Tác phẩm Trung QuốcTHƠ HAYTuyển chọn tác phẩm

Những bài thơ hay trong Kinh Thi (1): Chùm Quan Thư

Kinh Thi là bộ tuyển tập các câu ca dao Trung Quốc do Khổng Tử tập hợp. Học Viết xin được tuyển chọn và giới thiệu những bài thơ hay nhất trong Kinh Thi.

Mở đầu là chùm thơ Quan Thư, nằm trong các bài của nước Chu Nam, được tập hợp trong Quốc Phong.


1

Quan quan thư cưu,
Tại hà chi châu.
Yểu điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu.

Dịch nghĩa

Đôi chim thư cưu hót hoạ nghe quan quan,
Ở trên cồn bên sông.
Người thục nữ u nhàn,
Phải là lứa tốt của bực quân tử (vua).


Chú giải của Chu Hy:
Chương này thuộc hứng.
– quan quan 關關: tiếng chim trống chim mái ứng hoạ nhau.
– thư cưu 雎鳩: loài chim nước, lại có một tên nữa là vương thư, hình dạng giống như chim phù y, ngay trong khoảng Trường giang và sông Hoài thì có chim ấy. Chim này sống có đôi nhất định mà không hề lẫn lộn. Hai con thường lội chung mà không lả lơi, cho nên sách của Mao công có nói rằng: Đôi chim thư cưu tình ý chí thiết khăn vó đậm đà, nhưng lúc nào cũng giữ gìn cách biệt. Sách Liệt nữ truyện cho là người ta chưa từng thấy chim thư cưu sống dư cặp hay sống lẻ loi, là vì tính của nó như thế. Hà, tên thông dụng của những dòng nước chảy ở phương bắc.
– châu 洲: cồn đất ở giữa sông có thể ở được.
– yểu điệu 窈宨: là ý u nhàn, u tích yên lặng và nhàn nhã.
– thục 淑: hiền lành.
– nữ 女: con gái chưa gả chồng, nói nàng Thái Tự, vợ vua Văn vương, lúc còn ở nhà với cha mẹ.
– quân tử 君子: chỉ vua Văn vương.
– hảo 好: đẹp lành.
– cầu 逑: đôi lứa.

Sách của Mao công nói chí 摰 là rất, tình ý rất tha thiết đậm đà.

Hứng: là trước nói một vật gì để sau dẫn đến lời ca vịnh.

Vua Văn vương nhà Chu sinh có thánh đức, lại được bậc thánh nữ họ Tự để kết hôn. Nhưng người trong cung, lúc nàng Thái Tự mới đến, thấy nàng có đức hạnh u tịch, nhàn nhã và trinh chuyên, bèn làm bài thơ này rằng: Kìa đôi chim thư cưu nghe hót quan quan, đang ứng hoạ nhau ở trên cồn bên sông. Người thục nữ yểu điệu này há không phải là bạn lứa tốt của bậc quân tử Văn vương hay sao? Có ý nói nàng Thái Tự và vua Văn vương cùng hoà vui mà cung kính lẫn nhau, cũng như tình chí thiết đậm đà mà lúc nào cũng giữ gìn cách biệt của đôi chim thư cưu vậy.

Về sau hễ nói hứng thì ý văn cũng phỏng theo chương này.

Ông Khuông Hành nhà Hán nói rằng “Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cầu” là nói rằng nàng Thái Tự rất mực trinh thục không thay tiết tháo. Những rung cảm về tình dục không hề lẫn vào nghi dung, những ý vui riêng không hề lộ ra cử chỉ, có được như thế rồi mới có thể phối hợp với bậc chí tôn và làm chủ tế tông miếu. Vì đó là đầu mối của cương thường và của nền vương hoá. Giảng Kinh Thi như thế đáng gọi là người khéo nói vậy.

2

Sâm si hạnh thái
Tả hữu lưu chi
Yểu điệu thục nữ
Ngộ mị cầu chi
Cầu chi bất đắc
Ngộ mỵ tư bặc
Du tai! Du tai!
Triển chuyển phản trắc

Dịch nghĩa
Rau hạnh cọng dài cọng ngắn không đều nhau
Phải thuận theo dòng nước sang bên tả bên hữu mà hái
Người thục nữ u nhàn ấy
Khi thức khi ngủ đều lo cầu cho được nàng.
Nếu mà không được
Thì khi thức khi ngủ đều tưởng nhớ
Tưởng nhớ xa xôi thay! Tưởng nhớ xa xôi thay!
Vua cứ lăn qua trở lại mãi nằm không yên giấc.

 

Chú giải của Chu Hy:
Chương này thuộc thể hứng.
– sâm si 參差: dáng dài ngắn không đồng đều nhau.
– hạnh 荇: rau tiếp dư, rễ mọc ở đáy nước, lá màu đỏ tía hình tròn, đường kính hơn một tấc, nổi trên mặt nước. Hoặc tả hoặc hữu, vô định không thường, khi bên trái khi bên mặt lưu, thuận theo dòng nước mà hái lấy. Hoặc ngộ hoặc mỵ, không lúc nào là không, khi thức khi ngủ đều nhớ đến nàng.
– bặc 服: nhớ.
– du 悠: dài, xa xôi.
– triển 輾: lăn nửa vòng; chuyển 轉: lăn trọn vòng; phản 反: lăn qua lăn lại; trắc 側: lăn nghiêng. Đều là nói nằm không yên giấc.

Chương này nói vào lúc chưa cầu được nàng Thái Tự: rau hạnh cọng ngắn cọng dài không đều kia, phải thuận theo dòng nước sang bên tả sang bên hữu mà hái. Người thục nữ yểu điệu ấy, khi thức khi ngủ vua không quên lo cầu cho được nàng, vì nàng ấy với đức hạnh ấy trên đời không thường có vậy. Nếu cầu nàng mà không được thì không có ai phối hợp với vua để thành việc nội trị hoàn mỹ. Cho nên vua lo nghĩ sâu xa không xiết đến thế ấy.

 

3. 

Sâm si hạnh thái
Tả hữu thể chi
Yểu điệu thục nữ
Cầm sắt vĩ chi
Sâm si hạnh thái
Tả hữu mạo chi
Yểu điệu thục nữ
Chung cổ nhạo chi.

Dịch nghĩa
Rau hạnh so le không đều nhau
Phải thuận theo dòng nước sang bên tả bên hữu chọn hái lấy.
Người thục nữ u nhàn ấy,
Phải đánh đàn cầm đàn sắt mà thân ái nàng
Rau hạnh cọng dài cọng ngắn không đều nhau
Phải nấu chín mà dâng lên ở hai bên
Người thục nữ u nhàn ấy
Phải khua chuông đánh trống để mang nàng mừng vui.

 

Chú giải của Chu Hy:
Chương này thuộc hứng.
– thể (thái) 菜: chọn mà hái lấy.
– mạo 芼: nấu chín mà dâng lên.
– cầm 琴: cây đàn 5 hoặc 7 dây; sắt 瑟: đàn 25 dây, đều là loại đàn dây tơ, loại nhạc khí nhỏ.
– vĩ (hữu) 友: ý thân ái.
– chung 鍾: cái chuông, lại nhạc khí bằng đồng.
– cổ 鼓: cái trống, loại nhạc khí to bằng da.
– nhạo 樂: ý rất thuận hoà vui vẻ.

Chương này nói vào lúc tìm được nàng: rau hạnh cọng ngắn cọng dài không đều kia, phải chọn hái rồi nấu luộc mà dâng lên. Người thục nữ yểu điệu ấy đã cầu được rồi, phải thân ái để làm cho nàng vui, vì rằng người ấy với đức hạnh ấy trên đời không thường có vậy. Hôm nay mà cầu được nàng, thì đã được người để phối hợp với vua thành việc nội trị. Cho nên tỏ ý vui mừng tôn kính không xiết như thế vậy.

Thiên Quan thư có 3 chương, 1 chương 4 câu và 2 chương 8 câu.

Khổng tử nói rằng: “Thiên Quan thư vui mà không dâm, buồn mà không thương tâm”. Tôi cho rằng: “Lời ấy đối với thơ Quan thư này đúng với sự đoan chính của tính tình và sự điều hoà của thanh khí. Vì rằng đức hạnh như chim thư cưu, tình chí thiết đậm đà mà vẫn giữ gìn cách biệt, thì sự đoan chính về tính tình của bà Hậu phi Thái Tự hẳn đã có thể nhận thấy được một phần rồi. Đến việc thức ngủ lăn qua trở lại, đánh đàn cầm đàn sắt, khua chuông đánh trống, niềm vui buồn đã tột bực và đều không quá khuôn khổ phép tắc, thì sự đoan chính về tính tình của người làm thơ ấy lại có thể nhận thấy được cả toàn thể rồi vậy. Riêng sự điều hoà về thanh khí thì không thể nghe được. Tuy là đáng hận, nhưng học giả hãy thưởng thức nghĩa lý ở trong lời thơ ấy để bồi dưỡng tâm tính, thì cũng có thể nắm được căn bản của việc học Kinh Thi vậy.”

Khuông Hành nói rằng: “Phối hợp thành vợ chồng là mối đầu của việc phồn sinh của dân chúng, là nguồn cội của vạn phúc. Nghi lễ của hôn nhân được chính đáng thì về sau phẩm vật thoả thuận và thiên mệnh mới hoàn toàn.”

Mạnh tử đã khảo luận Kinh Thi, lấy thiên Quan thư làm đầu, ý nói rằng trên hơn hết là bực cha mẹ dân, đức hạnh của bà Hậu phi phu nhân nếu chẳng ngang bằng với trời đất, thì không lấy gì mà thờ phụng thần linh để điều hoà sự thích nghi của vạn vật. Từ đời trước trở lại, việc hưng phế của ba đời Hạ, Thương, Chu chưa có bao giờ không do ở đấy vậy.

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *