Tại sao hoạ sĩ vẽ?

Vì sao có những người lao vào các hoạt động trừu tượng chẳng phải để kiếm tiền, cũng chẳng phải vì danh?

Cái gì khiến nghệ thuật cuốn hút chúng ta? Giá trị của nghệ thuật nằm ở đâu?

Hội hoạ ra đời trước khi loài người có chữ viết hàng chục ngàn năm. Người ta đã tìm thấy các bức hoạ được vẽ cách đây tới 35-40 ngàn năm trong các hang động tại châu Âu và Úc, trong khi chữ viết xuất hiện khoảng 3500 – 4000 năm về trước. Cho dù nghệ thuật đã trải qua bao cuộc bể dâu, luôn có một sợi dây vô hình nối liền các hoạ sĩ từ thời tiền sử, cổ đại, trung cố, Phục Hưng, tới hiện đại, và đương đại. Sợi dây đó là: Nghệ sĩ sáng tạo ra nghệ thuật để biểu hiện chính họ, biều hiện những gì họ cho là quan trọng, có ý nghĩa nhất, phản ánh các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của chính họ. Trong chúng ta, một số người có một sự bức thiết cần biểu hiện nội tâm qua việc tạo nên các tác phẩm nghệ thuật. Họ có phải là những người khác thường không? Đối với một số người trong số họ, câu trả lời là có. Bởi lẽ, để biều hiện được chính mình một cách thuyết phục, trước hết là đối với chính họ, họ cần được Trời phú cho một khả năng đặc biệt gọi là Tài năng.

Trong Lời tựa cho tiểu thuyết “Chân dung Dorian Gray” [1] – cuốn tiểu thuyết duy nhất của mình, Oscar Wilde viết: “Cái cớ duy nhất để làm ra một vật vô dụng là vì ta ngưỡng mộ nó sâu sắc. Toàn bộ nghệ thuật là vô dụng. 

Năm 1891 Bernulf Clegg, một sinh viên đại học Oxford, đã gửi thư đề nghị Oscar Widle giải thích. Trong thư trả lời, Wilde đã viết như sau (trích):

Nghệ thuật là vô dụng bởi mục đích của nó đơn giản là chỉ nhằm tạo nên một tâm trạng. Nó không nhằm để chỉ dẫn hay tạo ảnh hưởng lên hành động theo bất cứ một kiểu gì. Nó vô sinh một cách tuyệt vời, và cái khoái lạc của nó là sự vô sinh. Nếu việc thưởng ngoạn một tác phẩm nghệ thuật lại được nối tiếp bởi một hành động dưới bất cứ hình thức nào, thì hoặc đó chỉ là một tác phẩm rất thứ cấp, hoặc người xem không cảm nhận được toàn bộ ấn tượng nghệ thuật của nó. Một tác phẩm nghệ thuật cũng vô dụng như một đóa hoa. Đoá hoa nở cho niềm sung sướng của chính nó. Chúng ta có được một khoảnh khắc sung sướng khi ngắm hoa nở. Đó là tất cả những gì có thể nói về quan hệ giữa chúng ta và hoa. Tất nhiên, người ta có thể đem hoa đi bán và thu lợi cho mình, nhưng việc đó chẳng dính dáng gì đến hoa cả. Đó không phải là một phần của bản chất của loài hoa. Đó là một sự tình cờ. Đó là một sự lạm dụng.” [2]

Thực chất, Oscar Wilde đã diễn giải lại quan điểm về nghệ thuật tuyệt đối cuả Kant [3]. Kant cho rằng cái Đẹp là cái gì đó không có bất kỳ một chức năng nào khác ngoài chức năng làm cái Đẹp. Khi đó một vật thể thể sẽ trở thành thuần túy là một vật thể, hiện ra hoàn toàn chỉ vì nó đẹp chứ không vì bất cứ công dụng nào khác. Như vậy nghệ thuật theo Kant là một cách biểu diễn đẹp của một hình thức, thông qua đó nghệ sĩ mặc sức tưởng tượng để liên tục mở rộng quan niệm về chính cái Đẹp. Điều đó có nghĩa là nghệ thuật đã đi ra ngoài thế giới của lý trí, và cái Đẹp là điều ta không thể cắt nghĩa được [4].

“Vô dụng” (useless) ở đây không đồng nghĩa với “Vô giá trị” (having no value). Từ “Nghệ thuật” (Art) trong nhận định “Nghệ thuật là vô dụng” (Art is useless) được dùng để chỉ “nghệ thuật sáng tạo” (creative art) hay “fine art” (mỹ thuật), tạm gọi là “nghệ thuật thuần túy” hay “nghệ thuật tuyệt đối”, ở đó nghệ sĩ dùng tài nghệ và kỹ năng để biểu hiện sáng tạo của mình. Khi xem tác phẩm do nghệ sĩ sáng tạo ra như vậy, công chúng có các rung động thẩm mỹ. Và đó là tất cả. Bởi nếu nghệ sỹ dùng tài năng của mình để làm nên một vật có chức năng nào khác ngoài sự rung động thẩm mỹ (ví dụ như một cái bình để cắm hoa, một cái ghế để ngồi, v.v., tức có một công dụng nào đó) thì ngay lập tức vật đó sẽ thuộc về đồ mỹ nghệ (craft) chứ không còn là mỹ thuật thuần túy nữa. Tương tự như vậy, nếu tài năng của nghệ sĩ được áp dụng vào quảng cáo thương mại hay kỹ nghệ thì nghệ thuật thuần túy trở thành “thiết kế” (design) hay được gọi chung là “nghệ thuật ứng dụng” (applied art). Nói tóm lại, nghệ thuật trong nhận định “Nghệ thuật là vô dụng” không có chức năng nào khác ngoài việc truyền đạt một ý tưởng.

Trong diễn từ nhận giải Nobel văn chương năm 1972, bình luận về lời tiên tri của Fyodor Dostoevsky “Cái đẹp sẽ cứu thế giới”, Alexandr Solzhenitsyn đã phát biểu như sau:

Nắm giữ Nghệ thuật trong tay, chúng ta tự cho rằng mình là chủ nhân của nó, hùng hổ điều khiển nó, đổi mới nó, cải cách nó, tuyên ngôn nó, bán nó lấy tiền, dùng nó để bợ đỡ những kẻ mạnh, coi nó hoặc như trò tiêu khiển trong các ca khúc thị trường, nơi tửu quán, hoặc như hòn đá hay cái gậy, bất kể cái gì tóm được, để phục vụ các đòi hỏi chính trị thoảng qua, hay các nhu cầu xã hội hạn hẹp. Nhưng, mặc cho mọi giày vò của chúng ta, Nghệ thuật vẫn không bị vấy bẩn, vẫn không vì thế mà đánh mất đi nguồn gốc của mình, vẫn luôn luôn, và trong mọi cách chúng ta dùng nó, rọi chiếu lên chúng ta một phần cái ánh sáng bí mật bên trong của nó (…) ̣Nghệ thuật hé mở cho chúng ta, tuy lờ mờ, tuy ngắn ngủi, những điều không thể nào đạt được bằng lý trí. Như chiếc gương thần trong truyện cổ tích, nhìn vào nó ta không thấy chính mình mà chợt thấy một khoảnh khắc ta chẳng khi nào đạt tới, phóng tới, bay tới được. Và chỉ có tâm hồn đang thổn thức.

Giá trị của nghệ thuật là như vậy.

 

Nguyễn Đình Đăng

Nguồn:  “Nghệ thuật là gì?”, talawas, 12.1.2006.

CHÚ THÍCH: (Phần chú thích này của tác giả thú vị tương đương bài viết)

[1] Tạm dịch Lời Tựa của “Chân dung Dorian Gray”:

Nghệ sĩ là người sáng tạo ra cái đẹp.

Mục đích của nghệ thuật là để bộc lộ nghệ thuật và che giấu nghệ sĩ.

Nhà phê bình nghệ thuật là người có thể diễn dịch ấn tượng của mình trước cái đẹp bằng một cách khác hoặc dùng một chất liệu khác.

Phê bình hay nhất cũng như thấp kém nhất là một dạng tự truyện (tức là nó bộc lộ về người phê bình nhiều hơn là về đề tài phê bình. N.D.). Những người nào tìm thấy ý nghĩa xấu xí trong cái đẹp là những người đồi bại, không có sức quyến rũ.

Đó là một lỗi lầm.

Những người nào tìm thấy ý nghĩa đẹp đẽ trong cái đẹp là những người có học thức. Đối với những người này thì còn có hy vọng.

Họ là những người được chọn lựa mà đối với họ cái đẹp chỉ có nghĩa là cái đẹp mà thôi.

Không có cuốn sách có đạo đức hay vô đạo đức. Các cuốn sách được viết hay hoặc dở.

Đó là tất cả.

Thế kỷ thứ 19 ghét chủ nghĩa hiện thực cũng như Caliban nổi giận khi nhìn thấy khuôn mặt của mình trong gương.

Thế kỷ thứ 19 ghét chủ nghĩa lãng mạn cũng như Caliban nổi giận khi không nhìn thấy khuôn mặt của mình trong gương.

Cuộc sống đạo đức của con người góp phần tạo nên đề tài cho nghệ sĩ, nhưng đạo đức của nghệ thuật nằm trong việc sử dụng hoàn hảo một chất liệu không hoàn hảo. Không nghệ sĩ nào muốn chứng minh bất cứ điều gì. Ngay cả những sự thật có thể chứng minh được.

Không nghệ sĩ nào có cảm tình với đạo đức.

Một sự đồng cảm đạo đức trong nghệ sĩ là thói làm bộ không thể tha thứ được về phong cách. Nghệ sĩ càng không bao giờ bệnh hoạn. Nghệ sĩ có thể biểu hiện mọi thứ.

Tư tưởng và ngôn ngữ đối với nghệ sĩ là các công cụ của nghệ thuật.

Đồi bại và đức hạnh đối với nghệ sĩ là các tư liệu của nghệ thuật.

Trên quan điềm hình thức, nghệ thuật của nhạc công là hình mẫu của mọi nghệ thuật.

Trên quan điểm của cảm xúc, kỹ năng của diễn viên là hình mẫu của mọi nghệ thuật.

Toàn bộ nghệ thuật vừa là bề mặt vừa là biểu tượng.

Những người đi bên dưới bề mặt, có sao thì ráng chịu.

Những người đọc biểu tượng, có sao thì ráng chịu.

Nghệ thuật là tấm gương phản chiếu người xem, chứ không phải phản chiếu cuộc sống.

Sự đa dạng của ý kiến về một tác phẩm nghệ thuật chứng tỏ đó là một tác phẩm mới, phức tạp, và quan trọng.

Khi các nhà phê bình không đồng ý với nhau là lúc nghệ sĩ hoà hợp với chính mình.

Chúng ta có thể tha thứ một người làm ra một vật hữu dụng chừng nào người đó không ngưỡng mộ nó. Cái cớ duy nhất để làm một vật vô dụng là vì ta ngưỡng mộ nó sâu sắc.

Toàn bộ nghệ thuật là vô dụng.

[2] Vào năm 1835, tức 55 năm trước khi Oscar Wilde xuất bản tiểu thuyết “Chân dung Dorian Gray”, nhà văn và phê bình nghệ thuật Pháp Théophile Gautier cũng đã có quan điểm như vậy. Ông viết: “Chẳng có gì thực sự đẹp ngoại trừ cái không có công dụng nào hết; mọi thứ hữu dụng đều xấu xí.

Théophile Gautier viết câu này trong Lời Tựa cuốn “Cô Maupin” (Mademoiselle de Maupin), xuất bản năm 1835. Đây là cuốn tiểu thuyết dựa trên cuộc đời của một nhân vật có thật, Julie d’Aubigny hay Mademoiselle de Maupin (1670 – 1770), một danh ca opera đồng thời là một tay đấu gươm cự phách, có một cuộc đời tình ái rất sôi động.

Lời tựa của cuốn tiểu thuyết này, dài hơn 50 trang, được coi như hiến chương về “nghệ thuật vị nghệ thuật” – quan điểm coi nghệ thuật không có mục đích và luân lý nào khác ngoài việc tạo ra cái đẹp.

Dưới đây tôi tạm dịch một đoạn từ Lời tựa đó, đoạn liên quan trực tiếp tới “nghệ thuật là vô dụng”:

“Không có cái gì đẹp mà lại rất cần thiết tới mức không thể thiếu được trong cuộc đời. Giả sử các vị phải vứt bỏ hoa, thế giới này không vì thế mà tổn hại về mặt vật chất. Vậy mà, liệu có ai muốn không còn hoa nữa? Tôi thà bỏ ăn khoai tây chứ không bỏ ngắm những đóa hồng, và tôi cho rằng không ai trên thế giới này, trừ kẻ vị lợi, lại có thể nhổ cả một luống hoa uất kim hương để trồng bắp cải vào đó.

Cái gì là sự hữu dụng trong sắc đẹp của phụ nữ? Đối với các kinh tế gia, phụ nữ bao giờ cũng có ích, miễn là được chăm sóc cẩn thận về mặt y tế và có khả năng sinh đẻ.

Âm nhạc hữu dụng ở chỗ nào? Hội hoạ hữu dụng ở chỗ nào? Ai đủ điên để thích Mozart hơn Ngài Carrel, và Michelangelo hơn người sáng chế ra mù-tạc trắng?

Chẳng có gì thực sự đẹp ngoại trừ cái không có công dụng nào hết; mọi thứ hữu dụng đều xấu xí, bởi vì đó là sự biểu hiện một nhu cầu nào đó, mà các nhu cầu của con người thì ti tiện và ghê tởm giống như bản chất tầm thường và nhu nhược của hắn. Chỗ hữu dụng nhất trong nhà là cầu tiêu.

Về phần tôi, mong quý vị vui lòng, tôi là một trong số những người mà, đối với mình, những cái thừa vô tích sự lại là một điều cần thiết. Tôi thích những đồ vật và con người trong tỉ lệ nghịch với các ích lợi mà những đồ vật và con người đó cung cấp cho tôi. Tôi thích một cái lọ Tàu trang trí bằng các con rồng và các chữ Nho, không có bất kỳ công dụng nào với tôi, hơn là một cái lọ đồ dùng nào đó, và trong các tài năng của tôi, cái mà tôi coi trọng nhất là sự bất lực về việc đoán chữ và các trò đố chữ. Tôi sẽ rất sung sướng nếu phải từ bỏ các quyền của một người Pháp và của một công dân như tôi để được nhìn thấy một bức tranh thứ thiệt của Raphael, hay một phụ nữ đẹp khoả thân, ví dụ như công chúa Borghese khi nàng làm mẫu cho Canova, hay như Julia Grise khi nàng bước vào bồn tắm. Riêng tôi, tôi thà đồng ý cho tên vua yêu tinh Charles X quay về, nếu như hắn đem về cho tôi một giỏ vang Tokey hay Johannisberger từ lâu đài Bohemian của hắn, và tôi sẽ thấy các luật bầu cử là khá thoáng đãng, nếu có vài con phố thênh thang hơn, còn một số thứ khác thì bớt đi. Dù tôi không phải là người nghiệp dư, tôi thà nghe tiếng đàn sáo inh ỏi còn hơn nghe tiếng chuông của ông chủ tịch. Tôi sẵn lòng bán quần tôi mặc để mua một chiếc nhẫn, và bánh mì của tôi để đổi lấy mứt. Tôi thấy công việc thích hợp nhất cho một người văn minh là không làm gì hết, hoặc là hút tẩu hay xì-gà một cách có phân tích kỹ lưỡng. Tôi cũng đánh giá cao những người chơi bóng gỗ và những người làm thơ hay. Quý vị thấy các nguyên tắc vị lợi còn lâu mới là các nguyên tắc của tôi, và rằng tôi sẽ không bao giờ làm cộng tác viên cho một tạp chí đoan chính, trừ phi, tất nhiên, nếu tôi “cải đạo”-  mà đó lại là một điều khá lố bịch.”

[3] Khái niệm “vô dụng” và “hữu dụng” trong cách hiểu nghệ thuật ở đây xuất phát từ triết học của Kant.

Trong “Phê bình sự phán xét” (The Critique of Judgment), Kant viết rằng các phán xét về thẩm mỹ (Ví dụ khi ta nói: “Cảnh hoàng hôn đẹp thật!”) phải có 4 đặc tính:

1 – Vô tư (không vụ lợi),

2 – Phổ quát,

3 – Cần thiết,

4 – Hướng tới mục đích không có mục đích (Hồi kết không có tận cùng).

Đặc tính (1) có nghĩa là chúng ta có khoái cảm trước một vật (hay điều gì đó) bởi vì chúng ta thấy nó đẹp, chứ không phải chúng ta thấy nó đẹp vì nó đem lại cho chúng ta khoái cảm.

Đặc tính (2) và (3) là nội hàm của phán xét thẩm mỹ nhờ đó mà chúng ta có thể thuyết phục người khác về phán xét của chúng ta.

Trong đặc tính (4), mục đích của một vật đẹp là mục đích mà nhằm vào đó vật đó được tạo ra. Một vật “có mục đích” khi người ta thấy nó chứa đựng một mục đích như vậy. Một vật đẹp phải tác động lên chúng ta như thể nó có một mục đích, mặc dù ta không thể tìm ra một mục đích cụ thể nào cả.

Như vậy, nếu ta vẽ tranh để giải “stress”, để tránh mất trí khi về già, để bán, để chứng tỏ ta là nghệ sĩ hạng nhất, nhì, để dự thi, để triển lãm, v.v. thì tất cả những cái đó là “vụ lợi”.

Trong câu “Nghệ thuật trong nhận định ‘Nghệ thuật là vô dụng’ không có chức năng nào khác ngoài việc truyền đạt một ý tưởng“, “ý tưởng” mang nghĩa đối nghịch với “hành động”, hàm ý “Nghệ thuật không nhằm để chỉ dẫn hay tạo ảnh hưởng lên hành động theo bất cứ một kiểu gì“, như Oscar Wilde đã nói.

Có nghĩa là, nghệ thuật (đích thực hay tuyệt đối) không thể được tạo ra làm … đòn xoay cái nọ cái kia, hay bất cức mục đích nào khác ngoài chính nó – Nghệ Thuật.

[4] Nguyễn Đình Đăng, “Nghệ thuật là gì?”

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *