NHỮNG CUỐN TIỂU THUYẾT LÃNG MẠN VIỆT NAM CÓ LỐI VIẾT TUYỆT ĐẸP
Tiểu thuyết lãng mạn không chỉ viết về những câu chuyện tình mà chủ nghĩa lãng mạn thường gắn liền với cái Đẹp. Cái “đẹp” trong tiểu thuyết lãng mạn thường mang nhiều màu sắc lý tưởng nhưng rất mong manh, bởi lý tưởng sẽ sụp đổ theo cách này hay cách khác, nhưng đó lại là điều đáng để trân trọng và đồng cảm. Một con người đẹp, một mối tình đẹp, một cảm xúc đẹp, một lý tưởng đẹp… thậm chí là một cảnh đẹp cũng sẽ trở thành nỗi ám ảnh đối với người đọc.
Dân Việt Nam bây giờ thích đọc tiểu thuyết tình cảm, nhưng không chắc đã thích tiểu thuyết lãng mạn, bởi để đọc hiểu tiểu thuyết lãng mạn, người ta không thể đọc nhanh. Các tiểu thuyết lãng mạn không hay ở cốt truyện mà hay ở cách miêu tả và lối hành văn bay bổng. Từ sau Cách mạng tháng Tám, tiểu thuyết lãng mạn không bị bài xích thì cũng bị bỏ quên, vì người ta cho rằng nó không có ích trong xã hội mới. Trong khi đó, tiểu thuyết hiện thực được ưa chuộng trong cả chính quyền Cộng Sản và những nhà văn có xu hướng đối lập. Nhờ thế, tiểu thuyết hiện thực được người đọc biết đến nhiều, và lấy đó làm chuẩn mực cho lối viết. Đến nay, tiểu thuyết lãng mạn lại càng khó tiếp cận bởi người đọc có nhu cầu giải trí bằng những cốt truyện phức tạp với nhiều tình tiết bất ngờ hơn là tận hưởng văn phong. Tiểu thuyết lãng mạn Việt Nam vốn đã ít nay lại càng ít ỏi.
Cáo Hà Thành xin được giới thiệu 6 cuốn tiểu thuyết lãng mạn có văn phong tuyệt đẹp trong văn học Việt Nam hiện đại.
#1. Hồn bướm mơ tiên – Khái Hưng
“Hồn bướm mơ tiên” là tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng, đồng thời cũng là tiểu thuyết đầu tiên của Tự Lực văn đoàn. Cuốn tiểu thuyết xoay quanh mối tình của chàng thư sinh Ngọc và cô “tiểu” tên Lan vốn dĩ một lòng hướng Phật. Thông qua cuốn tiểu thuyết đầy mâu thuẫn giữa tình yêu và con đường tôn giáo, Khái Hưng gợi cho người đọc những câu hỏi về ý nghĩa của ái tình và sự hư ảo của đời người. “Hồn bướm mơ tiên” đã đặt nền móng cho cách hành văn đẹp đẽ của ngôn ngữ Việt, vừa dân dã lại vừa hoa mỹ, vừa gần gũi lại vừa mang tính triết học.
Link mua sách: http://www.hangcao.info/san-pham/hon-buom-mo-tien/
#2. Bướm trắng – Nhất Linh
“Bướm trắng” là có thể được coi là tiểu thuyết lãng mạn cuối cùng của Nhất Linh và của Tự Lực văn đoàn. Sau cuốn tiểu thuyết này, Nhất Linh đã đeo đuổi sự nghiệp chính trị của ông. “Bướm trắng” kể về Trương, một chàng trai đầy nhiệt huyết và lý tưởng nhưng phải đương đầu với bệnh lao và đối diện với cái chết. Trương chán nản và dằn vặt những ý nghĩ mâu thuẫn giữa yêu đời – chán đời, buông xuôi – níu kéo cuộc sống, trốn chạy tình yêu – khao khát yêu đương… Thông qua “Bướm trắng”, Nhất Linh nói lên thân phận của những trí thức bế tắc giữa thời cuộc nhưng vẫn le lói hy vọng, và chính hy vọng đẹp đẽ ấy là điều mà họ có thể dựa vào để vượt qua khỏi sự đen tối của xã hội và chính bản thân mình.
#3. Chùa Đàn – Nguyễn Tuân
“Chùa Đàn” là một tuyệt phẩm của Nguyễn Tuân. “Chùa Đàn” tập trung khắc họa những hình tượng nhân vật đắm đuối với nghệ thuật, với cái đẹp mà sẵn sàng hi sinh bản thân mình. Các nhân vật trong “Chùa Đàn”, nếu không là nhân cách thoát tục thì cũng biết rung cảm trước cái đẹp, nếu không hết mình vì tri kỷ thì cũng biết cảm khái trước quân tử. Hiếm có cây viết nào ở Việt Nam lại có được cái khí chất ấy như ở “Chùa Đàn”. Bởi thế, đọc “Chùa Đàn”, người đọc luôn có cảm giác “không thật” nhưng lại vô cùng thích thú.
Link mua sách: http://www.hangcao.info/san-pham/chua-dan/
#4. Dế mèn phiêu lưu ký – Tô Hoài
“Dế Mèn phiêu lưu ký” thường được biết đến như một tiểu thuyết thiếu nhi, thế nhưng, hơn cả thế, tác phẩm là đại diện cho chủ nghĩa lãng mạn. Dế Mèn mong muốn một cuộc phiêu lưu với giấc mơ anh hùng và thông qua cuộc phiêu lưu ấy, Tô Hoài khắc họa vẻ đẹp của tình bạn, sự trượng nghĩa và ước mơ thế giới đại đồng. Ngôn từ của “Dế Mèn phiêu lưu ký” trong sáng , đáng yêu, với những đoạn văn tả cảnh dân dã và sinh động.
#5. Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ – Nguyễn Ngọc Thuần
“Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” cũng được coi là một cuốn tiểu thuyết thiếu nhi, nhưng thực ra là một cuốn tiểu thuyết lãng mạn với văn phong giàu cảm xúc và những hình ảnh mờ ảo của tuổi thơ. “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” kể về tuổi thơ của một câu bé sống ở nông thôn. Thông qua cái nhìn ngây thơ của cậu, đời sống làng quê và văn hóa nông thôn đều được “duy mỹ hóa” chứ không thô lậu hay gay gắt như những tác phẩm viết về nông thôn thường thấy ở Việt Nam.
#6. Cầm thư quán – Hà Thủy Nguyên
“Cầm thư quán” xuất bản năm 2008 và bị Cục xuất bản thu hồi ngay sau đó vì những lý do chính trị. Thế nhưng, trên thực tế, đây là một cuốn tiểu thuyết “thuần lãng mạn” với sự đeo đuổi sự tuyệt mỹ của các nhân vật. Mượn bối cảnh thời vua Lê Thánh Tông, thông qua mối tình của chị em Ngọc Cầm, Ngọc Thư với những trang tài tử như đức vua Lê Thánh Tông, chàng họa sĩ, nhà sư, tác giả muốn nói lên khao khát tự do thoát khỏi vòng ràng buộc của danh lợi. Cuốn tiểu thuyết là sự kết hợp giữa văn phong liêu trai và lối miêu tả mang nhiều màu sắc tượng trưng, ước lệ của thơ Trung Đại, đòi hỏi người đọc phải suy ngẫm điều gì ẩn đằng sau những lời văn miêu tả ấy.
Link mua sách: http://amzn.to/2pEu6ur
Cáo Hà Thành