Lãng tử cuồng si
1. Đọc những bài viết về Phan Vũ trên báo chí, thấy mọi người kể chuyện về ông nhiều hơn là nói về thơ ông. Họ kể chuyện ông Phan Vũ 70 tuổi tập tạ như thanh niên, chuyện ông 73 lấy cô 37, chuyện ông 80 tuổi mặc áo phông bò rách phóng xe vèo vèo trên phố, chuyện ông vẽ tranh bán mấy nghìn đô, chuyện những người tình đi qua cuộc đời ông… Ông giống như một gã lãng tử hấp dẫn, giống như một huyền thoại sống, nhưng lạ thay ngoài Em ơi Hà Nội phố, thơ ông được biết đến không nhiều.
Năm 2008 đã từng có một tập thơ của Phan Vũ được in, do bạn bè yêu mến ông làm, phần mỹ thuật đơn sơ, số lượng in hạn chế nên tôi cũng không biết đến sự tồn tại của nó. Thật không ngờ cuối năm ngoái bản thảo của Phan Vũ lại đến tay tôi, khiến tôi vô cùng hào hứng. Tôi muốn có một cuốn thơ dày dặn hơn, đẹp hơn, xứng đáng với vị trí của Phan Vũ. Và giờ đây tập thơ đã ra đời, dưới cái tên mà dường như tất cả chúng ta đều quen thuộc: TA CÒN EM.
Tập thơ chia làm hai phần, phần Trường ca – là bài thơ Em ơi Hà Nội phố nổi tiếng; phần Thơ -gồm 32 bài thơ, viết rải rác trong khoảng thời gian từ năm 1956 cho tới những năm gần đây. 1956 – đó là năm bài thơ đầu tiên của Phan Vũ ra đời, lẽ ra nó đã xuất hiện trên bán Nhân Văn số 6, nhưng sau số 5 thì tờ báo bị đình bản vĩnh viễn. Phan Vũ bị treo bút 15 năm – “mười lăm năm trong một giấc mơ đen”, ông viết – nhưng may (hay là không may?), ông không chọn viết làm nghiệp chính, và có một cuộc đời nhìn bề ngoài dường như ít bão tố hơn những người bạn của mình.
Phan Vũ viết không nhiều, nhưng ở đây tôi muốn khẳng định ba điều:
thứ nhất, Em ơi Hà Nội phố của Phan Vũ KHÔNG CHỈ có cây bàng mồ côi mùa đông, góc phố mồ côi mùa đông;
thứ hai, Phan Vũ KHÔNG CHỈ có Em ơi Hà Nội phố, người ta đã nói quá nhiều về nó mà bỏ qua nhiều bài thơ hay khác;
và thứ ba, thơ Phan Vũ có một vẻ đẹp RIÊNG.
2. Nếu không có bài hát tuyệt vời của Phú Quang (viết năm 1985, có chỗ ghi là 1986?) thì không biết bao lâu nữa người ta mới biết đến sự tồn tại của bản trường ca Em ơi Hà Nội phố của Phan Vũ. Số phận bài thơ khá kỳ lạ: Phan Vũ viết năm 1972 trên căn xép nhỏ phố Hàng Bún, chính vào những ngày tháng Chạp khi B-52 dội bom xuống Hà Nội nhưng không (được?) xuất bản. Mãi năm 1985 tại Sài Gòn ông gặp nhạc sĩ Phú Quang, thì sự tri âm giữa thơ và nhạc đã tạo thành một tuyệt phẩm: năm 1987 bài hát được lên sóng phát thanh lần đầu qua giọng hát Lệ Thu. Lúc ấy bài thơ của Phan Vũ đã được biết đến rộng rãi hơn, nhưng vẫn chưa được xuất bản chính thức, nhiều người thích nghe ông đọc rồi chép lại, thành ra tam sao thất bản, vì ông đọc theo trí nhớ. Bản thân Phan Vũ cũng chẳng buồn nghĩ đến chuyện in nó ra. Mãi cho đến tận năm 2008, trường ca Em ơi Hà Nội phố cùng với nhiều bài thơ khác mới chính thức xuất hiện lần đầu trong cuốn Phan Vũ thơ do Nxb Văn học ấn hành.
Nhưng nếu chỉ biết đến bản trường ca của Phan Vũ qua bài hát của Phú Quang thì thật là một thiếu sót lớn. Bởi lúc ấy người ta sẽ không biết bản trường ca ấy có những câu thơ tuyệt bút -, “Ta còn em ngày vui cũ/Tàn theo mùa hạ/Tiếng ghi ta/Bập bùng tự sự/Đêm kinh kỳ/Thuở ấy/ Xanh lơ”; có những hình ảnh đẹp đến thắt lòng – “năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương”, “ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ”, “mỗi góc phố một trang tình sử”; có những xúc cảm chạm đến cõi lòng thăm thẳm:
“Ta còn em Cổ Ngư, tên thật cũ
Nắng chiều phai
La đà cành phượng vĩ
Bông hoa muộn in hình ngọn lửa…
Chiếc lá rụng
Khởi đầu nguồn gió
Lao xao sóng biếc Tây Hồ
Hoàng hôn xa đến tự bao giờ?
Những bước chân tìm nhau
Vồi vội
Tiếng thì thầm đến sớm hơn buổi tối
Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang…”
Đây là một trong những đoạn thơ mà tôi yêu thích nhất, và câu thơ cuối đoạn khiến tôi nổi gai, vì nó chân thực, đẹp và tinh tế vô cùng. Tôi cứ nghĩ Phan Vũ đã thổn thức đến nhường nào khi vẽ ra vẻ u trầm, “dịu dàng quá dịu dàng không chịu nổi” của cái không gian tình yêu, con đường tình yêu ấy, đến nỗi người ta bỗng cảm thấy không thể yêu hời hợt, mối tình hờ bỗng trở nên nghiêm trang, có chút gì thiêng liêng nữa.
Giá trị của Em ơi Hà Nội phố không còn nghi ngờ gì nữa. Nó vẽ nên một bức tranh Hà Nội rộng lớn mà sâu thẳm, bi tráng mà dịu dàng, và gợi lên một nỗi niềm thiết tha không dứt. Phan Vũ không sinh ra ở Hà Nội, chỉ sống ở Hà Nội vài năm, phần lớn cuộc đời ông ở Sài Gòn, nhưng chỉ một bài này thôi đã khiến Phan Vũ mãi mãi trở thành nhà thơ của Hà Nội.
3. Nhìn chung, Phan Vũ làm thơ tự do nhưng ông không cách tân theo lối đập vỡ chữ để lấy những con âm như Trần Dần hay Dương Tường, thơ Phan Vũ nghiêng về truyền thống, giàu tính tự sự, mạnh về hình ảnh và cảm xúc, đòi hỏi ở người viết khả năng quan sát tinh tế, sự chiêm nghiệm đời sống sâu sắc và cả tài hoa trong việc thể hiện thành câu chữ. Sáng tác của Phan Vũ ngoài trường ca Em ơi Hà Nội phố và bài thơ dài – Bài thơ về một câu hỏi (nhiều người còn gọi là bài “Sài Gòn phố”), xoay quanh 3 chủ đề: tình yêu, thế sự, và tự họa.
Phan Vũ viết về đợi mà khắc khoải thế này:
“Đợi em
Khuya dài quá!
Những vùng sáng úa vàng
Mệt lả
Sa mạc phố lang thang ngọn gió
Con đường nhỏ bỗng thành đại lộ
Đợi em
Cửa sổ không đèn
Như hố mắt nghìn đêm trăng thức”
Những “vùng sáng úa vàng mệt lả”, “sa mạc phố”, hay “hố mắt nghìn đêm trăng thức” là những hình ảnh thơ rất thơ, nó chất chứa trong vài câu nỗi hoang vắng mênh mông và nỗi thắc thỏm dài như thế kỷ.
Viết về thế sự với đầy nỗi chán chường thế này, một hợp âm của những nghiêng, đổ, xa, dư thừa, mù mịt, lạc, bơ vơ, một nỗi buồn không có gì đỡ nổi, kể cả Chúa:
“Tôi vẽ bình nghiêng
Rượu đổ
Vẽ chuyến đi xa
Những dư thừa lẫn với màu hoa
Tôi vẽ chân trời mù mịt
Kẻ độc hành lạc hướng
Bơ vơ
Tôi vẽ thánh đường và bãi tha ma
Tượng Chúa buồn
Bia mộ buồn hơn Chúa”
Nhưng cá biệt trong tập này có một bài thơ Phan Vũ tung tẩy với con chữ, thay vì tập trung nhiều vào nghĩa. Bài Mị mộng, với lối điệp từ điệp âm, với điệp cả nhịp ngắt nghỉ tạo nên một âm hưởng độc đáo. Trong bài thơ này tính tự sự giảm hẳn nhường chỗ sự vang động của con chữ con âm, khiến bài thơ đầy nhạc tính và nó nhanh chóng in vào trong đầu tôi. Tôi còn có một cảm giác hết sức cá nhân, rằng nhịp của bài thơ như người ta đang bước trong điệu tango với những nhịp phách mạnh và giòn.
“Mị mộng
Man mê
Mùa mãn
Chợ tan
Tình tứ tán
Bao vụn vài đồng sót lại
Rủng rỉnh một mớ đa mang
Mấy câu thơ rao bán
Mị mộng
Ế hàng
Man mê
Nguyên một mùa xanh ngả ngả vàng.”
4. Điểm độc đáo của Phan Vũ nữa là ông làm thơ với tư duy hội họa. Những ngày xưa lang thang với Bùi Xuân Phái đi vẽ phố Phan Vũ đã thèm được cầm cọ. Nhưng cuộc đời đưa cho ông lối đi riêng: một đạo diễn điện ảnh. Mãi đến năm gần 70 tuổi khi thôi công việc ông mới bắt đầu vẽ. Ở cái tuổi mà người ta hầu hết đang gói ghém lại cuộc đời để chuẩn bị cho một lần ra đi mãi mãi thì Phan Vũ bắt đầu cầm cọ và vẽ mê mải như để thỏa niềm khao khát dồn nén từ lâu. Nhưng trong suốt thời gian không vẽ trên toan thì ông vẽ bằng thơ, vẽ bằng chất liệu ngôn ngữ và điều ấy tạo nên một Phan Vũ khác biệt.
Ngay từ sớm, khi ông chưa vẽ tranh, cảm thức hội họa đã hình thành, như trong bài thơ Bình vỡ ông viết đầu tiên năm 1956:
“Tôi có một chiếc bình
vẫn để không
trong góc phòng
Im lìm lặng lẽ
như một nỗi cô đơn tĩnh vật
trinh nguyên
Một chiếc bình xanh
ngóng mong một bông hoa thẫm đỏ”
Ngay bản trường ca Em ơi Hà Nội phố cũng là một bức tranh lớn về Hà Nội, với nhiều mảnh ghép lại, đồng hiện nhiều hình ảnh, nhiều cảm xúc, với không gian đa chiều – quá khứ và hiện tại, ngoại cảnh và nội tâm, thể hiện rất rõ đặc tính của hội họa trong đó.
Phan Vũ thường chú ý đến sự phối hợp giữa những mảng khối màu sắc, và ông ưa thích màu sắc mạnh. Đây là một bức tranh với bảng pha màu rực rỡ, Phan Vũ dường như rất tung tẩy thoải mái với những từ ngữ chỉ sắc màu.
“Ta còn em tiếng trống tan trường
Màu thanh thiên lẫn trong liễu rủ
Đêm hoa đăng tà áo nhung huyết dụ
Bờ môi ai đậm đỏ bích đào?
Những gót son dập dìu đại lộ”
Nhìn đời sống qua tư duy hội họa, Phan Vũ thấy màu sắc ở những nơi mà ta không bao giờ nghĩ đến: “màu xanh thật đêm”, “màu xanh thời gian”, “màu xám hư vô”, “đêm kinh kỳ thuở ấy xanh lơ”, “nguyên một mùa xanh ngả ngả vàng”, “Xanh xám những hình hài/Blue Picasso/Diễu hành trên hè phố”, “Chiều manh manh/rờn rợn xanh ngọn lá”, “Bềnh bồng những khối mây xanh xám”, ” Và thi sĩ/Những lãng tử rực rỡ cuồng si”, “Nụ hôn còn xanh mãi trên môi”… Dĩ nhiên, kỹ thuật “tô màu” như vậy trong thi ca không phải là mới, nhưng ở Phan Vũ có một mức độ khá lớn, lặp đi lặp lại, gây một ấn tượng thị giác mạnh mẽ. Nhưng vì sao rất nhiều “xanh” trong những câu thơ được trích ở đây? Chỉ bởi cũng như trong hội họa, Phan Vũ rất thích tông màu xanh, đặc biệt là xanh dương với nhiều sắc độ.
Không chỉ thế, Phan Vũ còn làm thơ về sự vẽ của mình, ở những bài thơ này, tôi có cảm giác hai thao tác làm thơ và vẽ tranh hòa tan vào nhau. Chính Phan Vũ cũng thừa nhận: “Đôi khi tôi lẫn lộn giữa hội họa và thơ ca”. Bài thơ Chân dung em là một ví dụ độc đáo.
“Ta vẽ em
Màu lam nguyên sắc
Bềnh bồng khói nhạt chiều sương
Hình cong ảo
Lượn lờ trong cơn mê sậm tím
…
Ta vẽ em
Triều dâng sóng cuộn
Một nghìn sắc tía hoàng hôn
Một nghìn màu xanh biển gió
Những vòng tròn
Lung linh lấp lánh
Hội tụ hòa tan vạn ánh vàng…”
Vài câu, mà tôi cảm giác như nhìn thấy bàn tay ông khi thì đưa từng đường cọ miên man chau chuốt tỉ mỉ, khi hối hả cuồn cuộn trong cơn cảm hứng dâng trào. Người không vẽ không thể nào nói về sự vẽ tài tình và sống động đến thế. Và người không yêu không thể vẽ – viết về người yêu xúc động đến thế – nàng hiện lên quyến rũ và rực rỡ như một nữ thần. Bài thơ này ông dành tặng người vợ sau của mình, Diễm Chi.
Cũng như tranh, Phan Vũ hay vẽ mình bằng thơ. Ông có khá nhiều tranh tự họa và cũng khá nhiều bài viết về chính mình. Trong một bài phỏng vấn ông từng nói: “Tôi rất yêu bản thân nên đó là cách để tôi ngắm mình mỗi ngày.” Và “Chỉ có lúc vẽ, lúc viết tôi mới cảm thấy mình tự do và thật sự tồn tại trên cõi đời”.
“Anh mắt đã lụi tàn ánh lửa
Vầng trán khô in dấu tàn phai
Kết cấu đỏ xanh hai nửa”
“Vẽ tôi
Một mặt nạ đủ màu xanh đỏ
Yêu ma hay thánh thiện tùy nhận diện mỗi người”
Cảm giác chủ đạo trong những bài tự họa là chua chát xót xa, Phan Vũ luôn thấy mình là một gã bộ hành cô độc, một kẻ khờ dại, một vai hề giữa đủ mùi cay đắng của cuộc đời, một con ngựa chệch đường đua, một giang hồ trong xép nhỏ… Ai đó nói rằng cuộc đời Phan Vũ may mắn hơn những bạn thuở Nhân Văn, sao phải vật vã? Nhưng bản chất của người nghệ sĩ là không bao giờ hài lòng, không ngừng tự cật vấn, không thôi loay hoay với những câu hỏi mà cuộc đời ném ra.
Ngắm bản thân mình không phải là một hành động ích kỷ, đấy là con đường để người nghệ sĩ chiêm nghiệm thế giới. Với tôi, cả tập thơ TA CÒN EM chính là một cuộc tự họa lớn của Phan Vũ – để tôi nhìn thấy ông là:
Một “lãng tử rực rỡ cuồng si”.
Nguyễn Hoàng Diệu Thủy
Nguồn: Văn hóa Nghệ An