Lịch sử văn họcTiểu sửVăn học Việt Nam

Nguyễn Văn Vĩnh với việc cải tiến chữ Quốc Ngữ

Nhìn lại cuộc đời lao động với “con chữ” của Nguyễn Văn Vĩnh, những ai quan tâm đều không thể không nhận thấy đó là một chuỗi dài mê mẩn (1) đến bất tận của ông. Xét ở khía cạnh tâm sinh lý của con người, chúng ta không thể không ngạc nhiên về sự dẻo dai và kiên nhẫn có thể nói là vô tận của bộ óc con người trong trường hợp Nguyễn Văn Vĩnh. Ông không chỉ lao động miệt mài thuần túy, mà ông còn lao động với sự sáng tạo không ngừng. Chứng minh cho nhận định này về Nguyễn Văn Vĩnh, chúng tôi xin trình bày khái quát một trong hàng trăm những công việc mà Nguyễn Văn Vĩnh đã thực hiện, được chí sĩ Nguyễn Văn Tố (1889-1947) đã phải gọi đó là những công trình, Công trình cải tiến chữ Quốc Ngữ (LE QUỐC-NGỮ MODIFIÉ).

Cuối thế kỷ XIX, chữ Quốc Ngữ chưa được xác lập là chữ viết chính thức của người Việt Nam, việc sử dụng rộng rãi thứ chữ này còn là điều mơ ước. Mặc dù quá trình tồn tại của thứ chữ mới này đã có từ hơn hai thế kỷ trước đó, song do chưa được dùng phổ thông nên quá trình tự hoàn thiện của một thứ chữ viết mới hoàn toàn nằm trong sự giới hạn. Quy luật tự nhiên cho thấy, để sự việc hay vạn vật tiến hóa và có khả năng tự hoàn thiện chính nó, cần sự vận động không ngừng ở phạm vị rộng, chữ Quốc Ngữ giai đoạn dài lúc đầu đã không có cơ may này.

Đầu thế kỷ XX, với những thay đổi to lớn của trí tuệ con người trên toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng, chữ Quốc Ngữ đã trở thành chữ viết chính thức của dân tộc Việt Nam. Việc sử dụng thứ chữ viết mới này là kết quả của một cuộc cách mạng vĩ đại về văn hóa ở Việt Nam nhưng nó đã phải đối mặt với rất nhiều thử thách của các hệ tư tưởng, tập quán tư duy, của khoa học, của nền văn minh nhân loại. Trong một giai đoạn nhất định, thứ chữ viết mới này bắt buộc phải được phát triển để bắt kịp với những tiến bộ của nhân loại, đặc biệt là những tiến bộ ở phương diện khoa học và kỹ thuật.

Nguyễn Văn Vĩnh như một người chạy đua với những đòi hỏi bức thiết của xã hội, của nền văn hóa dân tộc và cả của chính ông. Ông đã ra sức chứng minh sức sống mãnh liệt, sự tiện lợi đến mức linh hoạt và khả năng thể hiện sức mạnh tinh thần của nền văn minh Thế giới thông qua việc chuyển tải những giá trị đó đến mỗi người Việt Nam bằng “con chữ”, chữ Quốc Ngữ. Nguyễn Văn Vĩnh đã thành công rực rỡ trong việc nâng cao vị thế của một thứ chữ viết trong cuộc sống trí tuệ của người Việt khi khẳng định việc dịch các tác phẩm kinh điển của nhân loại ra chữ Quốc Ngữ mà những đồng bào của ông đều không chỉ tiếp thu được phần nội dung, mà còn thấy nó tuyệt diệu, nhất là khi người đọc cảm nhận được phần hồn cao cả của các tác phẩm.

Sự vận động của trí tuệ là vô tận. Nguyễn Văn Vĩnh đã day dứt, ấm ức khi chứng kiến sự tiến bộ vượt trội của nền khoa học thông tin của Thế giới, nhưng nó đã loại chữ Quốc Ngữ của người Việt Nam ra ngoài sân chơi của nghành kỹ thuật bưu điện do thứ chữ của chúng ta có quá nhiều dấu, không thể chuyển qua thành tín hiệu điện tín (morse). Một rào cản mà khi Nguyễn Văn Vĩnh lao vào cuộc cách mạng “con chữ”, ông không hề nghĩ đến. Ông cay đắng khi chứng kiến chuyện một người dân đã thất vọng, thậm chí rơi nước mắt chỉ vì nhận được một bức điện tín gửi từ Nam Định lên Hà Nội không có dấu, đã làm cho người nhận điện vô tình sẽ có thể là kẻ nhỏ nhen, hay là kẻ vô tích sự vì không biết phải phản ứng thế nào do không thể luận được nội dung của bức điện vì duy nhất chỉ có hai chữ: “Vo de”. Người ta có thể suy diễn, hoặc là “vợ đẻ”, hoặc là “vỡ đê”, cả hai bối cảnh đều hệ trọng đối với bất kỳ ai. Vậy nếu là “vợ đẻ”…bỗng hiện ra bao nỗi ngờ vực, còn “vỡ đê”…kèm theo bao sự lo lắng khi người đó là kẻ đang sống trong hoàn cảnh của sự bất lực!

Với bản chất linh hoạt, say xưa vì sự nghiệp “con chữ”, năm 1927, trên tờ báo Trung Bắc Tân Văn do Nguyễn Văn Vĩnh đã từng là Chủ bút, ông đã cho đăng phát kiến việc quy ước các dấu trong tiếng Việt thành các vần chữ cái La Tinh như, hai chữ bằng chữ â, chữ a với chữ w bằng chữ ă.… Và nghành Bưu điện Việt Nam đã áp dụng thành công (2). Kết quả ngoạn mục này đã chấm dứt những băn khoăn, lo lắng không phải chỉ của người dân mà còn cho chính nghành Bưu điện. Sự thuận lợi của việc chuyển được tiếng Việt qua điện tín còn làm tăng doanh thu của nghành đó lên một cách nhanh chóng nhìn ở khía cạnh kinh tế.

Chính thành công này của Nguyễn Văn Vĩnh, đã thúc đẩy ông nghĩ đến việc cải tiến chữ Quốc Ngữ. Ông đã cùng các cộng sự thân tín trong Tòa soạn của tờ Trung Bắc Tân Văn, quyết định quảng bá chương trình cải tiến chữ Quốc Ngữ bằng cách, mỗi một số báo đều dành chỗ để đăng một bài viết bằng chữ Quốc Ngữ cải tiến. Nguyễn Văn Vĩnh đã kiên nhẫn thực hiện dự án này liên tục trong suốt 4 năm liền, từ 1927 đến 1930. Nghĩa là cho đến lúc Nhà Cầm quyền Thực dân đóng cửa và tịch thu giấy phép xuất bản các sản phẩm in bằng tiếng Việt của Nguyễn Văn Vĩnh vì những mâu thuẫn chính trị.

Những ức hiếp của Nhà Cầm quyền tuyệt nhiên không có giá trị gì đối với Nguyễn Văn Vĩnh. Vào bối cảnh lịch sử đó, dư luận khắp ba miền đất nước nhìn Nguyễn Văn Vĩnh bằng những góc nhìn khác nhau. Nhóm Bảo Thủ thì đắc chí khi chứng kiến những sự o ép của chính quyền đối với Nguyễn Văn Vĩnh (3), thậm chí họ còn khoái chí cá cược xem Nguyễn Văn Vĩnh liệu sẽ sống ra sao sau sự đe nạt của Chính quyền?! Nhóm Canh Tân là những người đồng chí của ông thì thẳng thắn ủng hộ, kề vai sát cánh, chia sẻ những khó khăn của ông bằng việc giúp ông thành lập tờ báo độc lập L’Annam Nouveau- Nước Nam Mới (4) viết bằng tiếng Pháp để khỏi bị kiểm duyệt, nhằm đối chọi lại chủ trương xây dựng thể chế Quân chủ Lập hiến được Nhà Cầm quyền hậu thuẫn. Đồng thời tố cáo những bất công của một chính thể quân phiệt khi cố sống cố chết duy trì vai trò của triều đình Huế, mà quan điểm của Nhóm Nguyễn Văn Vĩnh, đó chỉ là một bộ máy bù nhìn.

Những năm 1930, 1931, do bị sức ép mang tính khủng bố của nhà cầm quyền, sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh thực sự rơi vào khủng hoảng. Cuộc sống cá nhân của ông vô cùng căng thẳng, công việc đình trệ, tài chính cạn kiệt… Nhưng vốn là kẻ chưa bao giờ biết sợ, chưa khi nào biết lụy ai, và có thể khẳng định, ông chưa chịu đầu hàng bất cứ điều gì, đến mức mà nhiều người đương thời không có khả năng hiểu được con người ông và ngây thơ kết án ông là kẻ nghêng ngang…!

Điểm lại những gì trong cuộc đời Nguyễn văn Vĩnh đã theo đuổi, hầu hết những việc ông khởi xướng từ khi mới hơn 20 tuổi, ông đều theo đuổi đến cùng, mà sự kiện lớn nhất và ý nghĩa nhất, đó là việc vận động toàn xã hội đồng tình sử dụng chữ Quốc Ngữ và dấu ấn lịch sử của nó là chỉ dụ năm 1919 của Vương triều Huế chính thức bãi bỏ việc dạy chữ Nho trong các trường tiểu học, cơ sở chính thức để chữ Quốc Ngữ lên ngôi là chữ viết của dân tộc.

Sau khi hoạt động của tờ báo tiếng Pháp L’Annam Nouveau- Nước Nam Mới do Nguyễn Văn Vĩnh thành lập và là Chủ bút đã đi vào hoạt động ổn định, ông chứng kiến việc Nhà Cầm quyền quyết định cho Nhà in Viễn Đông (IDEO- Imprimerie d’Extrême-Orient) xuất bản vội vàng một cuốn sách in bằng chữ Quốc Ngữ cải tiến theo kỹ thuật in Linotype với khổ sách 10cm x 14cm, dày 146 trang có tựa đề “Hướng dẫn đối thoại Pháp-Nam” và lấy tên của cha cố đạo R. P. Barbier là tác giả. Nguyễn Văn Vĩnh đã quyết định phản ứng. Lúc đầu, ông dùng tờ báo của mình trình bày, giải thích đầy đủ những lý do dẫn đến việc nên cải tiến chữ Quốc Ngữ. Theo Nguyễn Văn Vĩnh, việc cải tiến chữ Quốc Ngữ sẽ đem lại những thuận lợi, những giá trị mới, và trọng yếu nhất là nó sẽ phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế, cơ sở để áp dụng những tiến bộ khoa học của nhân loại vào nghành in ấn và xuất bản ở Việt Nam.

Nhà in IDEO của Pháp xây dựng, hiện nằm trên đường Yên Phụ ở Hà Nội. Sau 1954 đã từng là trường Trung học Trung Hoa

Trên số báo 115, ra ngày 6.3.1932, Nguyễn Văn Vĩnh đã lý giải như sau:

“Thứ nhấtSử dụng được tất cả các loại máy xếp chữ và in. Áp dụng được tất cả những phát minh, sáng chế về in ty-pô của châu Âu và Mỹ. Các thiết bị in, thường chúng ta nhập từ Pháp. Khi in ấn xuất bản theo mẫu chữ Quốc Ngữ cải tiến, chúng ta không còn phải đặt sản xuất thêm những mẫu chữ riêng biệt nào theo đòi hỏi của chữ viết Quốc Ngữ.

Thứ hai: Gửi được điện báo bằng chữ Quốc Ngữ theo bất cứ phương pháp nào hiện có với những ký hiệu theo quy ước bằng chữ in, điều này sẽ loại bỏ những quy định bổ xung đặc biệt mà trước đây dùng cho mẫu chữ cũ. Khi áp dụng nguyên tắc chữ Quốc Ngữ mới trong điện báo sẽ thuận lợi cho việc thông tin bằng điện tín đến bất cứ đâu, cả điện đi lẫn điện về ở tất cả các Quốc gia trên Thế giới. Quan trọng là phương pháp này sẽ không phải sửa đổi bất kỳ chi tiết nào của các thiết bị in, và nhất là bảng nút bầm của máy đánh chữ do những ký hiệu sửa đổi đã được Quốc tế chấp nhận.

Thứ baNguyên tắc mới này, giúp cho chữ Quốc Ngữ trở nên sáng sủa, rõ ràng theo đúng với các ghi âm Quốc tế đang sử dụng. Điều này có tầm quan trọng về cách viết những ký hiệu phát âm và giọng nói.

Theo cách phát âm của chữ Quốc Ngữ cũ, người viết phải viết thêm các dấu vào chữ viết, từ ngữ mình diễn đạt, việc này tạo ra một bộ phận những người viết nhanh, do vội nên thành viết ẩu đánh nhầm dấu này thành dấu kia, như âm sắc ( ) thành âm huyền ( ), dấu hỏi ( ) thành dấu ngã ( )…Các dấu này đều được thay thế bằng những chữ cái và được viết cùng hàng sau ngay từ ngữ được trình bày. Nó vẫn giữ được tầm quan trọng khi phát âm.

…Với cách này, sẽ loại bỏ được hẳn việc mất mát không bình thường giữa những dấu so sánh và những chữ viết”.

Những nhận thức về cấu trúc chữ Quốc Ngữ đã được Nguyễn Văn Vĩnh nung nấu từ rất lâu. Ông không phải chỉ nghiên cứu đơn thuần, mà ông còn soi xét ở nhiều góc độ khác nhau khi so sánh với các ngôn ngữ khác ở các nước phát triển. Từ góc nhìn này, Nguyễn Văn Vĩnh đã bộc bạch trong loạt bài báo tiếp theo về chủ đề Chữ Quốc Ngữ cải tiến. Chúng ta đọc tiếp ở số báo 116 như sau:

“Cần phải lưu ý, những ngữ điệu cao, thấp giọng trong tiếng Việt thường được thể hiện bằng các dấu, điều mà ở các quốc gia sử dụng hệ chữ cái La Tinh ở châu Âu không hề thấy. Ở các ngôn ngữ đó, dấu chỉ để tạo sự biến đổi của nguyên âm. Trong khi đó, với tiếng Việt, dấu đổi giọng cho cả một từ và tạo ra tiếng khác hoàn toàn, đồng thời trở thành yếu tố quan trọng cơ bản vì từ ngữ phụ thuộc vào dấu. Chúng ta chú ý, khi có cùng một âm, nhưng phát âm theo giọng cao hay thấp sẽ tạo nên một từ hoàn toàn khác, thậm chí không có quan hệ gì nữa giữa chúng. Viết một chữ sai đối với phụ âm chính, hoặc một phụ âm đứng ở cuối chữ, hay là một nguyên âm ghép, đều có thể không gây hậu quả nghiêm trọng. Thí dụ:

– Sắt có lúc viết đọc thành sắc.

– Hạn có lúc viết đọc thành Hạng.

– Trâu có lúc viếu đọc thành Tâu.

Nhưng ở trường hợp viết sai dấu, nó biến thành một chữ khác. Thí dụ:

– Ma (con ma) viết thành  (cái má)

– Mao (lông) viết thành Mạo (giả mạo).

Tất cả những tính phức tạp của chữ Quốc Ngữ, theo Nguyễn Văn Vĩnh cần được tìm cách hạn chế. Ông là người động não liên tục, đắm đuối liên tục với tất cả những gì mình quan tâm. Vì thế, năm 1922, ông đã nhận một bài học khá mỉa mai khi tìm cách để cải tạo hệ thống máy móc, thiết bị in ấn mà ông có từ thời H. F. Schneider mang đến Hà Nội. Nguyễn Văn Vĩnh đã phải nhắc lại trên trang báo nỗi niềm của mình:

“Còn về những máy xếp chữ, những cố gắng của tôi đã làm khi sang Pháp năm 1922 là để thuyết phục những hãng sản xuất lớn về các loại thiết bị in ấn của Mỹ và Anh rằng khi sản xuất các thiết bị in để bán cho Việt Nam, xin cố gắng chỉnh sửa, thay đổi một vài yêu cầu cho phù hợp với tiếng Việt…Họ đã phớt lờ. Có phải họ phớt lờ vì họ đã bị tôi ngỏ ý rằng đừng hy vọng tôi sẽ đặt một đơn hàng quan trọng mua các máy xếp chữ, đúc chữ và bàn đánh máy chữ sửa đổi dùng cho việc in chữ Quốc Ngữ.

Đối với những máy đánh chữ của hãng UNDERWOOD và ROYAL, rất tiếc là những hãng này đã khá nhiệt tình trong việc sửa đổi, điều chỉnh theo đòi hỏi của một vài khách hàng người Việt. Song, những điều chỉnh và sửa đổi này lại thực hiện theo hướng dẫn của những người quá ít kiến thức, kém hiểu biết về nghành công nghiệp in ấn. Vì vậy, để tiếp tục phải dùng tất cả các loại thiết bị đánh, in, xếp chữ cũ…và bao nhiêu việc khác nữa, cái dân tộc nghèo khó này vẫn phải áp dụng một cách sáng tạo điều mà tôi đề nghị…”.

Cùng với những lý do cụ thể đã thúc đẩy Nguyễn Văn Vĩnh lao vào công cuộc cải tiến chữ Quốc Ngữ, cần phải nhấn mạnh một sự thực khác, đó là việc ai là người đã đứng ra đặt các nhà sản xuất đúc chữ in chữ Quốc Ngữ đầu thế kỷ XX ? Xin thưa, Không ai khác, đó chính là François Henri Schneider (1851…) (5). Những nhà sản xuất nổi tiếng là DEBERNEY và PEIGNOT đã chủ động bỏ vốn, chế tạo ra 127 mẫu chữ Quốc Ngữ phục vụ cho việc in các ấn phẩm tiếng Việt. Chính vì thực tế này đã giúp Nguyễn Văn Vĩnh nghĩ đến việc cải tiến chữ Quốc Ngữ để không phải đầu tư quá lớn về tài chính khi các công ty in ở Đông Dương đầu tư cho việc xuất bản các ấn phẩm bằng chữ Quốc Ngữ. Ngoài ra, Nguyễn Văn Vĩnh cũng khẳng định, khi không còn phải dùng hộp xếp chữ 127 mẫu tự, và thay vào đó hộp chữ mẫu chỉ còn là 35 mẫu tự, công nhân xếp chữ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc rút ngắn thời gian xắp chữ và nâng cao năng xuất lao động, giảm chi phí nhân công.

Chúng tôi đã tóm tắt rất sơ lược những gì Nguyễn Văn Vĩnh đã làm trước đề tài Chữ Quốc Ngữ cải tiến. Mặc dù ông đã lao tâm khổ tứ trong tất cả các hoạt động của mình đối với việc làm hoàn thiện và làm giàu có hơn một thứ chữ viết của một dân tộc, Nguyễn Văn Vĩnh rất tự tin và luôn tỏ ra khiêm nhường trong cách ứng xử với mọi quan điểm đa chiều trong xã hội. Ông tỏ ra bất bình khi Nhà Cầm quyền đã cố tình cho xuất bản cuốn sách “Hướng dẫn đối thoại Pháp-Nam”, song ông vẫn khiêm tốn để nêu quan điểm của mình trong bài viết phản bác đăng trênL’Annam Nouveau- Nước Nam Mới , số 129 ra ngày 29.5.1932 như sau:

“Chúng tôi đã nghiên cứu và đề xuất một kiểu chữ Quốc Ngữ đổi mới mà chúng tôi tin rằng không chống lại phương pháp của Nhà in IDEO nêu trong cuốn sách đã in, vì nó hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học, tối thiểu, nó cũng đã chứng minh được sự vững chắc trước bất cứ một tổ chức hay cơ quan quyền lực nào chuyên về phát âm và ngôn ngữ học”.

Đáng tiếc, cho đến hôm nay, những cố gắng gần như bất tận của Nguyễn Văn Vĩnh trong lĩnh vực văn hóa, văn học chữ Quốc Ngữ vẫn bị che khuất bởi những định kiến chính trị lịch sử, cho dù ông chẳng khi nào muốn tỏ ra “ghi công” với đời, vì ông luôn tự nhận, mình chỉ là “Người Man di hiện đại” !

Nguyễn Lân Bình

Nguồn: Tạp chí văn hóa Nghệ An

Ghi chú:

1. “Mê mẩn” ngôn ngữ của nhà văn Vũ Bằng (1913-1984) nói về Nguyễn Văn Vĩnh trong cuốn “40 năm nói láo”. NXB Văn Hóa 2000.

2. Tạp chí Tem-Bưu điện Việt Nam số tháng 11.2011.

3. Tham khảo bài “Ai giỏi đoán thì đoán cái này chơi” của Phan Khôi, đăng lại trên tannamtu.com.

4. Tham khảo bài “Vì sao Nguyễn Văn Vĩnh thành lập tờ báo tiếng Pháp L’Annam Nouveau-Nước Nam mới”, đăng trên tannamtu.com.

5. François Henri Schneider (1851…) là người Pháp gốc Đức, chuyên gia về in ấn và xuất bản. Ông đến Việt Nam 1882 theo hợp đồng được ký với Chính phủ Thuộc địa về việc xây dựng nghành xuất bản và báo chí. Ông rời Việt Nam năm 1922 sau tròn 40 năm tồn tại và có gần 20 năm hợp tác với Nguyễn Văn Vĩnh. Theo Nguyễn Văn Vĩnh, F. H. Schneider mất tại Pháp khoảng năm 1929-1930.

 

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *