi lại trong nhiều văn bản của khá nhiều nhân vật cùng thời. Ta có thể nêu vài ví dụ. Năm 1507, tu viện trưởng Johannes Trithemius chứng kiến chàng trai Faust 27 tuổi được giới thiệu ở Gelnhausen như một “chuyên gia về chữa bệnh bằng nước tiểu”. Bậc thầy về văn học cổ Mutianus Rus kể lại rằng năm 1513, ông từng gặp Faust trong một quán ăn bình dân, và đích thân nghe y “ba hoa đủ chuyện trên trời dưới biển”, “trong đó có những điều thâm sâu đáng trân trọng”. Faust thường đăng đàn diễn thuyết hay phổ biến kiến thức muôn hình muôn vẻ. Bục rao giảng cho ông đôi khi chỉ là một thùng ton nô nhỏ. Dân thường thích thú nghe ông chế riễu bọn trọc phú và phê phán bất công xã hội.

Không hiếm người trong tầng lớp “ăn trên ngồi trốc” bấy giờ cảm phục hoặc lợi dụng ông. Năm 1507, nhà quý tộc Franz von Sickingen ở Kreuznach không ngần ngại nhờ Faust dạy dỗ không chỉ các con ông ta mà cả con của người thân và bè bạn. Năm 1520, hoàng thân – giám mục Bamberg chi một món tiền không nhỏ để ông lấy cho một số tử vi của mình. Năm 1528, hội đồng thành phố Ingostadt trục xuất ông khỏi địa bàn, nhưng khéo léo “nịnh” ông để ông ký vào một bản cam kết sẽ không bao giờ trả thù thành phố về hành vi “xấu chơi”. Quan hệ của ông với giới trí thức dĩ nhiên phức tạp và để lại nhiều giai thoại đáng giật mình. Thời gian học ở đại học Cracovie, ông nức tiếng về “ma thuật đen”, khiến sinh viên tò mò, mời ông truyền dạy. Thế nhưng, ông bị quy kết bạo hành người học, nên buộc phải rời trường để tránh rơi vào vòng lao lý. Dù vậy, ông được truyền tụng khắp nước Ba Lan như một vị thần pháp thuật. Về sau, ông giảng dạy văn chương và triết học tại đại học Erfurt ở nước Đức quê hương. Khi dạy về tác phẩmOdyssée của Homère, ông đã sử dụng một máy chiếu bóng, tạo nên trên tường hình ảnh các anh hùng thành Troie cũng như các quái vật, nhất là con quỷ một mắt Polyphème hãi hùng. Ghê gớm hơn, những hình ảnh ấy còn như chực nhảy ra vồ mấy sinh viên chết khiếp, trước khi biến hẳn. Năm 1534, nhà thám hiểm Đức Philip von Hutten xin Faust dự đoán những biến thiên có thể của hành trình khám phá một vùng ở Venezuela. Sáu năm sau, nhà thám hiểm kinh ngạc thấy nhà tướng số đoán đúng hầu như tất cả. Kỳ tích tương tự được ông thực hiện năm 1536, khi giáo sư cổ văn học Joachimus Camerarius nhờ ông nhận định về kết cục cuộc chiến tranh lần thứ ba giữa Charles Quint và Francois Đệ nhất. Năm 1539, Philippe Sergardi, học giả kiêm chính khách ở Worms ghi lại trong một trước tác của mình rằng tiến sỹ Faust từng lưu lại thành phố này một thời gian và rất nhiều người bị Faust lừa bịp. Khoảng năm 1540, ông qua đời. Nguyên nhân đáng tin cậy nhất của cuộc đột tử là ông bị thương nặng qua vụ nổ khi làm thí nghiệm trong căn phòng thuê ở thành phố Đức Staufen.

Nỗi bất an vốn không để Faust ở yên một chỗ, “cuộc đời hư hỏng” của ông, sự tự tin và những cái gọi là kiến thức khoa học siêu đẳng, những pháp thuật hút hồn ghê gớm và những chiến công khó tin của một kẻ gian hùng hiếm gặp, tất cả khiến ông trở thành một huyền thoại vô song, vượt lên trên những nhà bác học kiệt suất nhất đương thời, Paracelse (1493-1541) và Cornélius Agrippa (1786-1535). Không những thế, dưới mắt người cùng thời, trong cái tốt cũng như cái xấu, Faust là hiện thân sinh động của tinh thần Đức thời đại, tràn đầy những sức mạnh đang sinh thành, nhưng cũng không ít mâu thuẫn và trăn trở, tinh thần bị giằng xé giữa bay bổng của một chủ nghĩa cá nhân ngạo nghễ và hay gây gổ, và sự thu khép của một lương tâm bị ám ảnh bởi các vấn đề tôn giáo, tinh thần thường xuyên bị lôi kéo về hai phía, bởi cái thần thánh và cái phàm tục, bởi chính trị và thần học, bởi niềm khao khát sống và nỗi sợ hãi thế giới bên kia, bởi ý chí khẳng định một sự chỉ trích tự do và mối đau đớn dằn vặt liên quan tới sự hiện diện động chứ không tĩnh của quỷ trong cuộc sống của con người vốn sinh ra cho tội lỗi. Xin lưu ý một chi tiết cốt tử. Đó là sinh thời, như để lý giải cho những kỳ tích có vẻ lạ lùng của mình, chính Faust từng tuyên bố rằng ông có thừa trí tuệ phi thường và vô địch của quỷ, cho nên, cuối đời, ông sẽ gia nhập thế giới này. Trên cái nền nêu trên với trung tâm là sự gian xảo của quỷ, từ thời này qua thời khác, giai thoại chồng lên giai thoại, nhân vật Faust luôn luôn hấp dẫn và mới lạ, vừa cao quý vừa tầm thường, vừa thực tế vừa ảo tưởng. Mỗi thời đại nhìn thấy ở ông một biểu tượng cơ bản, ví như thời trung cổ, ông là một tên phản Chúa, bán linh hồn cho quỷ dữ, thường gọi là Méphisto, để thâm nhập vào các ngóc ngách của khoa học và tận hưởng những niềm vui trần thế. Thời Phục hưng suy tôn ông như một anh hùng khát khao hiểu biết và chinh phục được mọi chân trời kiến thức vô bờ. Trong thời đại lãng mạn chủ nghĩa, ông chấn động cõi lòng nhiều thế hệ như một con người không dung hòa nổi những vui thú trần gian tức thời và những khát vọng táo bạo có vẻ xa vời vì không dễ thực hiện. Còn hôm nay, như sẽ đề cập bên dưới về giải Sư tử vàng 2011, Faust là hiện thân của ý chí chiến thắng những thế lực tham nhũng tàn bạo để được sống đúng là mình.

Trên thế giới không mấy nhân vật được dân chúng truyền tụng và ngưỡng vọng đến như Faust. Trong trường hợp hi hữu này, góc nhìn nhân dân bộc lộ một cảm nhận chan chứa nhân văn về cõi thế, tức một ứng xử hiền minh thâm trầm và mạnh hơn tất cả. Ngay khi Faust còn sống, một truyện cổ tích đã được phổ biến rộng rãi ở Đức rồi một số nước châu Âu. Theo chuyện kể dân gian, một nhà bác học tên Faust rơi vào tuyệt vọng sau bao năm tháng miệt mài nghiên cứu khoa học không thành tựu, bèn bán linh hồn cho quỷ để hưởng thụ thỏa thuê những thú vui phàm tục. Có điều, khi quỷ đạt được những tham vọng của hắn theo giao kèo “bán hồn” của Faust, “Nhà bác học bất hạnh” vẫn giữ nguyên vẹn được tâm hồn cao đẹp của mình. Đây là điểm khác biệt cơ bản của kịch dân gian so với kịch hay văn chương bác học. Cốt truyện vừa nêu thăng hoa gấp bội và muôn hồng ngàn tía trong sân khấu dân gian tồn tại sôi nổi cho tới hôm nay, qua mấy thế kỷ. Chính kịch, hài kịch, bi kịch, vũ kịch, ca cảnh cho đến múa rối, tất cả các thể loại sân khấu được các nghệ sĩ bình dân ở Đức, Anh, Hà Lan… sử dụng để ca ngợi Faust, như một đại biểu của nhân dân lao động, vượt qua mọi thử thách và tai ương để sống lương thiện trong sự tôn trọng điều hay lẽ phải. Các vở kịch dân gian được trình diễn liên tục và tại hầu khắp các thành phố làng quê lớn nhỏ, chủ yếu của nước Đức. Đáng lạ, dù mỗi vở, với cốt truyện chung được bảo toàn, vẫn có thêm thắt ít hoặc nhiều của người viết kịch bản vô danh, hầu như mọi vở đều mở đầu bằng cảnh âm phủ, với nhân vật đầu tiên là Pluton, thần địa ngục, và kết thúc bằng cảnh sa xuống địa ngục này. Điểm lạ nữa, tùy ý thích của khán giả từng địa phương, các diễn viên vốn là dân thường, được khuyến khích ứng khẩu để cho ý tứ thêm chặt chẽ, chuyện kịch thêm hấp dẫn, và đặc biệt thỏa mãn tối đa chờ đợi của công chúng người xem luôn đông đảo. Không gian mở như vậy dù muốn dù không vẫn cần những nhân vật lịch sử và thi ca để đối thoại với các nhân vật kịch, qua đó, người dân đưa ra chính kiến hay chiêm nghiệm của họ về nhân tình thế thái và về cõi đời nói chung. Sự xuất hiện trong các vở kịch dân gian của những nhân vật lịch sử và thi ca có thực, ví như vua Isréel Salomon hay nhà thơ cổ La Mã Lucrece, không những không khiên cưỡng, mà còn tăng thêm ý vị đậm đà về triết học cho các vở diễn giàu chất kinh dị. Đa số kịch bản của những vở diễn đại chúng không kém phần đặc sắc thời ấy, nhất là vào thế kỷ 16, chỉ được truyền miệng. Vì vậy, dù các chuyên gia sân khấu các thế kỷ tiếp theo nỗ lực rất nhiều, họ chỉ gom lại được cho hôm nay không nhiều những bản tóm tắt hay chuyển thể của những tác phẩm từng rung chuyển xã hội một thời.

Faust sản sinh cả một nền văn học, ít nhất cũng ở Lục địa già, không lâu sau khi ông tạ thế. Cuốn sách đầu tiên về ông, kiểu một dạng chân dung, ra đời năm 1587. Đề cập những sự cố chủ chốt trong huyền thoại Faust như nói ở trên, cuốn sách với cái tên rất dài Chuyện tiến sĩ Faust, nhà pháp thuật và kẻ gọi hồn lừng lẫy. Ông đã bán linh hồn cho quỷ ra sao và đã nếm trải hay gây nên những cuộc phiêu lưu như thế nào, trước khi được khen thưởng xúng đáng… Tác giả là Johann Spiesz, một người chuyên nghề in. Cũng thiên về khuyên dạy đạo đức như cuốn vừa nêu, cuốn thứ hai về Faust, tên cũng lê thê, Chuyện thực về những tội lỗi và thói tật ghê tởm và kinh khủng… mà tiến sĩ Faust đã phạm phải…, của nhà cổ văn học Georg Rudolf Widmann, xuất bản năm 1599, không thành công bằng, vì chứa quá nhiều lời rao giảng. Sáu mươi năm sau, bác sĩ Johannes Nicolaus Pfitzer viết lại huyền thoại, bớt đi nhiều, nhưng thêm vào cũng lắm, chẳng hạn tình yêu vô vọng của Faust đối với một cô gái nghèo. Chất kinh dị cùng những tình tiết đời thường kiểu ấy rất được hoan nghênh và dù tên vẫn dài như cũ, Cuộc đời nhiều tai tiếng và kết cục hãi hùng của nhà gọi hồn siêu hạng Johannes Faust u buồn…, tác phẩm thứ ba về Faust được tái bản suốt mười năm liên tục. Nó cũng được dịch sang nhiều thứ tiếng, như Anh, Pháp, Tây Ban Nha. Chiến thắng của cuốn này đã bị hãm lại, từ cuối thế kỷ 17, khi chủ nghĩa duy lý trỗi dậy và lên ngôi. Người ta bắt đầu không tin mấy vào không ít sự việc “tày trời” vẫn được cho là của Faust. Cuốn sách 630 trang của Nicolaus Plifzer được một người giấu tên dưới bút danh Tín đồ Thiên chúa giáo thực thụ rút gọn chỉ còn 48 trang, nhan đề vẫn lòng thòng, Giao kèo bán linh hồn cho quỷ, cuộc đời lang bạt và chung cuộc khủng khiếp của nhà gọi hồn siêu phàm kiêm pháp thuật gia lừng danh trên toàn thế giới, tiến sĩ Faust…, trong đó các vụ việc và sự cố quan hệ tới nhà tiến sĩ chỉ được thống kê, Faust không làm khoa học, mà gia nhập một đoàn người du cư, say sưa thụ hưởng những hương vị đời “sát đất”, xa rời con đường quang minh chính đại, đến nỗi pháp thuật và hợp đồng với quỷ cũng chỉ nhằm luôn luôn được vui thỏa và tha hồ láu cá để vui thật nhiều. Cái nền buồn bã quen thuộc của huyền thoại hầu như mất hẳn. Thay vào đó là âm hưởng châm bíếm với dồn dập những tình huống hài hước và vui nhộn. Góc nhìn này phản ánh một nét tâm lý điển hình của dân chúng bấy giờ: không nên quá mải miết với những gì cao xa rất khó đạt được, mà hãy hưởng cho hết những niềm vui giản dị trong đời sống thường nhật. Ra mắt năm 1725, cuốn sách mỏng được in lại “không ngừng nghỉ” cho tới hết thế kỷ 18, theo yêu cầu của độc giả khắp nước Đức, bán chủ yếu ở chợ.

Vở kịch bác học đầu tiên, Chuyện đời bi thảm của tiến sĩ Faust, do nhà thơ Anh Christopher Marlow (1564-1593) viết, được diễn từ năm 1590, in thành sách năm 1604. Bán linh hồn cho quỷ Méphisto, Faust được sống thoải mái và không gì xâm hại được suốt tám nươi năm ròng. Y là kẻ mạnh nhất, làm nên bao điều thần kỳ, biến giáo hoàng và các hồng y giáo chủ ở Rome thành trò vui, giải phóng Bruno vốn chống Giáo hội, ban phát cho vua Đức nhiều phép thuật, muốn bắt ai “câm họng” là được liền. Song khi hợp đồng với quỷ kết thúc, dù ân hận và cầu xin được tha thứ, y vẫn phải chết, thây bị nhiều quỷ dữ tùng xẻo thành hàng trăm mảnh. Vở kịch gây tiếng vang lớn và được trình diễn ở nhiều nước châu Âu, trong đó có Đức, một thời gian dài. Nó gợi ý cho vở kịch bác học thứ nhất của Đức về Faust, vở cũng hay, nhưng cho đến nay vẫn không xác định được tác giả. Nhiều nhà văn Đức thử sức với huyền thoại Faust. Đáng chú nhất là Lessing (1729-1781) và Goethe (1749-1832). Vở kịch Faust của Lessing mới chỉ có những đoạn rời rạc, nhưng vĩnh viễn được ghi vào lịch sử văn học, vì tính cách tân lớn lao về cảm nhận huyền thoại và về nghệ thuật kịch. Xu hướng lấy tính hiện thực làm cơ sở cho huyền thoại của Lessing thể hiện ở ý đồ thay quỷ Mephisto bằng một người bạn xấu hay một cố vấn tồi. Xu hướng này đã có ảnh hưởng đến Goethe và một số văn nghệ sĩ tương lai. Goethe suy nghĩ về Faust gần suốt đời. Ông thích thú với hầu hết các biểu hiện của Faust kể trên và nghiền ngẫm hàng chục năm để làm nên vở kịch thơ Faust, vẫn được coi là tác phẩm lớn nhất, hoặc thuộc hàng đầu của văn học Đức mọi thời đại. Đương nhiên, vở kịch cho thấy nhìn nhận huyền thoại Faust của Goethe là chuẩn xác hơn mọi nghệ sĩ. Cho dù đó là các ban nhạc hay tác giả truyện tranh nổi tiếng, các nhạc sĩ hay họa sĩ hàng đầu như Berlioz, Listz. Schumann, Rembrandt, Delacroix, các nhà văn kiệt xuất như Pouchkine, Valéry, Thomas Mann, Pessoa…, các nhà điện ảnh gạo cội, René Clair, Brian de Palma…

Vở kịch gồm hai phần, phần I ra mắt năm 1808, phần II, năm 1832, sau khi ông qua đời ít lâu. Những nét cơ bản của huyền thoại Faust được ông giữ lại. Tuy nhiên, kịch của ông tiến triển như một chuyện ngoài đời, với những cảm xúc và suy nghĩ rất con người, ngụ những thông điệp cực kỳ đa nghĩa. Chuyện kịch về cơ bản như một chuyện đời thực với nhiều tình tiết ngẫu nhiên hay vô lý, gây cảm giác tự nhiên và không bị áp đặt. Chuyện có thể tóm tắt như sau. Sau nhìều năm miệt mài nghiên cứu, giáo sư người Đức vỡ lẽ rằng mình chỉ là người vô tích sự. Về khoa học, ông không nắm và lý giải được bản chất của các sự vật nói riêng và của vũ trụ nói chung. Về tư cách một con người, ông không tận hưởng được cuộc đời mà ông được Chúa ban tặng. Từ đó, ông cho rằng khoa học của con người bất lực trước thế giới đầy bí ẩn. Ông dùng pháp thuật để gặp được Thần Đất, cầu xin Thần chỉ giáo. Song Thần phũ phàng tỏ ý khinh bỉ ông như một con vật tầm thường. Tuyệt vọng, ông toan tự tử. Nhưng đúng lúc đó, tiếng chuông ban thánh thể của nhà thờ vang lên, khiến ông nhớ lại tuổi thơ hạnh phúc, và từ bỏ ý đồ đáng xấu hổ. Rồi ông cùng phụ tá kiêm bạn thân Wagner đi vào cuộc sống sôi động bên ngoài. Dạo chơi trong ngày xuân giữa đủ hạng người của xã hội, ông nhận thấy dân chúng rất ngưỡng mộ và yêu quý mình. Ông thổ lộ với Wagner day dứt thầm kín của ông. Đó là xung đột giữa thiên thần và ma mãnh. Một con chó xù lạ cứ quấn lấy hai người, và Faust đón nó về với ông. Gần gũi Faust, con chó ngày càng hiếu động và được ông chủ yêu quý. Chờ đúng dịp Faust hầu như bế tắc hoàn toàn, hắn hiện nguyên hình là quỷ Méphisto, thế lực có thể giúp ông thoát khỏi buồn chán: hưởng trọn những niềm vui cõi trần. Song với điều kiện ông phải bán linh hồn cho hắn. Thỏa ước được lập, quỷ đưa ông “vào đời trần tục”. Theo Méphisto nhập cuộc vui đầu tiên, với bốn sinh viên hát hò nhậu nhẹt, Faust không thích và muốn lủi. Quỷ thì muốn ở lại. Song nhóm sinh viên nhận ra tính quỷ của Méphisto và lấy dao tấn công. Nhờ pháp thuật của Faust, hai người trốn thoát, trong khi các sinh viên sửng sốt: Ai bảo đời này không có phép màu? Tới nhà bếp các nữ phù thủy, người ta muốn Faust uống một loại thần dược. Lúc mới, Faust không chấp nhận. Song Méphisto khéo nỉ non, ông đã uống và nhìn thấy hình ảnh không thể đẹp hơn của một phụ nữ trong một chiếc gương vỡ. Thần dược khiến cho ông thấy người đàn bà nào cũng đẹp. Khát vọng tình yêu vậy là đã thức dậy. Gặp Gretchen, một cô gái thường dân đi xưng tội về, Faust muốn được kèm bên như một vệ sĩ. Nhưng cô từ chối. Mephisto phải vận dùng nhiều mưu ma chước quỷ, ví như đặt trong buồng cô những món trang sức hấp dẫn, như ai đó bí mật tặng cô, rồi bố trí để cô trao đổi với bạn hàng xóm, qua đó, cô khôn dần lên. Từ đó, y cho Faust xuất hiện, làm thân và từng bước chinh phục – kể cả bằng những thủ đoạn đáng chê trách – cô gái con nhà lành. Getchen và Faust si mê nhau đến mức cô gái đức hạnh có thai với nhà khoa học. Tuy nhiên, Faust vẫn không quên khai mở khoa học, từ câu châm ngôn do ông đề xuất “Khởi thủy là hành động”. Trong quá trình bày mưu cho Faust chiếm cho được trái tim của Getchen, Méphisto gặp gỡ và đem lòng yêu một bạn gái góa chồng của cô. Có điều, hắn phải tiếp tục khuất phục bằng được tiến sỹ Faust chỉ bị hắn đánh gục dần dần. Thế nên, hắn rủ rê Faust rời bỏ hai người phụ nữ. Getchen sinh con và trong cơn tuyệt vọng vì nghĩ mình bị lừa dối và phụ tình, đã gìm chết đứa trẻ. Bốn năm bỏ rơi người yêu, Faust không phải không day dứt. Ông thường mơ thấy cô và sau một lần thấy cô sắp bị xử trảm, ông quyết định cứu cô bằng được. Mephisto chỉ nơi cô bị tù. Song cô gần như phát điên, tưởng Faust là đao phủ. Tới khi nhận ra ông, cô nghĩ ông có máu quỷ trong người nên không đi theo ông như ông chờ đợi. Mephisto lộ diện. Getchen cầu Chúa cứu mình. Quỷ thốt lên: “Nàng đã bị phán xử!”. Từ trời cao vọng xuống: “Nàng đã được cứu rỗi!”.

Đấy là phần I của Faust, có thể nhìn nhận như một tác phẩm trọn vẹn. Phần II là một công trình khác hẳn, thiên về các vấn đề chính trị và xã hội. Chuyện kịch không phức tạp, nhưng ý nghĩa không kém phần đa tầng và gợi mở không cùng, kiểu những con búp bê Nga. Nếu phần I là tương tác chủ yếu trong nội tâm con người, giữa buông xuôi và hướng thiện, thì phần II nhấn mạnh ràng buộc tất yếu giữa nguyện vọng cao đẹp của cá nhân và áp đặt vô cảm của chính quyền, giữa tri thức hướng tới tương lai và quyền lực chỉ cần hiện tại. Trong phần II, Hoàng đế gặp khó khăn về tiền bạc, triệu Faust tới để ông hiến kế gỡ bí. Nhờ Mephisto rỉ tai, nhà bác học đề nghị hoàng đế thay tiền kim loại bằng tiền giấy, tạo nên một khoản tiết kiệm khổng lồ. Do cuộc “thượng kinh cứu Chúa”, Faust được gặp nàng Helene, tuyệt thế giai nhân của La Mã. Hai người chung sống và sinh một con trai, “kết quả của mối tình đẹp nhất trần gian”. Song đứa bé chẳng may ngã chết. Nàng Helene bỏ đi và tan biến vào hư vô. Faust vô cùng đau khổ. Đúng lúc ấy, các thế lực phong kiến cấu kết với nhau chống lại Hoàng đế. Faust được nhiều đệ tử của Mephisto giúp sức đã dẹp tan cuộc nổi loạn và được Hoàng đế thưởng một vùng đất rộng. Ông áp dụng những tiến bộ khoa học tư bản tiền tiến vào sản xuất nên mùa màng bội thu. Chưa bao giờ, ông được hưởng một niềm vui thánh thiện và vô bờ như vậy. Không bằng lòng riêng mình hạnh phúc, ông xin Hoàng đế cho ông tặng lại khu đất vàng của mình cho toàn dân và “được sống trên đất nước tự do giữa nhân dân tự do”, ý nguyện của mọi người đương thời. Được Hoàng đế chấp thuận, ông muốn hiến cho hai ông già một trang trại sầm uất, thay thế túp lều khốn khổ của hai cụ. Hai cụ không tán thành. Đệ tử của Mephisto đốt lều và hai cụ già chết cháy. Faust bị khép tội tử hình. Song người yêu Getchen đã nhất quyết giành lại ông từ tay quỷ Mephisto, không chỉ cho cô mà cho tất cả. Đơn giản chỉ vì kẻ thực tâm mang điều tốt cho đồng loại nhất định phải được an thân và sủng ái, dù kết quả hành động vì nhân loại của y không tương xứng với ý định tốt đẹp. Vở kịch thơ của Goethe thuộc nhóm không nhiều những tác phẩm hiếm hoi luôn luôn thời sự, không chỉ về “cõi trần sao lắm đa đoan” mà cả về văn chương nghệ thuật. Bên cạnh việc cô đọng đầy liên tưởng sứ mệnh của văn chương nghệ thuật, nó khái quát khá chuẩn tiến trình “hoàn mỹ cuộc sống” và “hoàn thiện con người” của nhân loại. Có thể lảy ra từ nó vài nghịch lý: muốn đi sâu làm sáng tỏ mọi bí ẩn của vũ trụ, con người phải chối bỏ bản chất giàu tình của bản thân. Nếu muốn hưởng tất cả và hết tầm những thú vui trần tục, thì con người phải không còn là người nữa. Trong cuộc phân thân cho tội lỗi và thánh thiện, cuối cùng cái thánh thiện của con người sẽ thắng. Faust của Goethe có thể được lĩnh hội theo nhiều chiều, nhiều cấp độ. Đấy chẳng hạn, xung đột giữa thể xác và tinh thần, giữa tư duy và hành động, giữa thực tế và ước mơ, giữa cái ác và cái thiện… Bao trùm hơn, Faust tượng trưng cho tâm hồn hiện đại của loài người, cho nỗi đau của tinh thần cách mạng. Điều không kém phần cốt tử: dù khát vọng của y là như thế nào, con người cần luôn luôn là người, trong niềm vui và trong nỗi khổ, trong cái hay cũng như trong cái dở. Đạo diễn Nga Alexandre Sokourov đã tập trung và nêu bật được điều này trong phimFaust của ông, Sư tử vàng tại Liên hoan phim quốc tế Venise 2011.

Như đã đề cập ở trên, Faust của Goethe đúc kết một cách thiên tài chiêm nghiệm, thành công và thất bại của nhiều thế hệ nghệ sĩ, dân gian và bác học, trong công cuộc thể hiện nhân vật Faust, công cuộc không ngừng mở rộng quy mô từ sân khấu, văn chương sang âm nhạc, đặc biệt là opera, rồi từ năm 1897, điện ảnh. Thi hào Đức chọn làm “xương sống” cho tác phẩm để đời của ông đường hướng hiện thực nghiêm ngặt của văn chương bác học và tư tưởng bao dung của văn chương truyền miệng. Đối chiếu chuyện Faust trong tác phẩm của Goeth với phần đã nói về truyện và kịch dân gian Đức xung quanh nhân vật truyền thuyết, ta thấy rõ Goeth đã tinh ý và khéo léo khai thác thế mạnh và tính ưu việt của văn học dân gian như thế nào. Về tính hiện thực, ngoài việc tham khảo vở kịch Faust của Lessing, Goeth còn rút kinh nghiệm từ nhiều công trình khác. Chẳng hạn tiểu thuyết Cuộc đời, chiến công và bước sa địa ngục của Faust của nhà văn Đức Friedrich Klinger (1752-1851), xuất bản ở Nga năm 1791. Dưới ngòi bút của Klinger, nhà triết học và pháp thuật Faust phát minh ra nghề in và có một gia đình riêng khốn khổ. Những tưởng nghề in sẽ mang lại hạnh phúc cho loài người và của cải dư dật cho vợ con, Faust dần dần vỡ mộng. Ông bèn hỏi quỷ, và được đáp rằng phát minh của ông là công cụ lợi hại nhất để đày đọa dân chúng. Ông bèn nhờ quỷ phanh phui bản chất con người. Quỷ cho đồ đệ đưa ông chu du qua khắp châu Âu. Thực tế mở mắt cho ông, ông hiểu mình đã nhầm khi nghĩ cõi đời là hợp lý và tốt đẹp. Ảo tưởng bao năm qua buộc ông phải trả giá khi quay về: con ông bị kết án tù, gia đình ông lụn bại. Mất hết niềm tin và tín ngưỡng, hoàn toàn tuyệt vọng, ông phó mặc đời ông cho quỷ và bị đẩy xuống địa ngục. Nỗi hoài nghi về Chúa và một đức tin khả dĩ cứu vớt được nhân loại ám ảnh ông vĩnh viễn. Cuốn tiểu thuyết và nhân vật Faust của nhà gia sư Đức tại Nga là tiếng dội nghẹt thở của xã hội Đức bấy giờ, nơi cái ác độc áp đảo cái nhân văn trong thế giới tinh hoa và khoa học. Từ góc nhìn của Friedrich Klinger, Faust của Goethe trước hết là một tâm hồn thường xuyên bị chuyện đời và người đời dằn vặt, bị giam cầm trong cô đơn, và không sao vươn tới sự thánh thiện mà nó có khả năng đạt được. Dư âm thời trung cổ bộc lộ không kém phần róng riết trong trường ca Faust của của thi sĩ Đức Nicolas Lenau (1802-1850). Lenau nghiền ngẫm về trường ca này từ khi còn trẻ, không dao động trước chấn động to lớn do Faust II của Goeth gây ra trên văn đàn và xã hội Đức, kiên trì theo đuổi cảm nhận thời thế của mình. Trường ca của Lenau xuất hiện từng phần trên một tạp chí văn học, từ năm 1834. Tới 1840, được in đầy đủ thành sách. Faust trong trường ca không giống Faust của nhà gia sư vừa nêu. Đinh ninh tìm được chân lý và sự thật qua cái xấu và cái tồi tệ, Faust giao mình cho quỷ, để mặc hắn xô đẩy vào hàng loạt cuộc phiêu lưu tình cảm và niềm vui nhục dục, thậm chí phạm tội. Luân phiên liên tục là tù nhân của ân hận và lạc thú, ông quên mất lý tưởng của đời mình: tìm cho được chân lý và sự thật, dù về cuối ông tìm được chúng dưới dạng một khát vọng vô thần tuyệt đối. Có điều, ông không thoát được quán tính hay vòng kim cô vĩnh hằng rằng con người bất cứ thời đại nào cũng phái có một tín điều. Ở thời trung cổ, ấy là Chúa trời vậy. Cho nên, Faust càng muốn phủ nhận Chúa và chạy trốn Người, ông càng cảm thấy gắn bó với Người, như một sinh linh không thể không có một điểm tựa hay một ngôi sao dẫn đường. Mâu thuẫn “ngõ cụt” ấy là đau đớn vô cùng của ông, nỗi đau “tăng trưởng bất tận”. Nó dồn ông tới chỗ không tin vào sự tồn tại của chính mình. Chỉ còn nước tự sát. Song không làm được điều này, ông giao hẳn đời mình cho quỷ và chịu đầy đọa đời đời ở địa ngục.

Trong ba tác phẩm Đức gần đồng thời, một trong những vấn đề cốt tử của thế giới con người vẫn tiến hóa mãi, vai trò của khoa học trong lịch sử hay ràng buộc không tránh khỏi giữa quyền lực và khoa học, đã được nhìn nhận khác nhau. Qua tiểu thuyết của Friedrich Klinger và trường ca của Nicolas Lenau, khoa học càng tâm huyết với con người, càng thông thái và cuồng nhiệt với đời sống, thì càng long đong và bất hạnh. Và khi Chúa là trên hết, khoa học sẽ bị triệt tiêu. Song với Goethe, khoa học không bị đày ải dưới địa ngục mà được cứu rỗi trên thiên đường. Khoa học một khi được hết mình vì hạnh phúc của người dân thường, thì đó là con đường cứu rỗi của nhân loại. Ông không bi quan như hai bạn văn đồng hương mà tin tưởng như một điều thiết cốt rằng khoa học sẽ có vị trí xứng đáng, rằng xã hội loài người sẽ đạt tới tầm mà những người như Faust được trọng dụng, được đúng là họ. Sự uyên thâm đáng kinh ngạc của Goethe đã được đồng cảm tức thời, xuyên suốt không gian cũng như thời gian, và nhất định vĩnh viễn. Tác phẩm của ông nói chung và Faust nói riêng tác động sâu xa và mạnh mẽ tới nhiều văn nghệ sĩ và nhiều nền văn học từ xưa tới giờ. Xin đơn cử một ví dụ. Faust I vừa ra đời tại Đức đã được công chúng Pháp đón chào nhiệt liệt. Nó được dịch ngay ra ngôn ngữ của Jean-Jacques Rousseau, Victor Hugo, Honoré de Balzac… Mấy năm sau, bản dịch được tái bản. Chuyện lạ có thật, một cậu học sinh trung học dịch lại Faust I, phần lớn dịch thành văn xuôi chứ không bằng thơ như trong nguyên bản. Bản dịch của cậu học trò đó, nhà thơ lớn tương lai Gerard de Nerval (1808-1855), được công bố năm 1827. Ba năm sau, bản dịch đến tay Goethe bấy giờ đã 81 tuổi. Ông già lần giở từng trang và sửng sốt rằng ông không ngờ tác phẩm của ông vẫn giữ nguyên giá trị trong một ngôn ngữ mà Voltaire đã thống trị một thời gian dài. Rằng ông không thể không đọc kỹ Faustcủa dịch giả vô danh, bởi vì trong bản tiếng Pháp này, tất cả lấy lại được vẻ tươi tắn, chất mới mẻ và sự thâm trầm của chúng. Mở bản Faust tiếng Pháp vừa được phát hành, nhạc sĩ Pháp Hertor Berlioz (1803-1869) bị hút hồn ngay lập tức, không rời được nữa. Mấy tháng sau, ông đã sáng tác xong Tám cảnh, hạt nhân của Tội tày đình của Faust, một trong những vở nhạc kịch hay nhất xưa nay. Faust cứ thế gợi ý cho nhiều tác phẩm văn chương, hội họa và âm nhạc của Pháp, cho tới tận bây giờ. Một bộ Lịch sử văn học Pháp, (tác giả là Renée Balibar), đã trang trọng ghi rằng “Cũng như Shakspeare, tác phẩm của Goethe là một bộ phận không thể tách rời của văn học Pháp”.

Không ngoa khi cho rằng nhân vật Faust và nhà hiền triết bậc nhất toàn cầu Wolfgang Goethe đã và đang đi trước thời đại một cách mỹ lệ và kiêu hùng. Văn hóa thế giới vẫn tham chiếu rất nhiều những suy tư và xúc cảm dường như bất tận của Đại thi hào và đứa con tinh thần vô song của ông. Một trong những tham chiếu đáng ghi nhận nhất hiện nay là việc nhà điện ảnh Nga Alexandre Sokourov nắm được và thể hiện thuyết phục hồn cốt Faust của Goethe trong bộ phim cùng tên của mình. Với phim này, ông như đã tìm được chìa khóa vạn năng cho một xã hội loài người vui tươi và yên ấm. Vượt qua nhiều trắc trở, Sokourov dần tự khẳng định là một trong những đạo diễn chủ chốt của Nghệ thuật thứ bảy thế giới. Từ giữa thập niên 1990, ông thực hiện một tác phẩm bộ bốn về bản chất của chính quyền, mà các nhân vật chính lần lượt đã là Hitler (Moloch, 1999), Lénine (Taurus, 2000), Nhật hoàng Hirochito (Mặt trời, 2005). Ông vừa trả lời báo Nhân đạo của Đảng cộng sản Pháp rằng “Ngay khi bắt tay vào loạt phim bốn bộ, điều duy nhất mà tôi chắc chắn là sau Hitler, Lénine, Hirochito, nhân vật cuối cùng sẽ là Faust… Sở dĩ như vậy là vì chóp của một ngọn núi phải khác lạ. Faust là đỉnh cao nhất của tư tưởng châu Âu trong nghệ thuật. Không một nhà văn nào, không một họa sĩ nào, không một nhà triết học nào đi xa đến mức ấy trong suy nghĩ của mình. Các tác phẩm lấy cảm hứng từ truyền thuyết Faust đều là nơi hội tụ của tất cả các vấn đề do các nhà tư tưởng và nghệ thuật kịch đặt ra…”. Sáu năm thai nghén và thực hiện, dựa chủ yếu vào Faust của Goethe, bộ phim được trình làng tại Liên hoan Veníse tháng 8-2011 vừa rồi và được tán thưởng trên khắp thế giới. Lúc trao Sư tử vàng cho Alexandre Sokourov, chủ tịch giám khảo Darren Aronovski tuyên bố: “Có những bộ phim khiến chúng ta ước vọng, số khác khiến chúng ta khóc, nhưng thật hiếm những bộ phim thay đổi được cuộc đời của chúng ta…”. Alexandre Sokourov đáp lại: “Trong khi mọi thứ biến mất, chìm đắm và hư hỏng, vô cùng quan trọng là phải giữ cho được một thứ bao giờ cũng nguyên vẹn, ấy là trái tim chúng ta… Con sư tử bé xíu thân thương này đã cho tôi điều mà Faust tìm kiếm bằng hai bàn tay của ông trong sâu thẳm cơ thể sinh học của con người và thế là ông tìm được luôn bản mệnh của điện ảnh: một tấm lòng vàng”. 

Triệu Thanh Đàm

Nguồn: Tạp chí Nhà văn

Link sách “Faust” của Goethe: http://www.hangcao.info/san-pham/faust/

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *