Viết và đọc tiểu thuyết (3): Vấn đề “nghệ thuật vì nghệ thuật và nghệ thuật vì nhân sinh”
Có ba phái:
1. Phái thứ nhất chủ trương “Vẽ để mà vẽ, hát để mà hát, viết để mà viết” (Văn học khảo luận trang 38). Vẽ, hát, viết, là nghệ thuật [1]. Vì thế nên gọi “nghệ thuật vì nghệ thuật”.
2. Phái thứ hai chủ trương nghệ thuật có liên can đến đời sống của người ta. Vì thế nên gọi “nghệ thuật vì nhân sinh”.
3. Phái thứ ba cũng chủ trương “nghệ thuật vì nhân sinh” nhưng lại cho là nghệ thuật phải có ích cho đời người (theo nghĩa thông thường của chữ ích lợi). Nói nôm na là nghệ thuật sẽ có ích như vẽ quảng cáo để hàng bán chạy, nghệ thuật tiểu thuyết chỉ quảng cáo cái này, tán tụng cái kia, nêu lên một gương luân lý, tìm cách giải quyết một việc gì.
(Vì đây là cuốn sách nói riêng về tiểu thuyết nên tác giả chỉ chú ý đến nghệ thuật tiểu thuyết).
Trước hết nói đến phái thứ nhất. Họ chủ trương: viết để mà viết, nghĩa là lúc viết họ không nghĩ đến ai cả; họ viết vì họ thích viết không cần đem xuất bản cho người đời xem. Một cuốn sách viết, để nằm mãi trong tủ thì (ngoài người viết nó ra) có cũng như là không có đối với nhân loại cũng như một cuốn đã đem đốt đi, hay chưa từng viết ra bao giờ – nhưng người ấy đã viết lên giấy, đã có cái vui của sự sáng tác thì ít ra cuốn sách đó cũng đã có ích cho một người; nghệ thuật cũng vì nhân sinh rồi… nhân sinh của một người!
Vậy không thể có nghệ thuật vì nghệ thuật.
Thực ra thì phái này nêu lên khẩu hiệu “nghệ thuật vì nghệ thuật” là để chống lại cái thói thường viết văn xu nịnh đời, chiều theo thị hiếu độc giả, để kiếm tiền. Cho nên câu nghệ thuật vì nghệ thuật của họ chỉ có nghĩa là: viết chỉ cốt cho hay đã, đừng để những cái ở ngoài nó lung lạc mình. Vậy thì họ vẫn viết vì người đời, vì nhân sinh nhưng phải chú ý đến nghệ thuật trước hết nghĩa là chính ra họ cũng ở trong phái nghệ thuật vì nhân sinh.
Bây giờ nói đến nghệ thuật vì nhân sinh.
Những “vì nhân sinh” là thế nào? Vì nhân sinh như phái thứ hai hay phái thứ ba? Riêng đối với tiểu thuyết, vấn đề này thật là gay go (đối với văn khảo cứu, luân lý, viết lịch sử v.v… vấn đề này dễ giải quyết hơn) [2]
Đây mới thực là vấn đề rất quan trọng, làm thắc mắc các văn sĩ trong nước và hàng mấy chục vạn độc giả trong 30 năm nay.
Văn nghệ (mà nhất là văn nghệ tiểu thuyết) phong phú hay nghèo nàn, cao siêu hay thấp kém là do sự hiểu đúng hay không đúng vấn đề này.
Nếu nghệ thuật đã vì nhân sinh thì ta phải tính xem những cuốn tiểu thuyết nào đã lợi ích (theo nghĩa rộng đã nói ở trên kia) nhiều nhất cho nhân loại (không kể thời gian và không gian) nghĩa là ta phải tính đến những cuốn tiểu thuyết mà cả nhân loại đều cho là hay và từ đời này sang đời khác.
Nếu không đem những sách phổ biến nhất và lâu bền nhất của nhân loại thì biết lấy gì làm chuẩn đích cho cái hay.
Tôi cho bức tranh này đẹp, cuốn sách này hay, một ông khác lại cho là bức tranh ấy xấu, cuốn sách ấy xoàng, hai người cứ ngồi cãi nhau đến già đời cũng không phân biệt ai phải ai trái. (Nếu bàn về triết lý cái hay cái đẹp thì còn rắc rối nữa: tại sao hoa hồng lại đẹp và con cóc xấu? Sao con cóc lại không đẹp? Nhưng ở đây, không muốn bàn về triết lý).
Vậy tôi lấy làm chuẩn đích những cuốn ra đời từ hai ba trăm năm trước và gần nhất là cách đây độ ba mươi năm.
Riêng ở Việt Nam tôi đem ra cuốn tiểu thuyết bằng thơ Kim Vân Kiều. Đa số người Việt Nam và đời nọ đến đời kia đều cho là hay. (Nhưng vì viết bằng thơ, dịch ra tiếng nước ngoài cái hay của thơ không còn mấy, nên cuốn Kiều ít có tánh cách quốc tế). Tôi không đem ra những tiểu thuyết gần đây vì những cuốn đó chưa có sự thử thách của thời gian.
Tôi đem ra nghiên cứu độ năm sáu chục cuốn hay nhất trong thế giới mà tôi đã được đọc.
° ° °
Vậy thử xem những cuốn hay nhất của nhân loại, nó có những tính cách gì. Tìm ra những điều đó, ta tìm được lý tưởng để noi theo khi viết tiểu thuyết và nếu là độc giả, sự nhận chân đó sẽ giúp ích rất nhiều cho sự thưởng thức đầy đủ và sâu sắc hơn.
Trước khi nói đến cái hay, cần phải xem đến tính cách chung của các sách nói trên. Tính cách chung đó là:
“Một cuốn sách hay phải có giá trị trong không gian và thời gian”. Đây chỉ là một câu tóm tắt cho gọn gàng những điều bày tỏ dưới này.
Tôi đem ra cuốn tiểu thuyết Chiến tranh và hoà bình của Tolstoï và độ năm sáu cuốn nữa mà nước nào cũng công nhận là những cuốn sách hay nhất của nhân loại từ đời nọ đến đời kia.
Tôi đem những đoạn hay nhất dịch ra Việt văn (vì tôi không biết chữ Nga nên tôi phải dịch bản dịch chữ Pháp, tức là những đoạn đó đã bị dịch hai lần) tôi vẫn thấy những đoạn đó hay. Đồng thời tôi lại dịch những tiểu thuyết Việt văn ra chữ Pháp như trên kia đã nói [3].
Vậy cái gì đã làm cho những tiểu thuyết đó (đã đem dịch hai lần) vẫn hay?
Cái gì đã làm cho bất kỳ độc giả nước Việt Nam hay nước Pháp, nước Anh, nước Nhật v.v.. cũng cho là hay, tiểu thuyết đó có giá trị đối với bất cứ giống nòi nào, ở bất cứ nước nào, nghĩa là có giá trị trong không gian. [4]
Cái gì đã làm cho người cùng thời với truyện kể trong sách đó và cho những người mấy trăm năm sau đều cho là hay, mặc dầu đời sống của những người bây giờ đã thay đổi khác xa và không có liên quan xa gần gì đến đời sống của những nhân vật trong sách nghĩa là những cái làm cho cuốn sách có giá trị trong thời gian.
Điều thứ nhất là những cuốn tiểu thuyết đó không có “văn chương”, nói rõ hơn là không có một câu văn nào nó quyến rũ người đọc chỉ vì nó là một câu văn hay; ngay cả đến chỗ tả cảnh đi nữa cũng không có “văn chương” (nghĩa là những câu đọc lên du dương nhịp nhàng); tả cảnh hay chỉ ở chỗ tác giả có nhận xét đúng, nhìn cách tinh tế. Văn chỉ là cách dùng chữ và xếp đặt chữ để diễn tả cho đúng những điều tác giả muốn diễn tả (văn chương tiểu thuyết là thế đó).
Chính vì tiểu thuyết ít cần đến văn, không như một bài thơ, bài phú hay một bài văn âm điệu du dương, nên tiểu thuyết dễ có giá trị quốc tế, dịch ra không kém hay, nếu dịch đúng và lột được hết những tế nhị của nguyên văn.
Điều thứ hai là những nhân vật đều có vẻ sống, có vẻ linh động, (cả nhân vật chính và phụ) như những người chúng ta vẫn thấy hàng ngày cạnh chúng ta thời nay; mỗi người có tính nết tâm hồn rõ ràng, có những cử chỉ riêng và cách nói cũng không giống hẳn nhau. Những nhân vật đó là những “người” mà ta thấy hiện ra với đủ các tính tốt lẫn tính xấu của con người. Không có những nhân vật hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu, không thực tí nào như trong các tiểu thuyết luân lý của Tàu và ta, không có những nhân vật “tượng gỗ”, thiếu tính cách riêng nêu lên chỉ cốt làm những quân cờ để tác giả dùng trong việc bênh vực cái này, đả đảo cái khác. Vì vậy nên tuy là những nhân vật quý phái sống đã hơn một trăm năm trước ở một nước xa xôi nào (như trong cuốn Chiến tranh và hoà bình) mà ta vẫn thấy họ gần gũi ta lắm.
Điều thứ ba là những việc xảy ra đều đúng sự thực. Tác giả không bao giờ uốn nắn cuộc đời để lợi cho ý định của mình; tác giả chỉ biết tả đời sống thật còn sự thực ấy nó tỏ rõ cái gì là việc về sau.
Điều thứ tư là tác giả diễn tả bằng chi tiết chứ không bằng lời giảng giải. Những việc xảy ra cả đến sự u ẩn của tâm hồn như những đoạn tả một người sắp chết, một người con có ý giết bố, tả tình yêu đắm đuối v.v… tác giả không dùng lời nói dài dòng mà chỉ dùng những chi tiết nho nhỏ để diễn tả. Chính “những điều nho nhỏ, một nét mặt, một cử chỉ, một giọng nói, cho chúng ta biết rõ tâm lý hơn; những cái mà ta thường coi là nhỏ nhặt vụn vặt hay mỉ, chính lại là những cốt yếu của tiểu thuyết hay” [5]. ở các tiểu thuyết hay nhất thế giới đều có những chi tiết đúng, hay và gợi ý. Tolstoï đã cho Nã Phá Luân sống lại với vài ba chi tiết về dáng điệu, lời nói và nhất là bằng cái chi tiết bắp chân trái run run của Nã Phá Luân, v.v…
Điều thứ năm là những cuốn đó không phải hay ở cốt truyện. ở nhà văn Anh Dickens hay Dostoïevsky cũng có những truyện ly kỳ nhưng cái hay không ở đấy: có khi (như ở đoạn dưới truyện Oliver Twist – có dịch ra Việt ngữ – và The Great Expectance của Dickens) câu chuyện rắc rối, nhiều sự đột ngột tình cờ lại làm giảm giá trị đi. Ở Tolstoï cốt truyện rất bình thường; ở nhà nữ văn hào Anh Mansfield và ở Tchekov văn hào Nga lại không có cả truyện nữa.
Điều thứ sáu là những cuốn đó đều sâu sắc. Có lắm người viết cũng đúng sự thực nhưng chỉ là sự thực hời hợt bề ngoài. Những nhà văn giỏi họ không chịu như vậy, họ chịu khó tìm tòi để đi sâu mãi vào tâm hồn người với tất cả những biến chuyển mong manh, tế nhị. Đến bực sâu sắc hơn nữa là dưới những cái mà tác giả viết ra lại còn ẩn một thứ gì khác, tuy tác giả không nói đến nhưng mình cảm thấy rõ và cái đó như chiếu sáng những cái sâu xa của cuộc đời khiến mình hơi sờ sợ tưởng tác giả như là một đấng tạo hoá đã mở cửa cho mình thấy những cái mà mình không bao giờ tự mình hiểu thấu được. Tôi đã cảm thấy thế khi đọc đoạn anh chàng Ivan có ý định giết bố mà không có ý định hay có ý định nhưng chính mình không biết ý định của mình ở trong cuốn Ba anh em Karamazov của Dostoïevsky và đoạn tả về cái chết của chàng André ở trong cuốn Chiến tranh và hoà bình của Tolstoï. Đấy là những đoạn tiểu thuyết hay nhất thế giới. Kịch của Shakespeare cũng có những đoạn như vậy.
Điều thứ bảy là sự thành thực của tác giả. Các nhà văn đã có cái can đảm “mình dám là mình” dám viết ra tất cả những ý nghĩ thầm kín dẫu những ý nghĩ ấy xấu xa đi nữa. Đọc Dostoïevsky và một vài nhà văn khác, André Gide, một nhà văn Pháp đã viết:
“Họ đã dạy tôi đừng nghi ngờ tôi nữa, đừng sợ những tư tưởng của tôi”
Robert Honner viết: “Trước hết mình phải thành thực với mình, không bao giờ chịu viết về một đề bởi thấy người khác được hoan nghênh vì nó, nếu chính mình không thấy có sự liên lạc tối cần với vấn đề ấy”.
°
Sau khi suy xét những điều trên này, ta có thể trả lời được câu hỏi: thế nào là những cuốn tiểu thuyết hay, có giá trị trong không gian và thời gian và giúp ích nhiều nhất cho nhân loại.
Những cuốn tiểu thuyết hay là những cuốn tả đúng sự thực cả bề trong lẫn bề ngoài, diễn tả được một cách linh động các trạng thái phức tạp của cuộc đời, đi thật sâu vào sự sống với tất cả những chuyển biến mong manh, tế nhị của tâm hồn bằng cách dùng những chi tiết về người và việc để làm hoạt động những nhân vật cùng hành vi, cảm giác và ý nghĩ của họ.
Những cuốn đó cần phải do sự thành thực của tác giả cấu tạo nên, viết bằng một lối văn giản dị, không giảng giải nhiều, và không phải hay chỉ vì cốt truyện.
Những điều trên này còn nói thêm về sau, nhưng bây giờ chúng ta còn đứng trong vấn đề: Nghệ thuật vì nhân sinh theo phái thứ hai hay phái thứ ba?
Xin nhắc lại, về tiểu thuyết thì phái thứ ba chủ trương: viết tiểu thuyết để làm một việc gì, để phụng sự như chứng tỏ tán dương tuyên truyền một cái gì mà tác giả và người đương thời cho là tốt đẹp, để đả đảo một cái gì xấu xa, nêu lên một gương luân lý v.v…
Trước kia ở nước ta và nước Tàu chỉ thấy toàn truyện nêu một gương luân lý để soi chung. Những tiểu thuyết nhai đi nhau lại một cái đề, lâu thành lạt lẽo.
Từ ba mươi năm trở về đây các nhà văn đã phá bỏ cái vòng chật hẹp ấy đi, đua nhau viết đủ các loại; tả chân, xã hội, tâm lý, luận đề, trinh thám, v.v…
Trong một số độ hơn ba mươi nhà văn nổi tiếng trong hai mươi năm nay đại khái có độ hai nhà văn viết tiểu thuyết luận đề (trong đó có Nhất Linh và Hoàng Đạo) và một nhà viết tiểu thuyết luân lý (Lê Văn Trương) [6].
Như thế ta thấy rõ ngay là phái thứ ba đã gạt ra chín phần mười các nhà văn khác.
Ở các nước khác, tiểu thuyết dùng để làm một việc gì cũng ít, có lẽ độ trăm nghìn cuốn mới có một cuốn.
Vậy tại sao phái ấy lại đem tiểu thuyết giam vào trong cái vòng chật hẹp như trước kia người ta đã giam nó trong vòng luân lý bé tí hon. Nhưng dẫu lấy bạo lực cũng không sao giam nổi. Tự nhiên các nhà văn lại sẽ viết về đủ mọi thứ, tả cuộc đời muôn mặt. (Nói rộng ra: nếu ai ai cũng viết toàn về luân lý hay toàn về ái tình thì tiểu thuyết Việt Nam sẽ nghèo nàn, buồn tẻ đến nhường nào).
Vả lại cái chủ trương của phái thứ hai có bác bỏ tiểu thuyết luận đề, luân lý đâu. Ai muốn viết tiểu thuyết luận đề, luân lý, v.v… cũng được cả.
Vậy thì chỉ còn lại chủ trương nghệ thuật vì nhân sinh của phái thứ hai. Riêng về tiểu thuyết ai viết gì cũng được miễn là viết hay và vì viết hay thì mới giúp cho loài người nhiều hơn. (Cũng có thứ nhiều người không dám viết cho dẫu là có nghệ thuật cao, thí dụ về những đề tài có liên can đến luân lý thông thường. Sẽ nói đến ở một chỗ khác).
Chú thích.
[1]Cần phân biệt nghệ thuật có nghĩa là văn nghệ với nghệ thuật là cách viết hay.
[2]Cuốn Văn học khảo luận nói đến cả văn học nên không nêu lên vấn đề này.
[3]Việc này tôi làm không phải vì cần viết tiểu thuyết (lúc đó tôi đã hoàn toàn nghỉ viết), tôi làm trong lúc suy nghĩ về một chủ nghĩa chính trị cần phải nghiên cứu đến văn hoá – và vấn đề văn hoá là vấn đề chúng tôi bàn cãi gay go nhất.
[4]Không kể thơ vì thơ ít có giá trị trong không gian; còn giá trị trong thời gian thì cũng như trong tiểu thuyết.
[5]Theo dòng của Thạch Lam, trang 30
[6]Dựa theo cuốn Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan.
[7]Cả đoạn này lúc thì tóm tắt cho tính chất phổ thông hơn, lúc thì giữ nguyên văn của Thạch Lam trong cuốn Theo dòng.
[8] Tôi viết hầu hết là có người tả con vật với cả tâm hồn nó nữa. Trong các sách tả về người cũng có thể cho thêm các con vật vào như chó, gà, chim v.v… hay cả cây, cỏ,dá, sắt, nếu ta tin ở thuyết vật vô tri vô giác cũng có linh hồn.
[9]Tính tình đây bao gồm cả tâm hồn, tính nết, ý nghĩa, cảm giác.
[10]Xin nhớ chữ “truyện” tôi dùng đây chỉ là những cái rắc rối, ngoắt ngoéo, bất ngờ mà chỉ ở truyện thôi. Còn những việc xảy ra trong truyện thì trái lại, cần phải để ý.
[11]Tiềm giác là cái ngầm ở trong đáy lòng mình chính mình không biết là có, nhưng chính cái ngầm ấy nó điều khiển công việc mình làm.
Nhất Linh
Viết và đọc tiểu thuyết, NXB Đời Nay, Sài Gòn 1972.