Thực trạng văn học thị trường Trung Quốc đương đại
Bài viết gồm những nội dung chính sau: 1. Bối cảnh văn học Trung Quốc từ thời kỳ cải cách mở cửa đến đầu thế kỷ XXI; 2. Yếu tố thị trường trong tam giác quan hệ: nhà văn – tác phẩm – thị trường văn học; 3. Khẩu vị của người đọc; 4. Diễn biến của văn học thị trường giai đoạn 2010 – 2015; 5. Những tranh luận xung quanh vấn đề thị trường văn học Trung Quốc. Từ đó, chúng tôi khái quát những đặc điểm của thị trường văn học Trung Quốc hiện nay. Đồng thời, qua trường hợp văn học thị trường Trung Quốc, có thể thấy những nét tương đồng khi soi chiếu vào văn học thị trường Việt Nam đương đại.
Ở Việt Nam, những nghiên cứu xoay quanh văn học thị trường trên thực tế còn rất thiếu, ngoài một số bài viết của Võ Văn Nhơn, Nguyễn Thị Phương Thúy[1], Nguyễn Phượng[2], Nguyễn Thanh Tâm[3], Lê Thị Bích Hồng[4] và vài bài viết ngắn trên các website với nội dung tổng hợp các ý kiến khác nhau về văn học thị trường, thì hầu như chưa có một hội thảo hay công trình nghiên cứu nào về diễn biến văn học thị trường Việt Nam trong thời gian qua. Theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân chính, là dòng văn học thị trường ở Việt Nam chưa được xem trọng, chưa được coi như một bộ phận quan trọng của nền văn học Việt đương đại.
Ngược lại, Trung Quốc đã bắt đầu những nghiên cứu về mối quan hệ giữa văn học và thị trường từ rất sớm. Ngay từ năm 2000, bài viết của Vương Trí Mẫn Văn học của thời đại thị trường hóa[5] đã chỉ ra sự xuất hiện của chức năng tiêu khiến trong văn học, ảnh hưởng của cơ chế thị trường đến với văn học, việc nhà văn đối diện với sự tuyển chọn và cạnh tranh của thị trường. Tiếp theo đó là các bài viết của Đỗ Tố Quyên (Bẫy thị trường – từ USP (“điểm mua”) của văn học để nhìn về các vấn đề và hoàn cảnh văn học[6]); Hồ Nam, Hạ Oánh, Tiêu Tán Quân (Cạnh tranh và diễn biến của thị trường văn học mạng[7])… nghiên cứu về những ảnh hưởng của yếu tố thị trường đến sáng tác văn học qua việc nhà văn lựa chọn chủ đề hay các thủ pháp nghệ thuật. Ngoài ra, các nhà phê bình Trung Quốc cũng để ý đến văn học thị trường ở nước ngoài qua một số trường hợp như thơ ca của Robert Frost[8] hay văn học Ả Rập[9]… Ở Trung Quốc, từ năm 2010 đến nay, dưới sự chỉ đạo của chính phủ, việc nghiên cứu về thị trường văn học Trung Quốc được thực hiện hết sức bài bản, có hệ thống. Hàng năm, Hiệp hội tác gia Trung Quốc đều có báo cáo thống kê về “Trạng huống phát triển của văn học”, trong đó tổng kết lại khuynh hướng và diễn biến của các lĩnh vực: tiểu thuyết, thơ ca, tản văn, văn học thiếu nhi, lý luận phê bình văn học. Viện nghiên cứu tốc độ Internet của Trung Quốc cũng có báo cáo riêng (theo từng quý) về thị trường văn học mạng với đầy đủ số liệu, bảng biểu về thị trường văn học mạng và phân nhóm phần trăm tỷ lệ người đọc theo nghề nghiệp…
Điểm khác biệt trước hết giữa thị trường văn học Việt Nam và thị trường văn học Trung Quốc đó là sự chênh lệch về số lượng cũng như chất lượng sách văn học thị trường. Số lượng sách văn học thị trường ở Trung Quốc ở dạng “trăm hoa đua nở”, trong khi đó, dòng sách văn học thị trường ở Việt Nam ít hơn hẳn về mặt số lượng. Nếu nói về chất lượng của các cây bút thì văn học thị trường Việt Nam vẫn thiếu hẳn những tác phẩm hay, còn văn học thị trường Trung Quốc đã có thể xuất bản rộng rãi ở nước ngoài với những sáng tác của Vệ Tuệ, An Ni Bảo Bối, Sơn Táp, Trương Duyệt Nhiên, Xuân Thụ… và đạt được sự yêu thích nhất định của độc giả nước ngoài. Khác với quan niệm của Trung Quốc về văn học thị trường, ở Việt Nam, văn học thị trường còn chưa được chính thức xem là dòng văn học hữu cơ, một hướng phát triển của văn học dân tộc.
Bài viết của chúng tôi muốn khái quát những đặc điểm, diện mạo của văn học thị trường Trung Quốc, diễn biến của văn học thị trường Trung Quốc trong giai đoạn 2010 – 2015, từ đó đưa ra một vài suy nghĩ đối với văn học thị trường Việt Nam hiện nay.
Bối cảnh văn học Trung Quốc từ thời kỳ cải cách mở cửa đến đầu thế kỷ XXI
Văn học Trung Quốc thế kỷ XX song hành với lộ trình hiện đại hóa của xã hội Trung Quốc. Trong những giai đoạn khác nhau, nền văn học Trung Quốc hình thành những trung tâm văn học và trào lưu văn học khác nhau. Từ cuối những năm 70 trở lại đây, văn học phát triển với các trào lưu “văn học vết thương”, “văn học phản tư”, “văn học cách mạng”, “văn học tri thanh”, “văn học tầm căn”… Văn học thời kỳ này thực hiện chức năng khai sáng, bài trừ cái cũ, thâu nhận cái mới, về cơ bản đã đạt đến sự phát triển rực rỡ.
Bước vào thập niên 90, xã hội Trung Quốc đã chuyển sang cơ chế thị trường, dẫn đến sự thay đổi về hệ giá trị và sự tái cấu trúc các hình thái ý thức xã hội. Những nguyên tắc lý tưởng truyền thống được thay thế bằng tư duy thị trường, các diễn ngôn đại tự sự nhường chỗ cho tiếng nói của đời sống cá nhân, cá thể. Khái niệm “thị trường văn học” xuất hiện và trở nên phổ biến. Khi văn học được coi là một dạng thị trường, thì sáng tác văn học, đương nhiên, được coi như một thứ “hàng hóa”. Đã nói đến “hàng hóa” thì phải nói đến sự lưu thông hàng hóa, đến mối quan hệ giữa người bán sản phẩm và người mua sản phẩm, quy luật “cung-cầu”, tiêu chí chất lượng của sản phẩm, sự phân loại sản phẩm chất lượng và không chất lượng…
Văn học chuyển từ cục diện đơn nguyên sang đa nguyên: văn học chủ lưu, văn học đại chúng, văn học tinh anh cùng tồn tại. Về phía nhà văn, quan niệm sáng tác, hệ giá trị, mục đích sáng tác cũng thay đổi. Văn học giáo huấn, văn học chỉ đạo không còn được độc giả đón nhận. Dưới tác động của kinh tế thị trường, các cây bút cũng phải điều chỉnh cách viết để kịp thích nghi. Nhà văn hướng đến văn hóa đại chúng, tính dân gian, tính thông tục được tăng cường trong các tác phẩm.
Sự chuyển hóa của văn học đương đại Trung Quốc trước tiên thể hiện trong sự tiêu hủy các trung tâm ngôn ngữ văn học và các quan niệm về giá trị văn học có tính truyền thống. Nền kinh tế thị trường phát triển khiến cho địa vị cao thượng của văn hóa bị dao động, làm lung lay địa vị quyền lực hành chính, tạo nên sự hủy diệt của trung tâm hình thái ý thức, dẫn đến hệ quả là vị trí “thần thánh” của nhà văn dần dần mất đi. Chức năng giáo hóa của văn học mờ nhạt, chức năng tiêu khiển và giải trí được xem trọng. Giả Bình Ao, Vương An Ức, Vương Mông, Vương Sóc, Trương Vĩ… là những tác giả sớm ý thức được sự chuyển biến từ chức năng giáo hóa sang chức năng giải trí của văn học. Thể hiện rõ nhất cho tác động của nền kinh tế thị trường đến văn học là tiểu thuyết Phế đô của Giả Bình Ao. Phế đô trực tiếp khai thác vấn đề tình dục cá nhân và coi nó là điểm để thu hút độc giả. Sự xuất hiện của Phế đô đi kèm với những hoạt động thương mại như xuất bản, quảng cáo, tuyên truyền… và là bước khởi đầu cho sự thay đổi mẫu hình nhà văn, từ tư cách “nhà văn thời bao cấp” sang “nhà văn bán sách”, “nhà văn thị trường”.
Bước sang đầu thế kỷ XXI, với sự phổ cập của Internet và sự phát triển của phương tiện truyền thông, văn học được mở rộng biên độ không gian, nhà văn sáng tác trong một vùng không khí mới của thời đại tiêu dùng. Diện mạo nền văn học có nhiều đổi thay so với trước: số lượng nhà văn tự do, nhà văn nghiệp dư gia tăng, xuất hiện một đội ngũ các nhà văn sáng tác trên mạng. Văn học mạng với tư cách là một hình thái văn học mới ngày càng phát triển và trở thành một nhánh hữu cơ của văn học Trung Quốc đương đại.
Yếu tố thị trường trong tam giác quan hệ: nhà văn – tác phẩm – thị trường văn học
Theo sự diễn hóa của thời đại, thị trường trở thành một yếu tố ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của văn học. Đồng thời, một tam giác quan hệ được hình thành: nhà văn – tác phẩm – thị trường văn học. Thực chất, thị trường không phải là một khái niệm mang tính tiêu cực, nó là một xu thế khách quan của xã hội. Vấn đề ở chỗ, các tác giả đã có những phương thức gì để tiến vào thị trường văn học, hoặc, có những sự “chuẩn bị” để thích ứng như thế nào trong bối cảnh thị trường hóa. Từ góc độ văn hóa kinh tế để xét: “quá trình lưu thông hàng hóa văn học nghệ thuật không chỉ có lưu thông tiền của mà cũng có sản sinh và lưu thông ý nghĩa, sự thích thú và tư cách xã hội, cho nên độc giả (hoặc người cảm thụ) cũng có tiếp nhận được những thứ đó. Họ sẽ chọn lựa loại văn học nghệ thuật nào đó là quan niệm về giá trị văn hóa của họ. Ý nghĩa và sự thú vị của văn học nghệ thuật trong quá trình lưu thông có khi nhiều khi ít, khi mạnh khi yếu, song không phải do lưu thông mà chủ yếu do bản thân nó. Từ góc độ truyền bá mà xét, văn học nghệ thuật là thứ hàng hóa trao đổi càng nhiều thì ảnh hưởng ý nghĩa càng lớn, hiệu ích xã hội càng nhiều, giá trị xã hội càng tăng lên”[10]. Ở thời đại tiêu dùng, khi văn học trở thành hàng hóa, cơ hội trao đổi, lưu thông sản phẩm càng cao, thì nhà văn càng phải suy nghĩ nghiêm túc về giá trị nghệ thuật của tác phẩm và vai trò xã hội của mình, vì hàng hóa chất lượng kém sẽ không thu hút được người tiêu dùng và nhanh chóng bị thị trường đào thải. Ở khía cạnh khác, nhà văn cũng phải xây dựng cho sản phẩm nghệ thuật của mình một “thương hiệu”, với chất lượng đảm bảo để hấp dẫn được nhiều “khách hàng”.
Tuy nhiên, giới phê bình văn học lẫn giới sáng tác Trung Quốc đều hiểu rằng, nếu như không có một phương hướng, một nền tảng lý luận định hướng cho sự phát triển của văn học và thị trường văn học, văn học rất dễ rơi vào “bẫy” thị trường mà không có hướng đi. Đỗ Tố Quyên trong bài viết Bẫy thị trường – từ USP của văn học để nhìn về các vấn đề và hoàn cảnh văn học, đã từ những tri thức lý luận và thực tiễn về thị trường, để nhìn nhà văn với tư cách như một người bán sản phẩm. Vì là người bán sản phẩm nên nhà văn tất yếu phải tìm cách quảng cáo, xác định “Mại điểm” (điểm bán hàng độc nhất) (thuật ngữ tiếng Anh là USP – Unique selling proposition) của mình. Khi sáng tác, nhà văn phải cho độc giả thấy được tác phẩm của anh ta (như một sản phẩm hàng hóa) có gì hay, độc đáo khiến cho độc giả phải mua chúng. Như thế, nhà văn phải tự biết rõ điểm độc đáo của anh ta là gì, đồng thời hiểu được độc giả cần gì.
“Điểm bán hàng độc nhất” của các nhà văn Trung Quốc có thể thấy qua việc nhà văn khai thác tính riêng tư, kích thích sự hiếu kỳ từ phía độc giả. Trong thời đại thông tin phát triển, “tính riêng tư” là một điểm nóng đối với đại chúng. Vì vậy, khai thác “điểm nóng” là một phương thức của nhà văn để tác phẩm có sức hút. Từ lớp nhà văn lớp trước như Giả Bình Ao, Trần Trung Thực, Mạc Ngôn… đến lớp các nhà văn sáng tác tự do như Từ Hàn Đông, Chu Văn, Vệ Tuệ, Châu Khiết Như và Miên Miên… đều chú trọng miêu tả về tình dục, coi tình dục như một “điểm nóng” hấp dẫn đối với độc giả.
Nhà văn nhanh nhạy “hợp tác” với thị trường, giúp cho tác phẩm của họ có thể xuất bản nhanh chóng, nhưng đồng thời, thị trường cũng quay lại “lợi dụng” điểm này ở nhà văn. Thị trường hiểu rằng, “tính riêng tư” của nhà văn, đề tài tình dục trong sáng tác, cho đến phong cách lập dị của mẫu nhà văn sáng tác tự do, đều trở thành một thứ “tài nguyên” để thị trường khai thác.
So với văn học niên đại 80, văn học Trung Quốc những năm 90 có những sự biến đổi mới. Mô hình nhà xuất bản tư nhân, các hiệu sách tư (được coi như là “kênh thứ hai” sau các nhà xuất bản quốc doanh) phát triển, kiểu nhà văn sáng tác tự do xuất hiện, tác phẩm văn học với các thể loại phong phú được xuất bản với số lượng lớn. Chính điều này đã tác động ngược lại đối với thị trường, góp phần giúp thị trường trở nên sôi động hơn. Đồng thời, sự phát triển của kinh tế thị trường cũng kích thích sự tiêu phí của sản phẩm tinh thần, phát triển các ngành nghề quảng cáo, báo chí, tạo cơ hội cho các tác giả và ngành xuất bản tự quảng cáo sản phẩm của mình.
Khẩu vị của người đọc
Dưới sự tác động của thị trường, văn học Trung Quốc thập niên 90 đã phát sinh những thay đổi lớn. Thể hiện rõ nhất của sự thay đổi này là khuynh hướng thế tục hóa trong văn học[11].
Văn học Trung Quốc trước đây dưới ảnh hưởng của hệ tư tưởng Nho giáo, hết sức xem trọng chức năng giáo hóa. Tuy nhiên, cho đến thập niên 90, cảm hứng về cái vĩ đại, cao cả nhạt dần, khía cạnh đời tư, cá nhân được đề cao, tính giải trí của văn học được xem trọng. Thể loại tản văn, với đặc trưng là tính trữ tình, tính tự do phóng khoáng, ngôn ngữ tự nhiên tươi mới, hình thức linh hoạt… trở nên hấp dẫn bạn đọc. Tiêu biểu phải kể đến tản văn của Chu Tác Nhân, Lâm Ngữ Đường, Lương Thực Thu, Từ Chí Ma… tiếp đó là Quý Tiễn Lâm, Kim Khắc Mộc, Trương Trung Hành, Tô Hiệp, Tư Hảo, Diệp Mộng, Đường Mẫn… và sau này là Hoàng Nhân, Tố Tố, Hoàng Ái Đông Tây…Vào thời điểm ra đời, tản văn của các tác giả trên như cánh cửa mở ra cho độc giả một thế giới mới bên ngoài thế giới cũ mà văn học chủ lưu mang lại, trở thành một “sản phẩm văn hóa” được lưu hành và chào đón trên thị trường. Những tác phẩm của họ mặc dù chưa có giá trị nghệ thuật cao, nhưng ít nhất đã đáp ứng được thị hiếu của bạn đọc trong thời buổi công nghiệp hóa đô thị.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, thị trường tuy cởi mở, nhưng tính sàng lọc của thị trường cũng rất tàn khốc. Bối cảnh thị trường hóa đặt ra thách thức lớn đối với nhà văn: vừa phải đáp ứng thị hiếu của độc giả, vừa tạo ra những sản phẩm có chất lượng lâu dài. Về vấn đề này, nhà văn Trần Trung Thực có một nhận định đáng chú ý khi ông đề cập đến “Khả độc tính” (可读性, thuật ngữ tiếng Anh: readability – tạm dịch: “tính có thể đọc của văn bản”). Tác giả Bạch lộc nguyên cho rằng, nhà văn cần điều chỉnh văn phong của mình cho phù hợp trình độ đọc của độc giả mình hướng đến, đồng thời, tác phẩm của nhà văn cũng phải có giá trị nghệ thuật lớn. Khả năng đọc của người đọc có tác động đến sự sáng tác của nhà văn và tính chất của thị trường văn học. Bởi một khi người đọc trở thành người mua, tác phẩm văn học trở thành sản phẩm, thì sự lựa chọn của người mua, thị hiếu của người mua, liền trở thành một nhân tố hàng đầu.
Để “phục vụ” và thích ứng với nhu cầu của người đọc, các tác giả tiểu thuyết Trung Quốc thập niên 90 đã sử dụng một số phương thức sáng tác chủ yếu: cường điệu hóa tình tiết của tác phẩm, sử dụng hình thức tương phản, tự sự đa tuyến, gia tăng tính huyền tưởng, triết lý và dư tình. Tiêu biểu có thể kể đến Một nửa đàn ông là đàn bà và Thói quen chết của Trương Hiền Lượng, Chuyện tình thành nhỏ, Thế kỷ trên đồi của Vương An Ức, Bạch Lộc nguyên của Trần Trung Thực, Lang viên của Triệu Mẫn, Phế đô của Giả Bình Ao, Cửa hoa hồng và Thành phố không mưa của Thiết Ngưng, Tuyết thành và Thành phố trôi dạt của Lương Hiểu Thanh, Người bạn ẩn hình và Chuyện tình ở hàng lang tranh của Trương Kháng Kháng…
Hội thảo học thuật “Nghiên cứu về Văn học Trung Quốc đương đại lần thứ 19” tổ chức tại Sơn Tây, Trung Quốc, 2016
Diễn biến của văn học thị trường giai đoạn 2010 – 2015
– Văn học mạng phát triển là một xu hướng nổi trội
Năm năm vừa qua, Hội nhà văn Trung Quốc thúc đẩy việc phát triển văn học mạng; đồng thời tăng cường mối liên kết, giao lưu giữa các tác giả văn học mạng với các tác giả thế hệ trước và các tác giả sáng tác theo lối truyền thống, nhằm tạo nên một mạng lưới văn học quốc gia. Một loạt những sự kiện lớn đã được diễn ra như: năm 2013, như Hội Nhà văn tỉnh Quảng Đông, Hội Liên hiệp Văn học tổ chức hội thảo “Phân tích và nghiên cứu mạng lưới các sáng tác văn học”; năm 2011, Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc tổ chức “Giao lưu giữa các tác giả văn học mạng với các tác giả truyền thống”; Viện Văn học Lỗ Tấn đã thiết lập một chuyên ban tác giả văn học mạng; dưới sự ủng hộ của Hội Nhà văn Trung Quốc, “Văn học mạng Trung Quốc” (“Trung văn tại tuyến”) được thành lập tại các trường Đại học Trung Quốc; năm 2010, giải thưởng văn học Lỗ Tấn do Hội Nhà văn Trung Quốc tổ chức được cải cách, mở rộng ra diện bình xét đối với cả văn học mạng và các tiểu thuyết nhỏ (“tiểu tiểu thuyết”); một loạt các tỉnh như Triết Giang, Thượng Hải, Sơn Đông và một số nơi khác tổ chức các cuộc thi văn học mạng, thiết lập các hoạt động nghiên cứu văn học mạng… Những hoạt động trên cho thấy văn học mạng Trung Quốc được coi là một thành phần quan trọng và ngày càng phát triển trong nền văn học Trung Quốc đương đại.
– Lĩnh vực tiểu thuyết
Tiểu thuyết giai đoạn 2010-2015 đã nhanh chóng thích ứng và hòa hợp với thị trường và vẫn chiếm vị thế chủ đạo. Lực lượng sáng tác phong phú, đa dạng hơn, số lượng các nhà văn nghiệp dư, nhà văn sáng tác tự do, nhà văn sáng tác trên mạng gia tăng và trở thành một đội ngũ sáng tác quan trọng. Ranh giới phân biệt giữa văn học tinh anh và văn học đại chúng mờ nhạt đi. Bắt đầu có sự gắn kết giữa các nhà văn sáng tác theo lối truyền thống và các nhà văn mạng.
Nhiều nhà văn chú ý miêu tả quá trình phát triển của dân tộc ở quá khứ và hiện tại, số phận của nhân dân trong sự đổi thay của thời đại. Chẳng hạn, Giả Bình Ao trong Đèn treo dùng bút pháp tương phản thực – hư để miêu tả hiện thực xã hội; Đêm sách của Hàn Thiếu Công phản ánh đời sống tinh thần của thời đại “tri thanh”, Vương Mông trong Phong cảnh nơi đây viết về cuộc sống sinh hoạt của nhân dân các dân tộc ở Tân Cương trong Cách mạng Văn hóa; Nhân loại học của Khang Hách lại tái hiện ký ức về Bắc Kinh của những năm 90, ghi chép lại một cách tinh tế đời sống của thời đại… Ngoài ra còn có Lâm Bạch với Bắc khứ lai từ, Hạng Tiểu Mễ với Ký ức hồng hoang, Vương Hoa với Giữa hè, Hồng Kha với Cơn bão Krafla, Tu Nhất Qua với Khẩu trang trắng… từ những góc độ khác nhau để miêu tả sự vận động của xã hội Trung Quốc trong các giai đoạn lịch sử.
Một số tiểu thuyết chú trọng khai thác tính phức tạp trong mối quan hệ nhân sinh và những “điểm nóng” của xã hội hiện tại, như: Đào yêu của Trương Giả viết về sự đấu tranh của tầng lớp trí thức trung niên; Đông Tây với Đoạt mệnh phản ánh quá trình người nông dân tiến ra thị thành; Tu Nhất Qua trong Biệt nhân đề cập đến vấn đề trị bệnh, an toàn thức phẩm đang là điểm nóng trong xã hội; Một doanh trại của Đào Thuần viết về những người quân nhân chống lại những hủ bại. Ngoài ra, Trần Ngạn (Trang đài), Trương Linh Tại (Câu chuyện thời gian), Vương Khải (Sa mạc Gobi), Hoàng Quốc Vinh (Cực địa thiên sử), Trình Thanh (Tiếng vọng)… với những phong cách đa dạng miêu tả nhiều phương diện phong phú, phức tạp của đời sống con người.
Tình yêu vẫn là một chủ đề vĩnh hằng của các sáng tác văn học, chẳng hạn: Hoa lạ hoa lạ chốn chốn xót thương (Vương Mông), Ba con côn trùng thảo mộc và Vòng tròn nấm (A Lai), Mai Tử và Kháp Khả Bái (Đổng Lập Bột), Viên ngọc lung linh (Trương Sách), Đường sống (Tiêu Kiến Quốc), Dương xỉ xanh mướt (Vương Dược Văn), Hai mươi ba Tây Bắc Thiên Bắc (Lâm Bạch); Chim ưng (Lão Đằng), Chuông gió (Vưu Phượng Vĩ), Hòn đảo cô độc (Triết Quý), Bươm bướm mười hai giờ đêm (Hồ Học Văn)…
Do truyền thông phát triển, tiểu thuyết mở rộng không gian sáng tác hơn so với trước kia, những tác phẩm mạng có cơ hội xuất bản. Trong đó, huyền ảo, thần tiên và đô thị là những khuynh hướng sáng tác chủ yếu của tiểu thuyết mạng. Nhiều tác phẩm văn học mạng được cải biên thành tác phẩm điện ảnh và được đông đảo tầng lớp thanh niên yêu thích, tiêu biểu như: Lãnh chủ Tuyết Ưng, Vương triều kiếm, Vu thần kỷ, Thiên khải chi môn, Hoàng kim ngư trường, Kim Lăng thập tam thoa, Ái tình Duyên An, Huyền nhai, Cung, Thời đại khỏa thân kết hôn, Bộ bộ kinh tâm, Khuynh thế hoàng phi…
Tuy số lượng phong phú, đề tài đa dạng, nhưng tiểu thuyết giai đoạn này vẫn thiếu những tác phẩm lớn có chiều sâu văn hóa, có tác động mạnh đến xã hội. Những tiểu thuyết của các tác giả trẻ, tiểu thuyết mạng nói chung vẫn còn thiếu trọng lượng, mờ nhạt, một chiều…
– Lĩnh vực thơ ca
Tiếp nối truyền thống của thơ ca thập niên 90, sáng tác thơ ca và phê bình thơ ca trở nên sôi động hơn. Số lượng các tập thơ được xuất bản tăng mạnh. Xuất hiện các gương mặt thi ca khác nhau, các phong cách thơ khác nhau như Trần Siêu (Lệ chảy không ngừng), Thang Dưỡng Tông (Thoát khỏi nhân gian), Tang Lệ (Kỵ sĩ và sữa đậu), Hầu Mã (Hầu Mã thi tuyển), Dương Khắc (Thơ của Dương Khắc), Lôi Bình Dương (Thời gian ở thượng giới), Tưởng Nhất Đàm (Tiệt cú), Lộ Dã (Thư từ trong núi), Vũ Hướng (Nữ vu sư), Dư Tú Hoa (Ánh trăng rơi trên cánh tay trái), Hứa Lập Chí (Ngày mới), Lưu Niên (Vì sao sinh mệnh thê lương như nước), Vương Đan Đan (Sơn cương thi thảo), Trương Định Hạo (Tôi thích tính tương đối của sự vật).
Đồng thời, sự truy cầu tình yêu và cái đẹp vẫn là chủ đề vĩnh hằng của thơ ca. Tiêu biểu có các tập thơ của Lý Anh (Thơ trữ tình của tình yêu), Vương Gia Tân (Bắc Âu thi trát), Âu Dương Giang (Thái Cơ Lăng chi lệ), Ngưu Hán (Nụ hoa và con đom đóm), Lý Anh (Thơ trữ tình của tình yêu), Trương Tảo (Đối ảnh)…
Phương thức truyền thông của thơ ca có sự biến đổi lớn. Nơi chủ yếu chuyển tải các tác phẩm thơ là Tạp chí thơ và các website. Nhờ sự phát triển của truyền thông, thơ ca được đưa đến với bạn đọc một cách tự nhiên và thường xuyên. Đài phát thanh và truyền hình thường xuyên có hoạt động đọc thơ và giới thiệu, quảng bá cho các nhà thơ, các tác phẩm, sự kiện xuất bản thơ. Những chương trình như “Vì bạn đọc thơ”, “Đọc thơ trước giờ đi ngủ”, “Tạp chí thơ”, “Thơ thử nghiệm”, “Thơ ca đến bảo tàng mỹ thuật” “Thơ điện ảnh/điện ảnh thơ Trung Quốc”… trở nên quen thuộc với công chúng. Trong bối cảnh thời đại kỹ thuật số, văn hóa đọc cũng được “kỹ thuật số hóa”, bằng cách ứng dụng các phương tiện kỹ thuật số như điện thoại, smart phone, APP, máy đọc sách, thiết bị điện tử. Từ đó, các sáng tác thơ ca, việc đọc tác phẩm hay sự phê bình đối với tác phẩm thơ, đều được tương tác hàng ngày, được thường nhật hóa, đại chúng hóa. Sáng tác thơ trở thành một dạng “hành vi thời thượng”, bởi tác phẩm viết ra có thể được nhanh chóng phổ biến, bất cứ ai cũng có thể tham gia sáng tác và tìm cho mình một lượng độc giả nhất định.
Những tranh luận xung quanh vấn đề thị trường văn học Trung Quốc
Đối diện với hiện tượng thị trường hóa văn học, có hai xu hướng khác nhau từ các nhà phê bình:
1. Xu hướng bày tỏ thái độ quan ngại đối với hiện trạng thị trường văn học, đầu tiên là Trương Di Vũ, Vương Ninh, Đới Cẩm Hoa, Trung Sơn… tiếp đó là Vương Hiểu Minh, Trần Tư, Hàn Thiếu Công, Tiêu Ưng, Lý Nhuệ… Họ phê phán sự thương mại hóa sáng tác, sự còi cọc của đời sống tinh thần trong bối cảnh thị trường, chủ nghĩa tôn sùng đồng tiền, từ đó đặt ra vấn đề về trách nhiệm và chất lượng của người trí thức. Các tác giả trên cho rằng, trước bối cảnh thị trường hóa, sự chạy theo thị trường của nhà văn khiến cho văn học Trung Quốc thực sự đang đứng trước nguy cơ suy yếu về mặt chất lượng: “Ngày nay, nguy cơ của văn học vô cùng rõ rệt, những tạp chí văn học đồng loạt chuyển hướng, chất lượng của sáng tác đi xuống, ít có các độc giả có trình độ thưởng lãm cao” (“Đống đổ nát trên một vùng hoang tàn – nguy cơ của văn học và tinh thần nhân văn”[12]). Cho đến năm 2009, Wolfgang Kubin, nhà Hán học người Đức, đã làm giới văn học Trung Quốc xôn xao với những nhận định, phê phán của mình đối với văn học Trung Quốc đương đại. Ông cho rằng, tác phẩm Totem Sói: “là chủ nghĩa phát xít, cuốn sách này đã khiến Trung Quốc mất mặt”[13], và sáng tác của những nhà văn nữ như Vệ Tuệ, Hồng Ảnh, Miên Miên “không phải là văn học mà là những thứ rác rưởi”[14]. Tiêu Ưng[15], đối lập với xu hướng thứ hai (đại biểu là Trần Hiểu Minh), cho rằng văn học Trung Quốc “đang rơi xuống vực sâu không nên có”[16], tính thương mại hóa trong văn học làm suy giảm chất lượng tác phẩm cũng như đạo đức nghề nghiệp của các nhà văn, rất hiếm nhà văn có ý thức đến trách nhiệm xã hội của mình, đồng thời văn học cũng phải đối diện với nguy cơ bị các loại hình giải trí khác áp đảo.
2. Xu hướng thứ hai là ca ngợi nền văn học Trung Quốc đương đại, hoặc cổ súy cho tính đại chúng hóa trong văn học. Vương Mông và Vương Sóc – được coi là người tiên phong trong việc thương mại hóa sáng tác. Tác phẩm của họ thể hiện tính thị dân hóa, thương mại hóa, sự phủ định hoặc coi thường đối với các lý tưởng tinh thần, sự chế nhạo đối với tầng lớp trí thức, ca ngợi chủ nghĩa hư vô… vì thế nhận được không ít những ý kiến phê phán từ giới phê bình Trung Quốc như Thiều Yên Tường, Lưu Tâm Vũ, Bạch Diệp, Tiền Cánh…
Năm 2009, đối lập với quan điểm của Wolfgang Kubin, Trần Hiểu Minh[17] cho rằng, “văn học Trung Quốc đạt đến đỉnh cao chưa từng có”[18], theo ông, những sáng tác của Mạc Ngôn, Diêm Liên Khoa, Lưu Chấn Vân, Giả Bình Ao là minh chứng rõ nhất cho “tầm cao của văn học” thời đại này. Tuy nhiên, lập luận của Trần Hiểu Minh không đủ sức thuyết phục và tạo niềm tin trong giới học thuật về sự phát triển của văn học Trung Quốc đương đại.
Dù đứng ở góc độ nào, giới phê bình văn học Trung Quốc đều thống nhất rằng cục diện đa nguyên, “trăm nhà đua tiếng” của văn học Trung Quốc hiện nay vẫn có yếu tố tích cực nhất định, văn học mạng và sáng tác của các nhà văn tự do là một phần hữu cơ thuộc nền văn học Trung Quốc, và những tranh luận là hữu ích, cần thiết cho sự phát triển của một nền văn học.
Tựu trung lại, chúng tôi cho rằng, thị trường văn học Trung Quốc trong vòng 10 năm, nhất là giai đoạn 5 năm trở lại đây (2010-2015), có những đặc điểm như sau:
Cơ chế thị trường đã khai sinh hình thái văn học mới: văn học đại chúng, văn học thời đại tiêu dùng; tác động và làm thay đổi những yếu tố như chủ thể sáng tạo, chủ thể tiếp nhận và tiêu thụ văn hóa. Văn học được “cởi trói” khỏi những khuôn khổ giáo điều trước đây, dần dần được chính trị nới lỏng, đồng thời xóa bỏ những vùng cấm, mở rộng biên độ sáng tác, chuyển dịch từ chức năng giáo hóa sang chức năng giải trí. Ranh giới giữa văn học tinh anh và văn học đại chúng trở nên mờ nhạt. Những “grand narative” (đại luận thuyết) với tư cách là “chân lý khách quan” dần dần được thay thế bởi những “petit narative” (tiểu tự sự) của giới bình dân và các nhóm thiểu số.
Từ góc độ xã hội học văn hóa có thể thấy, truyền thông và mạng Internet đã khai sinh một cách sáng tác và tiếp cận tác phẩm mới. Tác giả có thể thông qua Internet để đưa tác phẩm đến thẳng với bạn đọc mà không cần phải qua bất kỳ một trung gian nào (như giới thiệu, xuất bản, phê bình…). Sáng tác, thực chất là một quá trình cá nhân hoá (individualization). Thông qua mạng xã hội, tác giả có điều kiện kết nối với những cá nhân khác tạo nên những “cộng đồng văn bản”, mỗi cá nhân có thể ghi dấu bản sắc trong những diễn ngôn tự tạo, những nhóm thiểu số hay “kẻ bên lề” cũng được trao quyền tiếng nói.
Về phía nhà văn: hệ giá trị, mục đích sáng tác, phương thức sáng tác có sự điều chỉnh để thích nghi với xu hướng thương mại hóa, phát huy sự tự do nhận thức và dân chủ trong sáng tác; các phương diện của tác phẩm như đề tài, chủ đề, cảm hứng, tính chất thể loại và cách thức biểu đạt, hình thức lưu hành… cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với nhu cầu thị trường. Về phía người đọc cũng có sự thay đổi lớn trong thị hiếu thẩm mỹ và nhu cầu văn hóa. Nhà văn nhanh chóng hòa nhập với thị trường, kết nối với truyền thông, quảng bá, quan tâm đến việc PR thu hút khách hàng và lợi nhuận kinh tế.
Xu hướng thị trường hóa đã tạo nên chuỗi “kích thích – phản ứng” (stimulus – response) trên văn đàn, dẫn đến những tranh luận với quy mô lớn nhỏ, những cuộc đối thoại phê bình, sự lựa chọn tiêu chuẩn giá trị của nhà văn. Khi làn sóng thị trường hóa dâng cao, tính chủ thể độc lập của nhà văn được tăng cường, cung cấp cho nhà văn một không gian viết rộng rãi hơn, phát sinh ra các dạng phân hóa, đa cực, đa nguyên trong sáng tác, khiến văn học đương đại Trung Quốc trở nên sống động.
Xuất hiện không gian sáng tác văn học mạng, mở rộng biên độ không gian văn học cho nhà văn và độc giả. Dù có những ý kiến tranh luận về giá trị thực sự của các tác phẩm văn học mạng, nhưng hầu hết, các nhà phê bình đều coi văn học mạng đã trở thành một nhánh hữu cơ hòa nhập vào dòng chảy của văn học Trung Quốc đương đại. Chính phủ Trung Quốc ủng hộ sự phát triển của văn học mạng, quảng bá văn học mạng Trung Quốc ra thế giới, thu hút sự chú ý của các độc giả nước ngoài, nhằm mang lại lợi nhuận cho nền kinh tế Trung Quốc.
Trong sự vận động của nền kinh tế thị trường, văn học đã chuyển hóa sang một cơ chế mới, chức năng mới tương ứng với quy luật “cung – cầu” của thời đại tiêu dùng. Sự thay đổi của văn học là tất yếu; tâm lý xã hội thay đổi cũng là tất yếu. Vấn đề đặt ra ở đây là, sự thay đổi này đồng thời mang lại rất nhiều yếu tố tiêu cực đáng lo ngại. Liệu khi văn học được coi là sản phẩm hàng hóa, thì chất lượng của tác phẩm cũng như ý thức nghề nghiệp của nhà văn có được đảm bảo?
Thị trường văn học Trung Quốc những năm vừa qua tuy rất sôi động, nhưng vẫn bị xem là thiếu vắng những đỉnh cao. Kể cả những nhà văn tên tuổi như Mạc Ngôn, Lưu Chấn Vân, Diêm Liên Khoa hay Giả Bình Ao, cũng vẫn bị hoài nghi về chất lượng sản phẩm và độ bền thời gian.
Nhiều nhà phê bình Trung Quốc chỉ ra rằng, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, văn học rất dễ rơi vào “bẫy thị trường” mà không có hướng đi. Trong thời đại tiêu dùng, hệ giá trị thẩm mỹ, đạo đức truyền thống bị phá vỡ, văn học từ địa vị cao cả bị đẩy sang vai trò của một kẻ bên lề, xu hướng đại chúng hóa trong văn học kéo theo xu hướng dung tục hóa. Văn học nằm trong vòng xoáy của thị trường, đồng thời cũng bị thị trường lợi dụng. Tác phẩm của nhà văn thiếu tính lý tưởng, tinh thần yếu ớt, trống rỗng; Nhiều nhà văn sẵn sàng chiều theo thị hiếu dễ dãi của bạn đọc, “gặm nhấm cái vốn hữu hạn của nội tâm để sáng tác” (Tiêu Ưng)[19], hoặc lấy việc khai thác thân thể, tình dục làm chiêu bài. Nhà văn dễ dàng vì lợi ích kinh tế mà chấp nhận thay đổi tiêu chuẩn giá trị của tác phẩm.
Những vấn đề đặt ra với thị trường văn học Trung Quốc cũng là những vấn đề cần suy ngẫm và tìm phương hướng đối với thị trường văn học Việt Nam hiện nay. Trong thời đại tiêu dùng, do phải cạnh tranh với những loại hình giải trí khác, văn học thị trường ở Việt Nam cũng đã tận dụng những hình thức tiếp thị như quảng cáo, minh họa trang bìa hấp dẫn, khai thác các chủ đề tính dục, tình cảm…nhằm thu hút độc giả. Nhiều nhà văn và nhà xuất bản xem việc bán được sách hay không, có lợi nhuận hay thua lỗ, phù hợp hay không phù hợp với thị hiếu khách hàng mới là trọng tâm. Khi đó, giá trị tư tưởng, nghệ thuật bị suy giảm đi là điều đương nhiên. Trên thực tế, sách văn học kinh điển của thế giới trên thị trường Việt Nam tiêu thụ ít hơn, chậm hơn nhiều so với loại cuốn sách ngôn tình chạy theo thị hiếu, mang tính thương mại. Người đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ tìm đến văn học chủ yếu với mục đích giải trí, họ ngại tiếp cận những tác phẩm nghệ thuật có chiều sâu, phải bỏ công suy ngẫm, tìm tòi. Đáng lo ngại rằng, các tác phẩm văn học mang tính thời vụ dễ dãi khi lấn át văn học tinh anh, văn học đặc tuyển trên thị trường, lâu dần sẽ khiến các giá trị tinh hoa bị gạt sang lề, bị quên lãng, thờ ơ. Nếu không có sự điều chỉnh, sẽ dần dần hình thành một nền văn học què quặt, trống rỗng, một thế hệ độc giả có quan niệm thẩm mỹ và đạo đức hời hợt.
Nói riêng về văn học mạng, văn học mạng ở Việt Nam vẫn chưa phát triển đến độ có thể trở thành một dòng riêng trong nền văn học Việt Nam đương đại. So với văn học mạng Trung Quốc, văn học mạng ở Việt Nam vẫn còn thua kém về mặt chất lượng và số lượng. Do đó, nó vẫn chưa thực sự được các cấp quản lý văn hóa và giới nghiên cứu phê bình chú ý. Tuy nhiên, trong một tương lai không xa, với sự phát triển của truyền thông và mạng xã hội, văn học mạng Việt Nam sẽ có một không gian thuận lợi để phát triển. Vấn đề nằm ở chỗ, các nhà văn có ý thức được việc phải bồi dưỡng vốn văn hóa, tri thức để cho ra đời những tác phẩm có chiều sâu và có sức sống dài hơi hay không? Làm thế nào để nền văn học vẫn tiếp tục “luật chơi” mà không bị rơi vào “bẫy thị trường” để trở nên loay hoay, bế tắc?
Nhìn chung, văn học thị trường có vai trò như một “hàn thử biểu” để đánh giá đặc điểm xã hội, trình độ văn hóa, tâm lý, thị hiếu, tiêu chuẩn giá trị của con người thời đại tiêu dùng. Từ thị trường văn học, chúng ta có thể nhận diện về khuynh hướng tiêu thụ sản phẩm của con người trong tương lai. Trong một không gian ngày càng mở như hiện nay, văn học được đặt trước rất nhiều khả năng và thách thức, mà để giải quyết nó, điều đầu tiên vẫn là dựa trên nội tại, nội lực của nền văn học. Chúng ta có quyền hy vọng vào sự “vượt thoát” khỏi những giới hạn của các tác phẩm văn học lớn trong tương lai, nhưng cần cũng phải tỉnh táo để có những giải pháp cần thiết cho nền văn học trong hiện tại.
Nguyễn Thị Thúy Hạnh
Nguồn vandoanviet.blogspot.com
[1] Võ Văn Nhơn, Nguyễn Thị Phương Thúy, Tham luận: Văn học thị trường ở thành phố Hồ Chí Minh, Hội thảo khoa học quốc gia “Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ Đổi mới – Thực trạng và triển vọng”, Viện Văn học – Viện Hàn lâm KHXHVN tổ chức, 5/2015.
[2] Nguyễn Phượng, Văn học và nền kinh tế thị trường trong mười năm cuối thế kỷ…, nguồn: http://vietvan.vn/vi/bvct/id82/Van-hoc-va-nen-kinh-te-thi-truong-trong-muoi-nam-cuoi-the-ky%E2%80%A6/
[3] Nguyễn Thanh Tâm, Văn học Việt Nam đương đại, sản phẩm văn hóa trong nền kinh tế thị trường, nguồn: http://vannghequandoi.com.vn/Binh-luan-van-nghe/van-hoc-viet-nam-duong-dai-san-pham-van-hoa-trong-nen-kinh-te-thi-truong-7377.html
[4] Lê Thị Bích Hồng, Văn học Việt Nam đổi mới trong cơ chế thị trường, http://vanvn.net/thoi-su-van-hoc-nghe-thuat/van-hoc-viet-nam-doi-moi-trong-co-che-thi-truong/456
[5] Vương Trí Mẫn, Văn học của thời đại thị trường hóa, tạp chí Khoa học, Học viện học báo tỉnh Triết Giang, 1/2001 (tiếng Trung).
[6] Đỗ Tố Quyên, Bẫy thị trường – từ USP của văn học để nhìn về các vấn đề và hoàn cảnh văn học, Văn đàn đương đại, 2/2001 (tiếng Trung).
[7] Hồ Nam, Hạ Oánh, Tiêu Tán Quân, Cạnh tranh và diễn biến của thị trường văn học mạng, Tạp chí Truyền thông quảng bá, 9/2015 (tiếng Trung).
[8] Hà Khánh Cơ, Tính hỗn tạp của văn học thị trường, chủ nghĩa thương nghiệp và (ảnh hưởng của nó đến) thơ ca của Robert Frost, Tạp chí Nghiên cứu văn học nước ngoài, 6/2008 (tiếng Trung).
[9] Kim Trung Kiệt, Văn học thị trường EU và lịch sử văn hiến trong văn học Ả Rập, Tạp chí Ngữ văn, 8/2007 (tiếng Trung).
[10] Tưởng Thuật Trác, Văn học trong thời đại tiêu dùng, Phạm Thị Hảo dịch, Tạp chí Sông Hương, số 227, 1/2008 (tiếng Trung).
[11] Vương Trí Mẫn, Tlđd.
[12]Vương Hiểu Minh, Trương Hoành, Từ Lân, Trương Nịnh, Thôi Nghi Minh, Đống đổ nát trên một vùng hoang tàn – nguy cơ của văn học và tinh thần nhân văn, Thượng Hải văn học, 6/1993 (tiếng Trung).
[13]Trần Quỳnh Hương, Một số tranh luận về văn học đương đại Trung Quốc, nguồn: http://vienvanhoc.vass.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/VanHocNuocNgoai/View_Detail.aspx?ItemID=52.
[14] Trần Quỳnh Hương, Tlđd.
[15] Tiêu Ưng (1962 – ): Giáo sư Triết học, Trường Đại học Thanh Hoa.
[16] Trần Quỳnh Hương, Tlđd.
[17] Trần Hiểu Minh (1959 – ): Giáo sư Đại học Bắc Kinh.
[18] Trần Quỳnh Hương, Tlđd.
[19] Trần Quỳnh Hương, Tlđd.